Truyện ngắn của HÀ PHẠM PHÚ
I.
V ùng đất bãi trồng ngô của Hợp tác xã cấp cao Quyết Thắng rộng
mênh mông, trải ra gần giữa sông, nắn dòng chạy đâm sang hữu ngạn. Mùa gieo hạt như mùa lễ hội, cờ quạt chiêng trống rộn ràng, khiến dân bên hữu ngạn nom mà tức đỏ mắt, hận cái bãi sông được bồi đắp ngày càng lớn lên, hữu ngạn thì ngày càng lở vẹt dần. Đất bãi phù sa, ngô lên như thổi, xanh mướt cao vượt đầu người, trổ hoa tím sẫm, gió sông mát rượi, thơm phưng phức. Những bắp ngô non mặc áo lụa xanh, lớn lên trông thấy, mập mẩy. Đói bụng, bẻ một trái ngô non nhai thật kĩ, sữa ngô thấm qua kẻ răng, thấm qua các tầng niêm mạc, ngọt mát thấm lên đến óc, tỉnh người.
Hợp tác xã lập một đội bảo vệ gồm những trai tráng, bộ đội phục viên do một phó chủ nhiệm phụ trách, vào vụ thu hoạch thì cắt cử người canh gác, phòng kẻ trộm ăn cắp tài sản chung. Sắp đến mùa chuẩn bị thu hoạch ngô, thì nhiệm vụ canh giữ vùng ngô đất bãi, vựa ngô lớn nhất khu vực là nhiệm vụ trọng tâm của đội bảo vệ.
Hôm đó đến lượt giai Nuôn. Vợ giai Nuôn đang nấu cơm trong bếp chạy ra sân hỏi, hôm nay canh bãi Nam hay Bắc. Nuôn đang rít thuốc lào ở sân, ngẩng đầu ngửa mặt phun khói thuốc lên trời xoáy tròn như khói tầu hoả, vuốt bụng đáp, bãi Nam.
Đất bãi hợp tác xã Quyết thắng nổi cao so với mặt sông, sát liền bờ, mùa nước lên biến thành đảo, nhiều chỗ chìm sâu lội đến bụng, riêng hai đầu cánh bãi nước nông vén quần lội qua được, mùa cạn qua lại bình thường, dân quen gọi bến nên thành bến. Giai Nuôn lơ mơ say thuốc, rịn mồ hôi trán, bèn ra chum nước múc một gáo dội lên đầu. Mát, thấy thật khoan khoái. Vợ Nuôn dọn cơm, bóc một quả trứng gà, lòng đỏ còn mềm, bảo đang nóng ăn đi. Nuôn nhìn vợ ngạc nhiên, gà vừa đẻ, sao bảo tích trữ kiếm chục để bán. Vợ Nuôn làm ra vẻ sẵng giọng, bảo ăn thì cứ ăn đi, lại còn hỏi. Ăn thì ăn, Nuôn cầm tay nhét cả quả trứng vào mồm nhai.
Vợ Nuôn cười cười, tối nay em đi gác ngô với anh. Nghe giọng vợ, Nuôn biết cô ả nói vậy chứ có cho thêm tiền cũng không đi, vì sợ bóng tối. Nuôn đáp, hay quá, đi gác hộ cho tôi ngủ. Vợ Nuôn ném cho chồng một cú liếc sắc như dao thái chuối, nhưng lại hỏi, thế ai gác bãi Bắc. Bác Diệu, Nuôn đáp.
Bác Diệu là một ông già độc thân hiếng mắt, ngoài sáu mươi gầy nhom. Nuôn buột miệng nói, dân xóm Rậm phả pheo, bác ấy ngủ với ma. Vợ Nuôn trở đầu đũa, gõ nhẹ vào trán chồng, nói đùa thế thôi, đây chả thèm nhá, cho ra ngoài bãi mà ngủ với ma, cho ma hút hết tinh đi.
Giai Nuôn đi guốc vào bụng vợ, húp bát nước rau muống vắt chanh, đứng dậy vuốt bụng, nói của quí không thừa nhé. Vợ Nuôn mặt đỏ bừng, dẹp mâm bát qua một bên. Nuôn biết ý, đè ngửa vợ ra chiếc chõng tre. Chiếc chõng không chịu nổi sức nặng của hai người rên lên như sắp long hết mộng. Nuôn ghé tai vợ, cho tinh mà hút nhé.
