Chim trời bay về sau cơn mưa

Chim trời bay về sau cơn mưa

Bất ngờ, thật là quá bất ngờ, nên ngay sau đó Hội lập tức rơi vào trạng thái ngơ ngẩn nửa tin, nửa ngờ. Bởi vì lúc đó Hội đang thi hành công vụ ở đầu cầu này, nơi dồn ứ người và xe, trong bầu không khí chiều hè chưa hết oi nồng sau cơn mưa. Chiếc cầu sắt bắc qua con sông nước chảy le te đã dài lại quá hẹp, ôtô chỉ có thể đi một chiều nên lúc này ở đầu cầu bên này, có đến cả trăm chiếc bị chặn lại, nối đuôi  nhau, chờ đợi đến lượt mình để qua cầu đi về phía Hà Nội. Chờ đợi thì có bao giờ có được trật tự, quy củ! Và cảnh tượng xe cộ rống máy chạy lên chạy xuống chen lấn cùng bóng người đi đi lại lại to tiếng hoạnh họe quát nạt, chửi bới nhau, dưới vòm trời vừa được cơn mưa lau rửa lồng lộng như có ánh thần quang, được soi tỏ đến chi li, khiến Hội càng thêm bức bối, khó chịu. Làm cho bức tranh thêm phần hỗn độn còn là đám người bán hàng rong, những bà già, trẻ nhỏ nghèo khó bu bám quanh mỗi chiếc xe kèo nèo rao bán  với khách từ quả bưởi, lạng táo, đẫn  mía đến các thứ bánh gai, bánh đậu, bánh cáy, đặc sản địa phương. Khách ít và cũng không mặn mà gì nên hễ  thấy một chiếc xe từ phía sau phá vỡ đội hình, phóng lên, là đám người bán hàng quà vặt nọ lại như nước chảy ùa ùa đuổi theo, thật là hỗn loạn. 

Chính là lúc đi xuống đoạn dốc xoai xoải dẫn lên cầu để yêu cầu bà con trật tự, Hội đã chợt dừng lại. Chả hiểu vì sao mà Hội lại chợt dừng lại và chăm chú nhìn chiếc Command Car đậu bên dệ đường. Là sự tình cờ, là cái duyên may trời  cho hay sao, Hội cũng chẳng hiểu vì chính Hội cũng bị bất ngờ, bất ngờ còn hơn cả trong cơn mộng mị. Hội đã trông thấy người nghệ sĩ bấy lâu  Hội vẫn hằng kính mộ ấy! 

Hội đã trông thấy nhà viết kịch  bấy lâu Hội vẫn vô cùng kính mộ ấy ngồi ở trong chiếc xe ôtô hai băng ghế đối diện nhau theo chiều thân xe xoàng xĩnh ấy. Nói cho đúng thoạt  đầu là choáng váng, vì không tưởng tượng đượccái diễm phúc này. Vì tối nay về, giá có kể cho Tươi vợ Hội nghe thì y cũng chẳng tin, cũng bĩu môi bĩu mỏ rằng cái thứ cảnh sát gác cầu đứng hít bụi đường như ông mà cũng đòi được đến gần bậc tài danh của đất  nước. Đúng là bậc tài danh đất nước thật! Không phải là bậc tài danh thì làm sao mà chỉ bằng những vở kịch diễn ở trên tivi, ở trên sân khấu thị xã  này mà khuấy động hết cả tâm tư của cả hàng vạn con người, mà phá bung cả cái bầu không khí lờ đờ, u oải, vốn  là cố tật nơi tỉnh lẻ này? Tài năng tầm cỡ ấy đáng phải đưa lên hạng thiên tài mới phải! Vì thiên tài là cái tài vượt trội, có một không hai. Thiên tài là cái tài chi phối, thôi miên người ta, là cái tài dùng nghệ thuật mà gây nên cơn chấn động, xốc xáo tâm can con người, làm cho người ta cười, làm cho người ta khóc, làm cho người ta ngơ ngác ngẩn ngơ, cuộc sống nó là thế đấy, vậy mà mình chẳng biết gì cả! Ôi, thiên tài, người có thể đổi thay cả cảm nhận của ta, ngôn ngữ của ta, gần người, ta như đứng trước cái siêu tầm, ta vừa sung sướng vừa bàng hoàng, như Hội lúc này đây. 

