Lê Thị Kết (Huyện Đông Anh, TP. Hà Nội)
Từ lâu luôn có không ít bài báo đề cập và phản ảnh tình trạng vứt, xả rác bừa bãi và ý thức thấp kém của những người có thói quen bạ đâu xả đó, bạ đâu vứt đó. Vâng, cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, quá nhiều người Việt ta vẫn… “duy trì” hành vi rất xấu này trong việc xả rác khiến cho môi trường sống ở bất cứ đâu, từ nông thôn cho tới thành thị, từ đường phố cho tới ruộng đồng…, đều ngột ngạt vì rác thải vương vãi. Khi rác thải không được thu gom, hoặc thu gom không hết đã tác động không nhỏ tới môi trường sống, sự ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước…, và ảnh hưởng tới chính cuộc sống của người dân. Những ảnh hưởng và thảm họa về môi trường do rác thải gây nên đã, đang gióng lên hồi chuông báo động không chỉ ở nước ta mà trên phạm vi toàn cầu. Chính vì thế mà ở bất cứ đâu chính quyền các cấp luôn đưa ra các chiến dịch thu dọn rác thải làm sạch môi trường, vận động người dân có ý thức trong việc xả rác để bảo vệ môi môi trường…
Lại nói về ý thức của người dân ta trong việc xả rác, khi mà tại hầu hết các đô thị thùng rác có lắp đặt rất nhiều nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn vứt, xả rác bừa bãi, thậm chí có nhiều khu vực thùng rác chỉ cách dăm ba chục mét nhưng người ta vẫn buông bỏ rác đầy thảm cỏ, gầm ghế đá công viên… Ví dụ, nhiều lần dạo chơi trong khuôn viên Hồ Gươm ở Hà Nội tôi quan sát và thấy xung quang khu vực này có lắp đặt rất nhiều các thùng rác nằm xen kẽ giữa các ghế đá với thông điệp kêu gọi mọi người bỏ rác vào thùng. Thế nhưng, tình trạng các loại rác thải vương vãi dưới chân những chiếc ghế đá, ven các lối đi dạo, ở bãi cỏ, bồn hoa vẫn rất nhiều, và hẳn phải có những người thiếu ý thức thì rác mới vương vãi và không nằm trong thùng như vậy! Hay như, những lần đi tàu Thống nhất qua lại giữa Hà Nội – Sài Gòn tôi cũng thấy ở hai đầu của mỗi toa xe đều có đặt các thùng rác phục vụ khách vậy mà cảnh tượng hành khách xả rác qua cửa sổ tàu, xuống sàn tàu vẫn là rất nhiều. Với việc xả rác trên sàn tàu thì sau mỗi hành trình nhân viên còn có thể thu gom được, nhưng khi rác bị vứt qua cửa số xuống hai bên đường ray xe lửa thì sẽ là rất khó thu lượm được trong một sớm một chiều. Chính vì vậy mà bất cứ ai cũng có thể thấy rác thải vương vãi đầy dưới nền và ở hai bên đường ray.
Để nâng tầm ý thức cũng như thay đổi hành vi xả rác bừa bãi, làm ảnh hưởng tới mỹ quan và môi trường, thiết nghĩ chúng ta không thể chỉ hô hào, trưng dựng các biển cấm, làm nhiều thùng rác…, mà vấn đề cốt lõi là phải giáo dục! Vâng, ở các nước phương Tây, hay gần ta nhất là Singapore, Nhật Bản…, chuyện ý thức xả rác được đưa vào giảng dạy tại các cấp bậc từ tiểu học trở lên vì vậy khi lớn lên hầu như tất cả các công dân của họ đã hình thành một nếp sống, một thói quen rất có văn hóa, nghĩa là không xả rác bậy bạ, cho dù ở đó không có thùng rác thì họ cũng gom lại cho vào túi, rồi đợi tới chỗ nào có đặt thùng rác mới bỏ vào. Chẳng vậy mà cảnh tượng rác thải vương vãi ngoài lề đường, góc phố, quanh khu dân cư hầu như là không có. Chúng ta từng biết rằng Singapore luôn được mệnh danh là đất nước xanh – sạch nhất thế giới cũng là vì lẽ đó khi ý thức của mọi công dân trong việc bảo vệ môi trường sống đều cực cao. Ngoài việc giáo dục ra thì những người lớn luôn ý thức được việc xả rác như thế nào để không làm bẩn môi trường sống cũng là điều để các thế hệ trẻ noi theo…
