Nguyễn Bích Thu
(Qua chuyên luận của bốn tác giả Lê Hương Thủy, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Hoàng Cẩm Giang và Đỗ Hải Ninh)
Từ lâu nay, tôi hay quan tâm đến các cây bút nghiên cứu, phê bình nữ, nhất là những người đang bước vào độ tuổi “hồi xuân”, là độ tuổi đã trải nghiệm và trưởng thành trong môi trường nghiên cứu và giảng dạy, đã bắt đầu được đồng nghiệp và người đọc chú ý, cũng như đã tạo dấu ấn nghề nghiệp trong các tiểu luận và các công trình khoa học của mình. Ở bài viết này, tôi muốn nói đến các trường hợp nghiên cứu phê bình văn xuôi: TS Lê Hương Thủy với Truyện ngắn Việt Nam đương đại diễn trình và động hướng, (NXB ĐHQG, H, 2019), TS Nguyễn Thị Năm Hoàng với Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 – nhận diện và tương tác, (NXBĐHQG, H, 2021), PGS. TS Hoàng Cẩm Giang với Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, cấu trúc và khuynh hướng,( NXB ĐHQG, H, 2015) và TS Đỗ Hải Ninh với Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại ( NXB KHXH, H, 2020).
Bốn tác giả các chuyên luận kể trên đều tập trung nghiên cứu về thể loại, cụ thể với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, là hai thể loại đầu bảng trong đời sống văn xuôi đương đại. Với tôi hai tác giả Nguyễn Thị Năm Hoàng và Hoàng Cẩm Giang đều là cán bộ giảng dạy Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, từ lâu nay tôi và họ vẫn giữ được sợi dây kết nối tình thầy trò – đồng nghiệp trong chuyên môn, học thuật. Còn với TS Lê Hương Thủy và TS Đỗ Hải Ninh hơn hai thập niên trở lại đây với tôi là những đồng nghiệp luôn sống trong “hương vị tình thân”, cùng trong một môi trường nghiên cứu – Viện Văn học. Có thể nói đối tượng nghiên cứu và cách triển khai vấn đề của các cây bút trên đã thu hút sự chú ý của tôi. Các chuyên luận này đều thoát thai từ các luận án tiến sĩ đã bảo vệ thành công hơn chục năm trước. Trên tay tôi hôm nay, các chuyên luận ấy như được khoác bộ áo mới, tự tin và chuyên nghiệp hơn. Từ cách chọn đối tượng thẩm mỹ và cách đặt nhan đề các cuốn sách đã cho thấy các chủ sở hữu thực sự là những người sống với văn chương cùng thời, với “cái hiện tại chưa hoàn thành” và đang tiếp diễn. Ở đây, các tác giả chuyên luận đã đan xen khá hài hòa giữa lý luận và thực hành, học thuật và thực tiễn, phê bình và sáng tác sao cho đáp ứng “tầm đón đợi” của những ai quan tâm đến văn học Việt Nam đương đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.
Các công trình về truyện ngắn, về tiểu thuyết của Lê Hương Thủy, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Hoàng Cẩm Giang và Đỗ Hải Ninh đều nỗ lực tìm hiểu và làm rõ sự vận động, đổi mới của văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 song hành với sự vận động và phát triển của thể loại. Từ những vấn đề thể loại, các tác giả đã tiến đến một bước cao hơn, bao quát hơn khi chú ý đến vai trò của những thể loại chủ đạo, có chức năng tổ chức, liên kết toàn bộ hệ thống thể loại của một thời đại, một khuynh hướng. Việc nghiên cứu thể loại , vì vậy không thể tách rời những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi giai đoạn văn học, trong đó truyện ngắn và tiểu thuyết là những thể loại chủ chốt của loại hình văn văn xuôi nghệ thuật. Theo M.Bakhtin, “thể loại chứ không phải phương pháp hoặc trường phái sáng tác là những nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học. Mỗi một thể loại, nhất là thể loại lớn, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thu, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người.” (1) Điều ấy cho thấy thể loại đóng một vai trò quan trọng trong việc quan sát và nhận diện diện mạo, những khuynh hướng trong quá trình vận động và biến chuyển của mỗi thời kỳ văn học với những đặc trưng riêng của nó.
