Vài nét về tác giả:
Tác giả Nông Quang Khiêm, dân tộc Tày, sinh năm 1984, quê tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, và Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái. Hiện anh đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Yên Bái.
Các tác phẩm đã xuất bản:
– Rừng Pha Mơ yêu dấu – Tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2007
– Cánh diều tuổi thơ – Tập thơ thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2012
– Những ánh sao xanh – Tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2013
– Trên đỉnh La Pán Tẩn – Tập bút ký, NXB Quân đội Nhân dân, 2015
– Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải – Tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2017
– Giọt núi – Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2018
– Hun hút đường quê – Tập truyện ngắn, NXB Quân đội Nhân dân, 2020
– Cây cỏ và hoa – Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021
– Gió mây vần vũ – Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2023.
– Rễ người – Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2024.
Tác giả đã đoạt 32 giải thưởng về văn học gồm:
– Giải B Giải thưởng VHNT của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2017.
– Giải B Giải thưởng VHNT của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam các năm: 2017, 2018, 2020, 2021.
– Giải B giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái các năm: 2007, 2013, 2017, 2018, 2020.
– Giải B giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí trung ương giai đoạn 2021 – 2023 chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức… và các giải thưởng khác…
Khen thưởng về hoạt động văn học nghệ thuật:
– Bằng khen của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2008.
– Bằng khen của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam các năm: 2015, 2020.
– Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái các năm: 2015, 2017, 2018.
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống xin giới thiệu với bạn đọc một truyện ngắn của Nông Quang Khiêm.
Hun hút đường quê
Tôi lùa dê lên đồi, ngọn đồi bung nở đầy hoa chó đẻ, ngai ngái thơm. Bầy dê nhảy lên những bụi hoa, níu dây leo ăn thích thú, hoa rơi lả tả, trắng cả ngọn đồi. Tôi lang thang, nhìn cái màu hoa bạc trắng pha tím nhạt ấy sao mà buồn. Nắng chiều loang thung mây, chênh chếch đổ dài bóng mẹ xới cỏ phía đồi ngô bên kia. Dáng mẹ gầy, vương đầy tro nương, càng nhìn càng thấy buồn đến nhức nhối. Mười chín tuổi, tôi vẫn là thằng chăn dê, chưa làm được trò trống gì.
Suy nghĩ vẩn vơ, bầy dê đã dẫn nhau đi từ lúc nào, tiếng chuông lanh canh mất hút phía Pù Làu, tôi mới vội vã đi tìm. Đàn dê của tôi ăn cùng đàn dê lạ do một cô gái chăn. Cô gái lùa dê xuống núi, vờ như không nhìn thấy tôi. Nhưng oái oăm thay, con dê đực nhà tôi cứ xoắn lấy con dê cái của cô gái, không chịu về đàn. Cô gái bực mình lấy roi quất lia lịa vào hai con dê. Tôi ngây người nhìn cô gái. Cô chắc độ mười bảy, mười tám tuổi gì đó, thật xinh. Tôi buột miệng: “Dê nhà tao yêu dê nhà mày đấy!”. “Ai cho yêu mà yêu. Yêu này!… Chết đi!… Chết đi!…”. Cô gái vung roi quất mạnh hơn, càng quất hai con dê càng xoắn lấy nhau. Bất lực, cô gái gục mặt vào bụi chó đẻ bật khóc. Lần đầu tiên tôi quen Sa như thế.
Những ngày sau đó, hai đàn dê thường ăn ở Pù Làu. Một tuần, một tháng, tôi mon men bắt chuyện và thân nhau với Sa. Bầy dê mải miết tìm ăn. Tôi và Sa lang thang trên đồi hoa chó đẻ, nói đủ thứ chuyện không đầu không cuối. Mỗi khi đàn dê có ý định ăn ở chỗ khác, liền bị tôi lùa đến Pù Làu. Có hôm Sa hỏi: “Mọi người bảo anh học giỏi nhất bản Căng phải không?”. “Ừ!”. “Thế sao lại đi chăn dê?”. “Tao thích chăn dê”. Tôi vẫn quen xưng tao, gọi mày, xưng anh cứ thấy ngường ngượng thế nào ấy. “Còn mày?”- Tôi hỏi. “Bố em bảo con gái là con người ta, học hết lớp mười hai là đủ, ở nhà rồi lấy chồng. Chán quá, học dở lớp mười một em bỏ luôn”. Tự nhiên Sa ngồi sát lại bên tôi. Tôi và Sa lặng im, nhìn mãi vào những cánh hoa chó đẻ.
