Biệt khu tầm xuân

Biệt khu tầm xuân

Truyện ngắn của HOÀNG TỐ MAI

Năm mười hai tuổi gia đình Lâm chuyển nhà tới phố cổ. Trước đó, ba mẹ con sống ở ngoại ô, trong một con hẻm dài
và sâu thẳm.
Lâm không nhớ về bố lắm, ông làm địa chất nên thường đi xa. Sau một chuyến khảo sát tại vùng cao, bố không bao giờ trở lại. Mọi người bảo, có thể ông đã rơi xuống một khe vực rất sâu nên không thể tìm được xác. Lâm không tin, bảo với em trai Chả biết thế nào, có khi bố đã đi lạc vào không gian khác, một ngày nào đó sẽ trở lại, có thể chỉ một vài năm nữa nhưng cũng có thể là cả trăm năm đấy em ạ. Mẹ nghe thế chỉ cười buồn, Làm trẻ con sướng thật, mẹ chỉ ước một ngày được như chúng mày. Sau này nhớ lại Lâm cũng thấy những tháng ngày trôi đi ở xóm ngoại ô quả thật yên bình. Những ngôi nhà ở đó đều có tường bao cây cối che phủ um tùm, thiên lý, chanh leo, dâm bụt rồi nhót, dâu tằm với những hoa giấy, hoa dun, móng rồng… Tụi nhỏ trong xóm thường thích hái trộm hoa quả nhà nhau. Giàn nhót cạnh nhà Lâm dường như chẳng chín nổi, cứ hơi ửng vàng là tụi nhỏ công kênh nhau lên hái sạch, những buổi hái lượm râm ran như trẩy hội. Lũ con gái còn có trò bẻ hoa cài lên tóc và mũ, ngắm nghía chán lại vặt ra chơi đồ hàng. Nhà nào có dâu tằm chín đỏ thì ngủ trưa cũng không yên, cứ loạt soạt léo nhéo, nếu có quả nào chua quá thì cũng chẳng sao vì thế nào cũng có đứa thủ sẵn một vốc muối trong quần. Hoa quả nhà nhau mùi vị thế nào đều thuộc nằm lòng. Chỉ duy nhất có một nhà trong xóm là không làm gì được. Đó là một khu biệt thự có tường bao đá ong cũ ải, chủ nhà trồng tầm xuân vây quanh quanh, không hiểu sao quanh năm đều có hoa nở rủ xuống đẹp khôn tả, chỉ tiếc là tường cao quá nên chẳng đứa nào chạm được tay vào. Trong mắt đám trẻ con trong xóm thì khu nhà đó bí ẩn ghê lắm, chẳng rõ từ khi nào nó được gọi là biệt khu. Mùi hương tầm xuân ở đó giống hồng hoa nhưng thoảng dịu hơn nhiều. Nó nhẹ nhàng đến mức những ai vội vã hay tâm tư xao động chẳng thể cảm nhận nổi. Trong đám trẻ con chỉ có Lâm và vài đứa con gái luôn hít thật sâu mỗi khi ngồi chơi sát tường bao nhà đó. Chủ nhân ngôi biệt thự không mấy ai rõ mặt, cánh cửa gỗ luôn khép chặt. Thỉnh thoảng lắm mới thấy hé ra để thanh toán tiền điện rồi đóng sập lại ngay. Một lần sẵn có cái thang tre của bác thợ xây để quên, Lâm gá luôn lên tường hy vọng hái được mấy nhánh tầm xuân cho đám con gái. Chiếc thang khá dài, Lâm có thể leo hết tường và nhìn vào bên trong. Một làn gió thơm mát chợt ùa đến khiến Lâm thấy nhẹ bẫng. Đó là một khuôn viên rất rộng. Ngôi nhà nằm chính giữa, bao quanh là vườn cây rộng rãi tán lá che phủ, hầu như là cây lưu niên cành vươn dài rộng. Sân nhà trồng nhiều khóm hoa được cắt tỉa kỹ lưỡng. Một cái ao nhỏ xanh ngắt có đôi hàng tre trúc bao quanh. Ngôi nhà chắc được xây dựng từ rất lâu, ngói vảy cá thâm nâu phủ đầy lá rụng. Bao quanh nhà là những tán xoài chín vàng rủ xuống la đà, đôi cây lựu trái hồng đỏ, có những quả già đã nứt để lộ ra lớp hạt đỏ sậm lại. Gần chỗ Lâm trèo lên có khá nhiều ngọc lan, hoa trắng tinh nở dày dậy hương thơm ngát. Đang mê mải tận hưởng khu vườn Lâm bỗng giật thót, Ái, đau quá! Tiếng kêu thất thanh ấy phát ra từ một khóm hồng bạch đang rung động. Một cô bé chừng mười tuổi nhảy phóc ra vẩy tay xuýt xoa Đau quá đau quá, gai gì mà nhọn thế! Than vãn một hồi xong bất chợt cô bé đưa mắt nhìn lên. Lâm hãi quá định tụt xuống thì cô bé vẫy tay rối rít Anh trèo xuống vườn đi, dễ mà, giẫm lên đầu ông ngựa ấy. Nhìn xuống dưới Lâm thấy ngay một con ngựa đá rất lớn. Nếu giẫm lên đầu rồi lần xuống khả năng sẽ tiếp đất dễ dàng. Thế là chỉ vài giây sau chân Lâm đã chạm xuống đất vườn. Cô bé thoăn thoắt chạy ra hớn hở dắt tay Lâm. Có tiếng phụ nữ gọi từ trong nhà Hương An ơi, vào nhà đi con, đừng ra ngoài nhiều gió lộng. Dạ vâng, con vào đây. Giọng cô bé lảnh lót đáp lời. Vậy ra cô bé là Hương An, Lâm thầm nhủ. Bé An nhìn Lâm hớn hở. Em biết anh rồi, anh là Lâm, thỉnh thoảng trèo lên đầu ông ngựa nhìn ra ngoài, em vẫn thấy anh hay hái nhót cho cả một đám đúng không? Lâm gật đầu ậm ừ. Không hiểu sao sống cùng xóm mà bây giờ Lâm mới biết mặt Hương An. Cô bé rất xinh xắn nhưng có vẻ gì khác lạ. An mặc một bộ áo quần dài tay rộng rãi có in hình hoa phơn phớt vàng, xanh. Trông cô bé gầy gò trong lượt áo mỏng, mỗi khi gió thổi lớp vải cứ bập bồng như sắp sửa bị cuốn bay đi. Dù được Hương An dắt tay đi nhưng Lâm vẫn thấy ngại, tự dưng lại trèo vào nhà người lạ, mẹ biết lại rách việc. Tới một căn phòng ở mé trái ngôi nhà, An mở cửa dẫn Lâm vào. Trong phòng rất nhiều sách, giống như ở thư viện. Nhưng ở đây tủ sách cũng như bàn ghế đều là gỗ gụ khảm xà cừ, có vẻ như là đồ xưa lắm rồi. Giờ chỉ vào chùa mới thấy bàn tủ kiểu này. Em học bài ở đây à? Vâng, cả đọc truyện nữa. Mẹ em bảo hồi xưa chỗ này là thư phòng của ông bà ngoại. Vậy ra là thư phòng. Căn phòng này khá rộng, đồ đạc được bài trí thanh lịch và giản dị. Trên mặt bàn đặt ở giữa phòng có một bình tầm xuân khổng lồ rực rỡ khiến cả căn phòng sáng bừng lên. Thấy Lâm ngây người ngắm bình hoa, An cười khúc khích Ngày nào em cũng phải lấy cớ hái tầm xuân để còn tranh thủ trèo lên đầu ông ngựa ngó ra ngoài đấy. Mùi hương nhẹ nhàng của tầm xuân khiến lòng Lâm như dịu lại, không còn cảm giác hồi hộp như lúc ban đầu. Em ở đây lâu chưa, sao tới giờ anh mới thấy. Lúc nào em cũng ở đây nhưng không được ra chơi. Mà em cũng chẳng muốn ra đâu, mỗi lần ra ngoài em toàn bị ốm thôi. À ra vậy.

