Đỗ Nguyên Thương
Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật, vốn có sự khác biệt với điêu khắc, hội họa, âm nhạc… và tổng hợp được ưu thế của các loại hình nghệ thuật khác, ra đời trước đó. Tuy nhiện, điện ảnh lại rất gần gũi với đời sống của nhân dân. Nhiều bộ phim, dẫu đã ra đời cách chúng ta vài thập kỷ hoặc lâu hơn nữa vẫn có giá trị đối với công chúng. Bộ phim Mùi cỏ cháy do hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, được xây dựng dựa theo cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc – cuốn nhật ký ngay từ khi xuất hiện đã thu hút được hàng triệu bạn đọc với cảm xúc yêu thương, xót xa, trân trọng… là một bộ phim “gây sốt cho cộng đồng” ngay từ khi mới ra đời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị!
Mùi cỏ cháy (tựa tiếng Anh: The Scent of Burning Grass) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh công chiếu vào năm 2012. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Mùi cỏ cháy đã được nhận giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tổ chức ở Tuy Hòa, Phú Yên và nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm được giải Bông Sen Vàng “Biên kịch xuất sắc nhất”. Sau khi giành được nhiều giải thưởng quan trọng: Cánh diều vàng, Bông sen bạc và được đề cử là đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự hạng mục Phim nổi tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2013, bộ phim Mùi cỏ cháy tiếp tục được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng dành cho tác giả là hội viên.
Một bộ phim thành công do nhiều nhân tố và Mùi cỏ cháy được trao giải xứng đáng cho nhiều danh tài. Cụ thể, ngày 17 tháng 3 năm 2012, phim đã được trao bốn giải Cánh diều vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Biên kịch xuất sắc cho Hoàng Nhuận Cầm và Quay phim xuất sắc nhất cho Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà tại Giải Cánh diều 2011.
Hôm nay, trong không khí cả nước hướng về ngày 30 tháng 4 kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng đất nước, tôi thầm cảm ơn VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam có cuộc gặp gỡ với Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Mười và hai trong bốn diễn viên chính của bộ phim. Sau đó, VTV 3 chiếu lại phim Mùi cỏ cháy ngay sau cuộc phỏng vấn, tối ngày mùng 1 tháng 3 năm 2025.
Phải thừa nhận bộ phim Mùi cỏ cháy đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, dù họ thuộc thế hệ trẻ hay già, cho dù phim được công chiếu lầm đầu từ năm 2012! Đến nay, sau 13 năm bộ phim vẫn được nhiều công chúng mến mộ! Đó thực sự là bộ phim thành công xuất sắc của Điện ảnh Việt Nam, của hãng phim truyện Việt Nam.
Sự thành công đó thể hiện trước hết về phương diện nghệ thuật. Lời thoại được diễn viên thể hiện tròn vành rõ tiếng, giàu cảm xúc và hợp từng nhân vật và bối cảnh. Nghệ thuật dựng cảnh rất khoa học và khéo léo, khiến người đọc hình dung được cả biên độ rộng lớn, hoành tráng của chiến trường nơi thành cổ Quảng Trị, từ cảnh rộng, khái quát đến cảnh hẹp, cảnh chi tiết về đời tư nhân vật, tất cả đều hết sức hợp lý, khoa học và giàu chất điện ảnh.
Mùi cỏ cháy có bối cảnh chung của cuộc chiến, có cảnh đời tư của Thủ trưởng (vợ lên tận đơn vị mang theo thông điệp của mẹ “Chưa có con trai chưa được quay về!”); có cảnh nhân vật Long trước khi ra trận chứng kiến cảnh cha mẹ ra toà và Long đã cùng bạn bè về nhà sắp xếp lại đồ đạc của cha mẹ, đang được chia tách làm hai, xếp lại bên nhau như thầm trao một khát vọng gắn kết không thể tách rời. Tiếp đó, Long viết thư cho cha mẹ với thông điệp mong cha me nghĩ lại…! Có cảnh mẹ Thành mỗi lần mơ thấy con là một lần như điềm báo – hay đó là thông điệp về mối giao cảm tuyệt diệu của tình mẫu tử; lại có cảnh anh em cùng cất lên ca khúc vui do chế lời bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn mà bị kỷ luật, phạt; có cảnh có giây phút riêng tư, người nhớ mẹ, người làm thơ, người nghe tiếg ve sầu… có tiếng hát chèo vui nhộn của Thành… lại có cảnh có chiến sỹ khóc nhớ mẹ; có chiến sỹ gào khóc khi bị thương mù mắt!
