TG Hà Phi Phượng – Hội VHNT Thái Bình
Trường ca Bước gió truyền kì của nhà thơ Phan Hoàng, được xuất bản năm 2016, sau mười lăm năm tượng hình ý tưởng, thai nghén cấu trúc ngôn từ… Đúng như tên gọi, trường ca Bước gió truyền kì có hình tượng trung tâm xuyên suốt tác phẩm là Gió. Gió không chỉ là một hiện tượng tự nhiên, mà ở đây, Gió tượng trưng cho sự vận động, mở rộng không ngừng của thời gian – không gian. Gió là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt- trường tồn của dân tộc. Gió còn là hóa thân của nhân vật trữ tình, dung chứa và mang theo cảm hứng dạt dào, chiêm nghiệm sâu lắng về lịch sử văn hóa, tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi.
1. Dấu ấn lịch sử dân tộc Việt Nam dựng nước và giữ nước
Tác phẩm Bước gió truyền kì đã tái hiện một cách sinh động những trang sử hào hùng của dân tộc ta, từ thời ông cha “mang gươm đi mở cõi”(Huỳnh Văn Nghệ), đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giữ vững cơ đồ. Theo “âm vang bước gió truyền kì” người đọc ngược dòng thời gian chiêm bái tổ tiên “hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt”, “ đôi cánh Lạc Long Quân/ đôi cánh Âu Cơ/ bay từ đất thiêng trung thành voi phục Phong Châu/ bay từ khí thiêng oai hùng rồng lượn Thăng Long”. “Bước gió” dẫn ta trở về vùng đất trấn biên cùng núi Đá Bia, sông Ba, Vũng Rô, đèo Cả.“Bước gió” dẫn ta trở về quá khứ, kính ngưỡng những tên tuổi anh hùng gắn liền với công cuộc mở rộng địa đồ, hải đồ. Đó là “bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân”, “Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn”, “Bước gió Nguyễn Hoàng”, “Bước gió Lương Văn Chánh”, “Bước gió Nguyễn Hữu Cảnh”… “Bước gió” dẫn ta trở về quá khứ, bái vọng những đoàn quân, những lưu dân, những nghệ sĩ, những mĩ nữ, lớp lớp người người vô danh hợp dòng, nhập dòng, làm nên trận đại phong khẩn hoang lập làng mở cõi. Để rồi những địa danh cứ nối nhau xuất hiện, tự chủ và tự tin xác quyết chủ quyền:
gió dâng lên những cái tên gần gũi quê mùa
Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đẹp như ca dao
Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bến Lức, Mỹ Tho, Gò Công, Ô Môn,
Cái Mơn, Cái Bè, Cái Răng, Cái Nước, Cái Vồn,… quyến rũ như cổ tích
Theo “âm vang bước gió truyền kì” người đọc ngược dòng lịch sử về với những cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam. Những Hát Giang, Bạch Đằng, Như Nguyệt, Diên Hồng, Chương Dương, Chi Lăng, Hàm Tử, Rạch Gầm. Những La Ngà, Đông Khê, An Khê, Mộc Hóa, Điện Biên. Những Trường Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa, Lạng Sơn, Sài Gòn, khu rừng Đại tướng… Điệp trùng địa danh được liệt kê đi cùng điệp từ “gió” nhắc chúng ta nhớ tới ào ào trùng điệp những cuộc chiến đấu vô cùng cam go quyết liệt, nhớ tới bao mất mát máu xương của ông cha ta, nhớ tới hào khí hừng hực Đông A – Trần Quốc Tuấn, sức mạnh thần tốc Tây Sơn – Nguyễn Huệ, tài trí thao lược Võ Nguyên Giáp, ý chí quân dân một lòng cá – nước quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, nhớ tới những chiến thắng oanh liệt, vẻ vang của dân tộc! Bước gió truyền kì mang tinh thần một bản tráng ca đã gọi thức và thắp lên niềm tự hào dân tộc ấm nóng trong góc tim mỗi người Việt Nam!