Trước hết trong chuyên luận Truyện ngắn Việt Nam đương đại diễn trình và động hướng của Lê Hương Thủy và Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 nhận diện và tương tác của Nguyễn Thị Năm Hoàng đã trình hiện bức tranh truyện ngắn Việt Nam với các sắc thái cho thấy những biến chuyển mạnh mẽ trên tinh thần đổi mới nhìn từ đời sống thể loại nói riêng và đời sống văn học đương đại nói chung. Tuy là thể loại tự sự cỡ nhỏ nhưng qua cái nhìn của nhà nghiên cứu, đó là một “thể loại năng động, thuận lợi trong việc tiếp cận hiện thực giai đoạn mới một cách nhanh nhậy và sắc bén, trở thành thể loại xung kích trong việc thể hiện những vấn đề của đời sống và nghệ thuật” (2). Với những thành tựu đổi mới đã được ghi nhận và đáp ứng thị hiếu công chúng, truyện ngắn đã “chứng tỏ sự nhạy bén cũng như ưu thế của nó trong bước chuyển và sự định hình văn học Việt Nam bốn mươi năm qua. Thực tế đặt ra một nhiệm vụ tìm hiểu diện mạo lịch sử của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn thể loại” (3). Đều hướng tới truyện ngắn đương đại từ sau 1975, đặc biệt từ sau 1986 nhìn từ phương diện thể loại nhưng hai chuyên luận nói trên đã có những cách nhìn và kiến giải riêng, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp. Ở chuyên luận của Lê Hương Thủy “hướng đến tìm hiểu đời sống thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại với ý thức lý giải quy luật vận động, tìm hiểu một số phương thức trần thuật, bút pháp nghệ thuật được sử dụng trong quá trình tạo lập văn bản truyện ngắn; nhìn nhận một phương diên của văn học sử qua thể loại truyện ngắn trong đời sống văn học đương đại , truyện ngắn của các cây bút nữ” (4). Trên ý hướng tiếp cận đó, chuyên luận đã góp phần nhận diện những kế thừa và tiếp biến , đổi mới tư duy nghệ thuật truyện ngắn Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập của môi trường văn học đương đại. Còn trong chuyên luận của mình, Nguyễn Thị Năm Hoàng tìm hiểu “những đặc điểm cho thấy sự vận động và đổi mới của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 xét trên phương diện thể loại, đó là những đặc điểm về tình huống , kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ; và những hiện tượng đáng chú ý cho thấy quá trình vận động và tương tác của thể loại truyện ngắn trong đời sống văn học sau 1975” (5). Dễ nhận thấy ở đây, phạm vi khảo sát truyện ngắn kéo dài từ giai đoạn tiền đổi mới đến nay, cho thấy kế thừa, tiếp nối và sự chuyển biến trong sáng tác của giai đoạn hiện tại và giai đoạn trước đó với những thành tựu và giới hạn đặt trong dòng chảy chung của văn học đương đại. Điều đáng nhấn mạnh ở cả hai chuyên luận là đã vận dụng vừa đủ các lý thuyết tự sự học, thi pháp học vào nghiên cứu thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại, với cái nhìn “liên không gian”, vừa kế thừa di sản văn học quá khứ vừa quan sát những cái mới, cái khác trong sự biến đổi, nói như Bakhtin “chỉ kẻ biến đổi mới hiểu được sự biến đổi” trong truyện ngắn đương đại. Vì vậy sự soi chiếu lý thuyết vào thực tiễn đời sống luôn phong phú và đa dạng, là cái nhìn mở, khơi gợi, hướng niềm tin vào việc thực hành đổi mới và cách tân lối viết của chủ thể sáng tạo ở phần viết gắn với đời sống sôi động của thể loại. Với chuyên luận của mình, Lê Hương Thủy đã dành tâm sức nắm bắt và nhận diện diễn trình vận động truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, coi đó như một bộ phận không tách rời của đời sống thể loại và rộng ra của đời sống văn học. Trong cái nhìn chung , tác giả chú ý hơn đến những gương mặt nổi bật trong ngữ cảnh truyện ngắn nữ, nhấn mạnh đến Lê Minh Khuê nhìn từ một phương diện của cảm hứng sáng tác , đến sự thể hiện nhân vật và đời sống trong truyện ngắn Y Ban, đến những trang viết ám ảnh về miền núi của Đỗ Bích Thúy. Ở Nguyễn Thị Năm Hoàng là cách nhìn truyện ngắn đương đại với những tương tác “xuyên văn bản”: Truyện ngắn Lưu Quang Vũ – giữa những lằn ranh, Cỏ lau – sự vận động của tự sự từ truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đến phim Vương Đức, Hạt bụi vàng Hà Nội – từ những chiều kích văn hóa, Tập truyện ngắn Khung trời bỏ lại của các tác giả nữ hải ngoại – một liên khúc về thân phận. Từ phần quan sát thực tiễn đời sống thể loại truyện ngắn qua các tiểu luận thể hiện tính chuyên sâu, kết hợp hài hòa, uyển chuyển gữa văn phong khoa học và cảm thụ trong quá trình tiếp nhận sâu sắc và tinh tế văn bản tác phẩm của hai tác giả Lê Hương Thủy và Nguyễn Thị Năm Hoàng, theo tôi cũng như là phần kết thúc của hai chuyên luận về truyện ngắn đương đại, người viết đã làm rõ : “ Thể loại với tính chất là một dạng thức tổ chức tác phẩm, một phạm trù phân loại tác phẩm, là quy ước tồn tại hay là một phương thức cấu tạo văn bản vừa để biểu đat vừa để định hướng cho sự tiếp thu biểu đạt”, được xem là một phương diện quan trọng để tìm hiểu đặc điểm và tiến trình văn học” (6).
