Truyện ngắn dự thi – Y Nguyên
1.
Ông M là nhà văn.
Gọi thế bởi ông là người có viết sách (truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết…); lại có thẻ Hội viên (Hội Nhà Văn). Lệ thường, cứ có một trong 2 yếu tố trên là đã được gọi nhà văn. Đằng này, ông M lại có cả hai. Đương nhiên, ông là nhà văn, chắc chắn!
Ấy vậy nhưng, lạ, ông M không thích được gọi nhà văn! Nghe gọi nhà, ông lập tức: “Nhà” gì đâu; “chòi” thôi…. Có lần, ông được đám truyền thông phỏng vấn, hỏi cắc cớ:
-Ông thích được gọi là “nhà văn” hơn; hay là “tác giả” (quên nói: thời ông M chưa có thẻ, mặc dù đã khá bề dày trong nghiệp viết, báo chí cứ một mực gọi ông là tác giả thay vì nhà văn) hơn?
Ông M phang ngay một câu đáp 113, khỏi nghĩ lâu:
-Tôi thích được gọi là tác giả…
-Vì sao?
-Vì, khi hết “tác” cũng sẽ không còn “giả”; rảnh nợ! Còn nhà văn – cây thập giá ấy phải vác suốt đời…
-Ông nghĩ sao khi lắm người gần đất xa trời còn ao ước có cây thập giá ấy mà vác?
-Chuyện người ta, tôi không biết. Chuyện tôi, tôi còn chưa biết hết nữa là…
Lần khác, cũng lại đám truyền thông:
-Theo ông, chân dung hình tượng hóa của một nhà văn là gì?
Cũng vẫn kiểu 113:
-Là một… con cua!
-…….!?
-Không riêng nhà văn; mỗi văn nghệ sĩ đều là một con cua!
-Vậy, hội văn nghệ là…
-Cái… giỏ cua, đúng phóc!
-Xin hỏi: vậy, sao ông còn xin vào hội?
-Vì tôi sinh ra để… kẹp!!!
Người ta nể ông M lắm. Không nhận mình nhà văn mới là nhà văn đích thực! Giỏi! Người ta bảo. Và, kệ cái chuyện ông bảo, người ta vẫn gọi ông M là nhà văn. Nhà – Văn! Gọi mọi lúc, mọi nơi…
2.
Bút lực nhà văn M được phần ba văn giới kính nể. Số còn lại không rõ. Vậy đã khá, nếu tin theo lí thuyết giỏ cua của ông M! Nhà văn M thuộc loại đa năng, viết đề tài nào cũng xong. Nhưng xuất chúng nhất phải kể mảng để tài kinh dị. Nôm na là chuyện ma. M đặc biệt hứng thú kể chuyện ma. Đủ loại ma. Từ ma truyền thống (đồng bằng) như ma Da, ma Quanh, ma Đuốc (ma Trơi), ma Le, ma Vãi Cát, ma Ráp…; đến ma thiểu số (vùng cao) như ma Lai, ma Sói v.v…. Luôn cả một giống ma được nhập khẩu mới toanh từ tận trời Tây: Ma-Cà-Rồng!
Đọc văn của ông M, người ta tưởng ông là người của thế giới ma; bởi lẽ cứ đụng tới chuyện ma, văn ông như con rồng giấy được điểm nhãn bút thần. Nó lành lạnh hơi nghĩa địa. Nó lấp lánh lửa ma trơi. Đẹp và đáng sợ. Biết ông bịa chuyện mà vẫn sợ. Sợ; nhưng lại thích bởi vì nó… đẹp. Phải. Những con ma trong tác phẩm của nhà văn M đều đẹp, rất đẹp. Ma càng ghê gớm càng đẹp…
Sau đây là một trích đoạn. Để minh họa. Xin nói trước: dù văn có hơi Bồ Tùng Linh chút xíu; nhưng đúng bản quyền của nhà văn M, đã được xác minh:
…Lương Sinh vốn con nhà thế phiệt. Đã được học hành tử tế. Công ăn việc làm ổn định. Vợ con đàng hoàng. Vợ Sinh gốc gác quyền thế và giàu có; phải cái nhan sắc tầm thường. Ngày nọ, trong buổi giao lưu của công ty, Sinh gặp, làm quen với một kiều nữ hình dung mĩ lệ, cốt cách bất phàm. Vốn tuýp người háo sắc; lại bị ức chế dục vọng vì phải sống lâu ngày với một người vợ “đất cục” cả dung nhan lẫn chuyện phòng the; giờ gặp kiều nữ Giáng Hương (nàng xưng tên là Giáng Hương), nhìn đôi mắt lúng liếng thu ba, nghe giọng êm như rót mật vào tai, Sinh – chẳng cần ai đẩy cũng tự xiêu – suýt chút ngã nhào!
