Truyện ngắn của NÔNG QUỐC LẬP
Lung mở cửa ngồi vào buồng cái máy xúc mới mua tiến vào chân núi Kếp Mạ sau khi Triện đã làm xong thủ tục, đọc hết hai trang văn khấn. Kếp Mạ là tên tiếng Tày. Nó có nghĩa là Móng Ngựa. Ngọn núi này trước kia người ta gọi là Phịa Rấn, nghĩa là núi Thần. Nhưng sau khi có một ông thầy người Tàu đi ngang qua bảo đây là ngọn núi Kếp Mạ Bân, dấu chân của ngựa trên trời giáng xuống nhân gian, cái tên núi Thần ít người gọi rồi chỉ còn lại trong kí ức của những người luống tuổi. Mà quả thật, từ trên cao nhìn xuống ngọn núi này giống hình cái móng ngựa khổng lồ. Ở sâu trong chân núi có một cái hang có những bậc được xếp bằng đá đi sâu xuống lòng đất. Triện cũng không biết rõ cái tên Ngườm Kim có từ bao giờ nữa. Có lẽ cái tên đó chỉ xuất hiện sau khi có người cất giữ kho báu và trấn yểm không cho người khác cướp đi báu vật. Trên cửa hang có một mặt đá phẳng tự nhiên to bằng hai cái mâm cơm được khắc bằng hán tự “kim ngân thất thập tam đán”. Dưới dòng chữ to có hàng chữ nhỏ như ghi chú “nơi này đã được trấn yểm bằng một câu thần chú, có người canh giữ, cấm xâm phạm”. Rồi một hình mũi tên chỉ xuống hang. Không có năm khắc, cũng không có tên người khắc, chẳng thấy ghi tên tuổi của chủ nhân cất giữ kho báu. Có khi nào các cụ xưa lại chơi đùa thế hệ sau mà khác những dòng chữ lên vách đá không? Nhưng ai lại rỗi hơi đi làm việc đó làm gì nhỉ. Muốn khắc chữ lên chỗ đá phẳng kia phải đứng trên cái thang mười ba bậc. Không ai nhàn rỗi đi làm một cái thang cao như thế đem lên núi rồi đứng ở trên đó dùng đục, búa khắc chữ vào đá như thế cả. Ông nội Triện đã từng mời thầy giỏi về xem, bố Triện cũng đã từng xuống hang khuân những hòn đá từ dưới hang lên nhưng chẳng thấy gì. Hang tối và nhiều đá to đá nhỏ xếp chồng lên nhau. Đất đai dưới chân núi thuộc về gia đình Triện. Sau khi giao đất giao rừng, núi Kếp Mạ cũng thuộc về anh. Đất của mình, núi của mình, lẽ nào kho báu không phải của mình? Triện nghĩ. Anh đã tìm bao nhiêu thầy giỏi mời về xem trực tiếp, lại còn đi xem bói khắp mọi nơi nữa. Các thầy khẳng định trong lòng núi đang cất giữ một kho báu khổng lồ. Lối vào kho báu không phải từ trên xuống mà đi thẳng vào sâu trong lòng núi. Nhưng lối đi đã được thầy pháp cao tay dùng ba tảng đá lớn, gồm ba mầu sắc khác nhau xanh, đỏ, đen mỗi tảng cao bằng bẩy người người đứng trên vai nhau, rồi lấp đầy đất. Khi nào tìm được ba hòn đá lớn châu đầu vào nhau đó sẽ là lối vào kho báu…
Đời ông nội, rồi đời bố đã cùng người làng mang xẻng, xà beng lên núi tìm lối vàng kho báu. Những hòn đá được khuân lên khỏi miệng hang, lăn xuống chân núi. Nhưng ngày hôm trước đá được bốc lên hôm sau đá lại từ trên đỉnh núi thông qua một lỗ hổng nào đó lại lấp đầy trong hang. Sức người thì làm sao có thể lấy được kho báu chứ. Phải dùng máy móc mới có thể phá được cửa vào đã bị lấp. Triện đã nhờ người đem máy móc hiện đại từ Hà