Truyện ngắn của Trần Mỹ Thương
Gió hun hút đuổi nhau trên những thửa ruộng bậc thang ngoằn ngoèo uốn lượn, chạy ngang qua những vạt hoa tam giác mạch, làm cho những cánh hoa nhỏ mỏng manh hồng hồng tím tím rập rờn như từng đợt sóng biển màu nhô lên rồi hạ xuống luôn hồi. Mùi hoa bạc hà lẫn vào gió man mát, thoang thoảng. Có lẽ, gió vờn cả những vệt mật trên những đôi chân nhóng nhánh như nhung của các chú ong đang mải mê bay đậu trên những nhụy, làm không khí trở nên thanh thanh, ngòn ngọt. Mùa này trên Cao nguyên đá dường như gió chẳng khi nào ngừng thổi, như người đàn bà Mông ở cái xứ này cứ luôn tay se những sợi lanh giắt ở cạp váy chẳng khi nào ngừng nghỉ, trừ những lúc lo làm việc khác hoặc lúc ngủ thôi. Gió ở nơi khác bây giờ mới mang khô hanh thổi đến, làm rụng xao xác những lá vàng, thi thoảng có cơn mưa phùn sẽ mang không khí lạnh se se, mùa thu còn kéo dài đến tận vài tháng. Mà ở cái xứ đá này, chắc gió lùa vào khe đá móc hết ra cái rét rồi chạy đi gieo khắp nơi thật sớm nên mùa đông lúc nào cũng dài, cũng sâu. Lại một cơn gió lùa vào ống tay áo chàm làm Hồng rét nhức cả xương. Ấy thế mà cậu vẫn không thôi mân mê cái đàn môi trên tay, hết vuốt cái cán cầm lại vuốt đuôi, rồi lại sờ sờ nắn nắn cái lưỡi gà, rồi lại cười tủm tỉm. Rét kệ rét, lòng Hồng bây giờ chỉ thấy niềm vui, niềm vui cứ dâng lên mỗi khi cậu sờ nắn vào cái đàn môi bằng đồng thau sáng bóng mà hình dung đến bờ môi của cái Dính. Bờ môi của nó, cậu chưa được chạm vào, nhưng nó thổi được kèn lá ra lời hay mà đáp lại tiếng đàn môi rung rung trầm bổng của cậu thì chắc là môi nó mềm, miệng nó dẻo, đầu nó sáng lắm!
Hồng* là thằng con trai hiếm của cái bản Lao Xa này được xuống tận Thái Nguyên học, mà học trường đại học Khoa học, khoa Toán Tin Ứng dụng hẳn hoi. Đang trong thời gian chờ lấy bằng tốt nghiệp, Hồng về nhà để được ăn bát mèn mén từ tay chị dâu đồ, chan bát canh tẩu chúa thơm mùi lá cải lông quyện với mùi ngầy ngậy của đậu phụ tự làm. Bếp người Mông chỉ trừ ai nghèo quá mới không có thịt treo gác bếp, chứ gác bếp nhà Hồng quanh năm suốt tháng lúc nào cũng lúc lỉu mấy sào thịt treo đen nhức bồ hóng. Đi học lấy cái chữ, ở thành phố bao nhiêu lâu là chừng ấy lâu Hồng nhớ món thịt treo xào lá tỏi. Thế nên, thi xong một cái là cậu khăn gói ra bến xe luôn. Về nhà, sau bữa mèn mén chan canh gừng gà đen làm nóng rực cả người, bố đưa cho một bọc tiền mấy chục triệu bảo đi tìm bò giống ở tận mạn Pải Lủng, nghe bảo ở đấy, trên cái thôn Mã Pì Lèng cao nhất của cung đèo ấy, giống bò đực chân cao, móng đẹp mà khung to, lông mượt, mà cày khỏe. Bố bảo: dùng hết bao nhiêu bạc của nhà đi học lấy cái chữ, lại còn được học tính toán thì giao tiền cho đi mua bò giống là