Nhưng mà khác hẳn với hình  dung của Hội, nhà viết kịch thiên tài  này, tầm vóc chẳng to lớn tẹo nào. Tầm thước, thậm chí còn hơi thấp so với tầm vóc chiến sĩ cảnh sát đô lực sĩ của Hội. Nghĩa là, bác ấy ở trong đám đông thì dễ lẫn lắm. Dễ lẫn cả khuôn mặt tròn, mảnh dẻ thanh  nhã. Dễ lẫn cả hai con mắt lơ lẻo, đa cảm, đa tình như mắt người đang  yêu. Cũng là những nét thường gặp như mặt Hội vuông vức với nét mày, nét mũi ngang bằng sổ thẳng, hiền  hiền, ngộc nghệch tựa trai làng mới lớn. Cái nét không dễ lẫn và cũng là  điều Hội ngạc nhiên duy nhất có lẽ chỉ là ở cái thần thái của con người ấy thôi. Ô hay, người đã viết những vở kịch rung động trái tim hàng triệu  con người như thế hiển nhiên phải  là người từng trải, dày dạn, trầm tư, đắm chìm trong suy tưởng triền miên  chứ sao lại nhẹ nhõm, hồn nhiên và  có vẻ như ngây khờ thế! Ngây khờ thật, dầu là thoáng chút thôi, điều đó biểu hiện ở cái miệng ho hó, đôi tai nghênh nghênh, hai con mắt vừa e dè vừa lồ lộ ánh nhìn tò mò con trẻ, và một gương mặt trần, thật như một tấm gương soi. 

Thiên tài ẩn mình dưới cái vỏ bề ngoài đơn sơ, hay đó chính là dấu hiệu  của tài năng thiên phú đích thực? Hội chẳng biết. Hội chỉ thấy một tài năng như thế thì đáng phải ngồi  kiệu rước, phải một mình một chiếc Toyota đời mới, một chiếc Mercedes giá cả tỷ bạc mới xứng. Cả nước bảy chục triệu dân mới có một người như thế, chứ chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, giám đốc sở có hàng vốc, sao lại tiếc? 

Sao lại để người đó ngồi chiếc xe ghế  gỗ, đít vuông, bạt che thủng lỗ chỗ, khung xe loang lổ vết han gỉ? Chiếc xe cà tàng thuộc loại đã loại thải từ lâu  rồi ấy khốn khổ lại đứng trước chiếc xe tải mười bánh to kềnh chở than bẩn thỉu, bám đầy bụi đen. Móc ở đâu ra cái đống sắt thép biết đi này vậy? Hai pha đèn thì chột một. Một bên tai xe bẹp chưa kịp gò lại. Kính trước rạn mạng nhện. Đã xấu mã cậu chàng lại còn xấu tính. Lệnh đã phát đâu mà bỗng dưng phịt một luồng khói đen sì, kêu khực khực, rung cành cạch, và Hội vừa mới nhác nhìn lên phía trên đã thấy cậu chàng như buột phanh, đâm đánh kình vào đuôi chiếc xe con chở nhà viết kịch thiên tài nọ. 

– Ơ, được qua cầu rồi hả, đồng chí? 

Cú thúc đít của chiếc xe sau đã khiến nhà viết kịch tưởng lầm là xe đã  được lệnh lăn bánh qua cầu. Ông ló mặt ra sườn xe. Thấy rõ là ông hướng câu hỏi về mình, sung sướng như được hưởng niềm ân ưu, Hội bước đến cạnh chiếc xe nhỏ, quên hết mọi việc, quên cả việc phải gọi gã lái chiếc  xe tảinọ xuống hỏi tội, người chênh chao như xa rời thực tại, hai bả vai  rộng như cụp xuống: 

– Chào bác Lưu Quang Vũ ạ. Dạ thưa bác, bác chờ cho một chút nữa ạ. Bên kia có đoàn xe khách nước ngoài hơi dài ạ. 