Với thể loại tiểu thuyết, người đọc đón nhận chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX cấu trúc và khuynh hướng của PGS. TS Hoàng Cẩm Giang và Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại của TS Đỗ Hải Ninh. Hai chuyên luận này trực tiếp hay gián tiếp đều hướng tới thể loại văn học với các từ khóa “thể loại”, “thi pháp thể loại”, “cấu trúc thể loại” và “tương tác, giao thoa thể loại”. Do vậy người nghiên cứu luôn thấu hiểu thể loại đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lý thuyết và thực tiễn sáng tác mà thực tiễn bao giờ cũng phong phú và đa dạng. Ở chuyên luận của Hoàng Cẩm Giang, người viết chọn điểm xuất phát là cấu trúc thể loại và “thông qua lăng kính của cấu trúc thể loại để soi chiếu và tìm ra các khuynh hướng tiểu thuyết khác nhau trong nền văn học đương đại, từ sự vận động thể loại trong mạch tiếp nối với dòng chảy tiểu thuyết của các thế hệ nhà văn trước đó” (7). Với Đỗ Hải Ninh, trong chuyên luận của mình đã cho thấy “ việc tìm hiểu khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại cũng liên quan đến bản chất thể loại và sự nhòe mờ ranh giới thể loại đang diễn ra ngày một mạnh mẽ; liên quan đến nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết đương đại với nhiều yếu tố phức tạp như người kể chuyện , điểm nhìn trần thuật và diễn ngôn tiểu thuyết” (8)
Như vậy vấn đề thể loại và thể loại tiểu thuyết trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn văn học đã nhuần thấm trong tư duy nghiên cứu của Hoàng Cẩm Giang và Đỗ Hải Nính. Từ điểm tựa thể loại “là hình thức điển hình của toàn bộ tác phẩm, của toàn bộ sự biểu hiện nghệ thuât” (M. Bakhtin) trong Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI cấu trúc và khuynh hướng , Hoàng Cẩm Giang tìm hiểu thuật ngữ khuynh hướng : “ là cộng đồng các hiện tượng văn học được liên kết lại trên cơ sở một sự thống nhất tương đối về các định hướng thẩm mỹ, tư tưởng và về các nguyên tắc thể hiện nghệ thuật” (9). Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu nhận ra mối tương quan giữa thể loại và khuynh hướng, bằng cái nhìn sâu sắc và mẫn cảm , tác giả xem xét sự phát triển của các khuynh hướng tiểu thuyết dựa trên chính cấu trúc thể loại, “một mô hình thế giới có cấu trúc đặc thù”, “tính đặc thù của cấu trúc thể loại chính là ở chỗ nó vừa vững chắc ổn định, vừa biến động không ngừng… Chính quy luật này đã dẫn đến bức tranh phát triển đa dạng , phức tạp của các thể loại nói chung và tiểu thuyết nói riêng trong đời sống văn học – với sự hình thành, đan cài của các khuynh hướng tiểu thuyết khác nhau trong cùng một thời kỳ trên phương diện cấu trúc thể loại” (10). Như vậy , tác giả đã triển khai chuyên luận trên cơ sở “quy nạp” như là “hình thức tiếp cận mang tính khách quan với đối tượng nghiên cứu” . Từ thực tiễn đời sống thể loại, chuyên luận xem xét các khuynh hướng tiểu thuyết nhìn từ bình diện hình tượng thẩm mỹ và phương thức trần thuật đã nhận ra tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI đang đi theo hai khuynh hướng chủ đạo : khuynh hướng duy trì hình thức thể loại truyền thống và khuynh hướng cách tân hình thức thể loại truyền thống. Ở mỗi khuynh hướng đều “duy trì” những đặc điểm căn cốt của mình. Khuynh hướng duy trì có ba đặc điểm: sự bảo lưu “tính chuyện”, sự dịch chuyển từ đại tự sự về cộng đồng sang đại tự sự cá nhân, sự hướng đến tiểu thuyết lịch sử như là một mô hình lựa chọn tiêu