Liều đến mức – mới gặp lần đầu – Sinh đã ngỏ lời đòi đưa nàng về. Nàng đánh mắt đưa tình, thánh thót giọng oanh: Nhà em ở chỗ… đáng sợ lắm, anh có dám đưa em về không? Chỗ nào mà đáng sợ? Chẳng lẽ… nghĩa trang? Sinh bông lơn. Đúng đó anh, nghĩa trang…. Một thoáng rùng mình, Sinh nhớ đến chuyện liêu trai. Nhưng, chỉ một cú liếc phớt chạm mặt hoa, viên sỏi sợ hãi đã lặn mất tăm trong hồ nước đam mê: Nghĩa trang thì… nghĩa trang! Em đừng dọa anh! Anh sẵn sàng đổi cả… cuộc đời để được một đêm ân ái cùng em; sá gì nghĩa trang…. Nàng nhìn Sinh, ánh mắt lạ lùng: Là anh nói đấy nhé…
Đi mãi. Đi mãi. Tới lúc dừng xe, Sinh mới tá hỏa: nàng không nói chơi; quả tình, họ đang đứng trước nghĩa trang! Có dám… vào không? Mắt nàng lại lúng liếng đưa tình, miệng cười tươi hoa. Lần nữa, viên sỏi sợ hãi lại lặn mất tăm vào hồ nước đam mê. Vào thì vào…. Sinh liều lĩnh nắm tay để nàng dắt đi sâu vào nghĩa trang. Cứ tưởng vào nghĩa trang sẽ có gió đêm lành lạnh, hắt hiu, có bóng trăng mờ tỏ chập chờn soi những dãy mồ bát úp lô nhô…. Lạ thay, Sinh không thấy, không thấy gì hết. Nhảy múa trước mặt Sinh chỉ là hình dung tha thướt, khuôn ngực vồng cao, đôi mông lồ lộ, nở tròn! Còn nữa; Sinh còn nhìn thấy nhà cửa san sát, đèn đuốc sáng choang, người qua kẻ lại tấp nập. Ai gặp nàng cũng cười chào. Và cũng chào Sinh. Như người quen…
Dừng trước một ngôi nhà khang trang, nàng mở cửa. Trong nhà sẵn rèm che trướng rủ, chăn ấm nệm êm. Mùi trầm hương phảng phất không gian. Dìu nhau đến bên giường, nàng quay nhìn Sinh, lại nở cười tươi hoa. Nụ cười lần nữa khiến Sinh phách lạc hồn xiêu: Nào, giờ thì anh nói đi: anh còn giữ ý định đánh đổi mình cho hoan lạc cùng em? Nếu muốn, em chìu! Nhưng, nói trước, em không cho không; anh hưởng gì phải trả nấy…
Bằng một phẩy tay, tất cả áo quần nàng đồng loạt không cánh mà bay, lồ lộ thân hình vệ nữ, uốn éo xoay vòng, nhìn Sinh khiêu khích!
Những gì xảy kế tiếp chắc không cần kể. Rất thừa. Chỉ xin bổ khuyết thêm một chi tiết thuộc loại bên lề: đêm ấy, có một con gà trống mải theo mái tơ lạc mất đường về, phải lang thang tạm trú nghĩa trang. Nửa đêm thức giấc, chấp chóa vì ánh trăng hạ tuần đang rạng phía đàng Đông, gà ta tưởng trời sáng nên nhảy dựng, phành phạch cánh, cất tiếng ò o. Cú ò o sảng sốt đó gây náo động nghĩa trang, phá rối cả người dương lẫn kẻ âm đúng ngay cái giờ không ai ưa bị phá rối…
Phần Lương Sinh, chàng vẫn còn sống đến nay; nhưng đã thành một phế nhân: ngực lõm vào, mất nguyên 2 bầu vú. Miệng không còn môi, còn lưỡi nên không nói được, chỉ ra hiệu và ú ớ.