Lâm ngó ra cửa sổ. Một khung cảnh kỳ diệu hiện ra. Trên mặt ao xanh ngắt, một đàn hồng hạc tụ lại. Chúng đậu trên những tảng đá rêu phong mấp mô gần bờ, con rỉa lông, con vỗ cánh, có con thì xòe cánh đu đưa như đang múa lượn. Bên kia bờ ao là một con hổ lớn nằm phơi nắng. Nó nhìn Lâm với ánh mắt dửng dưng, xa lạ. Sau đó, như một con mèo lười biếng, nó xoạc mồm ra ngáp rồi ngả người lim dim ngủ. Quý ông đấy! An hào hứng giới thiệu. Lâm nhìn quanh chẳng thấy bóng người nào. Ý em là tên của nó đấy. Lần đầu tiên nhìn thấy một con hổ không qua rào chắn Lâm thấy thật mãn nhãn. Lâm chỉ muốn chạy đến chạm tay lên lớp lông vàng rực vằn đen huyền thoại đó. Nhà em như sở thú ấy. Sở thú là gì ạ? Lâm ngạc nhiên nhìn An, chẳng nhẽ cô bé chưa tới sở thú bao giờ. Đó là nơi người ta nhốt thú lại và mọi người phải mua vé vào xem. À, em cũng nghe mẹ em kể rồi. Nhưng nhốt thú lại thì chán bỏ xừ. Công nhận, anh cũng thấy chả ra làm sao. Nếu anh tới đây vào lúc chiều muộn sẽ có rất nhiều loài chim kéo về hót ríu ran vui lắm. Em mà chạy ra vườn là chúng sà xuống bay lượn trên đầu. Thật à? Vâng, có một con đại bàng trắng còn sà xuống đậu trên cánh tay em nữa. Em hay phải tìm sâu trong vườn cho nó ăn đấy. Vì nó mà em hay bị gai đâm vào tay lắm. Lâm thở dài tiếc nuối. Lúc chiều muộn Lâm thường phải đi học thêm hoặc trông em để mẹ thổi cơm. Đang nghĩ cách phải chuồn ra khỏi nhà giờ đó thế nào thì An dúi vào tay Lâm một cuốn sách. Anh đọc đi để em lấy đồ gì ăn cho vui nhé. Rồi cô bé chạy biến đi. Lâm giở cuốn sách, nó được in từ rất lâu và được đóng thêm lớp bìa cứng bọc vải. Giấy in đã ngả vàng nhưng vẫn chưa có trang nào sờn rách. Đó là Truyện cổ tích Việt Nam. Nhà Lâm cũng có cuốn này nhưng được tái bản gần đây, Lâm chỉ đọc một hai truyện rồi bỏ dở vì ít tranh quá. Có lẽ lần sau đến Lâm sẽ mang một truyện tranh thật màu mè cho An xem, có thể cô bé sẽ thấy hứng thú hơn. Có tiếng chân nhẹ khẽ, An đã trở lại. Trên tay An là một đĩa pha lê xếp đầy những phiến đá màu xinh xắn. Thấy Lâm nhìn không chớp mắt, An nhoẻn cười giải thích Đây là thạch rau câu, mẹ vừa dạy làm sáng nay đấy. Anh nếm thử nhá… An ăn rất ít, cô bé chăm chú nhìn Lâm thưởng thức từng miếng thạch. Miếng đầu tiên, Lâm chọn một phiến thạch hình hoa mai năm cánh màu vàng nhạt. Nó mát lạnh, có mùi thơm man mác dịu dàng khiến Lâm không khỏi xuýt xoa ngon quá. Được làm từ rượu táo mèo đó ạ. Tiếp đến một cái lá xanh biếc. Là thạch lá dứa đó, thơm như cốm đúng không anh? Rồi một bông sen trắng tinh. Là cốt dừa trộn với nước cốt vải. Một bông hải đường đỏ thẫm. Là nước lựu ép đấy. Một bông hoa hai lớp xanh trắng. Là thạch sữa kèm với trà xanh… Cứ thế hết miếng này đến miếng khác với những hương vị thơm ngon tách biệt mà chẳng rõ cái nào mùi vị vượt trội. Đang ngây ngất hưởng thụ những hương vị thần tiên của thạch rau câu thì Lâm chợt nghe tiếng mẹ gọi. Chắc lại phải về trông em, Lâm tiếc rẻ vẫy tay bai bai rồi leo lên đầu ông ngựa trèo xuống về nhà.