– Ồ, thế mà mình cứ tưởng… Này,  đồng chí cảnh sát, đồng chí tên gì?  Sao lại biết tên mình? Chắc có đi xem kịch của mình. 

– Thật thế thì vui nhỉ? 

Trong lòng xe hắt ra một giọng nữ trong vắt. Và nhìn vào đó, Hội nhận ra một người phụ nữ trẻ cắt tóc ngắn, đầu tựa vào vai nhà viết kịch vừa thức giấc. Chắc là vợ nhà viết kịch. Vợ nhà viết kịch có gương mặt nhỏ nhắn, rờ rỡ hai con mắt ướt lóng lánh, đẹp cao sang nhưng không có vẻ tự thị thái quá và xa cách thường thấy ở phụ nữ có ưu thế về nhan sắc. Một chị bán bưởi ghé vào cửa xe. Người phụ nữ  mua một quả. 

Áp mặt vào cửa xe, Hội hớn hở: – Em tên là Hội, bác Vũ ạ. Bác mới đi công tác ở Hải Phòng về ạ? – Tôi xuống làm việc với đoàn kịch Hải Phòng. Chắc là anh Hội đã xem  nhiều kịch của tôi. Tôi nhớ là dịp này năm ngoái, đoàn kịch Hà Nội đã diễn liền một tuần bảy vở kịch của tôi, ở thị xã này. 

– Em không bỏ sót buổi nào. Cả vợ em cũng thế. Nói thật với bác thoạt đầu vợ em cô ấy cũng chưa  thích đâu. Bác thông cảm, vợ em vốn là dân buôn. Dân buôn thì chỉ biết  đến tiền thôi. Thế là em phải ấn vé vào tay cô ấy: Đi xem, tôi bao hết. Rồi cô sẽ thấy, cũng như tình yêu của cô với anh cảnh sát giao thông là tôi ấy, chưa yêu, hiểu rồi sẽ yêu, thậm chí mê mẩn nữa. 

– Rồi cô ấy mê? 

– Vâng. Quá mê thành ra nghiện. Buồn cười, xem ở rạp rồi lại mua băng  hình về xem, xem chán xem chê, xem  đi xem lại, nhưng ai mượn cũng không cho. Thôi thì đủ. Tôi và chúng ta. Lời thề thứ 9. Hồn Trương Ba, da hang thịt. Bệnh sĩ… Có hôm xem xong một vở, ngớ người ra hỏi em: Này ông Hội, hóa ra con người lại có cái tôi với cái  ta, lại có hai phần là xác và hồn riêng rẽ à! Em bảo: Cô Tươi, cô có biết là xem kịch của bác Lưu Quang Vũ, có lúc tôi nghẹt thở không? Nghẹt thở như thế nào? Nghẹt thở như lần đầu tiên yêu em, trông thấy khuôn ngực trần của em ấy”. Cứ tưởng cô ấy sẽ tru tréo lên mắng mỏ em cơ. Không ngờ cô ấy lại rưng rưng, cảm động, thẽ thọt: Thế mà em không biết! 

– Rất cám ơn anh Hội, cám ơn chị Tươi. 

– Em nhớ bác có một vở mang tên Tin ở hoa hồng nở. 

– Anh có hiểu ý của vở kịch không? Cuộc sống, dẫu có thể nào cũng đáng yêu và phải vun xới cho nó; vì nó mong manh, yếu đuối lắm! 

– Em hiểu. Bác ơi, có những câu bác viết em nhớ suốt đời: Chẳng hạn: Con người làm việc mê mải, hết lòng  thì cánh sẽ mọc ra, bay lên. Hoặc câu này: Ta cần là ngọn đuốc cháy  rực trong tim người ta yêu. Nhưng, bác Quang à, ở đơn vị em, người ta  tranh cãi với nhau rất nhiều về kịch của bác đấy! 