Người đọc không thể không xúc động trước cảnh cả đại đội cùng cởi trần bơi qua sông Thạch Hãn, lại có cảnh chiến sỹ Hùng mù mắt vẫn xông vào trận chiến và hy sinh; Có cảnh đôi lúc chiến sỹ mệt mỏi, bị thương, nhớ đồng đội (Hoàng bị thương phải nằm lại điều trị tại “bệnh viện dã chiến” – vốn là một túp lều dựng vội tại chiến trường …) có cảnh một chiến sỹ dựa lưng vào chiến hào khi quanh mình có 3 xác đồng đội! Có cảnh giữa chiến trường, chiến sỹ gặp đồng hương, niềm vui lan toả nhưng cũng có cảnh đau xé lòng khi đồng đội hy sinh. Cái chết của Long, của Hùng, của Thành… ám ảnh sâu sắc trong lòng độc giả.
Tiếng động, âm thanh: tiếng nhạc, tiếng bom, tiếng côn trùng (ve sầu trong ba lô của người lính trẻ) … tiếng khóc, tiếng hát đều rất thật, rất đời và giàu sức gợi, khắc sâu vào tâm khảm người nghe, người xem.
Bộ phim còn có sự phối hợp âm thanh và ánh sáng rất khoa học và hợp lý.
Không chỉ là một khúc bi tráng về một trận chiến với quá nhiều tổn thất, hy sinh, Mùi cỏ cháy còn là một bộ phim còn giàu chất thơ. Chất thơ được thể hiện qua thơ và qua âm nhạc; thơ do Hoàng sinh viên khoa văn sáng tác, ghi chép ngay tại chiến trường và thơ hay được phổ nhạc! Toàn cảnh bộ phim, thơ chuyển thể thành âm nhạc, âm nhạc lắng đọng và lan toả ý thơ!
Chất thơ còn thể hiện qua những giây phút lãng mạn: tán gái bên giếng làng, lời hứa hẹn ngày về của Long hoặc việc nhiều chiến sỹ giấu ve sầu trong người để thi thoảng, trong bối cảnh hợp lý sẽ “lén nghe”, nghe âm thanh ve sầu như nghe được âm thanh của cuộc sống bình thường…
Hình ảnh dòng sông Thạch Hãn giữa chiến trường đổi màu do nhuốm máu, hoà máu chiến sỹ (một đại đội của ta, sau một trận chiến có 58 người hy sinh, bỏ xác tại sông… trên 50% quân số, còn 49 trở về sau trận đánh thì một chiến sỹ lại dính đạn còn 48) và dòng sông cuối phim lồng bài hát được phổ nhạc từ bài thơ Đò xuôi Thạch Hãn của tác giả Lê Bá Dương!
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Có thể nói, bối cảnh trong phim Mùi cỏ cháy mang tính điển hình sâu sắc. Mỗi hình ảnh trong phim khi được công chiếu đều có sức thu hút lớn đối với công chúng. Sức ám ảnh đến từ diện đến điểm, đến từ hình ảnh toàn cảnh đến những hình ảnh cụ thể như Hùng bị thương đã khóc khi hai mắt tối sầm, Long trước khi hy sinh còn lo cho đồng đội với lời nói khẩn thiết “Anh em đừng ra sông”! hình ảnh tếu táo của các chiến sỹ trẻ bên đàn ghi ta, bên những giây phút hiếm hoi xem Thành hát và biểu diễn trích đoạn chèo “Thị Mầu lên chùa”, trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính… hình ảnh Thành trước khi mất gọi Mẹ ơi… rồi mới ngã xuống. Có hình ảnh đạn bom được tái đi tái lại, có hình ảnh chỉ thoáng qua một lần khiến người đọc nhớ mãi!
Mùi cỏ cháy, nội dung tái hiện một phần cuộc chiến cam go của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi có lệnh tổng động viên, bao sinh viên đã gác bút nghiên lên đường ra trận. Tiêu biểu là bốn chàng sinh viên Thành, Hoàng, Thăng, Long! Mỗi người một tính cách nhưng chung lòng yêu nước và tinh thần hy sinh, theo khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bốn sinh viên chia tay bảng đen phấn trắng để lên đường nhập ngũ.