Tập tục quê Nuôn không giống các nơi khác, trai tráng chưa vợ thì gọi là giai, lấy vợ có con thì gọi theo tên con, kèm theo từ bố. Chẳng hạn nếu Nuôn đẻ con đặt tên là Nẻ, thì được gọi bố Nẻ. Lấy vợ ba năm rồi, nhưng chưa có con nên người làng vẫn gọi giai Nuôn. Một số người ác miệng còn gọi “lép” Nuôn, ý là Nuôn bị lép không biết đẻ.
Xong việc, chả biết vợ có thoả mãn không, Nuôn mặc độc chiếc quần cộc, cởi trần đi ra bãi Nam miệng huýt sáo điệu cò lả, không quên lấy chiếc túi vải cuộn lại cầm tay, vì lúc đi vợ dặn mang theo cái túi bẻ ít bắp ngô mang về. Lúc đó Nuôn cười cười đáp lại, cấm không được ăn cắp của tập thể. Vợ Nuôn cũng cười biết là chồng chỉ nói miệng vậy thôi, nhưng vẫn đáp lại, cả làng ăn cắp chứ đâu riêng mình.
Ra đến bãi Nam, Nuôn đi một vòng quan sát động tĩnh. Gió sông lồng lộng mát rượi, cánh đồng ngô mênh mông, phất lá rì rào vui vẻ. Nhìn sang bãi Bắc, thi thoảng thấy loé lên ánh lửa diêm, biết là bác Diệu đến sớm. Bầu trời cuối tháng sẫm màu, những vì sao quen thuộc dường như đi đâu vắng. Trở về lều gác đêm, Nuôn lấy chiếc chổi tre gác trên mái lá cọ quét qua nền đất đã được nện sơ sài, trải manh chiếu cũ ngả lưng.
Gió sông luồn qua ống quần cộc mơn man đám lông dầy dưới bụng.
Theo thói quen, Nuôn đưa tay xoa bụng cuộn lên những múi thịt, chạm phải của quí, bất giác nhớ lại cú đè vợ vừa rồi. Trước khi hành sự, con vợ hứng tình là thế, thèm muốn đến mặt đỏ như quả hồng chín, vậy mà khi Nuôn tống cái của quí của mình vào người mụ, mụ lại nằm đuồn đuỗn như cá ươn, bao giờ cuộc vui cũng bị hỏng. Gió xoa, tay vuốt, cái cục quí của Nuôn dựng thẳng cột buồm, cứng như sắt. Nuôn nghĩ, giá mà con vợ theo ra đây, ông cho biết tay.
Để quên đi bức xúc nhục dục, Nuôn bèn nghĩ sang chuyện khác. Con mụ vợ thật tham lam, vơ bèo vạt tép, xúi ăn cắp mấy bắp ngô, lặt vặt sao giàu lên được. Ăn cắp thì phải làm chủ nhiệm, kế toán, ăn cắp công điểm mới giầu. Nhưng nghĩ cho cùng thì mụ vợ nói đúng, của công là của chung, ăn cắp về thì là của mình, mới thực là của mình. Người được cử canh gác cái gì thì ăn cắp cái đó. Chẳng hạn ăn cắp ngô, dăm ba chục bắp bõ bèn gì với cánh đồng ngô bạt ngàn. Kẻ ăn cắp len lỏi vào sâu trong bãi, chọn bắp to mập, bóc bẹ ngoài, bẻ lấy bắp cùng áo lụa, rồi vuốt vỏ già che lại, bẻ tỉa mỗi nơi một bắp, ai mà phát hiện ra. Gần sáng, lúc các lãnh đạo ôm vợ ngủ say thì đem quả thực về nhà, xong quay lại lều. Sạch sẽ tinh tươm.