Mất đến cả tuần, cứ vào lúc ngủ trưa Lâm cứ tần ngần đứng ngó lên rặng tầm xuân, chỗ bắc thang hôm trước. Lâm rất muốn trèo vào nhưng không dám. Giá Hương An ló cái đầu ra thì ổn hơn. Thế rồi đến hôm thứ bảy Lâm bỗng thấy một bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy. Đôi mắt đen láy của An lấp ló sau tán lá xanh. Cái thang của mấy bác thợ xây vẫn nằm chỏng chơ đó. Lâm vội vã dựng lên rồi leo thoăn thoắt vào. Hôm nay An mặc váy màu cốm non, đầu đội mũ rộng vành tươi màu xanh lá, những lúc cô bé chạy tung tăng trên cỏ hay nấp vào những lùm cây rậm thì thân hình mảnh dẻ như tan biến trong khu vườn. Cũng như hôm trước, An lại dẫn Lâm vào thư phòng. Nhìn ra cửa sổ thấy Quý ông hôm nay nằm ườn ngay đấy. Nhìn gần trông dài, rộng quá, ánh mắt gườm gườm của nó liếc xéo khiến Lâm hơi hoảng. An thấy thế cười bảo Anh đừng lo, anh cứ ở phòng này cùng em là ổn. Đừng tự tiện chạy qua những phòng khác, nó sẽ gầm lên và đuổi theo. Thế mẹ em có biết em rủ anh vào không? Cũng không rõ nữa. Tuần vừa rồi mẹ bận lắm, làm việc suốt. Em cũng chẳng kịp hỏi. Chắc không sao đâu anh ạ. Nếu mẹ mà không đồng ý thì anh chẳng dám vào nữa đâu, mà cũng chẳng sao, bọn mình có thể gặp nhau giờ đi học buổi sáng. Em có đến trường đâu, chỉ học ở nhà với mẹ. Sao thế? Lúc nhỏ cứ đi ra ngoài là em ốm rất nặng, thế là mẹ giữ em trong này luôn. Lâm định hỏi bố An đâu nhưng thấy ngại vì cô bé chẳng bao giờ nhắc đến, hình như ông ta chưa bao giờ ở đây.

