Truyện ngắn của Trần Kim Thanh
Sau khi nhận nhuận bút một triệu năm trăm ngàn đồng cho loạt mười một bài điều tra, cả đêm hôm ấy Bảo Ngọc mất ngủ. Cô lẩn thẩn xòe mấy tờ tiền ra tính đi tính lại. Rồi cô tặc lưỡi, kiểu gì chả đủ ăn mì tôm với rau cải cả tháng. Rồi cô lại nghĩ. Rồi cô lầu bầu: Thế này không ổn! Thế này không ổn!
Nhà bạn cô trả lương ô sin bảy triệu đồng một tháng, cơm nuôi và ít nhất năm bộ quần áo mỗi năm. Bảo Ngọc nhẩm tính, cơm thì ăn chung với chủ nhà, làm ô sin không cần ăn diện nên năm bộ quần áo là quá đủ. Vậy là bảy triệu đồng kia không phải dùng đến. Mỗi năm để dành được tám mươi tư triệu đồng. Đó là chưa kể, các ngày lễ, tết – nếu làm tốt có thể chủ nhà thưởng thêm. Làm ô sin 10 năm dành được tám trăm bốn mươi triệu đồng. Làm báo 10 năm chắc gì đã dành dụm được số tiền này. Bảo Ngọc suy nghĩ mãi, nghĩ mãi mà vẫn không ra. Tại sao lương của phóng viên không bằng lương ô sin. Đó là còn may mắn. Vì nhiều phóng viên, không được nhận đồng lương nào từ tòa soạn.
*****
Bảo Ngọc là nhà báo có hàng chục năm tuổi nghề và đã từng đoạt giải báo chí từ khi còn rất trẻ, từng in vài đầu sách. Trước nạn hàng giả, thực phẩm bẩn… tung hoành vô tội vạ không kiểm soát, cô từng ước mơ có mảnh đất vùng ven thành phố trồng rau hữu cơ và nuôi gà sạch cung cấp cho nhân dân. Nhưng đồng lương còm cõi cùng nhuận bút còi cọc của nhà báo thì một mẩu đất chó ỉa cũng đừng mơ có được. Đi xa hơn có thể mua được mảnh đất bé nhỏ nhưng cô lại sợ lũ quét. Vì mạn ngược, bọn lâm tặc đã chặt hết cây. Còn trên các dòng sông thì thủy điện nhan nhản. Có con sông, như sông Mã mạn xứ Thanh, nghe đâu cứ khoảng 10 km lại có một nhà máy thủy điện nhỏ. Trời mưa to, bọn chúng đồng loạt xả lũ thì toi. Không mất mạng thì cũng mất của. Giữ được mạng mà nhà cửa, của cải trôi hết thì sống không bằng chết. Mấy năm qua, bà con mấy huyện vùng hạ du vẫn đang ngoi ngóp trong lũ đấy thôi. Nghĩ đến đó, cô rùng mình và gạt luôn giấc mơ hữu cơ ra khỏi đầu.
Làm gì đây mà không cần vốn? Tuổi già sầm sập đến rồi mà không có một đồng, một cắc nào giắt lưng phòng khi đau ốm. Cuộc đời làm báo có khác nào phu chữ, thợ cày, cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Có làm báo đến già thì về hưu cũng chỉ cầm sổ hưu mỗi tháng lĩnh 2 triệu đồng như anh bạn đồng nghiệp. Sống ra sao với 2 triệu đồng giữa chốn Thủ đô “Củi thì như quế, gạo như châu”. Chả hiểu, bảo hiểm xã hội họ tính theo cách mới kiểu gì mà lương hưu ngày càng ít đi. Một cô giáo mầm non vừa về hưu. Cầm sổ hưu trong tay, cô đã khóc tu tu với mức lương hưu một triệu ba trăm nghìn đồng mỗi tháng. Kết quả một đời cống hiến cho ngành giáo dục là đây ư? Tiếng khóc của cô nức nở, nghẹn ngào, uất ức, dồn nén. Tiếng khóc như dao cắt vào lòng những người lao động đang chơi trò bảo hiểm xã hội với Nhà nước một đời và gửi gắm những niềm hy vọng. Tiếng khóc như một lời cảnh tỉnh.