2. Dấu ấn văn hóa tâm linh tín ngưỡng và nghệ thuật tinh hoa
Nếu như viết về lịch sử, nhà thơ Phan Hoàng sử dụng chủ đạo nhịp thơ khỏe khoắn, giọng thơ hào sảng dạt dào, thì khi viết về văn hóa, nhịp thơ được biến chuyển trở nên mềm mại hơn, giọng thơ tha thiết hơn. Dấu ấn văn hóa trong trường ca Bước gió truyền kì trước hết là nét văn hóa tâm linh và tín ngưỡng. Điều đó thể hiện ngay trong cách đặt tên tác phẩm và lựa chọn xây dựng hình tượng trung tâm. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan thật có lí khi nhận xét “ý niệm về gió như là một trung giới cho linh hồn”. Trong phần Mở đầu, Phan Hoàng đã chạm đến yếu tố tâm linh ngàn năm in sâu trong tâm thức cộng đồng dân tộc: có một thế giới linh hồn vô hình vẫn tồn tại cùng thế giới vật chất hữu hình chúng ta đang sống. Hai thế giới không hoàn toàn ngăn cách đứt đoạn, mà kết nối thông linh “Người ơi từ đâu theo gió bay đi/ từ đâu hồn thiêng bay về cùng gió”, “Người từ ngàn năm người quên tên tuổi/ bỗng gió bay về bỗng gió bay đi”. Yếu tố tâm linh làm cho trường ca thêm màu sắc kì ảo, cộng hưởng giọng thơ thủ thỉ tâm tình đã dẫn dụ người đọc, đưa câu chuyện đi vào lòng người nhuần nhị, tự nhiên. Những huyền thoại, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về chim thần Lạc Việt, về Huyền Trân công chúa; những giao cảm với linh hồn tử sĩ trận mạc “hồn phách tinh anh mỉm cười bước ra chuyện trò với gió” được khai thác bằng thủ pháp điểm xuyết, chấm phá, làm cho câu chuyện lịch sử thêm mềm mại uyển chuyển. Quan niệm “ vạn vật hữu linh” trong tín ngưỡng truyền thống cũng được Phan Hoàng thể hiện một cách tinh tế: “một bông hoa dại cựa mình hé nở nụ cười bé thơ”, “gió vẫn cõng hương đến từng sinh linh núi đồi biên giới”, “gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc/ gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?”. Nếp quen lên chùa lễ Phật hàng ngày được lưu truyền gìn giữ như một cách thức giáo dưỡng lòng biết ơn và hướng thiện cho con người từ thơ ấu: “Gió có được bà thương yêu chiều chiều dắt đi lễ chùa cúng phật, chắp tay quỳ lạy nam mô a di đà cầu nguyện sức khoẻ mùa màng tốt tươi?”.
Bước gió truyền kì còn thể hiện dấu ấn văn hóa trong phương diện nghệ thuật thơ phú và nghệ thuật diễn xướng dân gian. Hình ảnh “Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tôn mở đường đến đây lấy cây rừng làm bút, lấy đá núi làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng xanh” là một tín hiệu nghệ thuật lấp lánh tinh hoa văn hóa Việt Nam. Và bốn câu thơ sau đây – thật ngạc nhiên – đã “thu gọn” được cả dặm dài nghệ thuật diễn xướng dân gian suốt ba miền đất nước: “từ câu hát then ới la đằm thắm váy hoa núi đồi đất Tổ/ từ câu quan họ liền anh liền chị hẹn hò Kinh Bắc cởi áo trao nhau/ từ câu bài chòi hò khoan đối đáp duyên hải miền Trung sóng vỗ/ sông nước nhớ thương đọng lại nỗi buồn nông sâu thành câu vọng cổ”. Phan Hoàng đã phát hiện và diễn ngôn thật hay về sự hòa quyện giữa đất và người và nghệ thuật. Đất ấy thì người ấy và nghệ thuật ấy! Suy rộng ra, văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc, là hệ quả của sự đa dạng thành phần dân tộc trong môi trường thiên nhiên phong phú, cùng chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước bốn nghìn năm.
3. Dấu ấn tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa
Đọc từng phần, từng đoạn của trường ca Bước gió truyền kì, độc giả không thể không rung động trước tình yêu vừa nồng nàn vừa sâu lắng. Tình yêu quê hương đất nướclà mạch ngầm chảy suốt tác phẩm, được thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên, con người, sự kiện lịch sử của cả dân tộc; được kết tinh trong niềm tự hào thắm thiết của tác giả về nơi chôn nhau cắt rốn “đất phú trời yên”:
sân ga cong cong dáng sông dáng núi
lồng lộng Đá Bia
oai linh tinh hoa trời đất
hào hiệp sông Ba
thiêng liêng dòng sữa sinh thành.
Sừng sững tầng mây
gió xanh áng thơ huyền thoại,
Đá Bia
hiên ngang dáng cha
thách thức đại dương
thách thức những cơn giông lịch sử.
