Viện Pháp tại Việt Nam mời bạn đọc đến tham dự chương trình đối thoại Sức mạnh mềm văn hóa với sự tham gia của các diễn giả: TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST); Ông Frédéric Martel, nhà văn và giảng viên đại học và TS. Bùi Nguyên Bảo, Trung tâm đào tạo MC và Kỹ năng KnB Enhance, điều phối chương trình.
Tọa đàm diễn ra:
Thứ Ba ngày 08/04/2025 vào lúc 14h30
Địa điểm: Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST)
32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
Dịch song song Pháp Việt

VỀ SỰ KIỆN
Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, và Pháp từ lâu đã khẳng định vị thế của mình thông qua sức mạnh mềm văn hóa, trong khi các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc cũng đang tích cực mở rộng ảnh hưởng văn hóa của mình. Việt Nam, với nền văn hóa phong phú và đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ việc tiếp nhận và bảo vệ bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập.
Buổi đối thoại Sức mạnh mềm văn hóa được tổ chức nhằm:
- Thảo luận về tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội.
- Cung cấp cơ hội cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trao đổi ý kiến và kinh nghiệm trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
- Thảo luận về các chiến lược cụ thể để khai thác và phát huy các nguồn lực văn hóa sẵn có, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia và khả năng hội nhập quốc tế.
- Đưa ra các giải pháp và chính sách cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, từ đó góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
VỀ DIỄN GIẢ

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương đang công tác trên cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Là một chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu về thể chế văn hóa, công nghiệp văn hóa, sức mạnh mềm văn hóa, chị là người đầu tiên theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc, Việt Nam với nhiều cuốn sách liên quan đến chủ đề này như: Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa (2013), Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc tác động tới Việt Nam và một số nước Đông Á (NXB KHXH, 2018), Sức mạnh mềm Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (NXB CTQG và Sự thật 2021), là kết quả nghiên cứu của các đề tài cấp Bộ, đề tài cấp Nhà nước đã nhận được giải thưởng về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu, chị Phương còn là người tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về văn hóa như: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2016); Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (2021).
Về xây dựng hồ sơ các thành phố sáng tạo của Việt Nam, chị Phương là tổ trưởng phụ trách nội dung chuyên môn hồ sơ Hà Nội lĩnh vực thiết kế 2019, hồ sơ thành phố Đà Lạt lĩnh vực âm nhạc (2023); chuyên gia tư vấn Hồ sơ Hội An lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian (2023), hồ sơ TP.HCM lĩnh vực điện ảnh (2025).

Frédéric Martel, là nhà văn, giảng viên đại học kiêm phóng viên sở hữu bốn bằng thạc sĩ về khoa học xã hội, khoa học chính trị, công pháp và triết học (đại học Paris II và Paris I, DEA/Master 2 về Nghiên cứu). Ông từng là tuỳ viên văn hoá Đại sứ quán Pháp tại Mỹ và phụ trách phòng sách Đại sứ quán Pháp tại Rumani.
Là giáo sư đại học (theo nhiệm kỳ), từ năm 2020, ông giảng dạy môn “kinh tế sáng tạo” tại đại học ZHdK, Zurich, đồng thời đứng đầu khoa nghiên cứu tại Trung tâm Kinh tế Sáng tạo Zurich (ZCCE/ZHdK). Công việc chủ yếu của ông liên quan đến Internet, chính sách văn hoá, “soft power” (quyền lực mềm), ngoại giao ảnh hưởng, các ngành công nghiệp sáng tạo, phương tiện truyền thông, “smart cities” (thành phố thông minh) và các vấn đề về nhân quyền.
- Ông là tác giả của hơn chục đầu sách, trong đó có De la culture en Amérique (Về văn hoá ở châu Mỹ, Gallimard, 2006), Mainstream, Enquête sur la guerre globale de la culture et des médias (Thị hiếu đại chúng, điều tra về cuộc chiến văn hoá và truyền thông toàn cầu, Flammarion, 2010; được dịch sang hơn mười thứ tiếng) và Smart, Enquête sur les internets (Smart, điều tra về Internet, Stock, 2014; được dịch sang tám thứ tiếng). Cuốn sách mới nhất của ông, Sodoma, Enquête au cœur du Vatican (Sodoma, cuộc điều tra trong lòng Vatican, Robert Laffont, 2019), đã được dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng và là tác phẩm bán chạy nhất tại hơn mười lăm quốc gia (cũng là một “New York Times bestseller”).
CHƯƠNG TRÌNH BUỔI ĐỐI THOẠI
- 14h30 : Đón tiếp
- 14h45 : Phát biểu của Viện trưởng VICAST và Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội
- 15h15 : Trình bày của các diễn giả
- 16h15 : Thảo luận
- 16h55 : Bế mạc
Đăng ký tham dự : https://forms.gle/Tzp4VQ3qM8yUmF686