Khi lập đội gác ngô, phó chủ nhiệm phụ trách trực tiếp họp các xã viên được lựa, quán triệt nhiệm vụ, nói ngô là tài sản của hợp tác xã, mọi người đều phải đề cao ý thức làm chủ tập thể, tinh thần trách nhiệm. Kinh nghiệm dân gian cho thấy, kẻ trộm luôn hành động khi những người gác mệt mỏi, ngủ quên, thường vào khoảng hai ba giờ sáng, sét đánh bên tai cũng chả biết. Phó chủ nhiệm cao giọng, cảnh cáo, giờ ấy tôi sẽ đi kiểm tra. Nuôn nghe, cười thầm, lấy tay xoa bụng, bữa nào cũng nốc rượu tuý luý, cho gái cũng chịu chứ thức dậy mà đi kiểm tra.
Có một con chim đêm vỗ cánh bay qua trên nóc lều. Nuôn đổi tư thế, gối đầu lên bó lá chuối khô, tặc lưỡi ngủ sớm khuya thức dậy làm nhiệm vụ vợ giao.
II.
Gió ngừng thổi từ lúc nào. Nóng. Nuôn thức dậy, không có đồng hồ, chả biết mấy giờ, ngẩng nhìn sao trời, ước mới khoảng nửa đêm. Vớ chiếc túi vải giắt vào thắt lưng, Nuôn suy tính, để thực hiện nhiệm vụ vợ giao sẽ tấn công bãi ngô từ phía sát mép nước. Dù khuya vắng, ở bãi Nam này trên danh nghĩa chỉ có Nuôn làm chủ, nhưng cẩn thận vẫn hơn, khom lưng men theo rãnh những luống ngô, nhô cao ban đêm dễ bị phát hiện. Đến gần cánh ngô cạnh mép nước, Nuôn bỗng giật mình. Có tiếng động lạ, lắng nghe, có vẻ như tiếng bắp ngô bị bẻ, rất gượng nhẹ, nhưng do tiếng côn trùng ngừng kêu nên vẫn nhận ra. Nuôn biết khi có người hay con thú đi trên mặt đất ban đêm, côn trùng thường tắt tiếng. Như con thú săn mồi, Nuôn nắm chặt hai nắm tay, lặng lẽ tiến về phía phát ra tiếng động. Ông phó chủ nhiệm phụ trách trực tiếp đội gác đêm đưa ra qui định, người gác đêm không được dùng các vật sắc nhọn, thậm chí gậy gộc làm vũ khí. Kẻ trộm sợ chính nghĩa, mà kẻ trộm chẳng qua cũng chỉ quanh quẩn dân trong vùng thôi, quát một tiếng đã rủn người, tóm gọn dẫn về trụ sở giam lại, hôm sau giải quyết. Cũng có người không phục hỏi, nếu kẻ trộm chống lại thì làm sao? Ông phó chủ nhiệm nói, dùng nắm đấm, cứ đấm thẳng vào mặt kẻ trộm, tôi cho phép. Rồi ông nói thêm, tất cả những người được chọn vào đội gác đêm đều khoẻ mạnh, đều được huấn luyện, là đại diện của hợp tác xã, có chúng tôi đứng sau các anh.
Nuôn là một lực điền, học hết lớp bẩy thì ở nhà làm ruộng. Thoạt đầu tham gia đội thuỷ lợi chuyên trách, còng lưng vác đất khắp các xã trong huyện, mấy đợt tuyển quân đều ghi tên xung phong, nhưng bị tật ở mắt từ nhỏ nên đều bị loại. Nếu chỉ nói riêng về sức mạnh của hai nắm đấm thì ở hợp tác xã Quyết Thắng này chả ai so kịp. Vừa tiến lên Nuôn vừa nghĩ, để áp đảo kẻ gian, trước tiên phải giữ được bất ngờ, nếu có ý định chống lại thì lập tức cho một cú giời giáng.
