Ghé thăm Phan Xi Păng với Lê Tuấn Lộc

Home NHÀ VĂN Thơ Ghé thăm Phan Xi Păng với Lê Tuấn Lộc
Ghé thăm Phan Xi Păng với Lê Tuấn Lộc

Trần Quỳnh Hoa

Nhà thơ, TS. Lê Tuấn Lộc vừa ra mắt tác phẩm mới nhất của mình: Tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng”. Tập thơ là lời hát về thiên nhiên và nhiều địa danh miền núi phía Bắc, về quê hương Thanh Hóa và cuộc sống muôn màu của đồng bào cả nước.

Tác giả Lê Tuấn Lộc

Xuất thân là một người con Thanh Hóa, Lê Tuấn Lộc là một nhà thơ, nhà văn, hội viên Hội nhà văn Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông nguyên là kỹ sư mỏ và Tiến sĩ Khoa học, vì đặc trưng công việc nên thường xuyên công tác tại các mỏ quặng ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, và nhiều tỉnh miền núi khác. Có lẽ nhờ những năm tháng gắn bó mật thiết với núi rừng và con người vùng cao, qua hàng thập kỷ công tác, cái chất núi chất rừng đã ngấm sâu vào con người Lê Tuấn Lộc, rồi trở thành suối nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Ông đã sáng rất nhiều về đề tài này. Tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng” chính là tuyển tập chọn lọc những bài thơ xuất sắc nhất viết về miền núi và đồng bào của nhà thơ Lê Tuấn Lộc từ trước đến nay.

Bìa Tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng” của tác giả Lê Tuấn Lộc

Đúng như tên gọi, tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng” được chia làm 14 khúc hát, mỗi khúc hát được mở đầu bằng một bài thơ đã được phổ nhạc của tác giả. Mỗi khúc hát tập trung vào một đề tài riêng biệt: văn hóa và lịch sử của các tỉnh miền núi phía Bắc, quê hương Thanh Hóa, Tuyên Quang – nơi tác giả làm việc lâu nhất, những người lao động chịu thương chịu khó, đồng bào người dân tộc sống trong trẻo và đẹp đẽ, các chiến sĩ biên phòng dũng cảm, và nhiều đồng bào miền khác… Mỗi khúc hát cất lên giai điệu riêng của mình để góp thành một bản hòa ca mang chất huyền ảo, hùng vĩ và khoáng đạt của núi non đất nước. Thơ Lê Tuấn Lộc giản dị và giàu nhạc điệu:

“Ngẩng đầu đỉnh núi cheo leo

Xốc ba lô, chống gậy hèo ta đi

                       (Như xuân)”

Như PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện (Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) đã nhận xét: “Thoạt nhìn, thoạt đọc, dường như thơ anh có vẻ gì thật thà như đếm, hồn nhiên quá, ngây ngô và có phần ngồ ngộ, trái khoáy với những gì người bình thường hằng suy nghĩ. Nhưng không, đọc và suy ngẫm lâu thơ anh, gạt đi những định kiến tầm thường hoặc ngộ nhận, ta cuối cùng sẽ nhận ra cái sâu sắc, ẩn ý của lý trí đúng từ bên trong qua những bài thơ tự sự hoặc trữ tình tâm trạng của anh, mà nếu như một chút hời hợt, nông nổi, chỉ bằng vào cái bên ngoài của sự vật, sẽ không nhìn thấy được sự chân thật tự nhiên từ bên trong của nó, như ta vẫn quen gọi là “cái lý của người H’Mông.

Bìa sách khác của Tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng” của tác giả Lê Tuấn Lộc

Không thể không nhắc tới một sáng tác vô cùng đặc biệt trong tập thơ là trường ca “Hát từ Phan Xi Păng” mà nhan đề của nó đã được đặt cho cả tập. Trường ca được viết bằng lối thơ tự do, đôi khi dùng thơ văn xuôi, thơ luật… sử dụng khéo léo và đa dạng nhiều thủ pháp nghệ thuật. Trường ca gồm 10 phân khúc, mỗi phân khúc là một góc nhìn riêng về Phan Xi Păng. Đỉnh Phan Xi Păng cũng là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên gan, vững vàng của con người Việt Nam:

“Để lên đỉnh Phan Xi Păng

Cần ý chí

Gió chỉ muốn đánh ta gục ý chí

Rét như muốn quật ta xuống đường

Mưa phùn như muốn rủ ta quay lại

Nếu không rèn ý chí

Ta lùi bước

Ngã gục dọc đường”

Mong rằng tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng” sẽ sớm đến tay bạn đọc để những hình ảnh tươi đẹp về non xanh nước biếc Việt Nam và muôn hình muôn vẻ cuộc sống của đồng bào sẽ trở nên gần gũi và giàu có hơn trong tâm thức chúng ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published.