Người thân, bằng hữu đến thăm, an ủi: Thôi, còn mạng là quí. Mạng trên hết. Dẫu môi, lưỡi hay ngực thì cũng không thể sánh bằng! Vợ Sinh ngao ngán thở ra: mất ba cái thấy được thì nói làm gì. Mất cái không thấy được mới đau…
3.
Có vị phụ huynh – con cái mê đọc truyện ma của nhà văn M. Nhưng mối lần đọc xong, sợ đến té đái, sợ đến ác mộng, sợ không ngủ được – mới tìm đến nhà văn.
-Sao bác viết truyện đáng sợ làm vậy? Nhẹ nhàng hơn không được sao?
-Hỏi lạ! Không đáng sợ sao thành ma? Ma là phải đáng sợ! Ưa chuyện ma là ưa cái đáng sợ! Truyện tôi viết, tôi đây đọc còn sợ…
-Bác… sợ truyện bác viết???
-Đúng phóc! Truyện nào viết xong, tôi đọc không thấy sợ là biết ngay truyện hỏng…
-Vậy, xin hỏi nhỏ, bác có… sợ ma không?
-Ma – sao không sợ? Không sợ ma, tôi viết truyện ma làm gì…
4.
Đúng, ông M có sợ ma. Hơn nữa, không chỉ có mà là rất có!
Gặp việc cần đi qua bãi tha ma, dù giữa ban ngày ban mặt sáng quang, nếu đi một mình, ông vẫn ù té chạy. Ban đêm thì khỏi nói, không – bao – giờ!!!
Ấy là chuyện ngày xưa.
Còn giờ, luôn cả ban ngày, cũng không – bao – giờ!!!
Ấy là sau khi ông M viết truyện Tui đâu còn là Binh nhất? in trên một tờ báo uy tín về văn chương. Truyện được nhiều phản hồi tích cực, khen hay. Nội dung truyện (tóm tắt trích đoạn):
…Ông N có việc đi sang làng bên. Đường nối 2 làng chạy ngang qua một bãi tha ma. Ban trưa. Đường vắng. Ông N hơi sợ, dáo dác nhìn quanh, mong có thêm người cho vững bụng. Cầu được ước thấy, ông nghe đàng xa có tiếng búa gõ cắc cụp đều đều vọng từ phía bãi tha ma. Nhanh chân bươn tới, ông thở phào yên tâm khi thấy một ông trẻ đang lúi húi đục đẽo tấm bia mộ dựng bên vệ đường. Chú thợ làm siêng dữ! Trưa không nghỉ?? Ông N mừng húm, hỏi lớn. Không; thằng con tui đục sai tấm bia; báo hại tui phải làm lại (cắc cụp, cắc cụp)…. Cha, coi trẻ vậy mà có con lớn dữ! Đâu, bia sai chỗ nào mà khiến chú phải cực nhọc nắng nôi vầy…, ông N giương mục kỉnh, dí mũi và tấm bia, lẩm bẩm đọc: Phần mộ, Binh nhất Nguyễn Văn X, sinh 1930, tử ngày 15 – 7 – 1950, vợ, con và các cháu đồng phụng lập…. À, ra ông cụ là lính! Đúng, lính (cắc cắc, cụp)…. Vậy bia sai chỗ nào; năm sinh của cụ? Hay ngày mất? Không phải năm sinh ngày mất (cắc cụp). Sai lon (cụp cắc). Hồi năm năm mươi tui… (cắc) lênHạ sĩ rồi, đâu còn Binh nhất?(cắc cắc cắc cắc)…
Rất nhiều độc giả phản hồi cho biết: đọc xong chuyện này, mỗi lần có chuyện đi ngang bãi tha ma đều mắt chuột mắt dơi. Nghe vẳng tiếng cắc cụp là… té đái! Riêng nhà văn M, nếu tin lời M phu nhân (tức vợ của nhà văn) thì – khi viết đến chỗ này, ông M đã… té ngay tại chỗ, chẳng cần chi ra đến bãi tha ma. Và (sau đó) ông thấy ác mộng triền miên. Và ông đổ bệnh. Bệnh thập tử nhất sinh. Hàng tháng! Nhuận bút cái truyện …binh nhất tròm trèm đủ chung 3 ngày nằm viện (ông M không có bảo hiểm y tế). 27 ngày còn lại, con bò cộ lai Sind vừa tròn 3 năm tuổi của vợ chồng ông phải đội nón đi chung! M phu nhân gào như nhà cháy: Ông ơi ông, chuyện người sao ông không viết – cứ nhè ma cỏ đụng vào làm chi…
Chưa hết; lành bệnh, nhà văn M không chỉ cạch riêng bãi tha ma. Ông còn cạch luôn con đường chạy ngang xưởng của anh thợ mộc bên hàng xóm!