đúng người rồi. Hồng hăm hở vượt đèo tìm lên đúng cái thôn Mã Pì Lèng mà dễ đến chục năm nay cả khách Tây và khách ta cứ nườm nượp kéo lên để trải nghiệm. Trục đường chính lên đèo, chiếc xe Uyn phăm phăm bò ngược dốc, lên mãi đến cái đoạn mà đám du khách tự đặt tên là Mỏm đá Tử thần gì đó thì Hồng phải dựng xe ở rìa đường chỗ cái thành lan can chắn mép vực rồi leo bộ. Đường lên thôn Mã Pì Lèng nằm ở phía ta luy dương bên trên cái mỏm đá Tử thần ấy, cao tít, dựng đứng, nên chỉ đi bộ được. Ai muốn lên đều dựng xe dưới rìa đường, chả bao giờ sợ mất. Thanh niên trai tráng, đang tuổi khỏe như bò đực trên nương, nhưng chắc tại ăn học một thời gian dài ở thành phố, lâu không leo núi leo rừng nên chốc chốc Hồng lại phải nghỉ chân lấy sức. Nghỉ đến chặng thứ tư ở đoạn suối nước trong vắt chảy ra từ mấy khe đá thì Hồng gặp một đứa gái đang giặt lanh ở đấy. Một đầu cái nắm sợi lanh buộc chặt vào một cái rễ cây nổi lên ngang mặt nước giữa khe suối, một đầu đang được đứa gái ấy cầm trên tay kéo kéo, giật giật, lâu lâu lại lấy đà tung lên, giật mạnh để nắm lanh vỗ bôm bốp xuống mặt nước làm bọt nước theo đà vung tay cứ hất lên, rơi xuống hình vòng cung như cái nỏ bắn chim của các anh hay vác đi thi Hội thao ở huyện. Hồng chả khác mấy khách Tây, thấy thế vội giơ điện thoại ra chụp. Tư thế đứng lên, cúi xuống làm cái mông của nó lắc lư, cái váy xếp ly đung đưa bên nọ bên kia dập dình, dập dình. Chân lội nước nên chân không quấn xà cạp, Hồng đứng ngây ra ngắm mãi cái đôi kheo chân trắng bóc ấy dưới làn nước trong mà quên cả bước đi. Chắc tại Hồng nhìn lâu quá, ngắm lấy khung ảnh nhiều quá làm gáy đứa gái cũng nóng lên phải quay lại, bắt gặp cái nhìn của chàng trai lạ khiến má tự đỏ lựng lên rồi vội vàng quay mặt xuống suối, nắm lanh trên tay cứ kéo căng mãi thế, chẳng dám tung, cũng không dám giật. Hồng biết ý, vội bước nhanh qua khe suối, đến một cái cây ở phía cách đó chừng vài chục bước chân, nấp vào đấy, tay run run vội vàng lần vào túi áo ngực đã ngấm ướt mồ hôi, lấy ra cái đàn môi đưa lên miệng thổi:
Này người em gái
Người Mông mình trước sau như một
Lên nương bẻ ngô, xuống suối giặt lanh,
Đâu đâu cũng có đôi có cặp
Sao em đi giặt một mình?
Trong róc rách tiếng suối, tiếng đàn rung lên từ đôi môi và những ngón tay của Hồng vẫn mồn một trầm bổng ngân nga, rót vào tai đứa gái làm má đỏ càng thêm đỏ. Biết chàng trai ấy đã vừa nấp kỹ sau gốc cây, cô quấn đầu nắm lanh vào khuỷu tay vài lượt rồi kéo bước sang ngang với bứt lấy một cái lá, vuốt vuốt, rồi cũng mạnh dạn gập làm đôi, đưa lên miệng thổi. Tiếng kèn phát ra pí pè pè pí từ đôi môi cô lanh lảnh đáp lại:
Này người anh trai lạ
Người Mông mình trước sau chẳng đổi
Đi đâu cũng có cặp, có đôi.