Nội lên dò. Nhưng khi đặt máy trên miệng hang thì máy hiện thị một cách loạn xạ. Nếu có vàng, bạc máy sẽ báo ngay. Chẳng lẽ nơi này đã bị trấn yểm thật? Núi này đã được người xưa tế lễ bằng hai đôi đồng trinh trông coi kho báu? Gã chủ máy lắc đầu. Máy móc hiện đại nhiều khi cũng không thể chính xác hết được nhỉ? Triện nói. Chẳng biết anh nói với chủ máy thăm dò hay nói với chính mình. “Máy móc chẳng thể định vị chính xác vị trí của vàng bạc thì cứ theo lời thầy thôi. Ta dùng máy xúc múc hết phần đất từ chân núi vào, biết đâu sẽ tìm thấy ba tảng đá châu đầu vào nhau tựa thế chân vạc kia”. Nghe Triện nói Lung cảm thấy êm cái tai lắm. Khi thấy của Lung sẽ được chia một phần ba kho báu. Trời ơi hai mươi ba gánh vàng thì ăn mấy đời không hết. Lung sẽ cùng Triện đổ dầu vào máy, dồn tâm dốc sức vào việc tìm kiếm. Triện bàn kỹ với Lung rồi đi đến nhà thầy Lô xem ngày tốt, giờ tốt để cúng tế trời đất rồi tiến hành xúc đất, dời núi. Hôm Triện cho máy phá vườn vầu mở đường vào chân núi rất nhiều người trong làng tới xem. Một số người mang trong mình niềm tin lần này nhất định Triện sẽ tìm được kho báu. Nó đã hứa với người làng khi tìm thấy kho báu tất cả mọi gia đình đều được chia phần.
Lung ngồi vào buồng lái theo chỉ dẫn của Triện múc những gàu đất đầu tiên. Thầy đã dặn múc từ bên trái cái hang thông ở trên xuống trước, sau đó múc qua bên phải rồi mới múc vào phần chính giữa ngọn núi. Đất được vét đi những tảng đá rời rạc đủ mọi hình thù dần hiện ra. Một buổi nữa đất sẽ được vét hết, hy vọng tìm được ba hòn đá trấn giữa cửa hang mong manh như ngọn đèn trước gió. Triện ngồi ủ rũ như tàu lá héo trên mỏm đá trắng hình một con sư tử đá không buồn chỉ trỏ. Lung uể oải điều khiển máy xúc. Từng gàu đất đá được múc đi. Công sức đổ vào đây chẳng tìm được chút manh mối nào. Nhưng rồi Lung không tin vào mắt mình khi những gàu đất cuối cùng được xúc ra đổ xuống chân núi. Ba hòn đá chụm đầu vào nhau cao mười mấy mét hiện ra trước mắt. Lung dừng máy, mở cửa nhảy xuống vỗ vào vai Triện đang ngủ gật. “Này, này đây có phải ba hòn đá giống như thầy miêu tả không?” Nghe Lung nói anh đang ngái ngủ giống như bị ai đó dội gáo nước lạnh vào mặt tỉnh táo lạ thường. “Có lẽ đúng đấy. Mày lên máy mau mau dùng gàu dịch chuyển những tảng đá lớn kia ra xem sao”. Lung mở cửa nhảy lên buồng lái cho máy tiến gần đến những tảng đá lớn vừa hiện ra. Nhưng khi gàu chưa kịp chạm vào tảng đá thì chết máy. Lung cũng có cảm giác khi cho máy tiến vào như có những bàn tay kéo tay anh lại. Ngồi trong buồng máy nóng nực mà chân tay Lung có cảm giác lành lạnh. Lung cố gắng khởi động lại máy nhưng không được. Dầu, nhớt vẫn đầy đủ, máy mới không thể gặp trục trặc kỹ thuật được. Có lẽ nào do bốn hồn ma của đôi đồng trinh nam nữ kia ngăn cản anh dùng máy xúc mở lối vào hang chăng? Nghĩ đến bốn người chết trẻ Lung thấy rùng mình hoảng sợ. Để máy ở chân núi Triện cùng