5.
…Và chuyện Ma Ráp:
Đường lên chợ huyện xóm Nam ngang qua cây da lớn. Trăm năm tuổi, um tùm, ngày nghỉ chân rất mát. Có điều… nhiều ma! Người ta bảo: cây sống lâu thành tinh, quến ma quỉ. Người khác cãi: đổ oan cho cây! Tinh tướng gì? Chẳng qua chỗ mát mẻ, người thích thì ma cũng thích…. Sao bảo dương thịnh âm suy, người ở ma né, ma ở người đi…. Ấy là chuyện… đời xưa! Xưa khác giờ khác! Coi gốc da kìa…
Đến nước này thì không thể phản biện! Mọi lí thuyết đều màu xám…. Thực chứng là phán quyết tối hậu, cấm cãi. Cái gốc da sừng sững ngã ba um tùm, mát rượi kia, đúng, người thích ma cũng thích. Ai chẳng thích mát mẻ? Người ghé ma cũng ghé. Đủ loại ma. Cả ma thường trú. Cả ma tạm trú. Cảma dưới đất. Cả ma trên cao…
Cái cây da Tha Hóa Tự Tại* kia, đem cộng dồn ma lớn ma bé ma trẻ ma già chắc phải có đến vài chục (mà cũng có thể đến vài trăm, vài nghìn. Hoặc… vài triệu! Ai biết đâu…) loại ma. Sắp lượt. Từ ma đại học xuống đến hàng ma mẫu giáo, nhà văn M bảo thế.
Cũng theo nhà văn M, Ma Ráp thuộc hàng Ma Đại Học!
Gọi ma Ráp bởi giống ma ấy nhát người bằng cách… ráp: đầu tiên từ trên trời (hay mái nhà, tán cây da v.v…) rớt đụi xuống từng chiếc cẳng chân (nhảy loi choi). Hết chân đến tay (múa vung loạn xạ). Rồi đến đầu (nháy mắt, cười nhăn nhở). Kết cục là mình (ngực, bụng phập phồng). Sau đó chúng “a la sô”chạy đến, ráp vào nhau thành một… con ma! Sợ không?
Tôi chẳng lạ chuyện ma Ráp. Con ma ấy, tôi đã được cố học giả Vương Hồng Sển cho coi hồi nhỏ khi đọc “Chuyện cười cổ nhân” (chuyện ông Nguyễn Chánh Bình lên kinh ứng thí, trọ học ở “ngôi nhà ma” và vân vân…). Con ma nữ ở ngôi nhà ma, sau khi nhát ông Bình đủ chiêu không ăn thua đã dở độc chiêu cuối cùng là làm… ma Ráp! Đáng sợ. Sợ đến… phát khóc. Ấy là tôi nói tôi; chứ (tôi, thú thật, mặc dù rất kính trọng, rất cố, nhưng vẫn không tin nổi lời cụ Vương, rằng: chứng kiến cảnh từ trần nhà tuần tự rớt đụi xuống hết đầu, mình đến chân tay mà) …Bình cứ điềm nhiên ngồi xem sách, chẳng sợ sệt gì!
Con ma Ráp của nhà văn M thì lại khác.
Con ma ấy, theo mô tả của nhà văn, quái lắm. Đầu tiên, nó rớt một chân xuống đất, đàn ông, mang giày bốt, trần đầy lông lá, nhún nhảy điệu Passodoble. Chân thứ 2 là phụ nữ, không giày nhưng vận váy, loi choi điệu… Gangnam Style! Còn tay: một tay múa may đấm bốc quyền Anh; tay kia dựng thẳng theo tư thế ngồi tòa sen niệm Phật! Mình thì của đứa trẻ lên năm bụng ỏng rốn lồi! Đầu lại của một anh hề Sạc lô mũ chóp nghễu cao, mặt tô vằn vện dọc ngang, mắt nhấm nháy, lưỡi thè, miệng cười nhăn nhở!