Càng nghĩ, Bảo Ngọc càng cảm thấy đớn đau cho nghề. Rèn rũa nửa đời, con chữ đã không thể nuôi nổi lý tưởng, khát khao và hoài bão góp phần nhỏ bé vì một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Cô thấy mình bất lực và vô dụng. Cô cũng thấy mình kém cỏi trong khi rất nhiều đồng nghiệp của mình vẫn sống rất ổn với nghề.
Rồi thỉnh thoảng, lác đác những đồng nghiệp “sống rất ổn với nghề” bị công an bắt vì tống tiền doanh nghiệp. Rồi nghe vài bạn doanh nhân phàn nàn, thằng A, con B… ở báo Y, báo Z… vừa “vặt” của bạn vài trăm triệu đồng để không đăng bài sai phạm. Bạn cay cú văng tục: “Mẹ bọn chó! Đưa mấy trăm triệu rồi mà nó vẫn chê ít vì nó bảo, còn mấy chục anh em nữa. Hóa ra, bọn chúng nó có cả băng”. Những đồng nghiệp này chưa bị công an bắt và vẫn “sống rất ổn với nghề”. Những người này đã từng công tác cùng cơ quan nên Bảo Ngọc rất hiểu. Cô hiểu, cả “băng” liên kết với nhau thì rất khó để tóm được họ. Vì nếu doanh nghiệp đụng đến ai trong nhóm, lập tức sẽ bị cả nhóm dồn lực “đánh” cho điêu đứng, thậm chí phá sản luôn. Lúc đó thì chỉ còn thân tàn ma dại.
Thỉnh thoảng, có những đồng nghiệp thấy cô sống nghèo quá thì rủ đi “đếm tầng”, rồi “bảo kê” doanh nghiệp với danh nghĩa “bảo trợ truyền thông”. Trong thâm tâm, Bảo Ngọc vô cùng cảm kích tình cảm mà họ dành cho mình. Vì những miếng “béo bở” đó không dễ gì có ai chia cho. Nhưng đếm tầng cô không làm được. Bảo trợ truyền thông thì đồng tiền cũng rất bèo bọt, chia 5 xẻ 7. Gói bảo trợ truyền thông sẽ được ký thành hợp đồng truyền thông năm. Hoa hồng một phần cắt cho người trực tiếp làm việc với mình tại doanh nghiệp, phần còn lại đem về tòa soạn. Trong phần đem về tòa soạn, một phần sẽ dành trả lương cho người làm. Nếu người của doanh nghiệp không tham, đòi hoa hồng ít thì còn chút tiền tiêu vặt. Đa số, dân làm truyền thông cho doanh nghiệp đều từ báo mà ra nên họ biết rõ quy định hoa hồng của tòa soạn. Vì vậy, họ đòi lấy hết. Họ biết, dù có như vậy, phóng viên vẫn phải chấp nhận. Vì ngoài khoán bài viết, nếu không đủ doanh số tiền kiếm về tòa soạn, sẽ không có lương, cũng như không an sinh xã hội. Mức khoán thường từ 300 triệu đến 1 tỷ, 2 tỷ đồng/năm, tùy theo chức vụ nắm giữ và thâm niên công tác tại tòa soạn. Sau từ 3 đến 6 tháng (tùy theo quy định của từng tòa soạn) dù đủ bài nhưng thiếu tiền doanh số, phóng viên vẫn bị đẩy ra thành cộng tác viên. Do vậy, dẫu “lại quả” không còn một đồng nào, vẫn phải chấp nhận và bò ra viết bài trả nợ truyền thông. Không chỉ vậy, khi doanh nghiệp có sai phạm phải ra sức mà bảo vệ. Phải dùng ngòi bút sắc sảo mà tấn công bất cứ ai, trong đó chủ yếu là đồng nghiệp thuộc nhóm lợi ích khác, dám đụng đến lợi ích của doanh nghiệp đang bảo trợ.