Buổi chia tay diễn ra lặng lẽ nhưng đằm sâu một cảm xúc rất chân thành. Chỉ bốn chàng thanh niên với bảng đen, phấn trắng và những lời tạm biệt như chắt ra từ gan ruột. Cảnh bốn thanh niên cùng chụp ảnh và hẹn ước ngày trở về cũng thật sự xúc động đối với người xem. Bác thợ ảnh chụp kỷ niệm, không lấy tiền và còn theo ra tận xe chở tân binh để trả ảnh, với tất cả sự ngậm ngùi, xúc động phút chia tay. Trên xe tân bình, cả xe hát, Thành đàn ghi ta, tạo một không khí sôi nổi, thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ, một khí thế đầy năng lượng, dù không thể không bùi ngùi chia tay gia đình, giảng đường, thầy cô và bè bạn. Cũng vì vui, các tân binh hát vang
Ta là con của bố ta mẹ ta/ nhớ nhà là ta cứ ta về/ ta không cần ba lô không cần lương khô không cần ô tô/ ta về ăn tết xong ta lại vô…/ ta không cần ba lô không cần ô tô, không cần chi mô…! đường ta ta bước!/ ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn !
Được chế từ bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn, nhạc Vũ Trọng Hối, lời Đăng Thục, nguyên bản là:
Ta là con của núi non Trường Sơn,/ Nối mạch tình quê giữa hương ngàn./ Ôi núi rừng che ta, núi rừng bao vây quân thù bốn phía,/ Con đường Nam – Bắc thiêng liêng tình nghĩa. /Nơi chân trời đang dâng, sắc hồng đang lan, lòng ta như nắng,/ Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Vì hát chế mà bị “kỷ luật”, xuống xe, hành quân đi bộ một đoạn đường dài. Với sinh viên quen cầm bút và nhiều mộng mơ, việc bị phạt đi bộ như vậy “là cả một vấn đề”, nhưng các chàng trai đã “vượt lên chính mình” để hoàn thành nhiệm vụ.
Bốn chàng sinh viên, bốn người bạn đã luôn kề vai sát cánh, động viên nhau khi luyện tập và khi đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi tại chiến trường, khi lắng tiếng súng hay khi bom đạn nổ rền…
Sự gắn kết của “bộ tứ” cho chúng ta một niềm tin, “nhìn điểm thấy diện”, mỗi người lính tại chiến trường những năm tháng ấy đều cố gắng cao độ, chấp hành nghiêm kỷ luật quân ngũ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Làm nên chất bi tráng là nhờ nhiều yếu tố, hành quân đêm, nhiều người lính hy sinh tại dòng sông Thạch Hãn, cảnh xác ta và địch ngổn ngang chiến trường… và cảnh bốn chàng trai bốn sinh viên – bốn người bạn cùng nhập ngũ, hy sinh ba, chỉ còn một mình Hoàng trở về.
Hoàng được tái hiện trong chiến tranh và hậu chiến, từ thanh niên tham gia chiến tranh đến trung niên hoài niệm. Hoài niệm về tiếng ve sầu và hình ảnh dòng sông Thạch Hãn… có sức ám ảnh sâu xa, dai dẳng trong lòng độc giả.
Dẫu rằng, Mùi cỏ cháy được gọi là một khúc ca bi tráng nhưng không hề mang lại sự bi luỵ, nản chí cho người xem bởi nó có giá trị tố cáo chiến tranh và có giá trị ngợi ca vẻ đẹp Việt Nam, tư thế Việt Nam, dáng đứng Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Nhờ sự hy sinh ấy, nhờ tinh thần ấy mà chúng ta đã giành được chiến thắng trước một đối thủ mạnh gấp nhiều lần về kinh tế và vũ khí! Làm nên một Việt Nam khiến thế giới phải ngả mũ kính chào! Tái hiện được bối cảnh chiến tranh như sự thật hiển hiện trước mắt độc giả, bộ phim xứng đáng được nhận nhiều giải thưởng và giải thưởng cao quý nhất là sự ghi nhận của nhân dân, bền vững trong lòng nhân dân theo năm tháng!
Đất Tổ 8/3/2025
Đỗ Nguyên Thương
