Trần Quỳnh Hoa
Sáng ngày 14/10/2024, tại Hội Liên Hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức lễ giới thiệu hai tác phẩm mới của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo: trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” và tập tùy bút “Những búp gió Tây Hồ”. Các tác phẩm này được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, nổi tiếng là cây bút nữ có sức viết dồi dào, bền bỉ và giàu cảm xúc. “Giọt giọt đêm Hà Nội” là trường ca thứ tư của Phạm Thị Phương Thảo. Trường ca gồm 12 chương, 81 khúc, với chủ đề xuyên suốt là những nét đẹp, nét tinh hoa của thủ đô Hà Nội như nền văn minh sông Hồng hàng nghìn năm tuổi, nghệ thuật ca trù, dương cầm, các mùa hoa Hà Nội, phố cổ, hàng cây rợp bóng mát… Cùng chủ đề về Hà Nội, “Những búp gió Tây Hồ” là tập tùy bút thứ bảy của Phạm Thị Phương Thảo. Tác phẩm có lối viết tự do, gồm những câu chuyện nhỏ tác giả góp nhặt được trong nhiều năm qua về sen, về hồ Tây, về gió sông Hồng thổi qua con đê cũ…
Nói về “Giọt giọt đêm Hà Nội”, nhà văn Nguyễn Thị Minh Bắc thấy rằng thơ trong trường ca này ngổn ngang nỗi nhớ. Những nỗi nhớ ấy xôn xao và da diết, như hóa thân vào sông Hồng, vào dãy phố, vào hàng cây, vào những địa danh, di tích lịch sử… Tác giả đã chọn “đêm” để mang tâm tư gửi gắm vào trang viết, để rót thổn thức vào lòng người đọc. Về mặt nghệ thuật, Phương Thảo sử dụng nhiều thể thơ đa dạng, mang phong cách hiện đại như thơ tự do, thơ văn xuôi, lục bát cách tân… tạo nhạc điệu và chất trữ tình, không bó buộc vào khuôn mẫu.
NSƯT Bạch Vân, nghệ sĩ ca trù nổi tiếng, người thành lập CLB Ca trù Hà Nội, rất mừng và trân trọng những trang viết về ca trù và về chính bản thân chị trong tác phẩm của Phạm Thị Phương Thảo. Chị cũng trải lòng về con đường gian truân nhằm bảo tồn và phục dựng ca trù Việt Nam. Loại hình nghệ thuật dân gian này đã mai một từ lâu nên rất hiếm nghệ nhân. Có thời gian chị đã phải một mình về các tỉnh để tìm kiếm những nghệ nhân ca trù vốn bỏ nghề từ lâu, vận động họ quay trở lại với ca trù và đào tạo thế hệ trẻ.
Nói về “Những búp gió Tây Hồ”, nhà văn Lê Hoài Nam thấy rằng tập tùy bút này tràn ngập cảm xúc. Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo có lẽ đã hòa nhập sâu đậm với cảnh sắc và con người Hà Nội. Chỉ một ngọn gió thổi qua triền đê, một bông sen nở… đã đủ làm rung động trái tim nhạy cảm của chị. “Những búp gió Tây Hồ”, tuy vậy, vẫn mang nhiều chất thơ hơn chất tùy bút, văn xuôi, vốn tập trung nhiều vào chi tiết. Mong rằng tác giả Phạm Thị Phương Thảo sẽ tiếp tục mài giũa ngòi bút văn xuôi của mình để ra mắt nhiều tác phẩm văn xuôi thành công, bên cạnh những thành tựu sẵn có về thơ.
Bằng lời thơ, bằng câu chuyện của mình, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa Thăng Long, khắc họa nhiều nét đẹp tinh tế trong lòng Hà Nội và lan tỏa những giá trị ấy cho mọi người. Mong rằng những lời thơ say đắm và dịu dàng của chị sẽ sớm đến với bạn đọc: “Hà Nội giọt giọt đêm tan chảy/ Rót mê đắm ngọt ngào bản tình ca không tên”, qua đó vun đắp tình yêu tha thiết với Hà Nội.