…Kết cục truyện Ma Ráp không có hậu. Theo mô tả của nhà văn M thì lão Ngầu, người khét tiếng không biết sợ bách ma, cuối cùng cũng đã bị ma Ráp hạ nốc ao. Nguyên văn đoạn kết truyện ấy như sau:
…Sáng hôm sau, người đi chợ sớm ngang cây da ngã ba phát hiện lão Ngầu ngồi dựa gốc da mà chết. Người lão lạnh cứng, mũi ngưng thở, tim ngưng đập; nhưng miệng lại nở cười toe toét, nước mắt nước mũi còn ròng vệt khô trên mặt!
Pháp y khám nghiệm tử thi, kết luận: Lão chết do xúc động quá mức, nhồi máu cơ tim!
*
Tôi từng đem sở tri ma Ráp của mình thắc mắc cùng nhà văn M:
-Con ma Ráp của bác coi hổng… gớm gì hết trơn! Sao làm chết lão Ngầu được?
Nhà văn M trợn mắt:
-Gớm sao không gớm? Mầy có thấy cái con gì mà chân đàn ông chân đàn bà bên giày bên vịt quần váy lộn tiệm nhảy nai nhảy ngựa lung tung tay niệm Phật tay đánh bốc xing bụng ỏng rốn lồi mặt hề Sạc lô nhăn răng hiếng mắt chưa? Tay tao vẽ ra tao thấy còn gớm…
-Bác nói gớm sao lão Ngầu chết còn cười? lẽ ra lão phải nhăn nhó, khiếp đảm…
-Hừ, sợ mà nhăn nhó khiếp đảm là loại sợ tiểu học… mà không, chỉ mới loại sợ… mẫu giáo! Sợ mà cười, cười tới chết mới là sợ đại học!
…
-Hèn chi! Coi con ma Ráp của cụ Vương cháu thấy gớm, quá gớm! Vậy mà ông Nguyễn Chánh Bình không sợ…
-Đó đó, tao nói có sai đâu? Ma Ráp của cụ Vương mới là Ráp tiểu học. Gặp Ráp đại học như tao, thách mười ông Bình cũng theo ông bà…, ý quên, theo lão Ngầu tuốt luốt…
Và nhà văn M nở một nụ cười cực đắc ý, cực mãn nguyện!
…Có điều, tôi bất giác lạnh người khi chợt nhận ra: đằng sau vẻ đắc ý, mãn nguyện rất đại học của nhà văn phảng phất bóng đen của một nỗi đau đớn, sợ hãi tột cùng. Một nỗi sợ và đau cũng không kém phần đại học!
6.
Bình luận về tính nhát của nhà văn M, lại truyền thông phỏng vấn:
-Nhiều đồng nghiệp bảo ông là miệng hùm gan sứa; ý quên; miệng… đại học gan mẫu giáo; Văn từ toàn bốc phét chuyện quỉ ma mà đêm, xin lỗi, không dám… ra ngoài đi đái! Ý ông thế nào?
-Họ nói đúng, quá đúng!
-….!?
-Không miệng đại học gan mẫu giáo sao thành nhà văn? Nhà văn, nói gọn, là phải miệng đại gan tiểu…
–Nhà văn phải miệng đại gan tiểu, ý này lạ đây. Xưa nay tôi tưởng: nhà văn phải là những người cực dũng, thưa ông?
-Thì dũng… trong văn! Không phải ngoài đời! Ngoài đời, mọi nhà văn đều phải nhát. Bắt buộc nhát…
–Mọi nhà văn??? Ông có chắc không, thưa ông?
-Chắc. Như cây đa không thể lìa chú Cuội…
-Vậy sao văn giới chỉ truyền tụng mỗi chuyện nhà văn M có lá gan… mẫu giáo?
-Họ cũng mẫu giáo tuốt! Có điều, họ sợ cái tiếng mẫu giáo. Nói béng: tôi đây cũng!!! Nhưng sợ mà làm bộ không sợ khổ lắm. Tôi sinh ra đã ham sướng sợ khổ. Vậy mới đi làm nhà văn…
-Xin cho hỏi câu cuối cùng: Nếu một người có cái miệng đại học mà gan không mẫu giáo, liệu họ có thể trở thành nhà văn không, thưa ông?