– Tranh cãi thế nào? 

– Ví dụ, trong một vở, bác đặt vấn đề: Người tốt vì sao hay chết? Rồi bác  giải đáp: Vì người tốt không hèn hạ  trốn tránh nhiệm vụ hiểm nguy. 

– Đúng quá đi chứ! 

– Nhưng ông đại tá giám đốc sở em không đồng ý! Ông 55 tuổi, làm cảnh sát từ lúc cảnh phục còn là màu vàng đất thó, giày da đỏ, đã từng bắt gần một trăm tên cướp đường, đã  từng hoạt động bí mật trong vùng  Mỹ ngụy ở Đà Nẵng. Ông ấy bảo: Tôi hiện còn sống sờ sờ ra đây, vậy tôi là kẻ  xấu xa, hèn hạ à? Bác có biết không, ông ấy lúc đầu tốt thế. Về sau lại hóa  ra hỏng. Tham nhũng cả gần tỷ bạc. Bị cho về vườn rồi. Hồi còn đương chức, hét ra lửa, một lần ra lệnh cấm diễn kịch của bác ở trong phạm vi tỉnh này  đây. Bác Quang ơi, xem kịch của bác, em cứ thấy người lâng lâng thế nào ấy, em muốn cười, muốn khóc, em thấy khát khao một cái gì đấy, bác à. 

Người phụ nữ đưa múi bưởi đã bóc vỏ cho nhà viết kịch, miệng nhai chóp chép:

Minh họa của Ngô Xuân Khôi

– Anh cảnh sát ơi, cẩn thận, không nghệ thuật nó hay đánh lừa người ta lắm đấy. À, bưởi ngọt thật! 

– Bưởi Thanh Hà ngon có tiếng của vùng Hải Dương này đấy. Bác gái  ơi, lừa ai thì được chứ lừa sao được bọn em. Em còn trẻ, chưa từng trải gì, hàng ngày chỉ làm mỗi việc là giữ gìn an ninh, trật tự, trừng trị bọn côn đồ trộm cướp trên đoạn đường này, nhưng em cũng biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả chứ! 

– Đúng thế, anh Hội à. Con người ta có rất ít cách làm cho nhau sung sướng, nhưng có cả ngàn cách gây khổ đau cho nhau. 

Người phụ nữ ngừng tay bóc múi bưởi, con mắt nguýt yêu chồng. Hội gãi gãi vành tai: 

– Bác nói hay quá, ý tứ thật thâm trầm sâu xa. 

– Mỗi hoa đẹp một kiểu. Mỗi người chỉ giỏi mỗi vài thao tác thôi, Hội ạ. 

– Thế việc của các vị là bắt cướp à? Người phụ nữ lấy khăn tay lau miệng vui vẻ. Hội chậc lưỡi, vẻ như bất đắc dĩ: 

– Nói chung là bảo đảm, an toàn  mọi mặt. Trị an chỉ là một. Còn phải kiểm tra, kiểm soát ôtô, xe máy, sao cho họ đi đúng luật lệ chẳng hạn. Đường này xe hay phóng ẩu, đâm  nhau, chẹt người gây tai nạn không ít. 

Tách hoàn toàn ra khỏi người vợ, nhà viết kịch như tìm được nguồn hứng thú mới, ló đầu ra cửa xe, hai con mắt trong trẻo như mắt trẻ lấp láy nỗi tha thiết chân thành: 

– Hội ơi! Xe đợi kiểu này chắc còn lâu. Kể cho mình nghe một chuyện  đi. Chuyện bắt cướp nhé. Làm thế nào mà bắt được nó? Nó có vũ khí, nó biết đề phòng cơ mà! 

– Dạ, cũng đơn giản thôi ạ. 

– Ừ hay đấy nhỉ? 

