Vũ Thanh Hoa
Tôi quen biết nhà thơ Nguyên Hùng tính đến nay đã gần 20 năm, từ khi các nhà thơ, nhà văn của Hội VHNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nhà thơ Lê Huy Mậu “rủ rê” tham gia trang văn chương Vnweblogs – mạng văn học đầu tiên hội tụ rất nhiều văn nhân trên cả nước, chủ trò của trang này là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Nhà thơ, tiến sĩ Nguyên Hùng lúc ấy vẫn đang công tác tại Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2, anh có quá trình học Nghiên cứu sinh tại Liên Xô Từ năm 1988 đến 1994, chuyên ngành công trình thủy.
Các chuyến giao lưu thơ nhạc được các văn nghệ sĩ (không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài) thường xuyên tổ chức từ sự quen biết trên trang văn học Vnweblogs, đã cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng. Một số cây bút sau này thành danh, được chú ý từ trang Vnweblogs, trong số họ đã đạt nhiều giải thưởng văn chương và không ít nhà văn, nhà thơ, trong đó có nhà thơ Nguyên Hùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Nguyên Hùng như tôi biết còn là một dịch giả thành công trong mảng dịch thơ Nga, anh tham gia điều hành trang NuocNga.net. Anh được chú ý khi chuyển ngữ một số bài thơ của các nhà thơ Nga nổi tiếng: “Ta gặp lại nàng cùng dĩ vãng đã qua/Con tim cằn khô bỗng hồi sinh trở lại/Bừng sống dậy một thời thân ái/Tâm hồn ta rạo rực lạ thường/Như vào độ cuối thu thưa thớt lá vàng/Vẫn luôn có những ngày xuân đầy nắng/Ấy là lúc chợt hiện về từ quên lãng/Những ký ức ngọt ngào ngày tháng xuân xanh” (Nguyên Hùng dịch thơ Fedor Chiutchev – thi hào Nga)…
Với thơ dịch, Nguyên Hùng cố gắng chuyển tải một cách đủ đầy nhất chất phóng khoáng, lãng mạn của các thi sĩ trời Âu thì với thơ Việt, anh lại giữ nguyên hồn thơ truyền thống, mộc mạc, chân chất dù chứng kiến bao cơn lốc cách tân, thử nghiệm đổi mới của các thế hệ thi sĩ cùng thời và hậu sinh.
Với tập thơ – nhạc Nguyên Hùng vừa tặng tôi: TRĂM KHÚC HÁT MỘT CHỮ DUYÊN – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2024, là tập sách thứ 8 của anh, gồm 81 ca khúc của các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ Nguyên Hùng. Nhà thơ Bùi Phan Thảo nhận xét về tập thơ này: “Những bài thơ giàu nhạc điệu, thi ảnh đẹp, bài thơ hay thường được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ Nguyên Hùng có duyên may lọt vào tay, vào mắt xanh nhạc sĩ. Thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Cái duyên thơ – nhạc có khi ngẫu hứng tình cờ, có khi bền chặt”. Nhà thơ Nguyên Hùng đã có hơn trăm ca khúc phổ thơ, trong đó hơn chục bài hát được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hát tác phẩm phổ nhạc từ thơ Nguyên Hùng và chọn đưa vào các album ca nhạc; các đài truyền hình – phát thanh chọn tác phẩm của anh làm chương trình Tác giả – tác phẩm, chương trình Đến với bài thơ hay. Tác phẩm phổ nhạc từ thơ anh còn được tham gia nhiều sân khấu ca nhạc, các sự kiện truyền hình trực tiếp, chương trình Giai điệu kết nối, như Bến xưa, Sóng không từ biển, Bảo Lộc khúc tình ca, Ngày bình yên sẽ đến, Lời hẹn tình quê…
Trong tập thơ TRĂM KHÚC HÁT MỘT CHỮ DUYÊN, có một bài thơ đã cho tôi sự thú vị đặc biệt:
Lặng thầm một loài hoa
Quê tôi đồng khô ruộng cạn
Lúa ít khoai nhiều
Củ khoai lang hóa thành đặc sản
Bạn bè xa nghe tiếng là yêu.
Đồng biển quê tôi không thẳng cánh cò bay
Những đồi cát chen nằm phơi nắng
Những luống khoai nở bùng hoa trắng
Biển sóng lô xô ru đảo cát vàng.
Nhớ một thời nhờ củ sắn khoai lang
Mà yêu chữ yêu vần thơ điệu nhạc
Thương loài hoa khiêm nhường trên cát
Tím lặng thầm cho củ ngọt lớn lên.
Tôi xa quê đi khắp mọi miền
Hoa kiêu sa đủ sắc màu từng ngắm
Thương quê mình đồng khô gió mặn
Thương hoa khoai tím trắng dịu dàng.
Tự nhận mình một cánh hoa lang
Em thuở ấy hồn nhiên đến thế
Em trong sáng và hoa quê bình dị
Cứ lặng thầm…
Gieo hạt nhớ trong tôi.