Nhưng em đây còn mải việc xa xôi
Nên chưa tìm thấy người ưng làm đôi, làm cặp.
Tai cậu như bị kiến đốt làm nóng ran, từng lời cô gái hát làm cậu say như ngấm rượu ngô ủ men lá lâu ngày. Cậu lại đứng ngây ra một hồi, rồi mới nhớ đưa đàn lên môi:
Em ơi, người con gái đẹp!
Nước suối thì nông mà sợi lanh thì dài
Anh muốn được dùng đôi tay thay đầu cọc
Giúp em trải lanh ra suối
Giúp em giặt giũ, đem phơi
Ơi người con gái đẹp ơi,
Có bằng lòng anh thì thổi lên một điệu kèn.
Và Hồng bồi hồi đợi.
Phía bên đầu suối, sau một hồi lâu lâu chỉ nghe tiếng nước róc rách, thì tiếng kèn lá cũng lại pè pí ngân lên, thanh vang, lảnh lót:
Ơi chàng trai lạ tự bản nào,
Suối thì nông mà lanh thì dài rộng
Em một mình đóng cọc, buộc lanh,
Lùi lũi giặt, phơi đã nhiều mùa
Nay nếu gặp người thương mà bằng lòng giúp việc
Thì hãy bước ra đầu suối cùng em!
Pí pè, pè pứ…
Chỉ chờ có tiếng đáp lời ấy lảnh lót vang lên, cậu nhanh chân bước ra từ gốc cây sa mộc sần sùi vỏ, bước về phía đầu con suối để gỡ lấy đầu cái nắm lanh buộc ở đầu cái rễ cây. Hồng với Dính quen nhau như thế. Từ hôm ấy, mới gặp thêm có ba lần ở ba phiên chợ xã. Mỗi lần gặp, là mỗi lần Hồng mang một loại nhạc cụ khác đi. Cái đàn môi vẫn bóng loáng màu đồng thau, lặng lẽ nằm gọn lỏn trong túi áo ngực, nhưng hôm thì Hồng mang theo sáo, hôm lại mang theo cái đàn nhị. Đàn môi cậu thổi hay bao nhiêu, thì sáo dọc cũng tha thiết, bổng trầm, thổn thức bằng ấy. Còn cái nhị, cậu thao thao giới thiệu với Dính về chất liệu làm ra loại nhạc cụ ấy. Dính hẳn biết, hai đầu trống của cây đàn nhị của người Mông ở xứ mình thường làm bằng da cóc, cóc càng to thì da của nó khi làm đàn sẽ càng phát ra âm thanh vang vọng, chỉ cần đứng trên những đỉnh núi mà kéo thì người yêu dù ở xa cách mấy núi cũng nghe thấy được tiếng nhớ thương của người yêu gửi đến mình. Nhưng da cóc mà thổi nhiều thì cũng gọi âm hồn, ma mãnh đến, Hồng thấy người già thường bảo vậy, nên từ khi đi học đại học, đôi lần về cậu đã mang theo cái ý tưởng thay da cóc bằng chai nhựa nước ngọt pepsi kéo căng, cố định bằng những đinh vít khéo léo. Và cậu đã thành công, nên phải tranh thủ những dịp ít ỏi được gặp Dính để trổ tài sáng chế. Dính thì ngày càng mê mẩn Hồng từ những điệu nhạc hay đến những lời nói đẹp của một thằng trai được xuống phố ăn học, gói cái chữ mang về. Hồng biết, cây khèn mới chính là loại nhạc cụ linh thiêng của người con trai Mông trên cái xứ đá này, nhưng mấy phiên chợ cậu vẫn chỉ thay nhau lần lượt mang theo các loại nhạc cụ mà cậu học được, có được ở trong nhà, còn khèn, cậu định bụng để đúng dịp Tết của người Mông vào tháng Chạp tới, cậu mới trổ tài với nàng trước đám đông. Tết ở Đồng Văn nơi nào cũng vui, cũng đẹp. Nhưng vì trước kia Hồng mải