Kiều Mai
Nhà văn Bùi Đức Khiêm đặt tựa lạ cho tập thơ của mình: “Câu bình minh”. Đó cũng là tên một bài thơ. Bình minh thì ở đâu chẳng thấy và ai đã chẳng từng hơn một lần lặng đứng ngắm hừng đông và bình minh lên đầu ngày. Lạ chăng ở đây là người đi câu cá nhưng đồng thời cũng nghĩ mình đi câu được bình minh lên: “Có thể hằng giờ/ không con cá nào động phao/ Nhưng, mới thú vị làm sao/ tôi câu được bình minh lên/ mỗi ngày!”. Người thơ tạo được cho mình những giờ phút nhàn tản và thi vị đến thế chứ lị? Bài thơ làm người ta nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn con gà trống cứ nghĩ nhờ có tiếng gáy của mình mà ông mặt trời mới mọc…
Hóa ra, nội dung của tập thơ cũng là những đề tài về sông nước, núi non, cây cỏ… quen thuộcvới rất nhiều người.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ – một bạn viết gần gũi lâu năm với tác giả – trong bài “Thay lời mở sách” đã lẩy, điểm bài thơ “Thương nhớ sông Bôi” như một điểm nhấn cho cả tập thơ: “Tôi sinh ra ở đây/ cái làng nhỏ tựa lưng vào vách núi/ sông Bôi như chiếc lạt mềm/ xanh trôi trước mặt/ Chiếc lạt mềm buộc chặt/ thương nhớ suốt đời tôi!”. Đó là “Sự chưng cất đến dung dị mà tràn trề cảm xúc của ngôn từ – Nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết – Con sông quê hương cột chặt tình thương nỗi nhớ suốt đời của một con người. Nói về tình yêu quê hương đất nước, có lẽ ít nhà thơ nào mà chỉ vài câu ngắn gọn lại lấp lánh, ngân nga đọng ngay trong lòng người đọc như Thương nhớ sông Bôi”.
Bùi Đức Khiêm học mỹ thuật, khởi nghiệp là họa sĩ trình bày tờ báo kinh tế và hội nhập hàng đầu của đất nước. Nhưng rồi do thích đi đó đi đây và đam mê viết lách hơn nên trở thành nhà báo, nhà văn. Và, với thiên chức công việc của mình, Bùi Đức Khiêm đã không chỉ được đi đó đi đây ở trong nước mà còn được vi vu trên nhiều chuyến bay ra nước ngoài: “Từng rong ruổi từ Bắc vào Nam/ Cả ngàn cây số/…Cũng từng vi vu trên những chuyến bay/ Xuyên trời Á – Âu, Mỹ la tinh/ Bao la mây trôi ngoài cửa sổ/ Mờ tỏ những miền đất lạ dưới kia/…Giờ mỗi sớm tôi đi/ Bằng đôi chân của chính mình/ Thấy tường hơn những xô bồ/ Hay dở, đúng sai!”.
Có thể ở vai trò nào anh cũng đủ hiểu biết và kỹ năng để thách đố độc giả. Nhưng thật kỳ lạ, những gì anh thể hiện qua thơ lại vô cùng khiêm nhường, dung dị như cái tên của mình vậy. Có lẽ đó là lý do khiến bạn văn yêu quý và “kết” luôn những thi phẩm của anh?
Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình – vùng đất của “Người lái đò sông Đà”, qua thơ, Bùi ĐứcKhiêm dẫn dắt độc giả đến những địa danh nổi tiếng của quê hương mình, những sông Đà, Thung Nai, Kim Bôi: “Người đi thăm thẳm dặm trường/ ngày về tóc đã pha sương trắng đầu/Tháng năm nước vẹt chân cầu/ bến xưa, người cũ… nát nhàu tương tư…”.
Không chỉ cuộc sống mà cả tinh thần bên trong của chúng ta cũng có thể thay đổi theo thời gian. Cũng như mỗi dòng sông đều có một linh hồn, một cách uốn khúc chảy. Những ai từng lớn lên với con sông quê mới hiểu, dòng sông cũng là người bạn đồng hành, người hướng dẫn tinh thần, chỉ cần chúng ta có trái tim để cảm nhận và có đôi tai để lắng nghe. Đôi khi, dòng sông còn là một người thầy dạy chúng ta nhiều điều quý giá. Có lúc người đọc bắt gặp khoảnh khắc trái tim Bùi Đức Khiêm rung động trước những điều nhỏ bé, rồi cũng có khi bật cười bởi một bài thơ nhỏ với một phát hiện thú vị: “Ở phố thường ngắm cúc đại đóa/ vàng hoe mỗi độ thu về/ Ngược quê, mê nhìn sơn nữ hái cúc chi/ bạt ngàn những bông tròn khuy bạc/ lấp lóa ngực đồi…”.
Bùi Đức Khiêm chia tập thơ làm 3 phần. Phần I: Thương nhớ sông Bôi; phần II: Câu bình minh; phần III: Thoáng chốc xứ người… thế nhưng toàn bộ tác phẩm được liên kết chặt chẽ liền mạch bởi cảm xúc và tình cảm chân thành của tác giả. Do đó, khi thưởng thức tập thơ, độc giả bỏ qua hết những giới hạn, bởi bài thơ nào họ cũng thấy những hình ảnh giản dị đến cảm động.