biểu. Khuynh hướng cách tân : sự phi tâm hóa văn bản trần thuật, tính trò chơi trong tự sự và ngôn từ, sự hướng đến tiểu thuyết mảnh vỡ như là mô hình lựa chọn tiêu biểu. Từ những đặc điểm của mỗi khuynh hướng tiểu thuyết nói trên, nhà nghiên cứu cho thấy hai khuynh hướng là “hai “đáp án” khác nhau , hai cách ứng xử khác nhau của cùng một thể loại trong một giai đoạn lịch sử , một không khí xã hội – văn hóa, một “cộng đồng diễn giải” tương đồng” (11). Ở đây tác giả chuyên luận dường như cũng lường trước giữa việc duy trì một cách linh hoạt và uyển chuyển với việc cách tân mạnh mẽ và quyết liệt hình thức thể loại không phải diễn ra một cách suôn sẻ, xuôi chèo mát mái mà luôn có sự va chạm, thậm chí gây sốc trong cộng đồng tiếp nhận. Dễ nhận thấy ở mỗi khuynh hướng truyền thống hay cách tân đều có chủ thể sáng tạo hay tiếp nhận của riêng mình, cũng như đều có những thành tựu và giới hạn. Do vậy không vì cổ xúy cách tân mà khước từ truyền thống và cũng không vì truyền thống mà dị ứng với cái mới. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu đã nhận thấy dù thuộc về kết quả nào, hai khuynh hướng trên cũng “gián tiếp khẳng định thể loại và làm mới thể loại” ngõ hầu hướng đến “một bức tranh chung khác, một chân trời khác của tiểu thuyết Việt Nam đương đại” (12)
Với chuyên luận Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại, ngay từ đầu, nhà nghiên cứu đã hướng tới sự nhòe mờ , giao thoa lằn ranh thể loại trong tiểu thuyết đương đại, coi đó là cuộc “hôn phối thể loại” giữa tự truyện và tiểu thuyết. Trong quá trình quan sát đời sống văn chương đương đại Đỗ Hải Ninh đã nhận ra một hiện tượng đáng chú ý là sự xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết có yếu tố tự truyện thu hút sự quan tâm không chỉ của giới nghiên cứu, giảng dạy văn học mà cả công chúng rộng rãi, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ và kích thích trí tò mò của người đọc. Như vậy tác giả đã chọn được một đối tượng nghiên cứu đặt ra những vấn đề thú vị không chỉ về thực tiễn sáng tác (coi trọng con người cá nhân -đời tư) mà còn về lý thuyết thể loại (cho phép “vi phạm ranh giới thể loại”) bởi đặc thù của tiểu thuyết “như một thể loại luôn biến chuyển”. Trong không khí dân chủ hóa của đời sống văn học, vận dụng phương pháp nghiên cứu tiểu sử, coi tác giả là chủ thể sáng tạo chi phối quá trình kiến tạo tác phẩm cùng những phiêu lưu nghệ thuật trong cảm hứng và lối viết, nhà nghiên cứu đã đưa ra cái nhìn khái quát về những tiền đề lịch sử , xã hội, văn hóa nghệ thuật với nhu cầu nhận thức về cá nhân như một xu thế tất yếu, khẳng định cái tôi cá nhân trong bối cảnh văn hóa đương đại đã cho thấy khả năng “vẫy gọi “ cũng như tiềm năng của tiểu thuyết có yếu tố tự truyện: “Với tư cách là sự kết hợp giữa tự truyện và tiểu thuyết, trong môi trường dân chủ ngày càng rộng mở, khi cái nhìn cá tính của nhà văn được tôn trọng, tiểu thuyết có yếu tố tự truyện nở rộ như hiện nay cũng là một tất yếu. Và sự xuất hiện của nó , không những không làm nghèo văn học, trái lại, khiến cho văn học thực sự là những tiếng nói chân thật và hấp dẫn trong một thời đại mà sự đối thoại và lắng nghe đang trở thành khế ước tinh thần cơ bản trong văn hóa và văn học nhân loại” (13) Khảo sát các tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện xuất hiện mấy thập niên gần đây như Thời xa vắng, Gia đình bé mọn, Chuyện kể năm 2000, Ba người khác, Một mình một ngựa, Tấm