Sau một lát tìm sách, An đưa ra cuốn truyện cổ tích hôm trước, cô bé muốn Lâm đọc truyện Trương Chi. Anh đọc cho em nghe đi? Em không biết chữ à? Có, nhưng mà nghe đọc vẫn thích hơn. Coi như một người đọc hai người biết. Lâm phì cười, cầm sách lên và cố gắng đọc diễn cảm cho An nghe. Truyện cổ này là lạ, Lâm cũng chưa từng đọc trước đó. Lâm không hiểu tại sao một tiểu thư khuê các con quan tể tướng lại có thể mê hát hò đến thế, đến mức phải gặp bằng được anh thuyền chài nghèo khó hát hay và hay hát kia. Rồi thấy anh ta xấu xí lại xa lánh hắt hủi. Nhưng cái kết của câu chuyện lại khá ám ảnh. Chàng Trương Chi ốm tương tư héo mòn dần rồi chết. Sau nhiều năm thân xác chàng tan hết chỉ còn trái tim đọng lại thành một khối ngọc. Nó được tạc thành một chiếc chén và dâng tặng cho tể tướng. Có lần Mị Nương rót nước lại thấy hình ảnh một chàng trai chèo thuyền chầm chậm hiện ra vòng quanh chén với những lời hát đẹp đẽ u buồn trách cứ. Và nàng Mị Nương rỏ xuống một giọt nước mắt, chiếc chén tan ra thành nước. Lâm thấy truyện này không giống cổ tích, kết thúc cứ buồn bã lửng lơ thế nào. Hương An thì chỉ quan tâm tới cái chén ngọc. Em muốn có một cái như thế nhưng tìm ở đâu bây giờ? Em có thể nhìn vào lòng chén trà rồi tưởng tượng những hình ảnh mình muốn là được mà. Thực vẫn hơn chứ anh, thế mới quý. Em sẽ không khóc lúc uống nước đâu, nó mà tan ra thì chết. Lâm bật cười, cô bé này thật ngô nghê. Nhìn quanh thư phòng Lâm chỉ thấy mỗi một cái đài cổ lỗ nằm trong góc, chẳng hiểu có còn dùng được không. Nhà em không có ti vi hay vi tính à? Là cái gì vậy? Lâm lờ mờ nhận ra cuộc sống biệt lập của cô bé. Sau khi cố gắng giải thích ti vi là gì thì An có vẻ như nhớ ra. À, em biết cái đó rồi. Mắt em sẽ tổn thương nếu gặp phải ánh sáng màn hình vì thế mẹ phải cho đi hết. Giờ Lâm đã hình dung ra cuộc sống thực sự của cô bé, vậy là không thể mang những cuốn truyện tranh siêu hấp dẫn cho Hương An, cô bé sẽ không hiểu nổi vô số thứ từ cuộc sống bên ngoài như đèn cảm ứng, smart phone, laptop… Đang lo lắng không hiểu lớn lên Hương An sẽ ra sao nếu cứ sống mãi trong này thì lại thấy Hương An bưng vào một khay đồ ăn màu xanh nhạt. Chè cốm và kem cốm đấy. Anh thử xem nào! Em làm hả? Không, em chỉ phụ mẹ thôi. Khay đồ ăn cũng như bát đựng được làm bằng sứ phủ men ngọc rạn. Trong lòng bát chè có hiện ra những chữ tượng hình cổ xưa mờ ảo, còn bát đựng kem nhỏ hơn, nếu đặt nghiêng đi có thể thấy hình tranh thủy mạc, một con thuyền nhỏ trôi dạt trên bến sông vắng lặng. Lâm chìa cho An xem rồi bảo, Em thấy không, chỉ thiếu mỗi một giọng ca ảo não của chàng Trương Chi nữa thôi. An cười hớn hở. Để đêm nay em sẽ thắp nến rồi rót nước, nếu như có một tiếng hát nào đó cất lên em sẽ cố nhớ lời, em sẽ ghi lại. Lâm muốn cười lắm nhưng vẫn gật đầu ra chiều tán thưởng. Ban trưa đó thật vui vẻ, chè và kem cốm ngon đến mức Lâm có cảm giác lâng lâng, nhẹ hẫng. Chỉ là cốm mà sao hương vị thơm ngon quá.

Đang ngây ngất vì những dưvị tuyệt vời vẫn còn đọng lại trên môi, Lâm giật thót mình khi nghe tiếng mẹ gọi. Trước khi leo lên đầu ông ngựa để trèo ra ngoài Lâm bảo An này, bao giờ bọn mình có thể gặp lại. An như chợt nhớ ra điều gì vội vã xua tay Hôm nay tên em không phải là Hương An. Vào mỗi thứ năm anh phải gọi em là Tiểu Lụa, nhớ chưa. Sao lại thế, vẫn là em mà. Hôm nay em tên là Tiểu Lụa. Ai đặt cái tên kỳ lạ đó cho em thế? Em tự nghĩ ra đấy. An nhoẻn miệng cười rất tươi. Thứ sáu, thứ bảy em phải ôn bài với mẹ, trưa chủ nhật anh qua nhớ. Ừ, bai bai em.

Trưa chủ nhật đúng mười hai giờ Lâm lại bắc thang trèo lên. Hương An đứng đợi ngay dưới chân ngựa đá. Cô bé mặc quần lụa nâu, áo tay bồng cổ lá sen màu hồng. Trên cổ áo thêu những hình trái cây rực rỡ, xinh xắn. Em đợi lâu chưa? Cũng được một lúc. Gió trong khu vườn thơm mát quá, trái ngược hẳn với tiết trời oi bức bên ngoài. Lâm khoan khoái thả từng bước chậm rãi về thư phòng. Quý ông nằm dài ngay lối vào. Nó nhìn thẳng vào mắt Lâm, đôi mắt đầy quyền uy, không biểu cảm và khó lường. Lâm thấy ớn, chợt hiểu ra đây không phải là một chú mèo lớn. Quý ông là một mãnh hổ đã thực sự trưởng thành, trong khoảnh khắc này nó có một vẻ hoang dã rất đáng ngại. Rồi bất chợt Quý ông bật dậy gầm lên một tiếng kinh động. Cả khu vườn xao xác, đám chim chóc rối rít bay lên, những con hồng hạc cũng thảng thốt đập cánh loạn xạ. Lâm thấy mình như bị lạc vào chốn hoang sơ. Thấy Lâm đứng chôn chân, Hương An chạy vội lại xoa đầu Quý ông Làm gì mà ầm ĩ thế, ra oai ghê quá. Con hổ dịu lại, rời ánh mắt khỏi Lâm. Nó chậm rãi thu chân để hai đứa có thể bước vào phòng.

Minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Vừa bước vào Lâm nhìn thấy ngay một tráp gỗ khảm xà cừ xinh xắn. Nó có vẻ như đã cũ lắm rồi, màu gỗ ám xỉn theo năm tháng. Thực ra tráp gỗ này mấy lần trước Lâm cũng đã nhìn thấy, nó được đặt chính giữa tủ sách, không rõ An mang nó ra đây làm gì. Như hiểu được thắc mắc của Lâm, An nhẹ nhàng bảo Hôm nay nắng to, em phải mang mấy thứ này ra phơi. An nhấc nắp. Có rất nhiều sắc màu lấp lóa trong ánh nắng rọi vào từ cửa sổ. Đây là tráp ngọc bà ngoại em để lại. Lâm ngây người nhìn những vòng, nhẫn, chuỗi hạt và những viên đá lung linh có hình thù khác nhau. Cứ màu xanh lá là ngọc bích anh ạ, tất cả đều là ngọc ải, đã lâu quá rồi nên không còn sắc xanh tươi thắm lúc đầu. Anh thấy đẹp mà! Vâng, mẹ cũng bảo ngọc ải quý hơn ngọc non nhiều, nhưng em vẫn thích màu xanh tươi mới hơn. Thế à, anh chắc là thích ngọc ải hơn đấy. Anh giống mẹ em. À, xem mấy viên màu đỏ thắm này, là ru bi đó. Những mặt đá vàng là hổ phách còn mấy chuỗi hạt trắng kia là trai ngọc. Đẹp quá! Có cả mã não và thạch anh nữa đây này… Dưới lớp đá ngọc là những đồng tiền vàng kích cỡ khác nhau có hình quốc huy của nhiều quốc gia trong quá khứ. Trời ơi, nhà em có ai làm cướp biển không? Em làm sao biết được, An cười hóm hỉnh. Thấy bảo cụ ngoại em từng làm thủy thủ viễn dương, sau này có chuyển sang nghề cướp biển hay không thì chỉ có cụ biết thôi nhé. An khệ nệ bưng tráp ngọc ra vườn hướng về những vạt cỏ vàng rực nắng. Để anh đỡ cho. Không, Quý ông không chịu đâu, nó lại gầm lên đấy. Giờ thì Lâm hiểu vì sao hôm nay Quý ông lại nằm chắn cửa thư phòng, chắc nó biết cô chủ chuẩn bị mang đồ gia bảo ra phơi phóng. Mà sao lại phải phơi ngọc hả em? Cho nó thơm tho, nắng sẽ giúp ngọc bớt phai màu. Ai bảo em thế? Em tự đoán. Mẹ em vẫn phơi nhân sâm để cho giữ được lâu hơn đấy thôi. Sáng nào em cũng phải phơi nắng để chống còi xương đấy. Kiểu gì chúng cũng hấp thu được chút năng lượng mặt trời anh ạ.

Quý ông bám theo ngay khi An rời khỏi thư phòng. An vừa đặt tráp ngay ngắn trên bãi cỏ là nó nằm phục ngay xuống rồi nhắm mắt lim dim. Về lại thư phòng Lâm chợt nhớ ra mẹ dặn đúng một giờ phải về trông em để mẹ đi công chuyện. Nhà em có đồng hồ không, đúng một giờ anh phải về đó. Chẳng cần đồng hồ đâu. Thường giờ đó đàn họa mi nhà em sẽ đua nhau hót, đến lúc đó quay về là vừa. Giờ em đi lấy trái cây nhé. Nói xong là chạy biến đi luôn. Khi trở vào, Hương An bưng hai khay gỗ thẫm màu thoang thoảng mùi trầm hương, chắc được tạc từ gỗ trầm. Một khay để các loại trái cây tươi, một khay có nắp đậy. Cô bé hào hứng đặt những cái khay lên bàn. Hôm nay bọn mình chơi trò đố vui nhé. Trong khay đậy nắp là những trái cây khô em sấy tối qua, tất cả cùng loại với trái cây tươi ở khay kia. Anh phải nhắm mắt lại, em sẽ cho anh nếm trái cây khô. Nếu anh đoán chính xác được tên của tất cả các loại trái cây khô thì anh sẽ được chọn một đồng tiền vàng. Thế anh không đoán được hết thì sao? Thì anh sẽ phải lấy đồng tiền vàng do em chọn. Chơi gì mà hời thế, kiểu gì cũng có thưởng à. Vâng, thế mới vui. Lâm nhắm mắt nếm đến hơn chục miếng trái khô, cứ tưởng là đoán dễ, thế mà cũng có lúc nhầm vì một số hương vị rất khác lúc tươi, nhất là vải thiều và nhãn lồng. Lâm nếm hai loại trái khô đó đến mấy lần mà chẳng nhận ra, thế là thua cuộc. Hương An cười lanh lảnh Thua rồi nhé, chốc nữa anh sẽ phải nhận đồng tiền do em chọn đó. Thôi thôi, anh không cần đâu, em đã xin phép mẹ chưa đấy. Mẹ chẳng quan tâm đâu. Anh nghĩ là có đấy, mà mẹ em đồng ý anh cũng không lấy đâu. Kết thúc trò chơi Hương An ăn khá nhiều, cô bé có vẻ thích hoa quả. Trong tráp ngọc anh thích gì nhất? Để anh nghĩ tí nhá. Em thích ngọc bích. Anh thích đồng tiền vàng. Em cũng đoán vậy nên mới quyết định phần thưởng là tiền vàng đó. Vậy hả, thực ra anh thích vì nhìn cứ như là trong truyện Đảo giấu vàng ấy. Nhà em cũng có truyện đó. Anh có truyện tranh cơ, cái hình kho báu của cướp biển đã mắt lắm em ạ. Có đẹp bằng tráp ngọc không? Không đẹp bằng nhưng mà nhiều lắm, khéo phải chở bằng ô tô đấy. An cười háo hức. Hôm nào mang qua cho em xem nhé. Ừ, anh cho em luôn. Hai đứa cứ trò chuyện hỉ hả cho đến khi đàn họa mi cất tiếng hót. Trong khung cảnh tĩnh mịch của khu vườn tiếng chim hót líu lo nghe thật mê ly. Lâm tiếc rẻ rời khỏi thư phòng không quên vẫy tay chào từ biệt. Chào Hương An… À quên…

Chào Tiểu Lụa nhé! Đừng đừng, hôm nay em không phải là Tiểu Lụa nữa rồi. Thế là ai đây? Hải Nương. Lâm bật cười, không hiểu mỗi ngày chế ra một tên như thế thì làm sao nhớ hết được. Thôi thì Chào Hải Nương. Chẳng hiểu lần tới cô bé sẽ bịa ra cái tên kỳ dị nào nữa.