-Không! Dứt khoát không!!
-Vậy họ thành gì?
-Thành…
Nhà văn M bỏ lửng câu đáp, nhìn chằm chằm mắt người đối diện.
Người ta bảo ông M có đôi mắt sáng, rất sáng!
7.
Nhà văn M lại đổ bệnh.
Lần này dứt khoát là trầm trọng. Nhà văn tinh thần hoảng loạn, bỏ cả ăn uống, nhìn đâu cũng thấy ma!
Người bảo: do ông lao lực quá độ, suy nhược thần kinh, hoang tưởng. Người khác cãi: suy gì suy; do ông quấy phá cõi âm nhiều, bị… ma ám!
Hỏi ông biết ông bệnh chi không, nhà văn M thều thào: biết thì tôi đã hết bệnh…
M phu nhân chạy bay tóc gáy. Ai bày gì chạy nấy. Có Đông – Tây y kết hợp. Có cầu cúng kết hợp. Cả gia truyền mẹo mực, châm cứu giác lể, xoa bóp bấm huyệt, linh đơn thánh dược tứ phương. Thầy pháp, thầy mo, bùa ngải cũng không từ!
Người tới thăm nhiều phe. Phe cổ điển thì bảo: bớt tin nhà thương, bác sĩ đi. Kêu thầy lang xem mạch, bốc thuốc. Còn lo mà cầu cúng, sám hối giải nghiệp. Bị quở quang không phải chuyện đùa! Phe tân thời lại kêu: bệnh thì cứ nhà thương, bác sĩ, thuốc Tây mà chữa. Ông nhà văn, chữ nghĩa đầy mình, sao lạc hậu, mê tín dị đoan làm vậy? Phe tân cổ giao duyên thận trọng, dung hòa hơn: có bệnh cứ vái tứ phương cho chắc. Ít lỗ nhiều bổ; không bổ bề ngang cũng… tràn bề dọc, có sao!
M phu nhân nghiêng theo tân cổ giao duyên.
Nhà văn M bệnh, ngoan như trẻ lên ba, bảo gì cũng làm, chích gì cũng vâng, trút gì cũng nuốt. Người ta bảo ông sợ chết. M lại thều thào: chết mà không sợ, chẳng lẽ sợ sống…
*
Chữa hoài đến gần sạt nghiệp, khi M phu nhân bắt đầu bó tay không đào đâu ra tiền để mời thầy, mua thuốc, bệnh tình nhà văn M đột nhiên thuyên giảm!
Ban đầu húp được cháo. Sau đòi ăn cơm. Rồi ngồi. Rồi đứng. Rồi đi lại, nói năng. Tinh thần dần ổn định. Đã có thể làm việc, viết lách chút đỉnh…
Có điều, ông M cứ ở lì trong nhà, không dám ló đầu ra khỏi cửa. Dứt khoát không! Bước một chân ra khỏi cửa, ông lập tức tái diễn trạng thái loạn thần kinh, thấy ma mọi chỗ!
Lạ; các xét nghiệm lâm sàng của y khoa đều khẳng định: cơ thể ông M đã hoàn toàn bình phục, không còn bệnh!
Người ta suy đoán: hiện tượng sợ ra ngoài của ông M có thể do ám ảnh hoặc chấn thương tâm lí. Nhà văn bị ám ảnh? Chuyện thường! Tám sự cho vui; chứ ai cũng mừng cho nhà văn M. Sống. Tốt. Người ta bảo; còn không ra khỏi nhà được thì thôi; chẳng phải chuyện gì to…
8. (Ráp nối thêm của một độc giả)
(Lời tác giả: Nguyên bản câu chuyện về nhà văn M do tác giả viết đã dừng ngang đây. Nhưng một độc giả khó tính thấy không thỏa mãn với cái kết – theo ông là “ngang xương” – đã viết và gửi cho tác giả một đoạn ráp nối đề nghị. Tôn trọng nhiệt tình độc giả cũng như “tính mở” của văn bản, tác giả đã thêm đoạn ráp nối này như tiết 8 của truyện. Quý độc giả xem xong có thể giữ nguyên hay cắt bỏ tùy thích)
Một bác sĩ tâm lí trị liệu trẻ (mới tốt nghiệp từ Mỹ) tình cờ biết chuyện, xung phong thử lửa với ca bệnh lí M. Liệu pháp của bác sĩ là một phát minh mới của khoa tâm lí học, có cái tên (…Tây rối rắm, dài ngoằng; tạm dịch): Liệu pháp mở rộng khu an toàn!
