Kiều Bích Hậu
Lần đầu tiên tôi gặp Thầy Chân Không Không là trong một sự kiện tôn vinh “Cao Trà Mục Nhan” – một loại trà độc đáo, nổi tiếng bởi công dụng bồi bổ và thanh lọc cơ thể. Trong không gian gần gũi, hào hứng sôi nổi ấy, giữa những vị giáo sư, văn nghệ sĩ, doanh nhân và các nhà báo, tôi bất ngờ chú ý đến một người đàn ông dáng người mảnh dẻ, gương mặt hiền từ, ánh mắt sáng và sâu, bước đi chậm rãi như trôi cùng không khí.

Ông được giới thiệu với một danh xưng rất lạ: “Lương y – Cư sĩ”. Tôi nghe và tự hỏi: lương y thì đã quen, cư sĩ thì cũng không lạ, nhưng kết hợp lại thì dường như ông đang làm một công việc vừa chữa thân bệnh vừa khai mở tâm trí con người – một hành trình y đạo song hành với đạo tu. Và đúng như thế.
Thầy Chân Không Không, theo tôi quan sát, khoảng ngoài 70 tuổi, nhưng phong thái và làn da như một người chỉ mới ngoài 60. Đến khi được biết ông đã bước qua tuổi 80, tôi thật sự kinh ngạc. Phải chăng thiền định, chay tịnh và lòng từ bi là phương thuốc trường thọ hữu hiệu nhất?


Trong phần phát biểu ngắn tại sự kiện, Thầy khiến tôi đặc biệt ấn tượng với bài nói về 5 tác dụng quan trọng của chè xanh: tốt cho gan mật, tim mạch, dạ dày, phổi và thận. Cách thầy trình bày ngắn gọn, mạch lạc và nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục. Mỗi từ thốt ra đều như nhỏ vào lòng người nghe một giọt tỉnh thức. Ngay lúc ấy, tôi quyết định từ nay sẽ tập uống chè xanh mỗi ngày, không chỉ vì sức khỏe, mà còn như một cách kết nối với những giá trị sâu sắc mà Thầy truyền tải.
May mắn cho tôi khi trong bữa tiệc sau chương trình, tôi lại được ngồi cùng bàn với Thầy. Đây là cơ hội quý giá để được nghe trực tiếp những lời chia sẻ mộc mạc mà thấm đẫm trí tuệ từ vị lương y – cư sĩ đặc biệt này. Những câu hỏi của các giáo sư, nghệ sĩ, doanh nhân lần lượt được Thầy trả lời với sự điềm tĩnh, từ tốn, nhưng sâu sắc lạ kỳ. Một trong những điều khiến tôi tâm đắc nhất là lời thầy nói về thiền và luyện carbon – một khái niệm lạ lẫm với tôi.
Thầy nói, mỗi ngày Thầy thiền để luyện carbon – một dạng năng lượng có trong không khí và vũ trụ mà người thường không biết cách tiếp nhận. Đó chính là con đường mà các bậc Phật tu luyện, để khi viên tịch có thể để lại xá lợi. Những hạt xá lợi ấy không phải từ thịt xương vật chất, mà từ tinh luyện năng lượng vi tế – một biểu hiện của thân tâm thuần khiết. Nghe đến đó, tôi như ngộ ra rằng cơ thể không chỉ sống bằng cơm áo gạo tiền, mà còn sống bằng năng lượng tâm linh, bằng hơi thở, bằng sự tĩnh lặng trong thiền định.
Khi các món ăn được dọn ra bàn, mọi người nồng nhiệt mời Thầy dùng bữa. Nhưng Thầy từ chối một cách nhẹ nhàng: “Mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa, ăn chay đã 50 năm nay.” Thầy không dùng thuốc, không đau bệnh, thời gian chủ yếu dành cho việc viết sách và chữa bệnh cho người – như một sứ mệnh vô hình mà ông đã tự nguyện chọn.
Thật hiếm thấy một người vừa am hiểu y học, vừa thấu suốt đạo lý, lại có đời sống thanh đạm và bình an đến vậy giữa thời đại ồn ào, thực dụng. Sự hiện diện của Thầy là một lời nhắc nhẹ nhàng về lối sống giản dị, thanh lọc và kết nối với chính mình.
Lát sau, nhà báo – chuyên gia tổ chức sự kiện Hà My đến ngồi cùng bàn. Cô nhỏ nhẹ chia sẻ với tôi rằng cô đã từng gặp Thầy trong một lần chuẩn bị làm chương trình tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Trị. Khi biết đến chương trình, Thầy không chỉ động viên mà còn góp 50 triệu đồng để hỗ trợ tổ chức. Một con số không quá lớn với nhiều người, nhưng đầy ý nghĩa khi đến từ một bậc tu hành không làm kinh doanh, không thu lợi, chỉ lặng lẽ sống và cho đi.
Câu chuyện ấy như điểm kết đẹp cho buổi gặp đầu tiên đầy duyên lành của tôi với Thầy Chân Không Không. Một con người không ồn ào, không khoa trương, nhưng từ khí chất, lời nói đến hành động đều toát lên một tấm lòng bác ái, một trí tuệ lặng lẽ mà lan tỏa. Giữa cuộc đời này, nếu có thể gặp được một người như thế – tôi tin là phúc phần.
Và tôi mong, ai hữu duyên, cũng sẽ có lúc được ngồi bên Thầy, nhâm nhi chén chè xanh, nghe Thầy nói về đạo, về y, về cách sống nhẹ nhàng mà khỏe mạnh giữa trần gian nhiều biến động này.