lo học, không có ý định yêu đương sớm, nên Tết năm nào cũng chẳng chịu đứng ném pao, chỉ cứ chạy tới chạy lui cùng đám bạn xem hết các trò chơi dân gian rồi kéo nhau ngồi bên mâm thắng cố, uống rượu ngô đến say mèm là bò về ngủ. Thế nhưng bây giờ Tết sẽ có Dính. Mà Dính ở tận trên đỉnh Mã Pì Lèng, sẽ chơi hội xuân ở Pải Lủng với cùng lắm là đi đến xã Pả Vi. Nên năm nay Hồng chắc chắn cũng đi đón Tết ở Pả Vi, Pải Lủng, có khi còn chạy lên tận thị trấn Mèo Vạc xem bắn pháo hoa cũng nên. Bố cậu cũng giục chuyện yêu đương, tìm người ưng để nhờ ông mối cầm ô đi hỏi lắm rồi nên giờ thấy con trai mình có người yêu vừa đẹp lại vừa khôn khéo, cũng được ăn học hết cấp ba trường tỉnh hẳn hoi thì cười như được mùa ngô. Hồng cứ phần phật cưỡi con xe Uyn, chở theo Dính xinh đẹp ngồi đằng sau, rét khắc phải quàng tay ôm lấy eo mình thôi mà. Nghĩ thế, lúc nào bụng cậu cũng thầm cười khúc khích.
Ấy thế mà sau bao nhiêu quả pao đã được ném đi, bắt lại, bây giờ Hồng lại như con gà bị dịch, lử khử lừ khừ, đứng đâu như rơi mất hồn ở đấy. Bố với anh trai giục đi chơi, đi kiếm đứa gái khác mà yêu, mà lấy thì cậu nào đâu có chịu. Chịu làm sao được khi đã yêu Dính đến cỡ ấy rồi. Pao cũng bắt được của nhau rồi, Dính cũng đã cho Hồng được hôn môi, được đặt đôi tay rắn chắc của mình lên cặp mông tròn mẩy của Dính mà Dính không nói gì, không phản đối, chỉ đỏ mặt dụi trán vào vòm ngực người yêu để giấu đi cái mặt đỏ lựng vì thích, vì xấu hổ. Bao nhiêu dự định Hồng cũng đã kể hết với người yêu. Cậu định bụng sẽ xin bố không đi làm việc nhà nước mà cho xin được tự quản cái nhà trình tường thân thuộc cả trăm năm này để làm nhà nghỉ kiểu mới theo xu thế hiện nay. Nói kỹ chắc bố nghe thôi, ở nhà làm ra tiền rồi được gần vợ còn đẻ con, rồi còn chăm bố lúc tròng mắt đã đục chứ. Yêu nó đến nỗi nói hết ra dự định của một thằng trai như thế, mà giờ bố với anh lại khuyên đi tìm mối khác thì nghe làm sao được. Ừ thì biết là nhà bên ấy thách cưới cao quá đấy, vì thế mà cậu khổ sở suốt cả tháng nay vì cả bố, cả anh trai, và ngay cả chính bản thân cậu cũng không đồng ý. Nhưng không đồng ý chuyện thách cưới là chuyện thách cưới chứ, có liên quan gì đến chuyện cậu yêu Dính đâu nào. Ăn học bằng ấy lâu, gái Kinh thành phố cũng không làm Hồng thích, gái Mông ở thôn xa bản gần cũng chưa một lần làm cậu mảy may ý định, chỉ đến khi gặp Dính thôi. Nó đẹp, nó lại được học hết cấp ba Nội trú tận dưới tỉnh về, từ nếp nghĩ đến ăn nói đến tiếng kèn đối đáp nó cũng khôn khéo đủ làm Hồng say mê. Rồi cái khoeo chân trắng như trứng bóc cứ lâu lâu lại khoe ra làm Hồng không thôi nhớ nhung, ấp ủ. Thế mà giờ cả nhà không giúp Hồng nghĩ cách, lại đi khuyên cậu tìm mối khác mà hỏi thì buồn đến nát cả lá gan thôi!