Lung rảo bước ra về. Hai người không về nhà mà đến thẳng nhà thầy Lô. Nhìn thấy vẻ mặt hai người thầy đoán có chuyện kỳ quái nào đó vừa xảy ra. Làm thầy gần bốn mươi năm, chữ của thầy bây giờ nhiều như lá cây trong vườn, nhưng trong hoàn cảnh này Lô không biết giải thích thế nào. Thầy không biết tí gì về kỹ thuật máy móc, chẳng hiểu vì sao bỗng dưng máy xúc chết máy. Những người thợ sửa chữa máy móc giỏi được Lung gọi đến bảo máy không gặp trục trặc gì. Họ cũng không hiểu tại sao lại không thể khởi động máy, bao nhiêu máy cũ máy đát qua đôi bàn tay của họ thì máy nổ giòn, nhưng đứng trước cỗ máy mới những đôi tay và bộ óc trở nên bất lực. Họ không muốn, không cam tâm nhưng cũng không thể làm gì khác.
Một ngày trôi đi trong mệt mỏi của cả hai người. Triện không buồn đến nhà bên uống nước chè tán chuyện đời. Lung chẳng cần tắm, dẫu ngày ướt đẫm mồ hôi. “Phải làm thế nào mới có thể khởi động được máy, lái nó ra khỏi chỗ quái quỷ kia?” Câu hỏi theo Lung vào giấc ngủ. Anh nhanh chóng chìm vào giấc mộng. Lung mơ thấy mình đang ngồi trên một tảng đá phẳng to bằng cái giường bốn người nằm. Chân tay anh bị bốn người lạ giữ chặt.
-Đây là đâu, các người là ai, sao lại giữ chặt chân tay của tôi thế này? Lung hỏi những người lạ.
-Mày cũng gan dạ đấy. Lòng tham của con người vốn như cái túi vải dài mà không khâu đít mà.
-Các người là ai? Xem chừng các người còn ít tuổi hơn tôi, lại dám đối xử với tôi như thế ư?
-Này các bạn xem chúng ta chưa hỏi hắn mà hắn lại hỏi chúng ta kìa, các bạn có thấy buồn cười không? Người con trai vừa nói thì ba người còn lại lập tức gật đầu. Những cánh tay lạnh băng cũng siết chặt tay Lung mỗi lúc mạnh hơn.
-Các người đừng kéo nữa, chỉ cần kéo chút nữa thôi sẽ làm chân tay tôi gãy ra đấy. Thực sự các người là ai?
-Được trước khi cho ngươi chết cũng nên cho ngươi biết về chúng ta. Một người nói.
Nói xong người con gái mặc bộ quần áo chàm có đôi tay trắng mềm mại, khuôn mặt xinh đẹp nhất nói. Bốn người bọn tôi là những người đồng trinh bị tên chúa đất họ Can tên Hữu Tài độc ác giết chết để canh giữ kho báu. Lão thầy tào tên Pháng nhẫn tâm đã dùng đạo bùa lên thân xác của chúng tôi muôn kiếp không được siêu sinh. Mấy trăm năm qua chúng tôi đã phải canh giữ ở đất này làm người canh cửa. Chúng tôi không muốn giữ của cho tên chúa đất ác độc kia, nhưng linh hồn của tôi đã bị thầy phù phép không thể không nghe lời. Xương cốt của bọn tôi đã tan vào đất đá từ lâu rồi. Ngươi cũng đã múc nắm xương tàn của chúng tôi đi rồi, lại còn muốn phá hủy cả ba tảng đá trấn giữ lối vào kho báu thì làm sao bọn tôi có thể tha thứ? Bọn người tham lam các ngươi dám xâm phạm vào nơi chúng ta trông coi thì cái máy này sẽ không bao giờ cử động được, nó chỉ là đống sắt vụn mà thôi. Ngươi tưởng máy móc hỏng ư? Các ngươi quả là nhầm to rồi đấy. Máy mới thì sao, đối với chúng tôi nó không khác gì những hòn đá vô hồn vô tri cả.