N.H.
(Bài thơ này đã được nhạc sĩ Lê An Tuyên phổ nhạc thành nhạc phẩm “Lặng thầm hoa quê”)
Củ khoai lang có lẽ không xa lạ gì với mỗi người Việt Nam. Khoai lang là món ăn dân dã, gần gũi, đã từng là lương thực chính yếu của thời đói khổ, khi đất nước trải qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, là món khoai độn cơm thời bao cấp, là “hương quê” hiện diện trong các bài thơ, bài hát tôi đã từng biết: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang/ Trên đất giồng mình trồng dưa gang/ Hỡi cô gánh nước đường xa…“. Nhưng hoa khoai lang thì tôi chưa được biết, cũng chưa đọc bài thơ nào nói về loài hoa này.
“Những đồi cát chen nằm phơi nắng
Những luống khoai nở bùng hoa trắng
Biển sóng lô xô ru đảo cát vàng…”
Đọc đến đây tôi phải vào Google xem hình ảnh hoa khoai lang ngay và thật bất ngờ, đó là một loài hoa đẹp đến nao lòng: hoa mọc thành từng chùm hình quả chuông nhỏ, có cuống dài, cánh trắng nở xoe tròn, ở giữa là nhụy tím đậm nhạt xen nhau. Hoa khoai lang vừa có vẻ đẹp dịu dàng, mong manh nhưng không kém phần kiêu sa, quyến rũ.
Có lẽ một thời chúng ta nói quá nhiều về củ khoai, củ sắn mà quên đi loài hoa cũng đầy ấn tượng của nó chăng? May mắn thay, thi sĩ của chúng ta đã kịp nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn ấy:
“Tôi xa quê đi khắp mọi miền
Hoa kiêu sa đủ sắc màu từng ngắm
Thương quê mình đồng khô gió mặn
Thương hoa khoai tím trắng dịu dàng.”
Đọc những câu thơ này tôi đã đoán ra phần nào về cuộc đời tác giả. Có lẽ những trải nghiệm về cuộc sống: đi du học, đi công tác, đi thực tế sáng tác và sống xa quê hương nhiều năm cùng bao thăng trầm của số phận đã khiến nhà thơ nhận ra vẻ tinh khôi, thuần khiết nhưng cũng đầy kiêu hãnh, kiên cường của những bông hoa khoai lang gần gũi, dung dị kia để mà “Thương loài hoa khiêm nhường trên cát” chăng?
Nguyên Hùng quê Nghệ Tĩnh, và chúng ta đều biết người miền Trung luôn thủy chung, kiên cường, đặc biệt giàu tình cảm quê nhà, thắm thiết tình đồng hương. Nguyên Hùng là chủ nhiệm Hội thơ Nghệ Tĩnh tại TP. HCM, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM. Công việc bận rộn, đôi khi nhiều áp lực có lẽ càng khiến nhà thơ nhớ đến loài hoa nơi quê hương xứ sở, biểu tượng cho sự gắn kết của những người con xa quê nhưng luôn vững vàng vượt qua nhiều gian khó, khắc nghiệt để vươn mình tỏa sáng mạnh mẽ và hiền hòa.
Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét rằng, trong thơ Nguyên Hùng có nhiều thi ảnh thân thương gần gũi và giàu nhạc tính nên được nhiều nhạc sĩ đồng cảm phổ thành bài hát. Có lẽ bài thơ LẶNG THẦM MỘT LOÀI HOA là một ví dụ điển hình.
“Tự nhận mình một cánh hoa lang
Em thuở ấy hồn nhiên đến thế
Em trong sáng và hoa quê bình dị
Cứ lặng thầm…
Gieo hạt nhớ trong tôi”
Không phải hoa hồng, hướng dương, cúc đại đóa… Nguyên Hùng yêu quý và tâm đắc với hoa khoai lang, coi đó là biểu tượng tình yêu con người và xứ sở của mình với ngôn từ giản dị, chân thành và gần gũi nhất. Tác giả tập thơ cũng khiêm nhường chia sẻ: “Tôi không ảo tưởng tự nhận thơ mình xuất sắc mà chỉ cho rằng do mình may mắn. Đúng hơn là nhờ thơ mình nhẹ nhàng, chân phương và có DUYÊN với âm nhạc.” Có thể có người cho cách viết như thế là bảo thủ nhưng tôi vẫn đánh giá Nguyên Hùng đã thành công trong việc giữ gìn bản sắc riêng, kiên định với lập trường thơ của mình, giữ cái “duyên thơ” vốn có, không chạy theo những xu hướng không phải là thế mạnh, là niềm đam mê của anh và như thế, thơ Nguyên Hùng cứ thủ thỉ, rù rì neo vào lòng người đọc, lay động những trái tim xa xứ da diết tình quê…
Vũng Tàu 15-09-2024