Về đến nhà Lâm mới chợt nhớ là quên không hẹn với An ngày gặp lại. Lâm định bụng cứ buổi trưa sẽ ra ngóng chỗ ông ngựa xem Hương An có ló đầu ra không. Thế nhưng ngay hôm từ nhà Hương An về mẹ đã thông báo một quyết định đột ngột ngay trong bữa tối Nhà mình sẽ chuyển đi. Mẹ được bác Cả nhượng lại quầy hải sản gần chợ Đồng Xuân với giá rất hời, do đó cả nhà phải chuyển lên phố cổ để còn tiện công việc buôn bán. Nhà ngoại ô được bán rất nhanh cho bác hàng xóm bên cạnh, nghe đâu con trai bác ấy sắp cưới vợ. Nhà phố cổ cũng chính là căn gác của bác Cả để lại, thế nên chỉ chừng mươi hôm là nhà Lâm đã chuyển đi. Về nơi mới thu nhập của mẹ tốt hơn nhưng Lâm thấy ngột ngạt, chật chội. Hồi đầu khó chịu lắm nhưng ở lâu rồi cũng quen đi. Có bận bác hàng xóm cũ qua chơi còn khen với theo Giờ anh Lâm ra dáng trai phố rồi đấy. Thấm thoắt mười năm trôi qua, Lâm học xong đại học nhưng chưa xin được việc làm, ở nhà mãi cũng chán nên ra phụ mẹ bán hải sản. Làm được vài tháng thì xảy ra vụ nhà máy luyện thép thuộc tập đoàn Formosa xả thải trái phép khiến mấy trăm cây số biển miền Trung ô nhiễm. Nhìn trên các trang mạng thấy cá tầng sâu chết dạt trắng bờ Lâm biết to chuyện. Dân kinh doanh hải sản đều lao đao vì khách hàng sợ ăn phải tôm cá nhiễm độc. Nhà Lâm phải bán đổ hết hàng cũ với giá như cho không rồi nhượng quầy cho người khác. Thu nhập của gia đình giờ chẳng còn gì, mẹ Lâm đành lật sổ nợ xem còn mối nào chưa thanh toán để đòi nốt. Hôm nay Lâm được mẹ sai về xóm cũ, anh con trai bác hàng xóm mua lại nhà Lâm hồi trước vẫn còn nợ tiền bảy cân tôm hùm. Lấy hàng ba tháng rồi mà chẳng thấy hồi âm gì. Lâm trở về xóm ngoại ô thấy thay đổi quá. Nhà cửa san sát, khó khăn lắm mới tìm ra nhà cũ. Giàn thiên lý năm xưa giờ mất dạng. Chủ nhà đã ốp kín sân trước thành nhà để xe, ngó vào thấy thật tối tăm, bí bách. Trước khi bấm chuông Lâm vẫn còn nghe thấy tiếng anh chồng mắng vợ. Tới khi bấm chuông xong chỉ có đứa con ló đầu ra hỏi tên Lâm rồi chạy thụt ngay vào. Tiếng cãi cọ bỗng ngừng bặt. Rồi lại thấy đứa bé trở ra bảo Bố mẹ em đi vắng rồi. Mấy hôm nữa mới về cơ. Lâm ngao ngán lắc đầu. Thời buổi này đem cho vay nợ không mất mới lạ. Thất thểu ra về bỗng cảm thấy một mùi hương rất đỗi thân quen. Là tầm xuân. Không hiểu sao tháng chạp lạnh lẽo thế mà hoa vẫn nở rờ rỡ. Tới cánh cổng gỗ lim cũ kỹ Lâm bỗng nghe một giọng nói trong trẻo vọng ra Quý ông, chốc nữa nhà có khách không được làm ầm lên nhớ chưa! Lâm thấy giống tiếng Hương An quá, vậy là cô bé vẫn ở đây. Thế mà Lâm cứ tưởng giờ này đã phải bay nhảy phương nào rồi. Chần chừ một lát rồi Lâm đưa tay nhấn chuông. Sau khung cửa là một cô gái trẻ măng. Cô ta sững người nhìn Lâm rồi cất tiếng thật nhẹ nhàng Dạ thưa, quý khách muốn gặp ai ạ? Lâm không hiểu sao cô ta lại xưng hộ với mình như trong phim cổ trang. Ngập ngừng giây lát Lâm cũng khẽ khàng hỏi lại Chị cho hỏi Hương An có nhà không ạ? Dạ thưa, Hương An đã đi chơi xa rồi ạ. Vậy chị là… Tôi là… tôi là… Lâm An, em họ của Hương An. Tiếc quá, khi nào Hương An về tôi sẽ quay lại. Chắc quý khách đây là… Cứ gọi tôi là Lâm. Chắc anh Lâm đây cũng là chỗ thân thiết với Hương An. Vâng, nhưng mà cũng lâu lắm rồi. Không sao, mời anh vào chơi. Lâm mạnh dạn bước vào. Trong vườn ấm áp lạ, những vạt nắng điểm xuyết khắp nơi. Lâm An chỉ vận áo dài mỏng mảnh xám nhạt, giống màu trời lúc cơn mưa. Trên cổ tay và vạt áo thêu lác đác những bông cúc trắng mảnh mai thanh nhã. Cô gái này giống Hương An quá, mắt đen láy, trắng xanh, mảnh dẻ, giọng nói thì y chang luôn. Chỉ có kiểu tóc là hơi khác. Ngày xưa Hương An để tóc ngang vai còn giờ Lâm An búi cao lên nhưng vẫn còn để chút tóc mai xòa xuống tự nhiên. Xa xa Quý ông ngồi phơi nắng, nó liếc nhìn Lâm với ánh nhìn dửng dưng và thờ ơ. Gần đó có rổ rau củ phơi, chắc để làm dưa góp. Lâm An cũng tiếp Lâm ở thư phòng, mọi thứ vẫn vẹn nguyên như xưa, chỉ có giá sách hơi trống trải, hình như một đồ vật nào đó đã bị di chuyển. Bần thần một lát Lâm chợt nhớ ra, đó là tráp ngọc. Có vẻ Hương An đã mang theo rồi. Lâm An ngồi xuống rót cho Lâm một tách trà. Hương sen thơm dịu khiến Lâm tỉnh táo hẳn. Trà rất nóng, có vẻ như mới pha xong. Vừa nãy con Hỷ Thước bỗng cất tiếng líu lo, đoán nhà sắp có khách quý nên tôi bận áo dài rồi pha luôn bình trà. Thơm quá! Tự tay tôi ướp đấy, cũng mấy ngày mới được một mẻ, được cái hương sen đượm lâu lắm, tôi gói một ít cho anh mang về nhá. Thôi khỏi chị ạ, trà này phải uống ở đây, chứ về nhà tôi chán lắm, chật chội, ồn ào. Mà chả ai có bụng dạ ngồi thưởng trà với tôi đâu. Anh cứ dùng trà nhé, để tôi xuống bếp lấy mấy đồ nhấm nháp cho vui miệng. Nói là đi luôn. Lâm ngồi ngó ra cửa sổ. Cảnh vật vẫn thế, chẳng có gì thay đổi cả. Khu vườn vẫn xanh tươi với những cơn gió nhẹ, từng hơi thở trong veo như đang ở chốn mây ngàn. Quý ông vẫn quyền uy ngồi chễm chệ, đàn hồng hạc nhởn nhơ rỉa lông xòe cánh. Mọi chuyện như mới chỉ là hôm qua…

