Kiều Bích Hậu
Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ Tư, diễn ra tại thành phố Laayoune trong 3 ngày 19-20-21 tháng 4 năm 2024 chào đón nhiều nhà thơ, nhà lý luận, dịch giả văn học từ 5 châu tới dự. Trong khuôn khổ Liên hoan thơ, có Diễn đàn Phụ nữ với Dân chủ và Phát triển, trong đó các nữ sĩ từ 5 châu lục đã cất lên tiếng nói tự do nhất, đề ra các giải pháp để dùng văn chương, nhất là thơ ca như một ngôn ngữ duy nhất để tạo nên hòa bình, thịnh vượng, phát triển cho thế giới.
Laayoune, một thành phố lớn ở phía Tây Nam Maroc, đã trở thành điểm tụ họp của các nhà thơ và những người yêu văn học từ khắp nơi trên thế giới khi Diễn đàn Phụ nữ với Dân chủ và Phát triển diễn ra tại đây. Chủ tịch diễn đàn, bà Fatma Leili, đã nêu rõ ước vọng về việc biến Laayoune trở thành một “trái tim thơ” của thế giới, nơi mỗi tác giả được tôn vinh cao nhất.
Trong bài phát biểu của mình, bà Leili nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một không gian đối thoại cởi mở, thân mật và thẳng thắn. Bà kêu gọi sự táo bạo trong việc chia sẻ ý tưởng và tư duy sáng tạo, với hy vọng rằng sách thơ văn, nghiên cứu văn hóa sẽ không chỉ được dịch, mà còn được đọc, phân tích, diễn giải và thậm chí chuyển thể thành phim, chia sẻ rộng rãi tri thức và tình yêu thương cho khán giả khăp Thế giới. Bà Leili hình dung về một thế giới đa phương tiện phong phú, nơi các cây viết và phụ nữ phối hợp cùng nhau, phát triển trong hòa bình và nói chung một ngôn ngữ – ngôn ngữ của thơ ca và dịch văn học.
“Thơ ca là một ngôn ngữ chung giúp chúng ta hiểu nhau và hiểu văn hóa của nhau, biến sự khác biệt thành đặc biệt, đoàn kết mọi người lại với nhau,” bà Leili nói. “Những người phụ nữ sẽ là chất kết dính, cùng với thơ ca từ các châu lục, chúng ta sẽ chung một hy vọng, một tình yêu và phối hợp với nhau trong các dự án dịch văn học.”
Bà Leili cũng đề xuất ý tưởng về việc tạo ra một tờ báo hoặc tạp chí chung tập trung vào phụ nữ và cuộc sống của họ, nơi các nhóm xã hội có thể bắt tay nhau phối hợp và phát triển từ ngôn ngữ. “Ngôn ngữ thơ ca chính là nguồn nước trong lành chảy khắp địa cầu, là ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta tôn trọng con người và mọi quan điểm dù khác biệt,” bà nói thêm.
Sự kiện này không chỉ đơn thuần là một cuộc họp mặt văn học quốc tế mà còn là một sự kiện quan trọng nhằm tạo ra sức mạnh từ sự đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. “Cuộc sống thay đổi liên tục và thơ sẽ trở thành phương tiện hiện đại cùng với âm nhạc để kết nối tất cả chúng ta,” bà Leili nhận định. “Mâu thuẫn phát sinh khi chúng ta không hiểu biết về nhau, vì thế cần có những diễn đàn như thế này để tạo ra một ngôn ngữ chung, cất lên tiếng nói hòa bình.”
Diễn đàn Phụ nữ với Dân chủ và Phát triển tại Laayoune đã thu hút sự chú ý của các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa và những người yêu thơ từ khắp nơi. Bà Leili khẳng định rằng bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng được cất lên từ những tâm hồn tinh khiết tại diễn đàn này. “Chúng ta có nhiều cách kết nối để đối thoại với nhau, nhưng thơ ca sẽ là dẫn đầu. Các nhà thơ cùng với các nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa sẽ sử dụng thơ ca để thu hút sự chú ý của thế giới về một nền nghệ thuật chung, chia sẻ một giấc mơ, một hy vọng và đó là giải pháp để kết nối, thống nhất thế giới,” bà kết luận.
Diễn đàn Sahraoui, một phần tâm hồn của Maroc, đã mở rộng cánh tay chào đón các tác giả từ khắp nơi trên thế giới đến đây, cùng cất lên tiếng nói chung và nuôi dưỡng mối quan hệ giữa Maroc với các nước trên thế giới. Từ Diễn đàn này, Laayoune không chỉ trở thành một trung tâm thơ ca mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và hòa bình toàn cầu.