ván phóng dao, Tiền định, Một bàn tay thì đầy…., Đỗ Hải Ninh nhận ra “ việc không ngừng tìm kiếm cái tôi, phiêu lưu vào những bí ẩn sâu thẳm của bản ngã để truy tìm sự thật là một nhu cầu quan trọng của văn học đương đại”. Và cũng từ nhu cầu kể trên, tác giả chuyên luận đặt ra vấn đề sự thật trong văn học và sự thật trong sử ký và sách giáo khoa: “ Trong nghệ thuật, việc xử lý mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu nhuần nhuyễn đến đâu sẽ quyết định hiệu quả nghệ thuật tự sự của nhà văn. Hơn nữa, điều đó cũng giúp cho tiểu thuyết có yếu tố tự truyện không hiện lên với bảng màu đơn sắc mà đa dạng và biến hóa” (14). Với sự vận dụng lý luận cùng các phương pháp nghiên cứu tương thích với đối tượng, đồng thời với tinh thần vừa mở rộng kiến thức liên ngành vừa khoan sâu vào kiến thức chuyên ngành, tác giả chuyên luận Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại bằng những phân tích và luận giải của mình đã cho thấy tiểu thuyết là một “thể loại mềm mại” mà các yếu tố hư cấu hay phi hư cấu, tự truyện hay tiểu thuyết có thể xâm nhập, phối xen hoặc chuyển hóa làm nhòe mờ ranh giới thể loại, khiến tiểu thuyết hàm chứa những hiệu ứng nghệ thuật khả quan hơn trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm. Và như vậy, có thể chia sẻ với tác giả chuyên luận: “Tiểu thuyết có yêu tố tự truyện là một cánh cửa mở ra nhiều hứa hẹn phía trước cho cả giới sáng tác và người tiếp nhận trong hành trình khám phá giá trị tiểu thuyết” (15)
Có thể nói, trong bốn chuyên luận kể trên đều có tên bài viết của tôi trong danh mục Tài liệu tham khảo, thậm chí trích dẫn, đó là niềm vui của người đi trước. Song thực lòng mà nói, nếu những tiểu luận của tôi mới dừng lại ở sự nhận diện diện mạo thể loại mang tính khái quát như: Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975 ( Tạp chí Văn học số 9/ 1996), Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới ( Tạp chí Văn học số 11/2006), Bước đầu nhận diện tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI ( Tạp chí Tản Viên sơn số 7/ 2009)…, thì hôm nay, các chuyên luận của bốn cây bút nữ kể trên đã tiến những bước xa hơn, sâu hơn về cấu trúc thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, nhìn từ sự vận động của thể loại trong bối cảnh đổi mới và giao lưu văn hóa, văn học thế giới đương đại. Như vây, theo tôi trong sự tiếp nối thế hệ ở các trường đại học và viện nghiên cứu với những chuyên luận đã trình hiện của các cây bút Lê Hương Thủy, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Hoàng Cẩm Giang và Đỗ Hải Ninh, tôi luôn kỳ vọng ở họ những công trình mới và khác đồng hành với văn học Việt Nam đương đạị, với những tác giả và tác phẩm cùng thời, hướng tới kết nối văn học và nghiên cứu văn học Việt Nam với văn học của các nước trong khu vực và thế giới…
Chú thích:
- Phạm Vĩnh Cư. Lời nói đầu. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du.1992. H. 7
- Các chú thích 2, 4, 6 Truyện ngắn Việt Nam đương đại diễn trình và động hướng, NXN ĐHQG, H 2019. Tr 22, 13, 118
- Các chú thích 3,5 Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 nhận diện và tương tác. NXBĐHQG,H, 2022. Tr 16, 35
- Các chú thích 7, 9, 10,11,12. Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI cấu trúc và khuynh hướng. NXBĐHQG. H.2015.Tr 30, 57, 296, 302
- Các chú thích 8, 13,15. Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại. NXBKHXH.H .2020. Tr 9, 122, 271