Ở bài “Không lời” – thi phẩm nặng về chiêm nghiệm: “Tôi thường mê đắm/ nghe nhạc không lời mỗi hừng đông…/ Tôi lại cũng lắng nghe/ nhạc không lời những khuya đêm…/ Và rồi tôi mơ/ đời cứ gì phải nhiều lời!”. Đúng thế, văn tức là người, ở ngoài đời Bùi Đức Khiêm là người kiệm lời nên thơ anh đa phần là ngắn gọn và dung dị. Sống ở thời đại hiện nay, tìm được khoảng thời gian yên tĩnh đã khó chứ đừng nói đến thời gian dành cho riêng mình. Với phương tiện truyền thông xã hội, Internet trên điện thoại, máy tính và TV, thông tin trong tầm tay, liên lạc thường xuyên với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình… chúng ta luôn bận rộn, vì vậy khi ở một mình, chúng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp sâu lắng của cuộc sống. Bản nhạc không lời cất lên cũng giống như âm thanh của tâm hồn mình, chính điều này mang lại cho chúng ta cảm giác bình yên. Và khi chúng ta lắng nghe âm nhạc của tâm hồn, chúng ta cũng nghe thấy âm nhạc của những người khác một cách bí ẩn và kỳ diệu.
Tương tự, bài “Đồng hồ cũ, đồng hồ mới”, Bùi Đức Khiêm lại cho thấy tài quan sát và sự phát hiện độc đáo khiến độc giả vừa mỉm cười chua chát, vừa gật gù theo từng nhịp ngắt, nghỉ của thơ: “Tôi tầm mua được/ chiếc đồng hồ cũ kỹ ở chợ trời/ thích cái kim phút kim giây/ chạy cực kỳ chuẩn xác/ Tôi khẳng định điều đó/ bởi thấy nhiều người đeo đồng hồ mới/ sang trọng và đắt tiền/ nhưng họ thường đến công sở/ chậm giờ?…”. Lại là sự dung dị, khiêm tốn khác của người viết. Đọc bài thơ, hẳn sẽ có người liên tưởng đến câu chuyện thế sự đang hót hòn họt mới đây: Ông bí thư tỉnh ủy nọ dùng chiếc đồng hồ có giá gần 10 tỷ đồng? Sang trọng đấy, nhưng là của nhận hối lộ mà có!
Phần II của tập thơ, Bùi Đức Khiêm dành phần lớn không gian cho cây cỏ, hoa lá với rất nhiều tâm tư làm người đọc phải ngẫm nghĩ: “Người găm vào ta/ những chiếc đinh sắt dài/ Người quấn quanh ta/ những sợi dây đính từng chùm quả/ xanh, đỏ, tím, vàng… nhấp nháy…/ Người đâu có biết/ ta quặn đau/ buốt nóng nỗi thân cành?” (Nỗi cây).
Thực tế, mối liên hệ giữa con người và cây cối đã ăn sâu vào nền văn hóa, thần thoại, văn học và văn hóa dân gian. Trong suốt nhiều thế kỷ, người ta tin rằng cây cối có sức mạnh chữa lành và bảo vệ khỏi thiên tai cũng như mang lại sự che chắn. Cây cối cũng như con người. Dễ hiểu vì sao tác giả thấu hiểu nỗi đau của cây và bất mãn khi thấy cây cối bị chính con người hành hạ. “…Cỏ ngút ngàn xanh trước mặt/ cỏ ram ráp, mơn man đôi bàn chân/ thơm thoảng mùi hương gió đồng nội/ Bỗng thấy thèm được như ngày xưa/ cùng chúng bạn lăn lê trên thảm cỏ/ và, say giấc mơ trưa…”.
Vẫn là những hình ảnh nên thơ thường thấy trên các trang viết của Bùi Đức Khiêm, nhưng với bài tứ tuyệt “ Hoa cỏ dại”, người đọc không khỏi ngỡ ngàng, sao có thể mộc mạc và chân thành đến thế?: “Em xanh giữa bụi bờ nên dại/ Năm này năm khác chẳng có tên/ Mùa xuân đến nụ đơm sắc thắm/ Người ơi đừng vô tình dẫm lên!”. Chỉ biết rằng chính sự mộc mạc và chân thành ấy khiến thơ ca trở nên gần gũi hơn với độc giả.
Mộc mạc và chân thành là vẻ đẹp của thơ ca, cũng là vẻ đẹp được ca ngợi nhiều nhất bởi con người.
Tập thơ “Câu bình minh” giống như một lời nhắc nhở với những ai lúc nào cũng tất bật, vội vã, rằng: những điều đơn giản cho phép chúng ta có không gian để trở thành người quan sát và trải nghiệm. Khi không bị phân tâm, chúng ta sẽ thấy được nhiều hơn, nghe được nhiều hơn những gì đang diễn ra trước mắt.