-Không đúng, tôi đã cúng bái đốt vàng mã cho các người rồi mà. Tại sao các người không cho chúng tôi lấy của cải của kẻ độc ác kia chứ? Lại còn làm cái máy xúc của tôi chết máy nữa. Lung giằng co với bốn người thanh niên lạ, những người mà anh chưa từng quen biết.
-Nhiệm vụ của chúng tôi là những người canh giữ, không nhận đồ cúng cũng không nhận tiền hối lộ của các người.
-Chị nói nhiều với người này làm gì chứ? Hắn đã cho máy đào cả xương tàn của chúng ta thì bắt hắn phải chết để làm bạn với chúng ta. Lời nói vừa dứt thì bốn người tám cánh tay biến thành tám sợi dây thừng bằng sắt dần siết chặt chân tay Lung.
Lung vùng vằng chân đạp, tay vùng vẫy hòng thoát khỏi những sợi dây mây dai dẻo đang siết chặt chân tay mình. Miệng anh không ngừng kêu gào thê thiết. Vết thương đau rớm máu, sức Lung dần đuối do giằng co với những sợi dây được bốn người dùng sức mạnh kéo lại. Không lẽ mình phải chết để làm bạn với những người xa lạ này sao? Không. Anh không thể bỏ người vợ đẹp tuổi đời còn chưa bước qua ba mươi mùa hoa đào nở. Và đứa con còn chưa biết phân biệt sớm tối, chưa biết gọi lời ba tiếng má. Nó sẽ thế nào khi không còn bố trên đời? Lung phải sống, phải thoát ra khỏi nơi quỷ quái này. Anh cắn răng vận hết sức lực bình sinh để làm đứt mấy sợi dây kia. Một tiếng hét thật lớn phá vỡ bức màn đêm, hai chân đạp, tay vung mạnh, bốn tiếng phựt phát ra cùng lúc. Lung cảm thấy hai cẳng tay mình đau đớn. Anh tỉnh lại, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Cuộc chiến giữa một với bốn kịch liệt hóa ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng cẳng tay của Lung thì đau đớn do đập vào thành cái giường tầng khung bằng sắt vuông. Lung ngồi dậy, bật điện rồi đi đến bên bàn rót một ít rượu thuốc ra chén bôi vào vết bầm tím trên tay. Có lẽ gà sắp gáy, còn lâu nữa trời mới sáng. Nhưng Lung không tài nào ngủ được nữa. Những gương mặt lạ kia vẫn hiện rõ trước mắt anh, những lời nói của họ vẫn văng vẳng bên tai. Giá như anh là họa sỹ thì anh sẽ căng toan lên khung vẽ để phác họa chân dung của bốn người xa lạ kia. Rồi anh đem bức vẽ đến hỏi những người già nhất bản, biết đâu có người biết về những người mất tích từ lâu lắm? Nhưng anh không phải là họa sỹ, không thể vẽ những khuôn mặt kia từ trong giấc mơ của mình. Chẳng lẽ lối vào kho báu ở ngay đằng sau ba tảng đá lớn kia? Nhưng máy xúc đã không làm được gì, gàu mới hướng vào tảng đá dưới cùng chưa kịp chạm vào đã chết máy, dù làm đủ mọi cách vẫn không khởi động được máy. “Bất kể người nào dám phá cửa để vào kho báu sẽ phải trả giá bằng tính mạng”. Lung nhớ lại lời nói của cô gái trẻ. Lối vào kho báu được hai đôi nam nữ canh gác. Những người già trong làng bảo ở những nơi được cất giữ kho báu họ hay giết chết người trẻ tuổi để canh giữ của cải. Người trẻ đẹp không chỉ khỏe ma mà còn có cách để quyễn rũ những người có mệnh chí dương có khả năng phá bỏ được lời nguyền. Lung từng nghe người ta nói