Đại tá Lê Minh Tân
Chúng tôi theo chân đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam trong chuyến hành trình đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cũng như tình hình chuẩn bị Tết nguyên đán tại khu vực biển giáp ranh Việt Nam với Malaysia, Thái Lan.
Chuyến đi diễn ra từ ngày 29/12/2024 đến 16/01/2025, qua nhiều vùng biển quan trọng như Cà Mau, Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo, Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chuyến đi trải dài qua sáu hòn đảo quan trọng của đất nước, mang tính chất phiêu lưu, hứa hẹn nhiều điều mới lạ và bất ngờ, nhưng cũng vô cùng vất vả. Ban ngày, đoàn thăm hỏi các đơn vị đóng quân và nhân dân trên đảo. Ban đêm, các chiến sĩ lại bận rộn kiểm tra tàu cá và tàu hành trình, đòi hỏi sự thường trực, cơ động và sẵn sàng ứng phó bất kể giờ giấc. Mặc dù hành trình và nhiệm vụ của đoàn công tác khá căng thẳng và áp lực, nhưng vẫn chưa thể so sánh với sự vất vả mà cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đã và đang trải qua. Họ thường xuyên thực hiện những chuyến công tác trên biển kéo dài từ ba đến sáu tháng, chịu đựng những gian truân và khí hậu khắc nghiệt để giữ vững vùng biên hải của Tổ quốc.

Vào mùa cuối năm biển động, cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển vẫn kiên trì bám trụ tại các điểm trực, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân. Mọi người xuống tàu đều phải trải qua những cơn say sóng, đặc biệt là những đồng chí chiến sĩ mới xuống tàu, chưa quen môi trường tàu bè, thường mất một khoảng thời gian mới làm quen được.
Những chuyến trực biển xa bờ, sóng điện thoại không có, chỉ có thể liên lạc với gia đình thông qua điện thoại vệ tinh được trang bị trên tàu. Tuy nhiên sóng to biển động việc liên lạc gọi điện về cho gia đình cũng chập chờn.
Vào thời điểm sóng biển lên, tàu lắc lư cho nên làm việc, sinh hoạt trên tàu cũng rất vất vả, đặc biệt là việc nấu ăn trên tàu.
Tuy các tàu đều dự trữ nước ngọt, nhưng phải đảm bảo nước ngọt để phục vụ nấu ăn trên tàu nên việc sử dụng nước ngọt phải rất tiết kiệm.
Những chuyến đi biển dài ngày, lương thực thực phẩm phải cấp đông để dự trữ, theo thời gian rau xanh sẽ không để được lâu, càng về cuối chuyến đi, rau củ quả càng không được tươi. Tuy nhiên cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển vẫn tích cực tăng gia sản xuất trên biển bằng cách: câu cá, trồng rau trong các thùng nhựa, thùng xốp,…
Trong hành trình kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ, đoàn công tác đã ghé thăm đảo Thổ Chu, hòn đảo được ví như “viên ngọc giữa biển Tây Nam”. Đây là dịp để lực lượng Cảnh sát biển thắt chặt mối quan hệ gắn bó với bà con trên đảo, động viên tinh thần, trao tặng những phần quà thiết thực giúp bà con vui xuân, đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm.
Người dân trên đảo Thổ Chu đã nồng nhiệt đón đoàn công tác trong không khí hân hoan, chuẩn bị cho mùa xuân mới. Những món quà tuy giản dị nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng của các chiến sĩ dành tặng bà con, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang đối với những người bám biển, bám đảo, góp phần xây dựng đời sống trên đảo ngày càng phồn vinh.
Trong sáu hòn đảo mà đoàn đến thăm, đảo Thổ Chu là hòn đảo xa nhất, khó khăn nhất và nghèo nhất. Thổ Chu có 4 bãi biển: Bãi Ngự, Bãi Dong, Bãi Mun và Bãi Nhất. Trong đó Bãi Ngự và Bãi Dong lớn nhất, trở thành nơi cư trú theo mùa của người dân trên đảo. Thường thì cư dân tập trung sống tại Bãi Ngự, từ tháng 4 – 9 hàng năm mới chuyển qua Bãi Dong để vừa tránh bão, vừa buôn bán kiếm thêm thu nhập. Chỉ trừ Bãi Ngự có dân cư sinh sống thường xuyên, còn các bãi biển khác ở Thổ Chu đều rất hoang sơ, như chưa từng in dấu chân người. Nước biển quanh đảo Thổ Chu trong vắt, trong phạm vi vài chục mét gần bờ có thể nhìn thấy đáy cát với hàng đàn cá bơi lội tung tăng len lỏi qua những rạn san hô đủ màu sắc.
Vào năm 1975, hơn 500 đồng bào ta trên đảo đã bị quân đội Khmer Đỏ sát hại. Đầu tháng 5-1975, khi VN vừa bước vào ngày hòa bình thống nhất đầu tiên, những chiếc tàu chở quân Khmer Đỏ ập lên đảo Thổ Chu, nơi có hơn 500 cư dân VN sinh sống bình an từ bao năm. Trước đó, quân đội Sài Gòn trấn giữ đảo đã theo tàu quân sự di tản, trên đảo chỉ còn lại người dân. Thổ Chu lại cách xa đất liền hơn 200 cây số nên quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản thì quân đội Khmer Đỏ đã lợi dụng điều này đổ bộ chiếm đóng đảo.