Gió cứ nối đuôi nhau đưa mưa phùn, rét buốt thốc từ dưới lòng đất, lòng đá lên. Hay là vì lòng Hồng đang buồn quá, nên thấy lạnh? Đã cả nửa tháng nay cậu không được gặp Dính rồi. Hôm cuối gặp nhau ở cạnh cây sa mộc già bên khe suối ấy, Dính cứ đứng nép vào lòng Hồng mà khóc rưng rức thôi. Họ Sùng bên Mèo Vạc nổi tiếng bề thế gia phong, của lắm đất nhiều. Đã đành là thế, bên họ Vàng nhà Hồng cũng có kém cạnh mấy đâu. Bạc già dù đã bán bớt cũng là để Hồng được ăn học nhiều hơn người ta, giờ kể như cần gom thì vẫn là gom bằng được cho đủ. Nhưng thôn Lao Xa của cậu cũng như rất nhiều thôn bản khác ở Đồng Văn đã ký kết giao ước với xã, với huyện về việc xóa bỏ hủ tục. Người chết phải đưa vào áo quan mới làm ma, ma chay chỉ được giết một con bò; cưới xin không được thách cưới đến cả trăm đồng bạc già như trước mà chỉ thách gọi là lấy lệ. Loa đài mắc ở trên cây cứ ra rả suốt ngày nói từ tiếng Kinh sang tiếng Mông nhắc nhở khuyên can như thế, thì cũng như mưa phùn lâu ngày khác ngấm đất, từ lúc nghe theo cán bộ tuyên truyền thì rõ là nhà nào cũng khá lên, nợ ít đi, người già đỡ lo mà người trẻ được tự do quyết định cho hạnh phúc của mình. Thế giờ mà nhà họ Vàng của Hồng lại đi ngược thì xấu lắm. Hôm bố của Hồng lẳng lặng đi ướm trước ý nhà bác Thò chuyên chạm bạc ở cuối thôn, bác ấy cân nhắc hồi lâu rồi cũng có vẻ đồng ý cho mượn đủ. Nhưng nhà Hồng có bốn mươi đồng bạc, mượn thêm bốn mươi đồng nữa để gom cho đủ tám mươi đồng bạc già mà thuê bác Thò đánh thành tám cái vòng kiềng đi hỏi vợ thì chuyện ấy thể nào cũng loang ra, mang tiếng cho nhà Hồng. Bác Thò cân nhắc cũng là vì lẽ ấy. Người ta không được đi ăn học mà còn chịu ký vào giấy cam kết thực hiện theo chủ trương, mình đây được cho đi ăn học tận thành phố xa, được Nhà nước hỗ trợ học phí đàng hoàng mà chả nhẽ học xong về lại chỉ vì thích một đứa gái mà nhắm mắt bịt tai làm cái việc ngược đời ấy để họ cười vào mặt cậu, mặt bố cậu và anh trai cậu à? Nhưng nếu không làm thế thì không đón được Dính về nhà mình. Chả may để lâu, bố Dính ép gả con gái cho nhà khác thì cậu biết phải làm thế nào? Dính là đứa gái vừa khôn vừa khéo nhất cái vùng Pải Lủng, thiếu gì người ngấp nghé muốn đem bạc sang hỏi cưới. Cái nhà trình tường cả trăm năm tuổi này, muốn làm nên cái mà họ gọi là homestay theo kiểu giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc thì làm sao mà làm nên được nếu thiếu bàn tay của Dính ngày ngày giúp thổi lửa, vần than, đồ những chõ mèn mén cho khách đến thăm? Làm thế nào mà nên việc được nếu không có Dính giúp xiên những tảng thịt treo lên gác bếp và chăm sóc những luống bắp cải trong vườn để phục vụ khách đến thăm? Làm thế nào mà nên việc được nếu không có một cái đầu cũng khôn ngoan được ăn học va vấp như Dính giúp chụm đầu tính toán cách làm giàu từ chính ngôi nhà cổ của mình? Hồng chỉ dự tính được việc to thôi, còn những việc bé, những việc hàng ngày thì phải có Dính nhanh nhẹn mới giúp được. Lúc yêu, Hồng kể cho Dính nghe những dự định