Người phụ nữ reo. Nhà viết kịch nhấp nhổm: 

– Cụ thể là thế nào, Hội? 

– Em bám theo một chiếc xe có hai thằng khả nghi là bọn chống gậy theo cơm. 

– Chống gậy theo cơm là… 

– Đấy là tên chúng em đặt cho bọn ất ơ chuyên cướp xe trên đường quốc lộ này. Bọn này gian ngoan lắm. Thằng ngồi sau bao giờ cũng mặc áo dài tay. Vì nó giấu một đoạn côn của nó vào đấy. Xe nó một khi đã đi ngang với người đi xe nó định cướp, nó mới  rút côn ra. Một phát quật vào gáy là  đủ để người kia ngã dập mặt xuống  đất. Thế là nó điềm nhiên lấy cái xe nọ đi luôn. 

– Khiếp quá! 

Người phụ nữ kêu. Nhà viết kịch  nhô hẳn đầu ra khỏi cửa xe: 

– Nhưng làm thế nào để theo dõi  mấy cái thằng chống gậy theo cơm ấy mà không bị lộ? Lúc ấy anh đứng ở  đâu? Làm gì? 

– À, nhiều cách. Có lúc phải đóng  giả người này người khác. Ví dụ, em  hay đóng giả làm người đánh dậm. Vì lúc nhỏ ở nhà em thạo việc này! 

– Ha! Đánh dậm! Giả làm người  đánh dậm! Kể cho mình nghe đi, Hội. Kể tỉ mỉ nhé! 

– Vâng, vì là bác thích nên em xin  kể bác nghe. Em sinh ra ở vùng đồng  trũng. Bắt tôm tép cua cá có nhiều  cách và từ nhỏ em đã làm qua cả.  Có cách chẳng có gì đáng gọi là cách  nhưng lại phải thạo mới làm được.  Chẳng hạn, đơn thuần là một việc đi  cày thôi, vậy mà khéo ra, lại có thể bắt  được con chạch ẩn mình trong đất  ẩm từ lúc gặt. Nó cũng như võ thuật,  chiêu cao cường nhất là vô chiêu đó.  Đánh dậm là một cách đánh bắt phổ  biến. Dậm có ba loại. Dậm nhất nan  nhỏ, mắt mau. Dậm nhì, mắt thưa  hơn tí chút. Còn dậm cua thì nan to,  chủ yếu để bắt cua. Em thích đánh  dậm cua. Đặt cái dậm xuống đoạn  ruộng gần bờ rồi bắt đầu dập mõ dậm  từ bờ cỏ ra. Mõ dậm làm bằng tre cái,  vì tre cái rỗng ruột và nhẹ. Tay cầm  cần, chân đặt lên mõ dập mạnh, nước  ập vào lòng mõ rồi vọt ra, phát thành tiếng ộp ộp. Cua đang nấp ở bờ cỏ,  nghe thấy, sợ hãi lổm ngổm bò ra là  lọt hết vào dậm. Cũng có khi dùng  dậm để cào ao. Muốn cào ao trước  hết cho trâu đùa khuấy đục lên. Nước  đục tôm tép mới nổi hết. Thôi thì chỉ  sợ không có sức mà súc! Sau tôm tép  là đến cá diếc, bác ạ. Bác gái hỏi có sợ  gì không? Có! Dẫm phải con cà ra thì  hơi đau đấy. Cũng có khi gặp con rắn  độc. Nhưng như bác nói đấy: làm việc  say mê thì người như mọc cánh bay  lên, chả còn biết sợ là gì nữa. Vả lại,  nghề nào cũng có thủ mẹo của nghề  ấy, nên gặp khó là có cách đối phó  được. Đánh dậm cần phải biết rằng  tôm tép ở sông bao giờ cũng khỏe hơn  tôm tép sống trong ao, nên khi nhấc  dậm ở sông phải một tay cầm cần,  một tay luồn xuống bụng dậm, thoắt  cái, hất ngược dậm lên, để các chú tí  nhau ấy có nhảy cũng không kịp. 