người ta giết người để canh giữ của cải. Ngườm kim có tới bốn người bị giết, có lẽ kho báu này nhiều nên cần tới bốn âm hồn canh gác? Câu thần chú để mở kho báu là gì? Có câu thần chú để mở kho báu thật sao? Có lẽ trên đời này không ai biết được, cũng chẳng ai dám chắc về câu thần chú có thực sự tồn tại hay không. Đã bao đời nay chưa thấy ai nói đến những ghi chép về ngườm kim, hay câu thần chú để mở kho báu. Trong cái làng này cũng không có một quyển sách cổ nào nói về kho báu. Triện nghe người già kể ngày trước làng toàn nhà tranh vách đất đã trải qua bao lần hỏa hoạn. Biết đâu trong những vụ hỏa hoạn kia sách ghi chép cùng với chìa khóa vàng để mở kho báu cũng theo ngọn lửa tan thành tro bụi rồi. “Ở trong lòng núi này có cả thảy bảy mươi gánh vàng gánh bạc”, lời truyền này đến những đứa trẻ trong làng cũng biết. Đã có phóng viên từ dưới Hà Nội lên tìm hiểu rồi viết bài thêm thắt những tình tiết ly kì. Và đã có nhiều người tìm đến núi Kếp Mạ để vào hang thám hiểm…
Triện và Lung có mối hoài nghi nặng hơn cả hòn đá tảng. Hậu duệ của chúa đất Tài giờ đang ở đâu? Không lẽ họ không muốn có được kho báu khổng lồ do tổ tiên để lại? Những người già nhất làng cùng thầy Lô đều có chung một suy nghĩ, có thể dòng họ đó đã bị tuyệt tự tuyệt tôn từ đời nào rồi. Cũng có thể hậu duệ của chúa đất đã bị người ta báo thù. Thầy Lô bảo chúa đất lắm kẻ thù mà. Đất của chúa đi từ mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn vẫn chưa hết. Chúa đất còn bóc lột sức lao động của người làm, coi người làm như con trâu con ngựa để cho gia đình chúa kéo cày, thồ chở. Chúa đất chết, con cháu không còn, kho báu trở thành của chung của người trong làng. Từ khi phân chia rừng núi đất, núi thuộc gia đình Triện quản lý, sử dụng. Nhưng không ai biết làm sao để lấy được vàng, làm sao để mở được lối vào hang thì chẳng một ai rõ. Triện vì mong muốn đổi đời cũng tử liều một phen, biết đâu trời thương thì cho anh có cơ hội phát tài. Có được kho báu việc xây nhà mấy tầng, sắm ô tô sang chẳng khó khăn gì. Đến chuyện mua nhà mặt phố ở thành phố, ở Hà Nội, Đà Lạt cũng không thành vấn đề gì to lớn cả. Lời của Triện nghe bùi tai lắm. Lung nghe lời Triện cùng nhau hợp sức để khai thác kho báu ẩn sâu trong lòng núi đá. Những thỏi vàng lấp lóa đã có một sức hút cực lớn làm nhiều người không thể thoát khỏi cơn mê. Lung sẽ có nhà tầng ở thành phố, có ô tô xịn chạy bon bon trên đường… nên đã cùng Triện đánh canh bạc lớn mà không cầm chắc mình sẽ thắng. Thầy Lô đã sử dụng đến quyển sách pháp cuối cùng cũng thể giúp Lung nổ được cái máy xúc. Nó giống như một khối sắt bất động phơi mưa phơi nắng. Lung cảm thấy đau, buồn, ngoài kia bao nhiêu việc, bao nhiêu người gọi đi múc, san gạt nền nhà, mở đường giao thông, khai thác mỏ đá mà không thể đi. Tham đi bắt con cá ngừ chang hải (đại dương) để giờ không thể bắt được con cá nhỏ ở sông, suối. Mỗi khi có cuộc gọi đến càng làm Lung thấy buồn hơn.