Tiến thêm ít bước nữa, Nuôn phát hiện một bóng đen hơi thấp mờ mờ, không rõ nam hay nữ đang lựa những bắp ngô to để bẻ. Mỗi lần chọn được một bắp, bóng đen lại bỏ vào cái túi đeo ở vai, nom hình thù thì có thể đoán là chiếc bị cói, đã gần đầy. Nuôn áp sát từ phía sau, chụp lấy cánh tay bẻ ngô, giọng rít lên đe doạ, kẻ trộm ngô, đứng im. Bất ngờ, bóng đen sững lại chốc lát rồi vùng vẫy giằng ra hòng chạy thoát thân, tay kia vẫn giữ chặt bị ngô quyết không chịu để rơi. Một thoáng ngạc nhiên, tại sao kẻ trộm có vẻ yếu đuối, không vứt bỏ bị ngô, đánh lại rồi bỏ chạy. Một thoáng phân tâm, suýt thì Nuôn để kẻ trộm tuột mất, bèn dùng tay kia chụp lấy ngực kẻ gian. Ồ, không. Nuôn vừa chụp phải ngực một người đàn bà, bộ ngực nở căng, vẫn rắn chắc. Kẻ trộm bỗng như không còn sức để vùng vẫy, giằng kéo thoát thân nữa. Nuôn dùng lực xoay lưng người đàn bà về phía mình, ôm chặt, dùng hai bàn tay xoa bóp bộ ngực tròn căng, mát lẻm. Người đàn bà đứng im.
Trong chốc lát bản năng thức dậy, của quí của Nuôn cứng ngắc chĩa ra như vòi ấm tích, cọ sát vào mông người đàn bà. Cái quần của cô ta tụt xuống từ lúc nào. Nuôn xoay người đàn bà lại, nhưng hai đùi người này vẫn kẹp chặt. Gã đàn ông hạ giọng, nhưng vẫn ngầm đe doạ, để im làm thì cho mang ngô về. Gã tiếp tục dùng chiếc vòi ấm tích của mình dũi vào giữa hai đùi người đàn bà. Lát sau người đàn bà từ từ nhấc một chân lên. Lúc ấy, gã đàn ông gác đêm và người đàn bà trộm ngô quên hết thân phận của mình, cảm thấy dường như cùng hoà trộn vào cánh đồng ngô vậy. Khi Nuôn thả tay ra thở dốc, thì người đàn bà mang theo bị ngô biến mất vào đêm tối.
Nuôn lê bước về chỗ lều canh, ném mình xuống mảnh chiếu cũ, duỗi thẳng hai chân hai tay, cố hít thật nhiều không khí mát lạnh vào ngực. Tưởng là có thể ngủ ngay được, nhưng không thể nào chợp mắt, thế nên mới chìm vào bể ý nghĩ miên man.
Lấy vợ đã ba năm, chưa bao giờ Nuôn cảm thấy được thoả mãn như lần này, dù là một cuộc cưỡng ép. Thời đi vác đất ở đội thuỷ lợi, lang thang các xã, nhiều đêm ngủ lang, Nuôn nhét đủ thứ chuyện vào đầu. Dù thế nào cũng là có chút từng trải. Vợ Nuôn là con nhà nông dân tầm thường, nhưng rất giữ lễ giáo. Mỗi lần giao hoan, Nuôn thích thắp đèn, nhưng hễ thắp lên là vợ lại thổi phụt tắt, có lần còn gạt đổ đèn khiến dầu chẩy lai láng. Vợ Nuôn không bao giờ cởi bỏ hết quần áo, chiếc quần giấn nâu cứng còng chỉ kéo xuống dưới gối. Khi giao hoan, bao giờ Nuôn cũng văng tục, lần nào vợ cũng mắng đồ mất dạy. Thành thử lần nào Nuôn cũng cảm thấy mệt nhừ vì cố sức mà chả được thoả mãn.
Hồi đêm, lúc đầu người đàn bà có vẻ phó mặc, nhưng sau đó thì có hứng, hưởng ứng một cách mạnh mẽ, rên lên khe khẽ, như là lâu lắm chưa được hưởng thụ. Người ấy ở đâu, sao lại đến đây trộm ngô? Không thể là người nơi khác, vì xem ra rất thành thuộc bãi Nam, cánh bãi ở xa khu dân cư, mãi ngoài đê. Nơi khác đến chỉ có thể là người bên kia sông, muốn sang phải đi thuyền. Trộm sông thì trộm lớn chứ trộm mấy bắp ngô, trộm vặt việc gì phải mệt vậy. Nhớ lại, khi thoả mãn rồi, Nuôn vẫn còn ôm chặt người đàn bà, người ấy cũng xiết mạnh tay, không vội buông. Một lát sau, Nuôn lỏng tay, người đàn bà xốc bị ngô lên vai biến rất nhanh vào bóng đêm, cứ như một giấc mơ.