Đấy là em nói đánh dậm ở ruộng.  Còn cào sông. Cào sông đông vui  lắm. Thú hơn cả cào ao kia. Dưới  sông là người, trên bờ, trên ruộng là  cò, là vịt giời. Những buổi như chiều  nay, sau cơn mưa, chim trời hay về và  bà con hay rủ nhau đi cào sông lắm,  bác à. Bác mà trông thấy chắc hẳn bác  cũng thích. 

– Anh Hội này, anh nói cào sông  còn thú hơn cả cào ao. Và chiều nay  sau cơn mưa, vịt, cò sẽ về và có thể bà  con sẽ cào sông ở khúc sông này phải không? Vậy thì tôi ở lại đây ngay bây  giờ với anh nhé. 

Đột ngột ngắt lời Hội, nhà viết  kịch chống tay lên mặt ghế định đứng  dậy. Nhưng người phụ nữ đã dùng cả  hai bàn tay ấn vai ông xuống, giọng  vừa như quyết đoán vừa nũng nịu: 

– Thôi để hôm khác. Hôm nay xe  chờhết cả buổi rồi, anh. 

– Liệu còn sống đến hôm khác  không? Mà hôm khác cũng có nghĩa  là không phải hôm nay, sẽ không có  cái cảm hứng của ngày hôm nay. 

– Thỉ thui cái mồm anh đi! 

– Ơ kìa, hình như có đàn chim  đang bay tới bờ sông này? 

Nhà viết kịch ngoái cổ ra ngoài xe.  Hội chỉ tay lên trời, reo: 

– Vịt giời đấy, bác Quang à. Chà,  thật là cầu được ước thấy chưa. Vịt  giời và cả cò nữa về bắt cua cá tôm tép  với người kìa! 

Hoàng hôn dâng lên một bình  yên mênh mông cùng niềm hoan lạc  bí ẩn đúng lúc những chiếc xe sau hơn  một giờ chờ đợi bắt đầu chuyển bánh  qua cầu về phía Hà Nội. 

Hội vẫy chào chiếc Command  Car nhỏ bé cổ lỗ chở nhà viết kịch  thiên tài khi nó lăn vòng bánh đầu  tiên. Né vào bên đường, anh tránh  luồng khói phụt đen sì của chiếc xe tải; bây giờ mới chợt nhận ra chiếc xe  khổng lồ này ọp ẹp quá mà thùng xe  của nó lại đầy ụ cả một núi than kíp  lê, bất giác anh cất tiếng gọi thật to:  “Bác Lưu Quang Vũ ơi cẩn thận!”, rồi  đứng ngẩn không hiểu vì sao mình lại  như thế? Niềm lưu luyến hay ẩn ức  lo âu từ ký ức kinh nghiệm và tính cả  lo của nghề nghiệp, một linh ứng bất  thường bật thành lời? Hay chỉ đơn  thuần là lúc này cảnh đàn chim trời  đang ào ạt về, vỗ cánh âm vang cả một  vùng sông nước khiến Hội không thể  kìm được niềm hưng phấn? 

Vịt giời đã về, ngay trên thiên  đỉnh của chiếc cầu sắt, một đàn cả  ngàn con chuyển động theo đội hình  mũi tên bay với dải đuôi dài dải lụa.  Lượn một đường vòng mềm mại ở  đầu cầu bên này, cao tít trên nóc cái  trạm gác của Hội, tiếp đó cả đàn như  dòng thác đổ ào ào về phía hạ lưu một  đường van vát dốc. 

Thiên nhiên được một bàn tay định  mệnh tối cao sắp đặt, nhiễm đầy vẻ  hoang đường. Bóng nắng biến mất  trong giây lát để lại một vòm trời nửa  hồng, nửa tím đúng lúc đàn vịt giời  đã hạ cánh đậu kín một bãi sông bên  hữu ngạn, vươn cổ rộn ràng những  tiếng kêu hợp đoàn hai âm tiết một. 

