Nhà thơ BÙI HOÀNG TÁM
Phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội vừa qua đã kết thúc nhưng dư âm về một Quốc hội XV với nhiều đổi mới vẫn được cử tri hết sức quan tâm mà một trong số đó là việc Quốc hội mời ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo làm rõ một số vấn đề tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Tiếc rằng do có lý do đột xuất, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh không có mặt, lỡ “cơ hội” làm người tiên phong trong sự kiện mới mẻ này).
Đây là việc làm mới và cần thiết trong một kỳ họp mà mục đích chính là cùng nhau tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội trên tinh thần xây dựng và hiệu quả. Đây cũng là yêu cầu của cử tri từ nhiều năm qua.
Cách đây 3 năm (11/2019), trong bài “Tại sao các Chủ tịch tỉnh không tham gia trả lời chất vấn?” trên báo Dân trí, người viết bài này đã phản ánh dư luận cử tri về việc này và đề xuất cần phải mở rộng thành phần trả lời chất vấn mà cụ thể là những người đứng đầu các địa phương.
Lý do, sự điều hành luôn luôn cần có sự thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Ví dụ một vấn đề mà Quốc hội luôn quan tâm là các dự án nhà máy điện hay ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng của các dự án giao thông chẳng hạn.
Đành rằng trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải nhưng không thể không có trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan trong khâu đền bù cũng như sự quyết liệt ở khâu thực hiện?
Rồi các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại các địa phương cũng vậy.
Tất nhiên, trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong việc phòng cháy, chữa cháy bởi đây là vụ việc xảy ra tại địa phương, nằm trên đất địa phương và thuộc quyền quản lý của chính quyền cơ sở. Nếu chỉ chất vấn Bộ Tài nguyên Môi trường là “nhân vật duy nhất” hoàn toàn có thể bị coi là chưa đúng, chưa trúng, chưa đủ đối tượng, thậm chí có thể chồng chéo, lấn sân.
Những sự cố về việc cung cấp nước sạch cũng tương tự. Dự án thuộc Hà Nội. Khách hàng là người dân Hà Nội. Trách nhiệm quản lý doanh nghiệp thuộc UBND Hà Nội… nên không thể chỉ “bổ” cho ông Bộ trưởng Xây dựng.
Việc ngư dân Việt Nam vi phạm trong đánh bắt trên biển cũng không thể chỉ “truy” ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mà phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND địa phương quản lý các doanh nghiệp này.
Do đó, để phát huy hiệu quả, đề nghị các phiên chất vấn nên có sự tham gia của một số lãnh đạo địa phương liên quan, cụ thể là các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Thực tế là càng ngày, sự phân công, phân cấp càng cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền của trung ương và địa phương. Trong đó, các bộ, ngành và Quốc hội tập trung cho việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật cũng như chiến lược phát triển, công tác quy hoạch… Việc tổ chức thực hiện thuộc chức năng, nhiệm vụ địa phương.
Trong khi nhiều năm qua, việc trả lời chất vấn thường chỉ quan tâm đến các thành viên Chính phủ ở cấp trung ương mà hầu như chưa thấy vai trò của lãnh đạo địa phương mà trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Trở lại với chủ trương mời Chủ tịch Hà Nội của Quốc hội, tôi đồng tình với quan điểm của PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi trả lời báo chí: “Việc mời ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo làm rõ một số vấn đề tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa qua là một cách đổi mới hoạt động của Quốc hội. Nếu cách làm này phát huy được hiệu quả, thì nên tiếp tục duy trì, để có thể giải quyết và đi đến tận cùng của sự việc”.
Thực tế cho thấy, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cần có tiếng nói từ lãnh đạo các địa phương cùng tham gia giải trình và tìm biện pháp thực hiện. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa chính sách và tổ chức thực hiện thì mới mong đem lại hiệu quả cao nhất.
Có lẽ việc làm này trước đây chưa được quan tâm là bởi theo quy định, thành phần tham gia trả lời chất vấn là những vị trí do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, vẫn như lời của PGS. TS. Bùi Hoài Sơn “mọi quy định đều do con người đặt ra cả. Ðiều quan trọng là chúng ta làm thế nào đó để giải quyết được công việc một cách hiệu quả nhất. Nếu chúng ta thấy cách làm đó hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, thỏa mãn được mong muốn của đại biểu Quốc hội, thì chúng ta có thể sửa quy định cho phù hợp hơn. Bởi thực tiễn bao giờ cũng là thước đo cao nhất của bất kỳ một quy định nào”.
Có lẽ, để việc tham gia trả lời chất vấn hiệu quả và trách nhiệm, đã đến lúc Quốc hội (hoặc Thường vụ Quốc hội) nên ra một nghị quyết về vấn đề này.
“Quan thì xa, bản nha thì gần”. Hơn ai hết, chính các vị lãnh đạo địa phương là những người thấu hiểu công việc nhất, cả khó khăn và thuận lợi.
Vả lại, cùng trong “ngôi nhà Chính phủ” (Chủ tịch UBND tỉnh do Thủ tướng bổ nhiệm), khi “nhà có việc”, không nên để lãnh đạo các địa phương… “như người ngoài cuộc”.
B.H.T