Có tiếng bước chân nhỏ nhẹ, Lâm An duyên dáng bước vào tay cầm một khay gỗ sơn mài đen nhánh tròn trịa có nắp đậy. Lâm thực sự tò mò, chỉ muốn ngay lập tức được nhìn thấy những gì trong đó. Nhưng đột nhiên điện thoại đổ chuông. Mẹ Lâm gọi. Bà bảo Lâm về gấp vì có hẹn với khách nợ mà em Lâm thì đang sốt nằm nhà. Lâm vội vã đứng dậy cáo từ. Lâm An cầm theo khay gỗ tiễn ra tận cổng. Trước khi khép lại cánh cổng cao vút, cô thận trọng đặt nó vào tay Lâm Anh mang về dùng thử nhé, chỉ một mình anh thôi. Hãy cầm thật nhẹ nhàng vì nếu không mọi thứ xáo trộn. Rồi như trốn chạy cơn gió lạnh lẽo ủ ê của tháng chạp, Lâm An vội vàng khép cổng rảo bước lui vào.

Về tới nhà Lâm ôm khay gỗ rón rén bước lên gác. Em trai Lâm đã hạ sốt, nằm nhắm mắt thiêm thiếp, có vẻ như không đáng ngại lắm. Lâm bước ra ban công kéo một chiếc đôn sứ để ngồi rồi đặt khay gỗ lên đùi. Góc ban công là nơi tương đối cách biệt, vào lúc đêm khuya tĩnh mịch Lâm thường lẻn ra ngắm mấy chậu hoa nở về đêm. Những lúc thư dãn hiếm hoi đó Lâm thường nhớ về biệt khu tầm xuân. Đôi khi Lâm nghĩ hay thực ra đó chỉ là mộng ảo vì cuộc đời xô bồ, nhộn nhạo này sao lại lạc vào những khoảnh khắc phiêu diêu, lạ thường đến thế. Giờ đây trước mặt Lâm là vật phẩm duy nhất lọt ra từ khu vườn bí ẩn đó. Nó hiện hữu, mát rượi và trơn láng dưới tay Lâm. Lâm mở nắp, lấp lóa và thơm mát. Lâm An đã sắp xếp trái cây và những lát thạch rau câu sắc màu thành những đồ châu báu. Một chuỗi ngọc bích nho xanh, một trái tim ru bi kết từ hạt lựu, đôi vòng tay trai ngọc hạt sen non, một phiến lá hổ phách thạch táo mèo, một bông hoa bạch ngọc thơm tho vị cốt dừa, một ngôi sao thạch anh tím màu nước nho ép. Lót dưới khay hoa quả là một lớp tiền vàng thơm phức mùi sô cô la. Lâm bóc một đồng tiền cho vào miệng, thứ kẹo đẳng cấp này chắc được làm thủ công tại một cửa hàng gia truyền nào đó bên châu u vì hương vị của nó thực sự đặc biệt. Mịn màng, tan biến rất nhanh và dậy lên mùi bơ ca cao hảo hạng. Lâm nhặt thêm nữa một đồng tiền vàng nhưng sao lần này thấy lạnh tay và hơi nặng. Rồi Lâm vuột tay, đồng tiền rớt xuống sàn bật ra tiếng kêu lanh canh. Lâm hoảng hốt nhặt vội lên. Nó được làm bằng kim loại, có in hình quốc huy một nước châu u thế kỷ mười tám. Rất có thể đây chính là đồng tiền được cất giữ trong tráp ngọc. Vậy là Hương An vẫn ở đó. Sau mười năm cô bé lớn lên nhưng tâm tính không hề thay đổi. Hương An vẫn chơi trò đổi tên theo ngày, hôm nay cô ta nhận mình là Lâm An chứng tỏ cô vẫn nhớ tên Lâm. Vì vậy khi xưng tên cô ta ngập ngừng một lúc trước khi cất lời. Rồi Lâm chợt nhớ tới rổ rau củ xanh đỏ phơi trên cỏ bên cạnh Quý ông, hình như đó là tráp ngọc. Cô ta vẫn giữ thói quen phơi ngọc khi nắng lên. Thảo nào