Bây giờ cũng là lúc đàn cò đi ăn  ở những thung xa trở về. Trong chốc  lát, khu đồng sáng trắng lên vì cả trăm cánh cò phất. Tiếng cò kêu nghe  thương nhớ và nôn nức, hòa với tiếng  róc rách của dòng nước từ các khu  đồng trên triều cao trút xuống lòng  sông. Trên mặt sông, như đã có lời  hẹn ước, cùng những con chim nước,  người đã đổ ra từ lúc nào, bắt đầu  khúc khai mở một hoạt cảnh hội hè. 

Đó là một buổi hội sông quen  thuộc, ngẫu hứng của người và lũ sinh  vật có cánh ở mỗi chiều mùa hạ có  cơn mưa đổ. Sau cơn mưa lớn, chim  từ phương trời xa đến. Còn người thì  từ các thôn xóm hai bờ tràn ra. Ai có  phận nấy. Chỗ của vịt giời là bãi sông  nơi hạ lưu. Cò tìm cua ốc nơi ruộng  trũng. Còn người, với dậm, lưới, vó,  nơm, cần câu, chiếm cứ cả một vùng  sông nước phía thượng lưu cây cầu,  nhưng việc nào đi việc nấy, rành rẽ, phân miêng. 

Tràn trề trong lòng Hội những  xúc động vừa cổ xưa vừa mới mẻ. Đó  có thể còn là dư vang tâm tình từ buổi  gặp gỡ ngắn ngủi của Hội với nhà viết  kịch thiên tài nọ. Hội yêu nghệ thuật,  yêu cuộc sống, yêu cái cảnh sinh hoạt  làm ăn kiếm sống thanh bình của  người và vật đang ở trước mắt Hội  kia. Công việc của Hội gắn liền với  nó. Ký ức của Hội in bóng nó. Nó  cần được Hội nâng niu giữ gìn, vì nó  mạnh đấy mà mong manh yếu đuối  như đóa hoa hồng. Vì cũng vậy, số  phận con người thật là mong manh yếu đuối lắm. Những tai biến bất  thường lúc nào cũng rình rập nó.  Và dường như đã thành quy luật,  nó thường đến vào lúc bất ngờ nhất,  lúc con người không phòng bị. Như  người đang đi xe trên quốc lộ nọ, họ  có biết đâu có đứa ất ơ có đoạn côn lồng trong ống tay áo đang đi bên  cạnh. Như lúc này đây, đứng ở trạm  gác đầu cầu nhìn đoàn xe dòng dòng  nối nhau đi qua, lòng đang thảnh  thơi vui vẻ, Hội chợt rùng mình  kinh sợ vì bỗng thấy đất dưới chân  khe khẽ rung rinh và ngay sau đó dội  đến tai, một tiếng động thật lớn và  trầm nặng, từ bên kia đầu cầu. 

Vùng ra khỏi trạm gác Hội ngơ  ngác nhìn quanh. Đàn vịt giời trên bãi  sông vừa giật mình cất cánh. Chúng  bay loạn xạ và cất tiếng kêu khèn khẹt  hoảng sợ. Vì tiếng động lớn kia chăng  mà cả đàn cò nữa cũng vừa bốc bay,  tung tóe như những tờ giấy trắng bị  xé rách và nháo nhác kêu la. 

Chạy vào lòng cầu được mấy  bước, Hội chợt sững lại. Tiếng động  trầm nặng từ đầu cầu bên kia dội lại  nói điều hung hiểm gì? Thốt nhiên,  Hội thấy nghẹt thở. Anh có cảm giác  những bước chân chạy tiếp qua cầu  của mình là không thật. Tiếng động  nọ đã phá vỡ hoạt cảnh hội hè sinh  hoạt trên sông nước chiều nay. Nhìn những cánh chim trời chập choạng  rồi mất hút vào những đám mây đang nổi ùn ùn như cáu giận ở phía  xa và thấy đám người đang đánh bắt cá tôm trên sông vác nơm, vác dậm  hô nhau chạy về phía đầu cầu bên kia, anh bỗng dưng mệt lử lả như kẻ bị ngấm độc dược. Một tai nạn xe cộ khủng khiếp đã xảy ra, điều đó là  chắc chắn rồi! 