***
Năm nay mùa mưa đến sớm, những đám mây đen ùn ùn kéo đến. Mà cũng thật kỳ lạ, làng trên xóm dưới mưa không làm ướt lá cây. Nhưng làng Thung Lộc lại mưa dập mưa dùi. Hình như có bao nhiêu nước ông trời cứ đổ hết xuống làng. Mưa làm đen bầu trời, mưa làm thối đất. Chỉ trong một đêm nhiều quả đồi bị sạt lở, cây cối ngổn ngang ở dưới chân lũng. Đâu đâu cũng ngập màu bùn đỏ. Xỏ chân vào đôi ủng mới mua Triện đi ra khỏi nhà. Không biết chỗ san gạt trên Ngườm Kim thế nào nhỉ? Thằng Lung có lên xem cái máy xúc không? Vừa đi Triện vừa nghĩ. Chẳng mấy chốc nó đã vào đến chân núi. Đám rẫy trồng màu đã bị vùi một lớp đất đá dày đến vài mét. Bao nhiêu đất đá Lung múc lên đều theo nước trôi xuống chỗ trũng thấp. Một bãi chiến trường, cây cối bị những cơn gió quăng quật, màn mưa giăng điên cuồng quần thảo tơi tả. Triện không còn phân biệt được những chỗ máy xúc đã đào đất. Chỗ nào cũng bị nước cuốn trôi, bình sinh chưa thấy có một trận mưa nào to và kéo dài như thế. Nắng hạn kéo dài mấy tháng trời con người không cảm thấy chán, nhưng chỉ mưa vài ngày thì đã thấy buồn nẫu ruột gan. Chẳng thể vào rừng, lên núi, suốt ngày ru rú trong nhà thì có khác gì con mèo lười suốt ngày nằm dài ở góc bếp. Triện không ngại đi ra khỏi nhà. Xung quanh làng có vàng, đã có người nhặt được cục vàng to như quả trứng gà sau trận mưa to. Triện cũng mong bắt được của trời để được đổi đời, lên mặt với thiên hạ một phen. Mỏ nước uống của dân làng đùn lên từ gốc cây mạy rầy bình thường nước chỉ to bằng bắp chân, giờ thì dòng nước to bằng cái chậu lớn, ủn lên một màu trắng xóa. Triện đi dọc theo con mương mà chẳng thấy ánh vàng lấp lánh. Bây giờ chỉ hy vọng vào kho báu ở núi Móng Ngựa có ngày có cách mở được nó ra… Triện vừa bước vừa nghĩ. Không biết giờ này thằng Lung đang làm gì nhỉ? Không biết nó đã đến xem cái máy xúc chưa? Hy vọng cái máy vẫn đứng trơ ở cạnh ba tảng đá lớn kia. Cầu mong những hòn đá rời rạc từ trên núi cao đừng lăn trúng khối tiền lớn. Triện bước chân khá chậm bởi đất đỏ dính đầy vào đôi ủng. Rồi anh đến được nơi máy xúc san mác đất. Thấy cái máy còn nguyên vẹn Triện thở phào nhẹ nhõm. Nhìn những tảng đá cục to bằng bồ thóc, cục bằng cái giường, hòn to bằng nửa gian nhà sàn từ trên núi lăn xuống chân núi Triện đã cảm thấy lo lắng. Sau này anh được biết Lung đã sắm sửa lễ vật, xôi, gà đến cúng bái sơn thần thổ địa không dùng đá đất đè bẹp cái máy xúc. Thực lòng Triện không tin vào ma quỷ, nhưng nhìn những tảng đá mất chân từ trên cao lăn xuống, dường như khi đến gần cỗ máy đã rẽ sang hướng khác mà lăn đi thì Triện không khỏi kinh ngạc. Lẽ nào trên