Bảo Ngọc thấy đồng nghiệp đấu tố nhau trên mạng xã hội mà không khỏi đau lòng. Họ không góp ý xây dựng cho nhau tiến bộ về nghiệp vụ mà quay ra “bới lông tìm vết” và tấn công cá nhân với những đòn bẩn tưởng chừng như không thể bẩn thỉu và đê tiện hơn. Những tên tuổi ấy, những gương mặt ấy, hàng ngày vẫn đạo mạo trước đồng nghiệp, trước công luận, thậm chí giảng dạy đạo đức nghề cho sinh viên báo chí. Ấy vậy mà, phút chốc, họ bỏ rơi mặt nạ khi quay ra tấn công đồng nghiệp nào dám đứng ra bảo vệ lẽ phải mà đụng đến nồi cơm lợi ích của họ. Nói cho cùng, cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo. Hai chữ “mưu sinh” với nghề thật khốc liệt, tàn nhẫn.
*****
Hà Nội đã chuyển sang tiết thu. Song chỉ thấy nóng bức, ngột ngạt và khô hanh. Hôm nay, trong bảng chỉ số môi trường, mức độ ô nhiễm của Hà Nội đứng đầu thế giới. Bụi mịn bao phủ khiến cho Hà Nội như phủ trong màn sương mờ. Các nhà chuyên môn cảnh báo, bụi mịn có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp, phổi, ung thư… Mức độ ô nhiễm đạt báo động đỏ. Tuy vậy, hầu như không mấy người quan tâm. Người ta vẫn hối hả, tất bật với cuộc sống của mình. Người ta nói với nhau: Ôi dào, không đi kiếm ăn thì chết đói trước khi chết vì bụi mịn. Do đó, dù đã cảnh báo ở cấp độ nguy hiểm, thứ bụi ấy vẫn chỉ là bụi lơ lửng trong không khí và như thể không liên quan đến bất kỳ ai. Người ta vẫn mặc những bộ quần áo như thường lệ, đi xe ấy, ra khỏi nhà vào giờ ấy, đi qua những cung đường cần phải đi… như cần phải thế, vốn phải là như thế. Người cẩn thận hơn một chút thì đeo khẩu trang y tế khi ra đường.
Bảo Ngọc vào quán cà phê quen thuộc, chọn một góc khuất ngồi nhìn hướng ra phía cửa. Cô gọi một ly cà phê rồi mở máy tính kiểm tra thông tin đã post lên tìm việc ở trang Facebook cá nhân. Trang của cô có rất nhiều người hâm mộ và nhiều người theo dõi. Cõi ảo ấy đã giúp cô một phần trong công việc và vượt qua được nỗi cô đơn.
Sau ba đêm mất ngủ, Bảo Ngọc đi đến một quyết định táo bạo, bỏ nghề báo và chuyển sang làm ô sin. Cô tính, làm ô sin 15 năm là vừa đến tuổi nghỉ hưu. Với mức lương tối thiểu bảy triệu đồng một tháng, thì 15 năm cô sẽ dành được một tỷ hai trăm sáu mươi triệu đồng. Đây sẽ là tiền dưỡng già mà người làm báo như cô có làm đến hết đời cũng không thể có. Cô sẽ trích một phần đóng tiếp bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện. Như vậy, về già cô có thêm khoản lương hưu. Lúc đó, cô sẽ chuyên tâm cho việc viết sách. Hoài bão suốt cuộc đời cô mơ ước là có một tác phẩm văn học để đời. Dấu ấn của cô sẽ được ghi ở cõi nhân gian.
Bỗng chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia là tiếng ấm áp của một người đàn ông.