Người làng thì ai? Người này phải cỡ tuổi Nuôn hoặc hơn một chút, tóc dài búi to cao trên đầu. Gái quê phần lớn để tóc dài, không cắt ngắn như gái phố thị, nhưng búi tó cao trên đầu thì rất ít. Ở làng này những ai hay búi tó cao trên đầu, kiểm đi kiểm lại thì có vài ba người. Một người là vợ ông chủ nhiệm, tuổi đã ngoại năm mươi, nhà luôn dư ăn, lại có biếu xén quà cáp thường xuyên. Người thứ hai là chị Sâm ở xóm chùa, thường xuyên ăn chay niệm phật, người gày, cao ngỏng. Người thứ ba, ở cửa hàng cung tiêu, béo xoay. Ba người ấy, loại. Người thứ tư, tầm thước, thân hình nhẹ nhõm, hơn Nuôn hai tuổi, là thím Đào, vợ chú Đào. Gọi thím Đào là gọi theo lối nhà quê, gọi theo tên chồng, tên thực của thím là Mận.
Thím Đào người xóm Làng, xét kĩ chả họ hàng gì với Nuôn. Gọi thím vì là vì thím lấy chú Đào, cách cỡ đâu sáu bẩy đời gì đấy, nhưng ở vai trên. Ngày còn đi học, Mận học trên Nuôn hai lớp được xem là đàn chị, không chơi với nhau. Học xong lớp bẩy, Mận nghỉ ở nhà, được ít lâu thì bị gả cho chú Đào. Tảo hôn, nhưng làng quê khéo che giấu, chả hề hấn gì, đủ tuổi mới đi đăng kí. Sau ba năm ở đội thuỷ lợi về, Nuôn đã thành một thanh niên hừng hực sức sống, chỉ tội ngày bé đau mắt không chữa thuốc tử tế nên thị lực kém, không thể đi bộ đội. Tuy có vợ, nhưng Nuôn thích thím Đào, có duyên, lại dịu dàng, vì họ xa nên chỉ gặp nhau dịp giỗ tổ. Thím Đào thích làm bếp, hơi lửa làm má thím đỏ rực. Nuôn kiếm cớ tới gần, buông một câu ỡm ờ, tiếc thím nhỉ. Lúc đầu thím ngớ người không hiểu, hỏi lại tiếc gì, sau lờ đi như không nghe thấy. Nghĩ thì cũng đáng tiếc thật, chú Đào một lần đi úp cá về, bị cảm nắng ốm liệt giường, chạy chữa mãi qua khỏi, nhưng di chứng nặng nề, méo mồm và bại hẳn nửa người. Sức khoẻ chú thế, một mình thím xoay xoả công điểm không đủ, kinh tế khó khăn, việc thím phải đi bẻ trộm ngô của hợp tác xã là chuyện có thể hiểu được.
Sáng sớm rời bãi Nam, Nuôn không về nhà ngay mà vòng qua nhà chú Đào, xăm soi quanh vườn coi có bẹ ngô mới không. Tuyệt đối không. Tuy nhiên, Nuôn vẫn cứ khăng khăng với mình, rằng người đàn bà ấy là thím Đào, không phải thím Đào mà là Mận.
III.
Đêm gác sau, Nuôn hồi hộp, chờ đợi. Hi vọng người đàn bà đêm trước lại đến. Không dám ngủ, sợ nếu ngủ quên có thể trượt mất cơ hội. Nhưng chỉ công cốc. Ngô đang chín dần, ngày thu hoạch đang đến gần, mà thu hoạch thì nhanh lắm. Hợp tác xã sẽ huy động gần như toàn bộ xã viên ra đồng, vài ngày là gọn, đất sẽ chuyển sang trồng thứ cây khác.
Cận ngày bẻ ngô, Nuôn đi gác những đêm cuối cùng. Nhìn dáng vóc bơ phờ của Nuôn, vợ tỏ vẻ nghi ngờ, giọng nặng chịch, con đĩ nào bắt mất hồn vía rồi, quên phắt vợ không thèm đem ngô về, chờ vêu mõm. Mai kia thu hoạch, thế là hết. Nuôn lờ đi, vẫn quần cộc, mình trần đi ra lều gác.
