Khánh Phương
Trong cuộc đời, nếu ai đó được gặp Bác Hồ một lần đã là phúc lớn rồi. Nhưng với Nghệ sĩ nhân dân Tâm Chính (Nguyên Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, và hiện là Chủ tịch Liên chi hội xiếc Việt Nam), không chỉ một lần mà còn nhiều lần cô được gặp Bác, thật hồng phúc biết bao!
Lần thứ nhất:
Vào năm 1963, khi đó vừa tốt nghiệp lớp đào tạo tại chỗ, Tâm Chính đang cùng anh em trong Đoàn xiếc mang bạt đi dựng rạp biểu diễn thì Bác Hồ xuất hiện. Ấn tượng đầu tiên trong khoảnh khắc mà cô gái nhìn thấy là “Bác đẹp như một Ông Tiên!”.
Bất ngờ trước vinh hạnh ngoài sức tưởng tượng ấy, cô đứng sững ngắm nhìn Ông Tiên không chớp mắt. Rồi khi Ông Tiên bước tới, chỉ cho một công nhân trong Đoàn cách buộc dây bảo vệ bạt cho thật chặt.
“Trời ơi! Bác Hồ. Vị Chủ tịch của nước Việt Nam thật hiền hậu, gần gũi quá, giản dị quá, sâu sát quá!” – Tâm Chính xúc động trong ý nghĩ.
Hồi ấy, cùng chung cuộc sống vất vả của đất nước, cơ sở vật chất của Đoàn xiếc rất nghèo nàn. Ngay cả tấm bạt che cũng đơn sơ. Có lẽ, Bác thấu hiểu nên đi kiểm tra từng nút dây buộc cho Đoàn. Tự dưng, Tâm Chính chảy nước mắt. Cô cảm động thương vị Cha Già của dân tộc nhưng sợ Bác nhìn thấy nên vội lấy tay quệt cho khô.
Đêm về, cô thao thức mãi về hình ảnh Ông Tiên ấy. Nhìn lại mình, cô thấy bản thân quá may mắn. Có biết bao chàng trai cô gái tuổi như cô cũng tài giỏi nhưng không phải ai cũng có hồng phúc được trực diện tận mắt nhìn thấy Vị Cha Già dân tộc. Nếu không phải là diễn viên xiếc, chắc gì cô đã được gặp Bác?
Và rồi cô viết một bức thư đầy ý nghĩa, gửi về bố mẹ và anh chị em:
“Cha ơi! Mẹ ơi! Con của mẹ đây! Con Nguyễn Thị Tâm Chính đây! Thưa cha mẹ, con đã gặp Bác Hồ, Cụ Hồ Chí Minh đấy! Cụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhà mình treo ảnh đấy. Bác hiền và đẹp hơn trong ảnh nhiều cha mẹ ạ!”.
Lần thứ hai:
Năm 1966, tiết mục “Cô hàng giải khát” khi đó mới ra đời. Tâm Chính được Bác mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn.
“Trời ơi! Lại được gặp Bác Hồ! Được biểu diễn cho Bác xem!” – Thật hạnh phúc biết bao, Tâm Chính run lên vì xúc động. Tuy nhiên, ngay lúc đó, cô lo ngại, “Nhưng sao mình run quá, hồi hộp quá. Lỡ có gì sai sót thì biết làm sao?”
Khi vào trong Phủ Chủ Tịch, cô vẫn còn run. Bằng giọng hiền hòa, đôi mắt sáng ngời, Bác nhẹ nhàng động viên: “Bác biết tiết mục đấy khó, các cháu cứ bình tĩnh mà diễn, Bác cũng là khán giả thôi mà…”. Đó là câu nói mà có lẽ suốt đời Tâm Chính cũng không bao giờ quên. Nỗi xúc động trào dâng, Tâm Chính cảm thấy như có luồng hơi ấm diệu kỳ được truyền tới. Cô dần bình tĩnh trở lại.
Sau khi diễn xong, Bác khen tiết mục và hỏi Tâm Chính:
“Quê cháu ở đâu?”
“Dạ thưa Bác, cháu ở Thanh Hóa ạ.”
Bác vỗ nhẹ lên vai Tâm Chính, hỏi vui: “Thế vùng quê cháu có nhiều bí ngô không? Bác thích ăn món này lắm”.
Mọi người ai nấy đều vui vẻ, hồn nhiên cười và bao nhiêu e dè trước đó đều tan biến. Họ không ngờ “Vị lãnh tụ của dân tộc lại gần gũi và giản dị như thế!”
Bác chia kẹo cho từng người, riêng Tâm Chính được Bác thưởng thêm và hỏi:
“Cháu tập tiết mục này lâu chưa?”