– Chào Bảo Ngọc! Tôi đang cần một người giúp việc với tất cả các tiêu chuẩn như cô giới thiệu. Tuổi 40. Độc thân. Nhanh nhẹn, siêng năng, khéo léo, sạch sẽ và nấu ăn ngon. Tôi muốn gặp cô để trao đổi thêm một số thông tin.
– Vâng. Mời anh đến quán cà phê Góc Hà Nội bên hồ Hoàng Cầu. Bảo Ngọc đáp.
Khoảng 15 phút sau, người đàn ông xuất hiện. Đó là một người cao lớn tuổi chừng ngoài 50. Anh có gương mặt hơi đượm buồn nhưng ngay ngắn với sống mũi cao, thẳng, vầng trán rộng thông minh. Cô thoáng thấy anh quen quen như đã gặp ở đâu. Anh nói thẳng luôn vào công việc:
– Tôi tên Quân, sống độc thân. Hàng ngày, cô sẽ làm các công việc trong gia đình như đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ và chăm sóc vườn hoa quanh nhà. Cuối tuần, tôi thường rủ bạn bè đến nhà chơi. Vì vậy, tôi đề nghị, trước mặt mọi người, cô sẽ là vợ tôi.
Cô định cãi. Nhưng anh hiểu ý nên tiếp:
– Cô đừng vội. Vợ chỉ là hình thức thôi. Tôi tuyệt đối không đụng đến cô. Tôi trả cô mức lương trọn gói là mười triệu đồng một tháng. Quần áo cô tự đi mua sắm vì tôi là đàn ông không thạo chuyện ấy.
Cô tính nhanh, với mười triệu đồng mỗi tháng, sau 15 năm thay vì số tiền một tỷ hai trăm sáu mươi triệu đồng, cô sẽ có một tỷ bảy trăm mười triệu đồng. Vì vậy, cô đã đồng ý. Hợp đồng giúp việc được soạn thảo nhanh chóng với những điều khoản chặt chẽ bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên. Sau ký kết hợp đồng, Bảo Ngọc dọn đến sống tại nhà Quân.
Đó là căn biệt thự xinh xắn nép mình bên ngõ nhỏ. Xung quanh nhà trồng đầy hoa hồng. Cô được sắp xếp ở căn phòng trên tầng 2. Quân ở trên tầng 3. Còn tầng 1 là phòng khách, phía trong là bếp và phòng ăn. Quân đưa cho cô một cuốn sách và dặn: “Đây là sách hướng dẫn trồng và chăm sóc hoa hồng. Cô đọc và nhớ chăm sóc hoa đúng kỹ thuật. Cần mua thêm gì cứ bảo tôi. Hoa hồng đẹp nhưng rất đỏng đảnh. Nếu chăm sóc không đúng cách, nó sẽ chết”.
Công việc hàng ngày của Bảo Ngọc khá nhàn hạ. Với sự nhanh nhẹn, thông minh vốn có, cô làm và sắp xếp mọi việc đâu ra đấy khiến Quân rất hài lòng. Họ cùng ăn cơm với nhau và nói chuyện như những người bạn. Hai người nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời mà nhiều nhất là chuyện thời thế đổi thay, lòng người thay đổi. Thường thì anh chỉ ăn bữa sáng và tối ở nhà. Thỉnh thoảng, buổi tối đi tiếp khách, anh cắt cơm nhà. Anh cũng hay đi công tác. Vì vậy, cô thường ở nhà một mình. Tuyệt nhiên, không thấy anh đưa bạn gái về nhà hay nhắc đến chuyện mình có một bạn gái nào đấy. Cô rất thắc mắc. “Đẹp trai, giàu có, thành đạt, nhã nhặn, hiểu biết… Với ngần ấy những thứ mà người đời ước mơ cả đời cũng ít người có được. Theo lẽ thường, anh ta phải có rất nhiều đàn bà”. Vậy mà… Hay hắn ta liệt dương nhỉ? Hay hắn đồng tính? Cô tự đưa ra các dữ liệu rồi lại xua đi vì thấy mình có vẻ quan tâm sâu quá. Đàn ông với cô mà nói, chả có mấy cảm xúc. Cuộc hôn nhân tan vỡ đã lấy đi của cô nhiều tâm huyết với cuộc sống lứa đôi. Cô đã vừa làm vợ, vừa nuôi chồng nhiều năm liền khi anh ta thất nghiệp. Cô muốn nuôi dưỡng chí khí cho chồng và không muốn anh ta tự ti. Rồi khi vừa tạo dựng sự nghiệp cho anh ta, anh ta liền trở mặt làm chủ, xem cô như ô sin. Đúng kiểu “Chưa khỏi vòng đã cong đuôi”. Hiện nay, cô với Quân là quan hệ người giúp việc và chủ nhà. Cô nên làm đúng phận sự của mình.