đời này lại có thần tiên, ma quỷ thật sự hiện hữu? Đứng bên cái máy xúc Triện đưa mắt nhìn xung quanh. Và anh thật sự hoảng hốt. Năm ngôi mộ được chôn cất ở chỗ đất bằng, sau là cái tát phẳng cao sừng sững đã trôi xuống chân núi cả rồi. Đã có lần Triện hỏi bố vì sao các cụ ngày xưa lại đem người chết lên tận trên núi chôn, mỗi dịp tảo mộ đi lên mệt mỏi lắm. Làng nhiều đồi đất đẹp lại không làm bãi tha ma tập trung, cứ thích chôn mỗi người một nơi làm khó khăn cho con cháu mỗi khi đi tảo mộ. Ông nội nghe được thì mắng. “Con cháu nghĩ không được sâu, nhìn không được xa thì biết cái gì? Ở trong núi chứa vàng chứa bạc, đưa các cụ lên đó là nằm trên sự giàu sang, con cháu làm ăn mới phát, cuộc sống mới thịnh vượng bền lâu. Việc đơn giản thế mà cũng không hiểu”. Triện nghe ông mắng chỉ biết cúi mặt, không nói được lời nào. Người nằm trên vàng bạc thì còn gì sung sướng hơn. Đã có năm ngôi mộ được táng trên núi, ngồi trên vàng mà con cháu có thấy phát tài đâu. Giờ cả năm ngôi mộ bị sụt, trôi xuống chân núi. Nhất mồ mả, nhì nhà cửa, các cụ nói thế. Những chuyện tai hại sẽ ùn ùn kéo đến với gia đình Triện và cả dòng họ nữa. Những người được Triện thông báo thì cùng nhau kéo đến chân núi. Họ tìm kiếm những gì còn sót lại gom vào từng tấm nilon cẩn thận. Những tấm gỗ nghiến làm áo quan bị quăng mỗi tấm một nơi. Đã qua hàng trăm năm nhưng do chịu ít mưa nắng vẫn còn tốt lắm. Động mả rồi, thế thì các cụ oán trách mất thôi. Triện cẩn thận lượm những gì còn sót lại. Cái gì đây? Xen lẫn trong đống đất đá một cái bọc vải mưa hiện ra trước mắt. Có lẽ nào đó là vàng bạc? Vừa nghĩ Triện vừa giở từng lớp vải mưa. Một tấm giấy chỉa ra đã không còn nguyên vẹn, trên đó viết những dòng chữ Hán bằng mực tàu. Triện đem tờ giấy đến gặp thầy Lô. Thầy cầm tờ giấy lên nhẩm đọc, thì ra đây là lá thư cổ. “Kho báu này là của tên chúa đất ác bá tên Tài, cách mạng nổ ra vì lo sợ đã chạy sang bên kia đã bị người ta giết chết. Con cháu đi theo Giáp cũng không ai thoát được kiếp nạn. Kho báu giờ thành của cải của dòng họ Nông bản địa”. Triện nghe Lô đọc, nuốt từng chữ vào trong bụng, ghi nhớ từng chữ vào trong đầu. “Trong thư có nói làm thế nào để mở kho báu không thầy?” Triện hỏi. Thầy Lô đọc đi đọc lại, hết lật bên này rồi lại xem mặt bên kia. Lô thấy một hàng chữa nhỏ “cách để người đời sau có thể bước chân vào kho báu”. Nhưng dòng chữ kế tiếp đã bị mục nát chỉ còn lại những thanh đứt gãy không thể đọc được. Triện thất vọng lắm. Của thiên được cất trong lòng địa. Bao nhiêu đời nay không ai có thể sở hữu. Đời nay, đời sau cũng không ai có thể độc chiếm làm của riêng.