Viết về quê hương đất nước, nhà thơ Phan Hoàng đã chọn lọc điểm xuyết những hình ảnh về mẹ cha, gợi nên chiều sâu của tình mẫu – tử, tình phụ – tử : “sông Ba/bao dung tấm lòng của mẹ/ nuôi cây lúa nghĩa tình/ nuôi cả lũ kiến chòm ong”, “gió dựng thành luỹ biên cương/ như vòng tay ấm áp của cha hiện về thầm nhắc…” Lòng bao dung của mẹ, lời nhắc của cha bồi đắp cho con ý thức tri ân tổ tiên, đền đáp cội nguồn. Đó là bài học nhân sinh giản dị mà đẹp đẽ, là gốc rễ để lớp hậu sinh vững vàng điểm tựa trong công cuộc kiến thiết đất nước hòa bình – giàu mạnh – văn minh.
Trong Bước gió truyền kì, tình yêu lứa đôi được thể hiện thật say đắm và mãnh liệt, vừa tình tứ truyền thống, vừa nóng hổi hiện đại, tạo nên những câu thơ rất cá tính, không thể trộn lẫn: “Gió ngược phương ta năm eo duyên hải/ gió xuôi chiều em chín khúc sông rồng/ đường gió minh mang tình tang đồng bằng/ rực đỏ vùng vùng phù sa/ nóng chảy dòng dòng xích đạo/ giàn lửa hoa em mông muội đồng nội Cửu Long/ hoả thiêu từng tế bào ta ngựa hoang đại ngàn Trường Sơn” và: “thịt da nhiệt đới/ hừng hực ngực lửa/ hực hừng đùi hương/ bềnh bồng suối tóc/ bồng bềnh môi trầm/ bềnh bồng mông núi/ bồng bềnh lạch hoa/ bồng em lốc xoáy/ bềnh ta bão rung…” Nhưng tình yêu lứa đôi không chỉ có những khoảnh khắc nồng nàn, đắm say, mãnh liệt như thế! Để có được nụ cười đoàn tụ hạnh phúc sau “nỗi đau trận mạc”, bao đôi lứa yêu nhau đã từng giấu kín khát khao, đã nuốt cạn nước mắt chát mặn: “người vợ lính trận giấu kín mùi hương da thịt khát khao đợi ngày sum họp”, “những đôi tình nhân ôm chặt hôn vội hôn vàng nguyệt thực đẫm nước mắt chia ly”. Bằng thủ pháp đối lập, Phan Hoàng đã phác họa một cách cảm động về “gương mặt đôi lứa” của người Việt Nam “vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”( Nguyễn Đình Thi). Dấu ấn tình yêu trong Bước gió truyền kì không chỉ mang đến cho trường ca sự rộng mở nội dung đề tài, mà còn khắc sâu những giá trị nhân văn, nhân bản, góp phần làm dày dặn giá trị tổng thể của tác phẩm.
4. Dấu ấn nghệ thuật cá tính khó trộn lẫn
Dấu ấn nghệ thuật trong Bước gió truyền kì trước hết là chọn hiện tượng Gió làm hình tượng – nhân vật trung tâm. Điều này đã có nhiều nhà phê bình và độc giả nhắc tới như một minh chứng thuyết phục cho cá tính sáng tạo của Phan Hoàng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật cũng cho thấy lao động chữ nghĩa trách nhiệm và say mê của nhà thơ. Trong trường ca Bước gió truyền kì, ngôn ngữ vừa phong phú hình ảnh, vừa giàu tính biểu tượng; vừa có yếu tố truyền thống vừa có tính chất hiện đại, vừa mang chở cảm xúc vừa dung chứa chất triết lí nhân sinh.