Những lúc buồn, cô rất thích việc chăm sóc vườn hồng và quanh quẩn cả buổi ngoài vườn không biết chán. Cô nâng niu từng nụ hoa và hồi hộp chờ ngày nó tỏa hương. Cô thuộc lòng đặc tính của từng khóm hồng trong vườn. Hồng Pháp có mùi hương thoang thoảng và rất đẹp nhưng khó chăm sóc vì là giống ngoại lai. Hoa hồng nhung giống bản địa dễ trồng hơn và hương thơm ngào ngạt. Hoa hồng quế dễ tính nhất. Mỗi lứa ra hoa là nhiều vô kể, khắp cả thân cây rực rỡ. Những bông hoa nhỏ xíu, cánh đơn mong manh song sức sống lại vô cùng mãnh liệt. Có cảm giác như, thân hoa dốc toàn lực để cống hiến những lứa hoa chi chít, phủ khắp các cành.
Buổi tối rỗi rãi, cô mở máy tính và ghi chép lại những mảnh vụn trong cuộc sống hàng ngày. Đó là thói quen mà cô không thể bỏ được. Thỉnh thoảng, cô đưa những mảnh vụn đó lên Facebook. Trong đám bạn bè ảo, có một nick name là “Người ẩn danh” rất hay vào đọc và comment.
*****
Sáu tháng sau.
Một hôm, Quân tự tay pha trà rồi bảo cô ngồi xuống uống cùng. Anh im lặng một lúc rồi cất tiếng:
-Em có hài lòng với việc và cuộc sống ở đây không?
Cô đáp:
-Tôi làm đúng phận sự của mình và anh đã trả lương cho tôi đầy đủ nên không có gì đáng phàn nàn.
Quân hơi nhíu mày lại:
-Vậy em không có một chút cảm tình nào với tôi sao?
-Không. Cô đáp nhanh với vẻ cảnh giác.
Anh vẫn ôn tồn:
– Tôi rất quý em và không xem em là người giúp việc. Em không cảm nhận được điều đó hay sao?
– Tôi biết. Nhưng tôi chỉ nghĩ anh là người đàng hoàng và tử tế. Dù anh không xem tôi là người giúp việc thì thực tế, tôi vẫn đang là người giúp việc. Nếu anh có ý định khác, tôi lập tức chấm dứt hợp đồng. Cô đáp rành rọt.
Cuộc nói chuyện của họ dừng lại ở dấu chấm kết câu của cô. Bảo Ngọc không quan tâm lắm. Với cô, việc kiếm tiền dưỡng già và thực hiện ước mơ quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Nhưng từ đó, thỉnh thoảng, vào đêm khuya, cô nghe tiếng bước chân Quân ngập ngừng trước cửa phòng mình. Phải mất một lúc lâu rồi lại rơi vào im lặng.
