D.V
Từ ngày 5 đến ngày 20 tháng 4 năm 2025, Uzbekistan sẽ chào đón các văn nghệ sĩ quốc tế đến tham gia Chương trình Lưu trú Sáng tác độc lập, một sự kiện văn hóa đặc biệt quy tụ các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và những người làm công tác văn hóa từ khắp nơi trên thế giới.
Được tổ chức bởi Cầu nối văn nghệ độc lập Uzbekistan – Uzbekistan’s independent literature and art bridge (UzLAB) phối hợp cùng mạng lưới quốc tế Các nhà thơ toàn hành tinh – Poets of the Planet, chương trình hướng tới việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, đối thoại sáng tạo và xây dựng những mối quan hệ chuyên môn bền vững giữa các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, sáng kiến này đã chào đón gần 100 văn nghệ sĩ đến từ năm châu lục, hoàn toàn do các tình nguyện viên nhiệt huyết thực hiện.
Chương trình không chỉ mang đến không gian sáng tạo và tương tác nghệ thuật, mà còn tạo cơ hội để học sinh, sinh viên và công chúng Uzbekistan giao lưu với bạn bè văn nghệ sĩ quốc tế. Các hoạt động chính bao gồm: tọa đàm, hội thảo sáng tác, triển lãm nghệ thuật, gặp gỡ học sinh – sinh viên, thăm các di tích lịch sử, cũng như khám phá thung lũng Fergana và thành phố cổ Samarkand – viên ngọc của Trung Á.
Nhà thơ – dịch giả Azam Abidov, Giám đốc Chương trình, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng văn học và nghệ thuật là những cây cầu vững chắc kết nối con người. Chương trình là một khúc hát về hòa bình, lòng khoan dung và tình yêu – nơi chúng ta cùng sáng tác, cùng múa hát và lan tỏa niềm vui.”
Dù được tổ chức độc lập, ban tổ chức luôn hy vọng nhận được sự đồng hành của các cơ quan văn hóa Uzbekistan trong tương lai nhằm cùng nhau nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và phát triển du lịch văn hóa.
Chương trình Lưu trú Sáng tác tại Uzbekistan 2025 là nơi gặp gỡ của các tài năng nghệ thuật, là nhịp cầu giao thoa văn hóa giữa các dân tộc – một lời mời gọi những tâm hồn yêu nghệ thuật cùng chung tay thắp lên ngọn lửa sáng tạo và kết nối toàn cầu.

Việt Nam có một tác giả tham gia Chương trình Lưu trú Sáng tác tại Uzbekistan 2025, đó là nhà văn – dịch giả Kiều Bích Hậu. Truyện ngắn và thơ của chị gửi tới Ban tổ chức đã được dịch ra tiếng Uzbek và đăng trên các nền tảng của chương trình. Mục tiêu của chị là trở thành một chuyên gia về văn hóa Uzbekistan sau chuyến đi này. Một cuốn bút ký sẽ được chị thực hiện và đây là kỷ niệm đẹp tặng lại đất nước Uzbekistan.