thì lúc nào cũng nhận được từ người yêu những lời khuyên hoặc những ý tưởng rất hay, rất cần. Nên cậu biết, mình không chỉ yêu mà còn cần Dính làm vợ. Chỉ có vợ chồng đồng thuận, chịu giúp nhau, thương nhau thì mới cùng nhau sống vui vẻ cả đời được, mới đi đâu cũng muốn đi cùng nhau cho có đôi có cặp được. Giờ nhà họ Sùng cứ một mực đòi thách thế. Mà đất Mèo Vạc bên ấy còn nhiều nơi chưa chịu theo nếp nghĩ mới. Người bên ấy lại là cội rễ của những tập tục của người Mông ở cả cái xứ đá cao nguyên này, họ có cái uy quyền của người đi trước, đến trước và chắc là cứ muốn dùng mãi cái uy ấy để mà giữ lấy cái ngày xưa thôi. Khó nghĩ thế này thì Hồng đau đầu quá, quyết định thế nào cũng không xong, chả khác một con đường không có ta luy dương, bước sang bên nào cũng là vực sâu thăm thẳm.
Hôm kia nghe anh Chìa Ly kể chuyện ở bản Chúng Mung của anh, có nhà làm ma người chết mà theo ký kết đã báo họ hàng là không nhận lễ vật trâu bò dê ngựa, thế mà mấy nhà anh em vẫn dắt mỗi nhà một con bò từ tận Mèo Vạc sang. Sang đến đất Đồng Văn thì thôn bản với xã chặn lại, khuyên không được thì bắt phải dắt quay về. Người dắt bò sang cũng có cả bò đi vay nợ đấy, bất quá vì lệ cũ vẫn phải đi vay mà dắt sang trả thôi, giờ dân quân khuyên can dắt về thế thì người chết, người sống bên ấy cũng không trách được. Thế thì cũng được một việc ai cũng thầm vui. Nhưng đấy là chuyện ma chay, được thôn bản vào cuộc giúp thì hai bên đều hoan hỷ để từ nay theo nếp mới, không ai nghĩ hơn thiệt là được. Chứ nó có giống với việc cưới vợ của Hồng đâu, nếu không theo tục thì không cưới được người vợ mình muốn, còn theo thì lại lấy lưng đi lùi với cả thôn cả bản. Cũng hai hôm trước thấy Dính nhắn có hai ông mối cầm ô đứng ngoài nhà Dính gọi cửa rồi, nếu không phải vì nàng dọa ăn lá ngón thì bố nàng đã ra rút then cho ông mối vào nhà dựng ô cạnh cửa. Nhưng dọa ăn lá ngón hay là dọa nhảy vực thì cũng chỉ được mấy lần thôi chứ. Ruột gan Hồng như bị dí than đỏ. Không chịu nổi nữa, cậu đứng phắt lên dắt cái xe Uyn ra cổng phi về thị trấn, thẳng hướng cổng Huyện ủy mà tìm anh Ngọc dân vận. Từ cái lần anh Ngọc cùng đoàn ở huyện và đoàn các cán bộ lãnh đạo xã Sủng Là vào tận thôn Lao Xa để trực tiếp cầm tay chỉ việc đôn đốc, hướng dẫn từng nhà dân làm công trình xử lý rác thải và phân bò để đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường, thì Hồng đã được anh Ngọc hứa giúp đỡ chuyện cậu nói về ý tưởng làm nhà nghỉ homestay và lấy vợ theo tiêu chí mới. Hồng cứ nghĩ anh Ngọc là cán bộ lãnh đạo huyện, bận trăm công nghìn việc, chỉ là xã giao nên hứa hẹn với cậu như vậy cho đẹp lòng thôi. Nhưng giờ đường khó đi quá mà cậu không tìm ra cách, cũng không ai giúp được thì đành thử tìm anh xem có được giúp thật không. Vừa nghe Hồng nói xong, anh đã cười mỉm mà vỗ vai bảo cậu:
– Anh mừng vì chú đã chịu tìm đến anh. Nghe anh em nói qua cái vụ của chú rồi, anh cũng đang có kế hoạch sang Mèo Vạc bàn bạc thống nhất ký kết phối hợp thực hiện chủ trương mới.