Có lúc, cô chợt nghĩ, giá như cô có một người chồng như Quân. Rồi cô lại lắc đầu để xua ý nghĩ ấy đi. Cô tự giễu cợt mình. Cô không tin vào hôn nhân. Không tin vào tình cảm đàn ông. Phải cứng rắn. Nếu không, anh ta sẽ lợi dụng mình. Thỉnh thoảng, có những khó khăn trong công việc, Quân nói chuyện với cô. Cô đã tư vấn cho anh theo những kiến thức đã học hỏi và kinh nghiệm mình từng trải qua trong hàng chục năm lăn lộn với nghề báo. Lạ là khi có góp ý của cô thì công việc đều trôi chảy và như ý. Quân vui ra mặt.
*****
Sáu tháng nữa lại trôi qua. Vườn hồng quanh nhà đang độ nở hoa rực rỡ. Ngắm khu vườn, Quân vui tươi và phấn chấn hơn. Bảo Ngọc cũng vậy, vườn hồng vừa là tâm huyết của cô, vừa như là bạn. Hoa không phụ tay người chăm sóc, quanh năm khoe sắc hương. Căn biệt thự tràn đầy sinh khí.
Hôm nay sinh nhật Quân. Anh dặn Bảo Ngọc không nấu cơm và hẹn cô đến một nhà hàng. Đúng 19h, cô có mặt trước phòng VIP với một bó hoa hồng to. Quân đã có mặt ở cửa và đón cô vào. Căn phòng nhỏ được trang trí đầy những hoa hồng. Trên bàn có một cái lộc bình không có hoa, xung quanh là những cây nến thơm thắp sáng lung linh. Cạnh đó có vài món ăn được trình bày cầu kỳ cùng rượu vang và 2 cái ly cao. Bảo Ngọc tặng hoa cho Quân cùng lời chúc mừng sinh nhật. Anh cắm bó hoa vào cái lộc bình trên bàn. Họ uống rượu vang, chúc mừng sinh nhật và chuyện trò hàn huyên như hai người bạn.
Rượu ngà ngà, Quân tiến lại phía Bảo Ngọc và cất tiếng ấm áp:
– Nhân dịp sinh nhật, tôi muốn nói với em một việc trọng đại. Tôi muốn cưới em làm vợ.
Cô giãy nãy như đỉa phải vôi:
– Không được. Tôi không muốn kết hôn.
Anh vẫn ôn tồn:
– Tôi cũng từng đi qua hôn nhân tan vỡ như em. Có lúc tôi từng nghĩ, không bao giờ kết hôn nữa. Nhưng từ khi gặp em, tôi đã nghĩ khác. Tôi vẫn nuôi hy vọng và tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Tôi biết em đã từ lâu. Nick name “Người ẩn danh” chính là tôi. Tôi theo sát từng bước đi của em ngoài đời và chờ đón từng dòng tâm trạng của em. Tôi ngưỡng mộ em và tôi yêu em. Nhưng tôi không muốn làm tổn thương em. Tôi rất muốn giúp đỡ em nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của em. May quá. Bỗng nhiên em bỏ nghề báo và xin làm giúp việc. Lẽ nào, em không thích tôi một chút nào hay sao? Lẽ nào em vẫn không tin vào hôn nhân?
Bảo Ngọc hết sức ngạc nhiên. Tuy vậy, cô lại có cảm giác như mình bị bóc trần hết mọi suy nghĩ. Thế thì có khác gì con lợn cạo đã nằm phơi mình trên bàn chỉ chờ xẻ thịt. Cô bỗng thấy Quân như một con sói già lọc lõi và mình đã dần dần bị dồn vào góc của anh không lối thoát. Cô đáp lạnh lùng:
– Đây có phải là lời đề nghị của một ông chủ không? Tôi có thích anh. Nhưng thích và lấy anh là hai việc không liên quan đến nhau. Nếu lấy anh, tôi lại dẫm vào vết chân cũ.
Quân ngắt lời:
– Chỉ cần em thích tôi là được. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện. Miễn em là vợ tôi.
Bảo Ngọc cười phá lên như thủy tinh vỡ:
– Thì tôi vẫn đang là vợ anh đấy thôi. Có gì làm anh không hài lòng không?