Anh trai tôi lấy vợ, một cô gái hiền lành, chăm chỉ trong bản. Bao nhiêu gia sản dồn hết cho đám cưới. Nhà tôi đã nghèo lại càng túng bấn hơn. Mấy hôm mẹ tôi ốm, như tàu lá chuối khô héo rũ trong buồng. Mẹ gọi tôi lại, nặng nhọc nói sau những cơn ho: “Sắp đến ngày thi Đại học rồi đấy!”. “Con ở nhà chăn dê thôi mẹ ơi!…”. Tôi nắm chặt bàn tay xương gầy của mẹ. Anh trai vỗ vai tôi bảo: “Đi mà rửa cái nhục của nhà này em ạ…”. Rửa cái nhục! Học để cái nhà này ngóc đầu lên với thiên hạ, để người ta không coi khinh nhà tôi nữa. Thực sự ước mơ đi học Đại học chưa bao giờ thôi cháy trong tôi. Bố tôi nát rượu, người trong bản gọi bằng cái tên đầy mỉa mai: “Pú è!”(1). Mẹ tôi thành “bà nải”(2) khi bố tôi say rượu ngã xuống cống nước chết. Bản tôi nó thế, bà nải thì không ai coi ra gì. Bà nải của một ông chồng nát rượu lại càng không được coi ra gì. Tôi còn nhớ rất rõ có năm lúa nhà tôi đang trổ đòng, người ta tháo nước ầm ầm từ trên đập tràn xuống, lúa đổ rạp, cuối vụ thu về toàn thóc lép. Có lần anh em tôi gánh bao nhiêu phân xanh, phân chuồng xuống ruộng, liền bị ai đó trộm đục thủng bờ ruộng, phân chảy hết xuống ruộng nhà khác. Anh em tôi bực lắm, cầm đòn xóc định đâm nát mặt kẻ nào làm chuyện đó. Mẹ tôi can: “Người Tày ta có câu: Sjíp nặm sỏn hắt nặm còi luây; sjíp pày sỏn hắt pày còi náu (Mười nước dồn một chỗ hẵng trôi; mười lời dồn một lần hẵng giận) con ạ!”. Mẹ tôi vẫn thế, lúc nào cũng nhẫn nhịn, mà càng nhẫn nhịn người ta càng không coi ra gì.
Ngày đi thi Đại học, đầu tôi ong ong, ngổn ngang bao suy nghĩ. Xe đi đến xã bên thì tôi nhảy xuống, vào nhà thằng bạn vùi chăn khóc một trận rồi ngủ ly bì ba ngày liền. Ngày thứ tư tôi về. Mẹ hỏi: “Thi thố thế nào?”. Tôi bảo: “Bài làm tốt, chắc sẽ đỗ thôi”. Nói rồi tôi lùa dê đi chăn. Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ và anh, ánh mắt đang cháy rực niềm tin. Thì cứ coi như tôi thi trượt đi. Làm thằng chăn dê, tôi còn đỡ đần được gia đình đôi chút. Mẹ đã vất vả đến héo hắt gần cả cuộc đời, giờ lại oằn mình lên nuôi tôi sao nổi nữa. Dù sao đi chăn dê tôi vẫn còn có Sa để trò chuyện.