Viết về Gió, Phan Hoàng có rất nhiều hình ảnh nhân hóa, so sánh, ẩn dụ biểu đạt cho hóa thân đa dạng và rất sống động của hình tượng. Đó là “ngọn gió hồn nhiên” như tuổi thơ, ngọn gió đầy sức khám phá như tuổi trẻ “Mỗi ngọn gió bay mở một con đường/ mỗi con đường lao đi bí ẩn như ngọn gió”. Đó là bước gió “âm vang” như tiếng dội của lịch sử mở rộng bờ cõi đất nước dũng mãnh và lịch sử chiến đấu giữ nước hào hùng. Đó là cánh gió tình nghĩa âm thầm “miệt mài” tri ân những linh hồn bảng lảng phần mộ biên cương. Đó là “bước gió minh triết đường bay vàng tương lai” tượng trưng cho Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập quốc tế. Ngôn ngữ trong trường ca có sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại. Từ những câu thơ mang lối diễn đạt mộc mạc của đồng dao “ta về với lúa/ lúa về với ruộng/ruộng về với đồng/ đồng về với sông/ sông về với nước/ nước về với gió/ gió về với ta” , hay mềm mại tha thiết của lục bát “Nhớ ơn lấp biển vá trời/ Sinh thành non nước muôn đời nước non” đến những câu thơ ngồn ngộn chất liệu cuộc sống mới: “Những giấc mơ giản dị như khí trời trong lành để thở như thực phẩm an toàn để ăn như nước sạch để uống…”, “tinh lọc bóng đêm quá khứ/ kết nối ánh sáng tương lai”. Có lúc nhà thơ sử dụng ngôn ngữ tự sự kể câu chuyện của quá khứ, có lúc dùng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm biểu đạt tâm lí nhân vật. Có khi người đọc bâng khuâng với những câu thơ đậm chất trữ tình:
Tây Nam gắt nắng dầm mưa
Ta về gió chướng cũng vừa dọc ngang
Mây thênh thang nước mênh mang
Không em mây nước bẽ bàng buồn trôi
có khi lại thấm thía những câu chứa đựng suy tư chiêm nghiệm, đúc kết : “Đất nước bước đi bằng mọi con đường/ dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch”, “Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/ mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương”
Và trăn trở cùng những chất vấn của tác giả:
bay đường nào con người bớt khổ đau?
bay đường nào con người bớt nghèo đói?
bay đường nào con người bớt phản trắc?
bay đường nào con người tin được nhau?.
Đặc biệt, nhà thơ Phan Hoàng đã dùng biệp pháp điệp từ, điệp ngữ với tần suất khá dày, nhằm tô đậm nội dung ý nghĩa của hình ảnh, biểu tượng, đồng thời chuyển tải dòng cảm xúc mãnh liệt, phả lên âm hưởng sử thi, âm hưởng anh hùng ca. Có lẽ, từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp chuyên ngành ngôn ngữ học nên Phan Hoàng là người mê chữ, luôn có ý thức làm mới ngôn từ. Chẳng hạn, viết về tuổi thanh xuân thi sĩ có kết hợp từ độc đáo “ người mới con trai người vừa con gái”. Hoặc diễn tả hình ảnh nàng công chúa Huyền Trân theo chồng bằng hai câu thơ ám ảnh: “Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân/ tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc”, khơi gợi độc giả suy ngẫm về hạnh phúc và đau khổ, hào quang và hi sinh, chữ hiếu và chữ tình, đại sự quốc gia và thân phận người phụ nữ… Vẻ đẹp thiên nhiên núi non trong Bước gió truyền kì có nét thật tươi mới “ núi thanh niên lẫm liệt/ núi thiếu nữ mơ màng/ núi thiếu phụ nõn nà một con”. Từ trải nghiệm và sáng tạo nghệ sỹ, Phan Hoàng đưa ra khái niệm “ văn hóa chân lấm tay bùn” – một cách nhìn đầy nâng niu, trân trọng những con người bình dị góp phần làm nên Đất Nước… Có thể nói, việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, giàu hình ảnh, giàu biểu cảm, có biên độ lớn về trường nghĩa… đã tạo ra sức cuốn hút độc giả mạnh mẽ. Đó là dấu ấn nghệ thuật đậm nét, làm nên giá trị thẩm mỹ của trường ca Bước gió truyền kì. Với cấu trúc năm phần (bao gồm ba phần chính và hai phần tương ứng với mở đầu, kết thúc) và hình tượng Gió xuyên suốt tác phẩm, trường ca Bước gió truyền kì không chỉ làm sống lại lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, gian lao, mà còn gợi mở những vấn đề nhân sinh, thời cuộc. Tác phẩm thể hiện sâu đậm tình yêu, trách nhiệm công dân – nghệ sỹ của Phan Hoàng trước lịch sử văn hóa dân tộc, trước con người và thi ca. Như Ai-ma-tốp từng viết “Một tác phẩm nghệ thuật chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng.”, chắc chắn rằng trường ca Bước gió truyền kì sẽ tiếp tục lan tỏa niềm đồng cảm, yêu mến, khơi gợi cảm hứng tìm tòi, giải mã tác phẩm của nhiều thế hệ độc giả.