***
Sau những ngày mưa dập dùi, ánh nắng vàng rực rỡ lại chiếu lên từng kẽ lá. Ban ngày, trên núi Móng Ngựa từng đàn quạ bay rập rờn, tấu lên những tiếng qua qua não nề. Ban đêm tiếng cú rúc vào không gian nghe hãi hùng, tiếng con báng cười sang sác vọng vào vách đá chênh vênh. Lẽ nào thần linh đang nổi giận? Ngọn núi này là núi Thần một cái cây cũng không được chặt, một cái dây leo cũng không được chặt đứt. Vậy mà thằng Triện, thằng Lung lại cho máy xúc lên san gạt đã động chạm đến thần linh rồi. Từ nay dân làng sẽ không có được cuộc sống yên ổn nữa. Những lời nói của người làng đi vào tai Triện. Triện đâu có lòng muốn độc chiếm kho báu một mình? Lấy được của Triện sẽ chia cho mọi người trong làng. Triện muốn người làng ai cũng được phát tài, đổi đời. Triện đã cúng bái thần linh trước khi cho máy xúc mở đường lên núi. Anh là người trần mắt thịt đâu biết thần linh có cho phép động vào núi đá, cỏ cây? Hôm nay Triện cùng Lung đi lên núi đem theo vàng mã, ngựa, xe, đồ cúng đi lên núi cùng với bài khấn mà thầy Thác, người giỏi nhất vùng Sơn Long bày cho. Thầy dặn, nếu đọc xong bài cúng, đốt vàng mã nếu thấy có một cơn gió nhẹ thoảng qua thì thần linh đồng ý cho đem cái máy xúc về. Đốt vàng mã mà không có cơn gió thoảng qua thì… thầy Thác không nói hết câu. Triện gặng hỏi mãi thầy phán “cách này không được thì thầy cũng chịu”.
Hai người bày hết đồ lễ ra trên tảng đá bằng phẳng cạnh cái máy xúc, Triện châm hương lạy bốn phương trời rồi cắm bó hương đang cháy rực xuống đất. Xung quanh im ắng, cành cây bất động, không một chút gió. Liệu đến khi đốt vàng mã có chút gió nào thoảng qua không? Triện nhìn Lung vẻ mặt lo lắng. Lung còn lo hơn Triện rất nhiều, dù sao cái máy xúc đó là của Lung vay tiền ngân hàng để mua. Những chén cúng ma được rót đầy rượu, những vị nước ngọt cũng được bật nắp. Triện thắp hương, Lung đọc lời khấn, đốt vàng mã. Thầy Thác dặn thế. Một tuần rượu nữa được rót ra, Lung thầm mong trong lòng sẽ có cơn gió lạ thổi đến. Nó đưa tay vào túi quần lấy cái bật lửa bắt đầu hóa vàng. Cả hai nín thở chờ gió. Bỗng từ hướng nam mây đen ùn ùn kéo đến, chỉ trong chốc lát ánh mặt trời đã bị che khuất, mặt đất trở nên tăm tối. Và gió đến. Lúc đầu gió nhè nhẹ, sau gió mạnh nổi lên.
Cành cây rung lắc, bụi bay mù trời. Đám bụi đã cuốn đồ lễ và cả hai người bay lên. Trong đám bụi khổng lồ Triện nhìn thấy bốn người thanh niên lạ đang dang tay đón lấy đôi tay chới với của anh. Và cả những người lạ mà anh chưa bao giờ gặp. Lung đang ở đâu? Triện cố giương cặp mắt của mình ra để nhìn nhưng xung quanh anh chỉ là màn đêm đen đặc. Trong bóng tối lấp lánh ánh vàng ánh bạc, Triện với tay nhưng không thể với tới.
Đám mây mù tan đi cả Triện và Lung cũng biến mất không để lại dấu tích. Có người nói “chúng nó đã được đón về trời rồi”. Cũng có người bảo khi mây đen vần vũ, cánh cửa kho báu đã được mở ra, hai người đã đi vào trong lòng núi đến chỗ cất giữ kho báu…
Chỉ còn chiếc máy xúc vẫn đứng im như không hề bị cơn gió bụi cuốn vào. Chuyên, thợ máy được người nhà Lung mời đến chỉ vài động tác chiếc máy đã nổ giòn tan. Cái máy như chưa bao giờ hỏng hóc.
N.Q.L