Cụ thể, bác sĩ diễn giải giản đơn : ông M chỉ cảm thấy an toàn khi ở trong nhà; vậy ta phải tìm cách mở rộng dần ranh giới ngôi nhà, tức khu an toàn trong tâm thức của ông M. Mở mãi, mở mãi. Nhà của ông M sẽ to dần ra – cho đến lúc nhà to bằng cả thế giới. Bệnh của ông M đương nhiên sẽ lành – bởi không còn chỗ nào (trên thế giới này) khiến ông phải sợ …
Luận chứng vững, thuyết phục!
Bước kế là xăn tay áo, đem ý tưởng vào hiện thực. Thôi miên. Thuyết phục. Cộng thêm vài biện pháp nghiệp vụ thuộc hàng bí quyết. Tiến bộ. Sau một tuần, theo lời bác sĩ, ông M đã chịu bước chân qua ngưỡng cửa. Tuần nữa, khu an toàn đã mở ra tới vườn, tới ngõ…
M phu nhân mừng chảy nước mắt!
Bác sĩ cam đoan: cứ đà này, chỉ độ nửa năm, nhà văn M sẽ có cơ may bình phục hoàn toàn!
*
Bác sĩ nói đúng.
Chưa cần tới 6 tháng, nhà văn M đã – lần đầu tiên – chấp nhận rời nhà để bác sĩ đưa đi đó đi đây. Mừng vấp té!
Bác sĩ chuẩn bị kĩ càng, công phu cho lần tái hội nhập đầu tiên với thế giới của nhà văn. Hôm trước ngày đi, bác sĩ đã test đi test lại về khả năng nhận thức của M. Rất ổn. Ngôi nhà của M giờ đã to bằng cả thôn T.P của nhà văn, nơi bác sĩ dự định sẽ dắt ông đi dạo một vòng. Đặc biệt, trên lộ trình này, bác sĩ dự định thử đưa ông ghé thăm bãi tha ma, cây da ngã ba hoặc xưởng mộc đầu thôn – những địa chỉ đen mà một thời nhà văn M không bao giờ dám léo!
Tuy vậy – lúc chính thức khởi hành, trên đường đi – cẩn thận, bác sĩ vẫn luôn mồm dùng biện pháp nghiệp vụ trấn an:
-Bác thấy đó, chúng ta vẫn đang đi dạo trong nhà. Kia là tường. Kia là cửa sổ, cửa cái (bác sĩ khoát tay, chỉ vòng xung quanh). Còn bên trên chúng ta (huơ tay lên trời) là trần, là mái nhà…. Nhớ: bác đang dạo chơi trong nhà, trong ngôi nhà của bác. An toàn! Không phải sợ! bác nhớ chưa?
Nhà văn M gật gật.
Đi qua xưởng mộc. Rồi bãi tha ma. Rồi nặng đô hơn: cây da ma Ráp! Nhà văn M vẫn đều bước, hơi thở điều hòa, mặt không đổi sắc.
Bác sĩ che miệng, nở nụ cười hết ga, tự hào và mãn nguyện. Còn M phu nhân – lại chảy nước mắt!
*
…Giữa lúc tưởng như mọi sự đã sẵn sàng cho một cái kết có hậu thì nhà văn M đột ngột dừng phắt! Mặt ông từ màu hồng chuyển sang trắng bệch! Ông nhìn sững, mắt đứng tròng, môi nhịp nhịp…
Gì lạ vậy? Bác sĩ ngẩn người một giây; lại tiếp tục trấn an nhà văn; vẫn bằng giọng đều đều, dẫn dụ:
-Bác thấy đấy, kia là góc nhà…
Run run chỉ tay vào nơi bác sĩ vừa bảo là góc nhà, nhà văn – giọng thất thần – hét lớn:
-Kìa, con… con… ma xó!!!
Đất Phú – Mùa Thu
Y.N