không thấy cái tráp bày trong thư phòng nữa. Cô ta chẳng đi đâu cả, vẫn ở đó trong nắng gió, thanh thản và yên bình, giải sầu bằng cách tự làm những đồ ngọt tinh xảo có hương vị mê hồn. Mười năm trôi qua mà An vẫn nhớ lời hứa sẽ tặng Lâm một đồng tiền gia bảo. Cô ta vẫn vẹn nguyên như thế, còn Lâm thì chẳng rõ buồn vui, cứ lạc lõng bên dòng đời. Chỉ cách rặng tầm xuân mà như hai cõi xa cách. Cô ta cứ ở mãi trong ấy, miễn nhiễm với tất cả những xấu xa, dơ bẩn của dòng đời sôi sục bên ngoài, nơi mà từng ngụm khí trời cũng tiềm ẩn khôn lường hiểm họa. Tại sao trong cõi tầm xuân đó cô ta cứ mãi độc chiếm một vi khí hậu hoàn hảo, một điều kiện thời tiết chỉ có trong mơ ước.

Lâm thừ người nhìn chăm chú vào đám châu ngọc thơm man mác. Những hình ảnh trong quá khứ bỗng từ đâu ùa về nguyên vẹn, tinh khôi. Khu vườn xanh tươi rực nắng, đàn họa mi chao liệng lảnh lót họa theo tiếng cười trong veo của Hương An. Cô bé tóc xòa ngang vai, gầy gò, mảnh dẻ chạy tung tăng khắp khu vườn. Hương tầm xuân thoang thoảng trong gió mát, đàn hồng hạc xòe cánh múa mơ màng. Lấp ló sau những thân cây cổ thụ đôi mắt hổ phách của Quý ông vàng rực, mỗi lần nó nhìn Lâm đồng tử cứ co dần, co dần cho đến khi còn lại một nét đen thanh mảnh. Rồi tất cả mờ dần, chỉ còn lại gương mặt trắng trong, rạng rỡ của Hương An rung rinh, lay động. Từ khóe mắt Lâm một giọt nước trào ra lăn xuống và rớt trên trái nho xanh ngọc. Ruỳnh! Tiếng xô cửa khá mạnh khiến Lâm bừng tỉnh, hình như mẹ đã về. Có tiếng trò chuyện râm ran. Anh Lâm đâu, đỡ sốt chưa… À, đỡ rồi này… Con bảo sao… Nợ í hả? Đòi được phân nửa rồi. Chắc phải đi mấy lần nữa. Lâm vội chùi tay lên mắt, đậy nắp khay lại rồi đặt lên ban công chỗ khuất sau chậu hồng bạch, sau đó chậm rãi vào nhà giúp mẹ thay đèn bếp để còn kịp làm bữa cơm chiều. Chắc lát nữa cũng phải trình bày vụ đòi nợ bất thành nơi xóm cũ. Nhưng sẽ không kể chuyện ghé vào biệt khu. Chắc chắn rồi, có những câu chuyện chỉ nên giữ lại cho riêng mình, khi nào không chịu được nữa thì hãy trút bỏ. Có thể sẽ viết ra, vào lúc đêm khuya, bên những bông quỳnh nở chậm. Giấy rất mỏng và đường chì rất mảnh, chỉ cần sơ ý là gió sẽ cuốn đi. Có thể sẽ trở lại Tầm xuân để xem gương mặt cô ấy có xao động khi ngồi đọc những dòng tâm tư của một người bạn cũ. Nhưng sẽ chẳng tìm thấy một biểu cảm nào nếu cô ấy lại nhập vai với một cái tên xa lạ khác. Rồi lại thoắt biến đi để rồi khi trở lại mang theo một khay gỗ với những đồ ngọt thơm mát được chế ra từ trí tưởng tượng vô vàn. Mà cho dù có vui vẻ đến mấy rồi cũng sẽ có những cú điện thoại ngắt ngang kéo tuột Lâm ra khỏi vườn hương kỳ diệu đó…

Và có thể sẽ mãi là như thế.,.

H.T.M

Leave a Reply

Your email address will not be published.