– Không. Tôi rất hài lòng. Nhưng chúng ta chỉ là vợ chồng hờ. Tôi muốn chúng ta thật sự là vợ chồng với cuộc sống ái ân mặn nồng. Tôi muốn em yêu tôi. Tôi sẽ cho em tất cả những gì tôi có.
Bảo Ngọc chợt trở giọng cay nghiệt:
– Hóa ra, anh muốn làm chuyện ấy. Làm chuyện ấy rồi thì sẽ là vợ chồng hay sao. Có phải anh nói sẽ chấp nhận mọi điều kiện?
“Đúng vậy”. Quân đáp chắc nịch.
– Vậy tôi và anh sẽ làm thêm một hợp đồng hôn nhân có thời hạn bên cạnh hợp đồng giúp việc. Giọng cô nửa như bỡn cợt, nửa như thật.
Anh thắc mắc:
– Hợp đồng hôn nhân có thời hạn là sao?
Bảo Ngọc không trả lời câu hỏi của Quân mà hỏi tiếp, lạnh lùng và hơi nhẫn tâm:
– Bình thường anh làm “chuyện ấy” ở đâu?
– Tôi … mua dâm.
– Anh thường mua với giá bao nhiêu mỗi lần?
Quân ngập ngừng hồi lâu rồi đáp:
– 2 triệu đồng.
– Mỗi tuần anh mua dâm mấy lần?
Quân ấp úng như cậu học trò bị cô giáo hỏi bài:
– 3 lần.
Giọng Bảo Ngọc vẫn lạnh lùng:
– Như vậy là mỗi tháng anh mua dâm hết hai mươi bốn triệu đồng. Nhưng tôi không phải gái bán dâm cho các loại khách làng chơi. Vì vậy, mỗi tháng, ngoài tiền giúp việc, anh trả thêm cho tôi sáu mươi triệu đồng. Tôi và anh sẽ làm hợp đồng hôn nhân 15 năm, bằng thời gian hợp đồng giúp việc. Nhưng riêng tiền hợp đồng hôn nhân, anh phải trả tôi trước, một lần cho cả 15 năm là mười tỷ tám trăm triệu đồng.
Bảo Ngọc muốn đưa ra tình huống khó để Quân nhụt chí mà rút lui ý định. Cô đâu là trẻ con mà tin vào lời hứa của đàn ông. Cô cũng lớn tuổi rồi, đâu đến mức khiến anh ta phải yêu đương đắm đuối như vậy. Chẳng qua, anh ta thấy cô còn chút nhan sắc nên muốn lợi dụng và lấy danh nghĩa tình yêu ra để lừa cô. Hừ, đừng hòng. Cô mỉm cười tinh quái nhìn thẳng vào đối phương, lúc này hẳn là đã bị chuyển thế từ chủ động sang bị động.
Quân hơi sững người. Nhưng anh bất ngờ đồng ý khiến Bảo Ngọc rất ngạc nhiên. Anh rót hai ly vang rồi đề nghị cô uống hết. “Xem như giao kèo của chúng ta thành công. Hết ly vang này, chúng ta làm hợp đồng. Ai nuốt lời sẽ hóa thành con ốc bò bằng mồm”. Bảo Ngọc lâng lâng đáp: “Được. Ai nuốt lời sẽ hóa thành con ốc bò bằng mồm”. Sau khi ký xong hợp đồng hôn nhân 15 năm, Quân đưa cho Bảo Ngọc một bản và nói: “Ngày mai, trong tài khoản của em sẽ có mười tỷ tám trăm triệu đồng và em sẽ chính thức là vợ tôi. Còn bây giờ, tôi đưa em về”.
Chiều ngày hôm sau, SMS của Bảo Ngọc thông báo, tài khoản cá nhân của cô vừa có thêm mười tỷ tám trăm triệu đồng. Người gửi ghi nội dung là “Yêu em trọn đời”.
Hà Nội, 7/10/2019
TKT