Tâm Chính bạo dạn trả lời:
“Thưa Bác, đoàn mới phân công cho cháu tập tiết mục này ạ”.
“Cháu cố gắng tập cho thuần thục hơn nữa và phải tập cho nhiều người cùng diễn với mình để thay nhau diễn phục vụ cho nhân dân được nhiều hơn, tốt hơn”.
Sau đó, nghe lời Bác, Tâm Chính tiếp tục tập rèn, nâng cao hơn nữa. Tất cả là nhờ sự khích lệ của Bác, đã động viên cô gái thôn quê năm xưa thêm bội phần dũng cảm và khéo léo.
Lần thứ ba:
Ai cũng biết, công việc của Chủ tịch nước, một lãnh tụ của Đảng và Nhà nước bộn bề “trăm công nghìn việc”, song Bác vẫn dành thời gian đến khu văn công Mai Dịch thăm các đoàn nghệ thuật. Khi Bác vừa đến, mọi người cùng ùa ra rất đông.
Bác trìu mến hỏi: “Có cháu nào ở Đoàn xiếc không?”
Thấy thế, Tâm Chính bước lên.
Vừa nhìn thấy cô gái, Bác đã tươi cười: “A, “Cô hàng giải khát” đây rồi. “Cô hàng giải khát” cho Bác xin cốc nước”. Sự dí dỏm và tiếng cười ấy còn đọng mãi trong lòng mọi người về vị lãnh tụ kính yêu.
Khi ra về, Tâm Chính trong lòng cứ hân hoan mãi. “Ồ, Bác Hồ kính yêu vẫn nhớ, vẫn quan tâm đến ngành xiếc, thật cảm động biết bao!”
Lần thứ tư:
Năm 1967, thời gian trước khi lên đường đi châu Âu biểu diễn, bỗng có tin mới làm cho cả đoàn hân hoan. Đó là chuẩn bị thật tốt để Bác trực tiếp xem toàn bộ chương trình.
Đoàn xiếc vào biểu diễn toàn bộ các tiết mục chuẩn bị đi 8 nước Đông Âu. Bác chăm chú xem từ đầu đến cuối. Sau khi kết thúc, Bác góp ý từng tiết mục cụ thể.
Riêng tiết mục “Cô hàng giải khát”, Bác nói “Cháu có nhiều tiến bộ. Song cháu phải làm sao để đưa sức sống mới vào tiết mục của mình. Nếu chỉ là mấy cái ghế, mấy cái cốc, thì dù tài giỏi bao nhiêu cũng không thể đem đến cho khán giả sự cảm thụ sâu sắc. Theo Bác, nội dung tiết mục của cháu là tinh thần phục vụ nhân dân, cháu phải làm sao thể hiện cho được điều đó”.
Lần này, lời Bác dạy thật dễ hiểu nhưng để thực hiện thật không dễ. Với sự tập trung cao độ để giữ cho thăng bằng trên con lăn ở cao 8 tầng, “Cô hàng giải khát” vẫn phải duy trì nụ cười trên môi. Bởi vì cô là mậu dịch viên, vì nhân dân phục vụ và phục vụ hết lòng. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Tâm Chính ghi tạc điều đó trong lòng!
Lần cuối cùng
Đêm 2/9/1969, Tâm Chính có giấc mơ kỳ lạ về Bác Hồ. Người đứng trên áng mây hồng, tay vẫy vẫy. Cô chạy đến thì Người đã biến mất, để lại đám mây đen một bó hoa huệ trắng ngát hương… Cô gọi “Bác ơi! Bác!!!”. Rồi giật mình tỉnh giấc. Đồng hồ đâu đó điểm 5 tiếng.
Sáng ngày 3/9/1969, phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam nấc lên từng tiếng, thông báo: Vị Cha Già của dân tộc Việt Nam, Bác Hồ kính yêu đã từ trần…
Không! Không thể như thế được! Như sét đánh ngang tai nhưng đó là sự thật. Chẳng ai tin hay nói chính xác hơn là chẳng ai muốn tin.
“Bác Hồ ơi!” – Tiếng khóc thảm thiết của Tâm Chính hòa trong nước mắt của cả khu sơ tán ở Thái Nguyên. Không chỉ riêng họ. Cả nước. Và cả nhân loại cùng khóc.
Cô cứ khóc mãi cho đến khi không còn nước mắt. Đối với Tâm Chính, Bác Hồ luôn sống mãi. Tâm Chính cảm thấy đời mình như hẫng hụt, như mất đi một hình ảnh thiêng liêng nhất.
Bác Hồ kính yêu!!!