Cái chết của nhà viết kịch tài danh cùng vợ ông giống như cái barie chắn ngang để thời hiện tại  không trôi đi, không biến mất, để  con người đứng lại, nhận ra nỗi đau  và cùng suy ngẫm. 

Ngây dại trước cảnh tượng thê  thảm và không thể ngờ nọ, đã có lúc  Hội tê liệt cả lí trí. Anh nhớ lại từng  câu nói của nhà viết kịch, ngơ ngẩn  nghĩ đến những hiểm họa đã được  báo trước. Anh nghĩ: Cò và vịt giời  nghe động bay lên, hay chúng biết  trước tai họa và sau đó sự ra đi của  một tài năng lớn gây kinh động đến  cả chúng và các sinh linh muôn loài;  vì rõ ràng là anh nghe thấy chúng kêu  la thảm thiết đấy thôi. 

Người từ các thôn xóm và ở thị xã  bên kia cầu nườm nượp kéo tới mỗi  lúc một đông. Đèn pha ba ngọn tỏa  sáng nơi hiện trường. Hương khói tiễn đưa bốc tỏa mịt mờ. Sau những vở  kịch, giờ đến lượt cái chết của tác giả  của chúng gây chấn động lòng người. – Thôi, im tất cả đi! 

Thốt nhiên, Hội gầm một hơi  ngắn và quay về phía sau, nơi các lời  phiếm luận đang rì rầm truyền lan. Cao lớn lừng lững, uy nghi vì nhập  vai quyền lực, mặt vuông rắn, trầm  nặng, Hội đặt từng bước chân nặng trịch âm vang mặt đất. 

– Dạ, thưa anh, tội lỗi này là do em  gây ra. 

– Tội lỗi gì? Sao có thể khốn nạn  như thế, mày? 

– Dạ thưa anh chiếc xe tải này là  đồ phế thải. Đáng lẽ không được  phép chạy nữa. Nhưng đơn vị em cứ  giao cho em khai thác để cải thiện đời  sống cho anh em ạ. 

Gã lái xe mặt choắt, trán cổ nổi  gân xanh, run lẩy bẩy đôi tay nâng xấp  giấy tờ trước mặt Hội. 

– Mày có biết mày đã giết hại ai  không? 

Giật xấp giấy tờ trên tay gã lái xe rồi bất thình lình anh giơ tay chộp lấy cổ áo y, giật mạnh: 

– Thằng khốn! 

– Dạ, tội em tội tày trời. 

– Mày đã giết hại một tài danh của  đất nước! 

– Dạ, em biết em mắc tội lớn rồi ạ.  Nhưng là em sơ ý. Em sơ ý. 

Mặc gã lái xe co rúm người lại rồi  rũ xuống như một xác người chết,  Hội quỳ rạp xuống đất, và giơ hai tay  lên cao, nức nở ròng ròng: 

– Tôi cũng có phần tội lỗi trong  việc này. Lẽ ra tôi là cảnh sát giao  thông, trông thấy cái xe phế thải tội  lỗi ấy, tôi phải cấm không cho nó qua  cầu. Lẽ ra tôi phải cấm cản nó. Lẽ ra…  Nhưng trời ơi, sao trời ăn ở bất công!  Những thằng bất lương, đểu giả sao  trời không bắt chết hết đi. Sao trời cứ  bắt những người tài, những người tốt  phải chết. Thật vô lý, cực kỳ vô lý, trời  ơi! Bác Lưu Quang Vũ ơi, thế là hết cả  rồi! Hết cả rồi! 

Sài Gòn 4/1999 – Hà Nội 4/2022

Xem thêm tại Nhà văn & Cuộc sống

Leave a Reply

Your email address will not be published.