– Nhưng mà anh ơi nhà Dính…, à, họ của nhà người yêu em cũng thuộc bậc danh giá của vùng Mèo Vạc, em sợ…
– Thế càng dễ chứ! – Mắt anh Ngọc sáng lên, càng nắm chặt lấy bờ vai rắn của Hồng mà khẳng định – Họ Sùng ở Mèo Vạc là một họ danh giá có tiếng, các họ khác đã chịu ký kết rồi thì họ Sùng càng phải làm theo! Bọn anh phải chọn áp dụng thực hiện từ chính những nhân vật có uy tín nhất trong các họ để đi trước làm trước chứ, họ Sùng cũng thế thôi.
Giờ thì đến lượt mắt Hồng sáng lên. Nửa hy vọng, nửa lo lắng chưa yên, cậu không nói thêm được lời nào, líu ríu chào anh rồi ra phía nhà xe.
Từ thị trấn Đồng Văn, Hồng rẽ vào xưởng gỗ lấy cái biển homestay đặt từ tuần trước chằng vào sau yên xe, rồi thong dong giữ tay ga đều đều, vừa đi vừa ngó nghiêng ngắm nghía, qua làn kính mũ bảo hiểm, cố mở ngực hít hà cái không khí trong lành của vùng Cao nguyên đá. Trong đầu Hồng vừa văng vẳng mấy câu trấn an của anh Ngọc, vừa thấp thoáng ý nghĩ: “Nếu trường hợp đến cả huyện cả xã cũng không giúp được, thì Hồng sẽ hẹn Dính ăn Tết xong cho kéo vợ về rồi mang thẳng vào cửa nhà Hồng trình ma nhà họ Vàng, bế xốc Dính vào thẳng buồng của Hồng rồi thì bố Dính cũng không ép buộc được nữa, bao nhiêu vòng bạc, bao nhiêu con lợn lúc ấy cũng chỉ là qua loa. Tục ấy của người Mông có lúc cũng cần dùng đến, người già càng không ai phản đối được, bởi vì tục ấy do người già truyền lại cho con cháu. Tất nhiên việc ấy phải bất đắc dĩ lắm hai người mới dùng đến thôi”. Nghĩ đến đấy, vành tai cậu lại như bị hơ lửa đỏ lựng lên, ấm nóng. Cậu khẽ tủm tỉm cười. Nắng cũng vừa lên, những tia nắng màu mật ong xuyên chiếu từ những đám mây như vừa bị chọc thủng, rọi xuống theo từng đường óng ả, chiếu khắp các dãy núi chập chùng phía trước mặt. Hồng mở căng lồng ngực, hít hà làn gió mới. Gió mang mùi thơm của nắng, của đá, của những loài hoa, và thơm như mùi của người yêu.
Chú thích:
*Nguyên mẫu nhân vật: anh Vàng Mí Hồng – Chủ Homestay Nhà cổ, thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.
1. Lưỡi gà: là một thanh đồng nhỏ, dài khoảng 5 cm, giống với hình lưỡi của con gà, được căn chỉnh chính xác, khít với miếng đồng, nếu không khít sẽ không phát ra âm thanh.
2. Kéo vợ: Là một tục lệ lâu đời của người dân tộc Mông, nếu hiểu và thực hiện đúng theo bản sắc thì đây là một nét đẹp văn hóa.