Vài tuần sau, những người dân ở đây bị quân Khmer Đỏ lùa lên tàu đưa về một hòn đảo Campuchia giết chết không còn một ai. Câu chuyện này về sau mới được biết, khi quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện VN giải phóng những hòn đảo này. Các anh đã tìm thấy rất nhiều căn cước (chứng minh nhân dân) đề tên của dân Việt. Một cuộc thảm sát người Việt rất kinh hoàng đã xảy ra trên những hòn đảo này dưới tay quân Khmer Đỏ! Hơn 500 dân của đảo chỉ mỗi gia đình ông Tư Sĩ “cao số” may mắn thoát được. Hậu quả mà PolPot gây ra cho nhân dân Việt Nam là hết sức to lớn, trong khi nguy cơ diệt vong của dân tộc Campuchia dưới chế độ diệt chủng tàn bạo của tập đoàn PolPot đã đến mức nguy kịch. Những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của tập đoàn PolPot là không thể dung tha.

Hàng năm có nhiều đoàn công tác đã đặt chân lên đảo Thổ Chu. Tại vùng biển khu vực Tây Nam tổ quốc, đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm thả hoa tri ân tới anh linh những chiến sỹ và ngư dân đã anh dũng hy sinh bảo vệ bờ biển của tổ quốc. Đây là hoạt động nhằm giáo dục cho toàn bộ chiến sỹ trong đơn vị để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ và đồng bào tử nạn trong các vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc…
Nỗi đau thương vẫn in dấu trên từng thước đất, viên đá nơi đây. Hiện nay, đảo Thổ Chu chỉ có trường cấp một và cấp hai, không có trường cấp ba, buộc các em học sinh khi đến tuổi lên cấp THPT phải vào đất liền để tiếp tục việc học. Cuộc sống trên đảo khó khăn, có khi năm ngày mới có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo để cung cấp nhu yếu phẩm và các nguyên vật liệu cần thiết… Tuy nhiên, người dân và chiến sĩ vẫn kiên cường bám đảo, nỗ lực xây dựng cuộc sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Trung tướng Bùi Quốc Oai, trưởng đoàn công tác, cũng đã trao quà Tết cho bà con ngư dân và quân nhân tại quần đảo Thổ Chu, động viên tấm gương kiên cường giữ đảo của quân và dân nơi đây. Chuyến đi không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn ghi dấu ấn sâu sắc về tình người, về sự kiên cường bám biển, bám đảo của quân dân ta.
Với chuyến đi kiểm tra thực tế nhiều ngày trên biển, đoàn công tác đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến khai thác IUU, và kết hợp kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, đồng thời chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025 trong không khí ấm áp, nghĩa tình.
Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4 đã tiến hành kiểm tra nghiêm túc, quyết liệt trên các vùng biển trọng điểm. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ quy định về đánh bắt hợp pháp. Đây là bước quan trọng nhằm giúp ngành thủy sản Việt Nam tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu và nâng cao uy tín quốc tế của ngành.
Đặc biệt, các tàu thuộc Hải đoàn 322 Cảnh sát biển Vùng 3 đã duy trì 13 tàu trực, triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Công tác kiểm tra tập trung vào hoạt động khai thác IUU và đánh giá mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bà con trên đảo, đoàn công tác còn đến thăm và tặng quà cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trực Tết trên biển. Các chiến sĩ Cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, và lực lượng bảo vệ đảo tuy không được sum vầy cùng gia đình trong những ngày đầu năm mới, nhưng họ đã cùng nhau đón Tết với tinh thần đoàn kết, ấm áp. Những món quà mang theo tình cảm của đất liền giúp xua đi nỗi nhớ nhà, tiếp thêm động lực để các anh tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, đoàn công tác còn phối hợp tổ chức các hoạt động vui xuân, đảm bảo Tết vui tươi, phấn khởi cho quân và dân trên đảo Thổ Chu. Những chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chuyện thân tình giữa chiến sĩ và người dân giúp tăng cường sự gắn kết, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc giữa nơi đầu sóng ngọn gió.
Chuyến công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4 không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc chống khai thác IUU, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam, mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc. Những hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho bà con và chiến sĩ trên đảo Thổ Chu thể hiện tinh thần tương thân tương ái, khẳng định sự gắn bó giữa quân và dân, giữa biển đảo với đất liền.
Trong không khí xuân về, dù không được ở bên gia đình, các chiến sĩ vẫn giữ vững tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và mang lại niềm vui trọn vẹn cho nhân dân. Những hành động ý nghĩa này đã khắc sâu thêm tình yêu quê hương, đất nước, tạo nên một mùa xuân ấm áp, nghĩa tình giữa đại dương xanh thẳm.