Mùa mưa. Mưa quê tôi kéo dài lê thê, buồn hoang hoải. Tôi lùa dê lên đồi, cùng Sa nấp dưới một tảng đá lớn, nhìn mưa tí tách rơi. Bất chợt Sa nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt thật buồn: “Thấy bảo anh đi thi Đại học làm bài tốt?… Rồi mai anh đi học Sa sẽ rất nhớ!…”. Bất chợt Sa ôm chặt lấy tôi, nghe rõ từng nhịp tim dồn dập. “Anh bỏ thi, ở nhà chăn dê với Sa đấy”. Lần đầu tiên tôi xưng anh với Sa, không thấy ngượng mồm. “Anh nói thật không?”. “Thật! Hết mùa hoa chó đẻ anh cưới Sa!”. Tôi ôm chặt Sa vào lòng và tháo chiếc vòng bạc trên tay đưa cho Sa, cái vòng bạc mẹ thường nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: “Giữ cho con dâu mẹ đấy nhé!”. Ngày ngày tôi cứ mong cho chóng hết buổi sáng để buổi chiều đi chăn dê. Mùa trăng, cổng nhà Sa thấp thoáng nhiều bóng trai bản, không ai gặp được Sa. Sa thường trốn từ cửa sau, cùng tôi ra ngồi ở tảng đá gần gốc cây nóng gần bờ suối. Chúng tôi yêu nhau và xoắn lấy nhau. Chiều chiều, thấy tôi hay lùa dê lên Pù Làu, anh tôi hỏi: “Mày yêu Sa phải không?”. “Vâng!”. “Mình là con nhà nải, họ là con nhà tào(3). Phải biết phận mình, không sau nhỡ không lấy được nhau thì chỉ có khổ đau thôi em ơi!…”- Anh tôi can. “Nhà nải thì sao? Nhà tào thì sao? Cũng đều là con người cả. Yêu nhau thì đến với nhau…”- Tôi cãi ngang. Sa là con thầy tào Pú nổi tiếng ở bản bên. Trong vùng, người chết đều do tào Pú đưa ma. Ở quê tôi, thầy tào được trọng vọng và danh giá lắm. Tôi và Sa khác nhau một trời một vực, biết thế nhưng tôi tin Sa, tin vào tình cảm chân thành Sa dành cho tôi.
Bảy đêm liền, có con cú mèo về đậu trên nóc nhà tôi, kêu lên những tiếng ghê rợn. Bảy đêm, cả nhà tôi lo lắng không ngủ được. Đêm thứ bảy con cú mèo bay vào nhà, nhìn chằm chằm vào buồng ngủ của anh trai tôi. Mẹ tôi chạy xuống bếp lấy cái dế nồi bảo tôi: “Úp lấy nó, rồi nó sẽ cho mình biết nhà có vận hạn gì”. Tôi cầm lấy cái dế nồi, đang loay hoay tìm cách úp thì con cú mèo bay lên, đánh rơi một bãi phân trúng vào con anh trai tôi rồi biến mất. Đêm ấy, con anh trai tôi sốt cao, co giật, đến sáng thì chết không rõ bệnh gì. Con anh vừa tròn ba tuổi. Hôm ấy trời mưa, sấm chớp nhì nhằng, gió rin rít qua rặng cây đầy ai oán. Tôi và mẹ đội mưa qua bản bên tìm thầy tào Pú sang đưa hồn con anh về đồng Phi Eeng (4). Thầy tào Pú quay mặt vào bàn thờ Slay (5), nói luôn khi mẹ tôi chưa kịp thưa chuyện: “Biết rồi! Nhưng tôi là thầy có thứ cấp, không đưa Phi Eeng (6)”. Mẹ tôi lại bên thầy, giọng van lơn: “Con xin thầy làm phúc!?”. “Slay không đồng ý. Thế nhé! Bà về đi!”. “Con xin thầy!”. Mẹ tôi tiến lên trước mặt thầy tào Pú, chực quỳ xuống. Mẹ lại thế. Không chịu nổi nữa, tôi kéo tay mẹ đi, kéo mạnh đến nỗi chân mẹ lê trên sàn cửa. Mẹ tôi nước mắt lã chã rơi cùng mưa: “Người ta vẫn coi khinh nhà mình thế sao con!?…”. Tôi bỏ chiếc ô che đầu, mặc mưa chảy tràn trên mặt, để trôi bớt nỗi uất giận đang dâng lên trong người. Mẹ con tôi phải sang tận xã bên mới mời được thầy tào Tương về làm ma. Không tiếng nạo, bạt, chũm chọe. Chỉ có tiếng kèn lâu lâu rúc lên thật não nề. Khách đến không đông, dăm người ngồi chưa đầy một gian nhà. Nhưng lạ thay, khi chuẩn bị đưa hồn vía con anh tôi ra đồng Phi Eeng thì thầy tào Pú xuất hiện. Tào Pú gục mặt xuống xác con anh tôi, cất tiếng khóc than, giọng kéo dài, đứt quãng như khi ông đang cúng: “Ới la… sao con nỡ bỏ mẹ bỏ cha mà đi… về cánh đồng Phi Eeng lạnh lẽo lắm nhé!… ời là… biết kể sao cho hết nỗi buồn đau… ới la!…”. Càng nghe lời thầy tào Pú khóc than, nỗi tức giận trong tôi càng sôi lên, chỉ muốn lao đến, tóm cổ, đập đầu hắn xuống nền nhà. Đã đến lúc đưa hồn ma ra cửa. Tiếng khóc im bặt để hồn ma ra đi không còn vương vấn gì cha mẹ nữa. Thầy tào Tương ngồi xếp bằng tròn, miệng lẩm nhẩm, mặt đỏ găng, người rung lên bần bật. Có cái gì đó không bình thường. Gần ba mươi phút trôi qua, chiếc càn phan trên tay tào Tương vẫn lặng phắc. Hình nhân có những sợi tua rua bằng giấy trắng treo trên đầu càn phan không hề đung đưa. Một lúc sau tào Tương đập mạnh chiếc càn phan xuống đất, mồ hôi vã ra đầy trên mặt. Tào Tương hốt hoảng thốt lên: “Hồn ma đứa trẻ đã bị ai đó bắt đi rồi!”. Anh trai tôi lao đến mở tấm vải trắng cuốn con ra thì thấy ngón tay út của con đã bị ai đó cắn đứt và lấy mất. Ai? Ai dám làm chuyện tày trời ấy. Mọi người nháo nhác nhìn nhau. Tôi từng được nghe người già trong bản kể lại rằng: Tục người Tày, hồn ma trẻ con chết gọi là Phi Eeng. Phi Eeng thì không được đưa về mường trời mà đưa ra cánh đồng Phi Eeng, nơi chỉ có hồn ma của trẻ con sống với nhau, rồi lớn lên, lấy nhau, sống thành bản, thành mường Phi. Nhưng trong đám đưa ma, nếu ai đó cắn lấy ngón tay út của của đứa trẻ bị chết thì hồn ma của đứa trẻ sẽ đi theo về nhà, thành ma Slay của người đó. Ma Slay thì biết mọi thứ về quá khứ, hiện tại, tương lai mà người trần mắt thịt không thấy được. Ai có ma Slay thì sẽ được ma Slay nói cho biết mọi thứ. Tôi đã học hết lớp mười hai, những câu chuyện huyễn hoặc đó tôi không tin. Thật không thể tin nổi hôm nay cái ngón tay út của cháu tôi lại biến mất. Mấy bản trên dãy Pù Ngàng này có bao nhiêu người, ngoảnh đi ngoảnh lại đều thấy mặt nhau, ai nghĩ lại có người bạc ác tham lam đến vậy. Anh trai tôi gầm lên, mắt vằn thành hai cục lửa: “Thầy tào Pú đâu?”. Mọi người nhìn quanh. Thầy tào Pú đã biến mất từ lúc nào. Vậy là đã rõ, chỉ có thầy cao tay hơn thầy tào Tương mới bắt hồn ma cháu tôi đi được. Tào Pú không nhận đưa ma vì hắn đã có ý đồ này. Cái lúc hắn cúi xuống xác đứa trẻ khóc đứt quãng… chính hắn. Tôi lao ra khỏi nhà, vớ cây đòn gánh, phăm phăm chạy đến nhà tào Pú. Tôi nhảy ba bước lên cầu thang. Thầy tào Pú đang loay hoay cất cái hộp bọc vải vào ngăn kéo dưới bàn thờ Slay. Tôi chỉ cây đòn gánh vào mặt tào Pú, gằn từng tiếng: “Trả lại cái ngón tay cho tôi”. Tào Pú mặt tái mét, lập cập lùi dần vào gầm bàn. Tôi giơ cao cây đòn gánh, chỉ muốn đập một nhát cho hắn chết luôn. Nhưng kìa! Sa đang đứng trước mặt tôi, nhòe nhoẹt nước mắt, ánh mắt nửa cầu xin, nửa đau đớn. Mẹ tôi nhào theo, níu lấy tay tôi: “Thôi con ơi! Để nó làm Slay nhà người cũng hơn làm Phi Eeng ngoài đồng cô quạnh. Cái cây gẫy cành rồi cây lại mọc cành con à! Về thôi!…”. Tôi nhìn mẹ, nhìn Sa, lòng đau nhói. Tôi quẳng cây đòn gánh, bỏ đi. Tôi chạy lên đồi chó đẻ ngồi. Cuối mùa, những cánh hoa chó đẻ tả tơi nhập nhòa trong mắt.
Tôi đợi mãi ở tảng đá cạnh gốc cây nóng, nơi tôi vẫn ngồi cùng Sa. Trăng tàn về cuối dãy núi Ngàng, sương xuống ướt đẫm, tôi vẫn đợi như thế. Mấy đêm liền Sa không ra. Ngày cũng không thấy Sa đi chăn dê. Đàn dê nhà Sa tự ăn tự về như dê hoang. Em trách, em giận tôi? Em định lãng quên tôi? Hay gì gì đó? Cũng không biết nữa. Lòng tôi như lửa đốt. Tôi nhớ, tôi buồn và tôi đau. “Mình là con nhà nải, họ là con nhà tào”, có lẽ anh tôi nói đúng, đáng ra chúng tôi không nên yêu nhau, giờ chuyện đã như thế, tào Pú sẽ chẳng bao giờ cho Sa lấy tôi. Tự nhiên lúc đó ước mơ đi học Đại học trong tôi lại trỗi dậy. Tôi lao vào ôn như điên và đi thi. Năm ấy tôi đỗ vào Đại học Sư phạm. Tôi đi như trốn chạy. Trốn chạy khỏi mảnh đất đã gây cho tôi và gia đình nhiều buồn đau tủi nhục; đi để không ai còn coi khinh nhà tôi nữa. Hôm tôi đi, vẻn vẹn một chiếc túi chàm cũ. Mẹ, anh trai và chị dâu ra tiễn, cầm theo mấy ống cơm lam để tôi ăn dọc đường. Mẹ dặn nhiều lắm, tôi chẳng nghe thấy gì, cứ lẳng lặng gật đầu. Dáng mẹ gầy héo hắt mờ dần trong sương sớm, lòng tôi nặng trĩu, bước chân như đeo đá. Ngày tôi đi, con đường trước mặt cứ thấy dài hun hút….
Hai năm học tôi không về thăm nhà. Nghỉ hè tôi theo phụ vữa cho các công trình xây dựng. Năm học thứ ba tôi về một lần khi nghe tin mẹ ốm khá nặng. Vẫn mùa hoa chó đẻ trải dài bên đường, rụng trắng cả ngọn đồi. Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về trong tôi. Quê vẫn nghèo, duy chỉ có nhà của tào Pú thì như một tòa biệt thự nổi bật lên giữa núi rừng và những ngôi nhà sàn già nua xộc xệch. Người ta đồn rằng tào Pú cái gì cũng biết và còn đoán được những gì sẽ sảy ra trong tương lai. Danh tiếng tào Pú nổi sang tận bên Tây, có cả Việt kiều bay về, lặn lội tìm đến nhà tào Pú để xem bói. Người ta đổ về nhà tào Pú đông lắm, đủ các hạng người: nông dân, cán bộ, giám đốc, chủ các doanh nghiệp, vân vân ở khắp nơi tìm về; xe lớn, xe nhỏ, ra ra, vào vào cứ như nhà có đám. Người thì đến xem vận hạn, giải hạn; kẻ đến xin cúng, cầu tài, cầu lộc, cầu công danh chức tước, thôi thì dủ cả. Mà lạ thật, thời buổi càng văn minh hiện đại người ta càng mê tín hay sao ấy. Tôi không biết nhiều về Sa, chỉ biết Sa đã lấy chồng tháng trước. Đương nhiên là thế, mà sao khi nghe tin Sa lấy chồng tôi vẫn buồn xa xót cả tuần liền. Chắc hẳn chồng Sa phải hơn tôi mọi thứ, dù sao cũng mừng cho Sa vì Sa hạnh phúc. Tôi lại vồi vội xuống trường, mong tốt nghiệp thật nhanh để đi làm thật xa cái bản của tôi.
Tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Về nhà, thấy mẹ già héo hắt, tóc bạc lơ phơ; anh trai, chị dâu tôi sạm già vì lo cho tôi ăn học. Tôi không dám nhìn thẳng vào mọi người vì thương. Tôi làm mấy hồ sơ xin đi dạy ở mấy chỗ xa nhà. Thấp thỏm đợi, nửa năm vẫn bặt tin. Loanh quanh ở nhà, tôi lại thay anh lùa dê lên đồi chăn. Hai mươi bốn tuổi tôi vẫn là thằng chăn dê.
Thấy tôi buồn, mẹ và anh chị động viên: “Mình có bằng giỏi, trước sau gì họ cũng nhận thôi”. Càng đợi càng sốt ruột và thất vọng. Chán quá, tôi bỏ theo mấy thanh niên cùng bản đi chuyển hàng lậu trên biên giới vì thằng bạn tôi bảo muốn xin được việc thì phải có tiền. Chuyển hàng lậu được ba tháng, bị bắt vài lần, vất vả cực nhọc mà tiền chẳng được là bao. Tôi đang tính chuyển sang làm thuê gì đó cho nó an toàn và lương thiện hơn thì nhận được điện anh trai gọi lên, bảo ở bản bên có cô giáo vừa bỏ nghề vì không chịu được cảnh cực khổ của giáo viên cắm bản. Cũng chẳng còn con đường nào tốt đẹp hơn để đi, tôi đành khăn gói về, xin vào trường đó dạy và được nhận. Tôi tự cười thầm về cuộc đời. Bao nhiêu năm gồng mình học hành những mong thoát khỏi cái bản nghèo xác xơ đầy những buồn đau tủi nhục này, luẩn quẩn, lại quay về. Chân tôi bước trên đường quê như đeo đá. Con đường hun hút dẫn tôi về.
Ngôi nhà riêng vợ chồng Sa kia, nho nhỏ, xiêu xiêu ở chân đồi. Tôi vẫn thường thấy Sa lên nương, lùi lũi xới cỏ, vun ngô phía đồi đối diện nơi bục giảng tôi nhìn ra. Nỗi đau của tôi đấy! Ngày ngày lại hiện hữu trước mắt tôi. Kể ra ông trời cũng thật nhẫn tâm. Tôi không thấy chồng Sa cùng lên nương. Tại sao? Sa là con nhà tào, lại xinh đẹp, lẽ ra phải lấy chồng giỏi giang, con nhà khá giả chứ, sao trông nhà có vẻ nghèo túng vậy. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi khéo mấy cô trong bản đang trên đường đi nương: “Nhà tào Pú giàu thế kia mà! Sao lại để con gái nghèo thế nhỉ?”.“Thế đấy! Đời nó thế đấy! Người già chẳng có câu: Tời pò kin bản kin mường, tời lục dám kha mương bấu đảy (Đời bố ăn bản ăn mường, đời con bước khe mương chẳng nổi) là gì? Tại bố nó thế nên con mới thế!…”. Người khác nói xen vào: “Tào Pú cho con gái nhiều lắm đấy! Nhưng cho bao nhiêu thì thằng con rể phá bấy nhiêu, suốt ngày uống rượu rồi cờ bạc, giờ nghe nói lại còn nghiện, bao nhiêu tiền cho đủ. Khổ thân con Sa, cứ mỗi lần chồng say là bị đánh nhừ tử. Mà thằng chồng nó cứ hay ghen bóng ghen gió…”. Tai tôi ù đi. Lòng tôi vỡ vụn. Từng đợt gió nổi làm những cánh hoa chó đẻ rụng tơi bời. Giờ Sa lên nương là giờ tôi đi dạy học, chúng tôi thường chạm mặt nhau trên đường. Sa vẫn xinh, nét xinh sâu kín hơn nhưng trông Sa phờ phạc và xanh xao quá. Lần đầu tiên chạm mặt nhau sau bao nhiêu năm xa, tôi định nói với Sa biết bao điều giữ chặt trong lòng mà cổ cứ nghẹn đắng. Sa quay mặt, tránh ánh mắt của tôi và bước nhanh, câm lặng. Lần thứ hai tôi gặp Sa khóc bế con về nhà ngoại. Lần thứ ba tôi gặp Sa tóc rối bời, măt tím bầm xây xước. Lần ấy Sa nhìn tôi chứa chan nước mắt. Sa lấy trong túi chéo ra cái vòng bạc mà trước đây tôi tặng Sa: “Cái vòng bạc này em đã giấu kỹ thế mà hôm nay chồng em tìm thấy, uống rượu về nó đánh em… giờ em trả lại anh đấy!…”. “Sao ngày đó Sa không ra, làm anh đợi mãi, biết bao đêm như thế!…”. “Tại bố em cấm, không cho em ra khỏi nhà… anh nỡ đi luôn!… Sao giờ còn quay về cho nhau khổ!…”. Sa quay mặt. Vẫn mùa hoa chó đẻ xao xác rụng trắng cả ngon đồi. Chúng tôi vẫn đi qua nhau, chân bước như đeo đá. Con đường trước mặt tôi và Sa cứ thấy dài hun hút.
……………………………………………………….
(1): Ông nát rượu; (2): Bà góa; (3): Thầy cúng; (4): Đồng ma chết trẻ; (5): Tổ nghề; (6): Hồn ma trẻ con.