Trời quang mây, sáng trăng suông. Ngô bãi Nam trải rộng như một tấm thảm lớn đã dệt xong, chờ cuốn lại để dành mặt bằng cho màu sắc khác. Gió sông thì không mệt mỏi, cứ đùa giỡn với cánh bãi. Nuôn rời khỏi lều, đi tuần một vòng rồi tìm một mô đất đứng lên, quan sát. Cánh bãi vẫn như mọi đêm.
Khuya lắm, dễ chừng phải ba giờ sáng, không còn hi vọng gì thì chợt mọi giác quan của Nuôn vụt tỉnh táo. Dường như vạt ngô sáp với cánh bãi Bắc có sự khác biệt, dao động không bình thường so với xung quanh. Tim Nuôn đập mạnh, lập tức khom người tiến vào vạt ngô, nhẹ và tinh khôn như mèo. Nuôn tiến đến sát bên, mà kẻ trộm ngô vẫn không biết. Vẫn búi tóc buộc cao lên đến đỉnh đầu, vẫn chiếc bị cói khoác vai, vẫn cái dáng tầm thước thon thả ấy. Gã gác đêm vụt đứng lên, choàng ôm từ phía sau, cất tiếng gọi, thím Đào. Người đàn bà thoáng giật mình, nhưng không vùng chạy mà để yên cho kẻ kia ôm. Mận ơi, Nuôn không cam tâm, nhưng người đàn bà như câm không lên tiếng, không thừa nhận hay phủ nhận. Cả hai lần, người đàn bà đều bịt mặt bằng chiếc khăn đen các bà nhà quê vẫn dùng, chỉ để hở hai con mắt. Cả hai lần Nuôn đều không hề nghĩ đến việc lột chiếc khăn che mặt, dù là thím Đào hay ai, Nuôn đều không muốn làm thế. Làm thế, với người cùng làng cũng là cạn tầu ráo máng quá, huống chi Nuôn đinh ninh đó là Mận. Nuôn đã lên tiếng, Nuôn như người đứng ngoài ánh sáng, người đàn bà quyết không lên tiếng như người đứng trong bóng tối. Đó là nỗi khổ tâm. Con đực trong Nuôn đã thức dậy. Người đàn bà chừng như sốt ruột, thân dưới chạm vào của quí của Nuôn, như giục làm thì làm đi.
Nhanh như cắt, Nuôn quờ tay vặt mấy quả ké vẫn mọc rải rác khắp cánh bãi bỏ vào mái tóc trên đầu người đàn bà. Quả ké là thứ bám vào đâu là bám rất dai, phải chú tâm lắm mới gỡ bỏ hết được. Việc này không phải xuất kì bất ý mà nghĩ ra. Nuôn đã nung nấu suốt cả đêm rồi.
Giữa khuya vắng, giữa vạt ngô tiếp giáp hai cánh bãi Nam- Bắc hai người đàn ông và đàn bà dường như quên sạch mọi thứ ràng buộc, hành sự như lần cuối cùng. Và khi Nuôn vừa lơi tay, người đàn bà lập tức biến mất y như lần trước.
Sáng ra, Nuôn chọn bẻ năm bắp ngô, buộc lại xách đi công khai trên đường, về thẳng nhà chú Đào. Cổng nhà chú Đào đã mở, Nuôn tiến vào, cất tiếng oang oang chú thím dậy sớm, cháu được ông phó chủ nhiệm thưởng cho chục bắp ngô, đem đến cho chú thím mấy bắp luộc ăn chơi, mấy hôm nữa thu hoạch rồi. Chú Đào ngồi chõng tre loay hoay pha trà, thím Đào ở trong buồng đi ra, đón từ tay Nuôn mấy bắp ngô, khen ngô năm nay to mẩy, chắc được mùa. Đảo mắt xung quanh nhà, thấy chiếc bị cói treo trên cột tre, hơi lồng phồng nhưng đựng thứ gì đó nhẹ, không phải ngô. Kín đáo quan sát mái tóc của thím Đào, búi sơ sài, nhưng sạch, không có quả ké nào bám vào. Nuôn bưng chén trà nóng bốc khói chú Đào đưa cho, nhấp một ngụm nhỏ, khen chè chú lấy nhà ai mà ngon thế. Chú Đào đáp, thím ấy hái chè hoang ở đỉnh Hoa Hoè về làm đấy, được nước lắm. Nuôn đưa đẩy dăm ba câu rồi chào ra về, lòng đầy tràn nghi ngờ, thất vọng.
IV.
Ông phó chủ nhiệm nói, hai hôm nữa sẽ thu hoạch ngô.
Nuôn nán lại lều canh ngô, nhìn vơ vẩn một con nhện đen chăng tơ trên mái lều. Ngẫm nghĩ, thế nghĩa là chỉ cần trong vài ngày, người ta sẽ dọn sạch cả cánh bãi mênh mông, thu hoạch bắp, chặt hạ cây xếp đống lại và cày lên, làm đất cho vụ khác. Một nỗi buồn vơ vẩn ập đến. Từ khi có hợp tác xã, từ bậc thấp lên bậc cao, lối sống tự do phóng khoáng của Nuôn cứ bị xén bớt, mài mòn dần. Nứt mắt, Nuôn đã bị thúc giục tham gia nhi đồng đánh trống cà rình cổ động tổ đổi công, cổ động vào hợp tác xã, cổ động để cha mẹ Nuôn nông dân một cục, có vài sào ruộng tình nguyện nộp làm của chung, để trở thành người vô sản. Vụ ngô sẽ nhanh chóng kết thúc. Vậy là nghi vấn người đàn bà ấy có phải là thím Đào, là Mận ngày xưa hay không có thể sẽ chìm xuống đáy bụi thời gian.
Nuôn rõ ràng là chán ngấy vợ, mối tình trẻ con ngày xưa đối với Mận bỗng nhiên trở lại, mạnh mẽ không ngờ. Nuôn sẽ làm mọi cách để Mận rời bỏ chú Đào bất lực từ lâu, Nuôn sẽ xé trước bạ với vợ. Nuôn với Mận sẽ lấy nhau, sẽ sinh con, sẽ làm nên một gia đình hạnh phúc.
Con nhện đen treo lơ lửng, đung đưa trước mắt Nuôn. Ngứa tiết, Nuôn dùng chiếc quạt lá cọ phẩy mạnh, con nhện bay lên mái lều. Như mọi lần, khi quyết định làm một việc gì dứt khoát, Nuôn vùng đứng dậy bước ra khỏi lều.
Nuôn bước rất dài, khi qua ngã ba xóm Làng, liếc thấy chú Đào đang ngồi chờ cắt tóc, bèn làm như đang vội việc gì đó không nhìn thấy, đi thẳng về phía trụ sở hợp tác xã, qua miếu Bà cũ thì rẽ theo lối tắt về nhà thím Đào. Thím Đào đang chuẩn bị đi đâu đó, thấy Nuôn bước vào thì hơi khựng lại, ngạc nhiên. Nuôn nói, thím vội đi đâu à, tôi có việc cần nói chuyện với thím. Thím Đào vẫn đứng hỏi lại, có chuyện gì? Thì thím ngồi xuống, Nuôn nhỏ giọng, đổi cách xưng hô, từ năm Mận học lớp bẩy, thằng con trai lớp năm đã thích lắm rồi, thích mái tóc dài đu đưa sau lưng theo dáng đi nhẹ nhàng như lướt trên cỏ. Nhưng Mận coi thường tôi trẻ con, không để ý. Ngày tôi đi làm thuỷ lợi, Mận ở nhà lấy chồng, khiến sự việc đã rồi. Nhưng ta có thể làm lại, Nuôn nhìn bộ ngực tròn căng đầy sức sống của người đàn bà, tôi sẽ đối xử tốt với Mận, sẽ cho Mận những đứa con.
Mặt thím Đào đỏ lên rồi tái đi, giọng kiên quyết, anh nhớ anh đang là cháu tôi, tôi là thím dâu anh. Anh ra khỏi nhà tôi ngay.
Nuôn bước ra khỏi nhà thím Đào, ruột héo như lá chuối hơ lửa, chả lẽ người đàn bà đó lại là người khác, bộ ngực ấy, vóc người ấy sao lại in hệt Mận, liệu mùa ngô sau còn có thể gặp lại.
H.P.P
NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG