Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Ngày thường, nhà Sáu Nho vắng hoe như chùa Bà Đanh. Bắt đầu khoảng nửa tháng Chạp ta cho đến tận chiều cuối năm, nhà lão lúc nào cũng có người ra vào nhộn nhịp, cười nói râm ran. Họ ngồi nhâm nhi tách trà Gò Loi đặc quánh, thơm phức, vừa kéo thuốc rê, vừa tán tụng hết lời về gốc mai quí của Sáu Nho mới từ trong nam mang về. Tuy mất khá nhiều thời gian và hao tốn tiền trà thuốc dành cho việc tiếp khách, nhưng để bù lại, Sáu Nho rất tự hào, hãnh diện, rằng mình là chủ nhân gốc mai thuộc hạng quý hiếm, được giới chơi mai sành điệu suy tôn lên ngôi vị cao quí:
Mai nữ hoàng!
Người ta đồn rằng:
Cây mai nhà lão Sáu Nho thuộc loại “đệ nhất quí”. Quí không phải bởi thế cây hoàn hảo, bởi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa gốc, rễ, chi, nhánh. Quí không vì giống mai bền, có nhiều lớp cánh to, màu sắc trang nhã, hoa nở bất chấp thời tiết. Nó quí hiếm ở chỗ: khi hoa nở vừa đúng độ thì những nhụy hoa ra dài, đen mun, gắn kết với nhau giống hệt hình một cô gái khỏa thân đang nhún nhẩy theo làn gió heo may trước tấm màn nhung vàng ươm, tỏa ra mùi hương hăng hắc đầy quyến rũ, mê hoặc, y như mùi hương từ da thịt của những cô thiếu nữ đang tuổi dậy thì…
Nhiều người hỏi gốc gác về chậu mai quí, Sáu Nho phổng mũi trịnh trọng thuật lại câu chuyện đầy tính hoang đường, không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Lão kể:
Hôm đầu tháng Chạp, tôi lên núi Tà Lơn, trước là vào chùa lễ Phật sau, xem phong cảnh nổi tiếng miền Tây Nam bộ. Lễ Phật xong, vừa ra khỏi chánh điện thì gặp ngay một ông đạo già, có lẽ là sư trụ trì. Ông đạo cứ đứng trố mắt nhìn tôi chăm chăm, miệng liên tục niệm A di đà phật,chắp tay cung kính. Thấy lạ, tôi cũng chấp tay vái chào! Mắt vẫn nhìn tôi, ông đạo già cất giọng:
– Mời quý nhơn vào thư phòng dùng trà. Bần tăng có điều nầy muốn hỏi.
Đang khát nước cháy cổ bỗng dưng được sư trụ trì tiếp đón trọng thị như một thượng khách khiến tôi lấy làm ngạc nhiên. Chắc là ông đạo già lẩm cẩm, mắt mũi hom hem trông gà hóa cuốc nên nhầm lẫn mình với một quan chức nào đó của địa phương?. Tôi nghĩ vậy. Mặc kệ! Cứ vào dùng trà và nghe ông đạo nói gì cho biết. Vào thư phòng, ông đạo mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bành bọc nhung đỏ, rót trà Ô long lễ phép mời tôi. Chiêu xong ngụm trà thơm, ông đạo vừa nhìn tôi, vừa gật gù nói lẩm bẩm như nói với chính ông:
– A Di Đà Phật! Đúng là hậu duệ của một danh tướng nhà Tây Sơn rồi! Đúng rồi!
Câu nói mơ hồ càng làm tôi thêm ngờ vực hệ thần kinh não bộ của ông đạo:
– Hình như sư phụ đang nhận nhầm người!
Ông đạo đặt tách trà xuống, nói giọng chắc nịch:
– Nhầm thế nào được! Ông bỗng nhoài người chồm qua mặt bàn nước, nhìn chăm chăm vào ngực áo của tôi có thêu cành mai vàng, miệng niệm phật, vẻ mặt bí hiểm. Rồi sư nắm chặt lấy tay tôi lắc lắc – Thí chủ người đất Kinh xưa, nơi anh em nhà Tây Sơn buổi đầu lập nghiệp? Nhà thí chủ dưới chân thành Hoàng đế?
Câu hỏi đột ngột của ông đạo khiến tôi giật mình kinh hãi và nghĩ rằng, có thể trước mặt tôi lúc này là một cao tăng huệ nhãn xuyên suốt, thông hiểu quá khứ vị lai?. Không đợi câu trả lời, ông đạo già hỏi tiếp:
– Chắc thí chủ ngạc nhiên lắm về sự tò mò của ta?
– Không những ngạc nhiên mà còn tưởng như đang lạc vào thế giới của những nhà tiên tri.
Ông đạo cười hiền, nâng tách trà lên chiêu một ngụm rồi đưa tôi vàothế giới huyễn hoặc, mộng mị:
– Nửa đêm vừa rồi, ta đang ở trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, bỗng trông thấy một viên quan võ lưng đeo bảo kiếm xăm xăm đi thẳng đến trước mặt ta. Ta vội đứng lên chắp tay nghinh tiếp và hỏi: “Tướng quân là ai? Đến sơn môn có điều chi cần dạy bảo?”. Vị tướng nói giọng sang sảng: “Ta người “đất vua”, tướng của nhà Tây Sơn, đang trấn giữ thành Hoàng đế. Năm xưa, ta phụng mệnh Quang Trung Nguyễn Huệ kéo đại binh vào phương Nam đánh đuổi giặc Xiêm. Trên đường hành quân, ta có ghé vào chùa nầy lễ Phật, cúng dường tam bảo và đàm đạo với vị sư tổ. Trước lúc xuống núi, sư tổ có mang ra tặng ta một chậu mai vàng quí hiếm. Vì đang trên đường ra trận nên ta hẹn ngày đuổi xong giặc Xiêm sẽ quay lại sơn môn đón cây mai vàng cùng về. Nhưng khi dẹp xong giặc, ta được mật chiếu của Nguyễn Huệ phải khẩn trương đưa đại quân ra Phú Xuân bằng đường biển. Do vậy, ta phải gửi lại chùa chậu mai. Hôm nay, ta cử hậu duệ đến xin lại”. Vị sư già tiếp – Ta định đứng lên ra hoa viên mang chậu mai vào giao lại cho chủ mới. Vị tướng đưa tay ra ngăn lại, bảo: “Ngày mai, người hãy trao lại chậu mai cho hậu duệ của ta”. Ta lại hỏi: “Ngài có thể tả hình dáng, đặc điểm hậu duệ của ngài để vật quí không rơi vào tay kẻ xấu”. “Nó rất giống ta. Đặc biệt, trên ngực áo bên trái có thêu cành mai vàng”. Nói xong, vị tướng vội vã quay đi. Ta chạy theo hỏi thêm danh tánh thì vấp phải ngạch cửa té nhào, giật mình tỉnh dậy. Ôi dào, bây giờ người ta còn đau ê ẩm – Ông đạo già vừa nói vừa đưa tay ra sau lưng đấm thùm thụp – Ta đợi thí chủ từ sáng sớm. Nay ta thay mặt sư tổ trao lại chậu mai quí cho thí chủ.
Tôi kêu lên thảng thốt:
– Sư phụ! Sao lại tin vào chuyện mộng mị huyễn hoặc?
Ông đạo có vẻ bất bình về câu hỏi của tôi:
– A Di Đà Phật! Mơ thực rành rành. Sao thí chủ lại bảo hoang đường huyễn hoặc? Ông nâng tách trà lên nhắp một ngụm, tiếp – Năm xưa, đức sư tổ đời thứ hai chùa nầy cho lập bia công đức. Trên bia ghi: Đầu xuân năm 1784, một danh tướng nhà Tây Sơn trên đường đi dẹp giặc Xiêm có ghé lại chùa lễ Phật và cúng dường Tam Bảo… Bia dựng trước cổng. Trong chiến tranh, bia bị ca nông đánh sập. Nay không còn nữa.
Nói xong, ông đạo đứng lên rời khỏi thư phòng. Lúc sau, ông trở lại với một chậu mai hoa nở vàng rực, tỏa hương rất lạ!. Vừa mới thoáng thấy chậu bonsai, tâm hồn tôi đã mê mẩn. Hơn nửa đời người chơi cây cảnh, từng thăm thú khắp các sân cây nổi tiếng trong nước, nhưng tôi chưa gặp một chậu mai nào “nghiệt” như chậu mai nầy. Sợ ông đạo già dở hơi bỗng dưng đổi ý, tôi vội nói lời cảm ơn rồi bê chậu bonsai hối hả xuống núi…
Câu chuyện hoang đường cũng có người tin, cũng có người biết ông Sáu phịa chuyện nhằm huyền thoại hóa gốc mai của mình nên chỉ gật gù cười mỉm, để sau này còn được ông Sáu mời ăn giỗ hoặc hút thuốc lào, uống trà Gò Loi miễn phí. Ở xứ “kinh đô” ai mà không biết cụ cố nội Sáu Nho chỉ là lính canh trong hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn ngày xưa, dòng họ lão mấy đời không ai làm nên danh phận. Không cần quan tâm đến thái độ người nghe chuyện, ông Sáu tiếp tục chém gió:
– Nếu đem so với gốc mai Nữ hoàng của tui thì cây tùng long của sư Tâm, gốc huyết mai của giáo Thứ, gốc bồ đề trên 150 tuổi của Tư Lượng chỉ đứng vào hàng chút chít. May ra gốc nguyệt quế của Ba Miên là cùng vai vế.
Ba Miên kém tuổi Sáu Nho hơn nửa giáp. Nhưng cùng là dân nghiện cây cảnh nên rất thân nhau. Nhà Ba Miên ở tận bến đò Tràng Thi, cách nhà Sáu Nho trên 10 cây số. Do vậy, thỉ thoảng hai người gặp nhau uống trà Gò Loi, hít thuốc lào, nói chuyện trên trời dưới biển, luận tích kim cổ đông tây. Đôi lúc tranh cãi nhau hăng lắm, tưởng như sắp có chiến tranh nổ ra.
Nghe đồn Sáu Nho mới đưa về một gốc mai quí hiếm, Ba Miên có ra nhà Sáu Nho mấy lần, nhưng lần nào thấy nhà cũng khách khứa chộn rộn nên lặng lẽ rút êm.
Một buổi chiều sau tết, Ba Miên đến nhà Sáu Nho thăm xuân, thấy Sáu Nho đang lụi hụi quét dọn những mẩu tàn thuốc, lá gói nem, vỏ bia lon vất bừa bộn trên sân nhà. Vừa trông thấy bạn, Sáu Nho vội ném phăng cây chổi đót vào góc sân, hồ hởi đón bạn vào tiền sảnh pha trà thết đãi. Ba Miên vừa uống trà, vừa khoe gốc nguyệt quế của mình mới nhú thêm một chi mới, tuyệt không đả động gì đến chậu mai quí của Sáu Nho đang đặt ngay trước mặt!. Buộc lòng Sáu Nho phải tự giới thiệu Mai nữ hoàng của mình:
– Ông vô cảm bỏ mẹ. Ngồi trước Nữ hoàng mà chẳng chút rung động. Sáu Nho chỉ vào chậu mai vàng rực đặt trên cái đôn sứ lái thiêu màu lam – Đấy, ông xem có xứng danh “đệ nhất danh hoa” không?
Ba Miên vẫn thản nhiên ngồi tại chỗ, lơ đãng giương đôi mắt kính dày cộp như đít chai nhìn lướt qua chậu mai một thoáng, nói tỉnh rụi:
– Cái giống nầy tôi đã gặp nhiều lần. Hồi lên Củng Sơn công tác, thấy người dân tộc trồng làm hàng rào. Trước tết năm kia, lên chơi trên Daklak, gặp người ta bày bán đầy đường, chào mời rã họng nhưng chẳng ai thèm quan tâm!
Nghe Ba Miên nói, Sáu Nho giận bầm gan tím ruột. Nhưng mang tiếng là dân chơi sành điệu, ông cố dằn lòng, nhấp trà liên tục. Ba Miên nheo nheo mắt xem lại chậu mai Nữ hoàng một lúc nữa rồi đứng lên chỉ vào nửa thân mai, bồi tiếp:
– Theo tôi, anh nên cắt phăng phần trên ném quách. Lấy cái chi nầy nầy làm chủ. Đổi thế trực ra thế hoành rồi cho vào cái ghè sành. Như thế coi bộ cân xứng hơn. Thế này trông tức mắt lắm!
Biết Ba Miên mỉa mai xiên xỏ, Sáu Nho càng thêm tức khí. Nghĩ mình là dân đất vua, mang tiếng hào hoa thanh lịch nên cố dằn lòng, vỗ đùi cười ha hả:
– Thằng cháu ngoại nhà tôi cũng nghĩ thế ông à. Hồi mới đưa chậu mai về, nó bảo thấy người ta bày bán ngập chợ hoa. Cái thằng bị chứng thong manh nên trông gà hóa cuốc. Nó còn bảo tôi chuyển gốc mai sang chậu xi măng có chạm hình rồng. Hà hà..lũ trẻ con mà…
– Hậu sinh khả úy mà anh Sáu. Lớp trẻ bây giờ thông minh sáng dạ lắm, bù lại mấy người già như… như bọn mình. Bảo thủ lạc hậu bỏ mẹ. Cháu nó nói có khi đúng đấy. Lúc nào chơi chán ông nhường lại cho tôi. Tôi sẽ trồng ngoài bờ rào giúp cây nhanh phát triển.
Sáu Nho nhếch mép cười mỉa:
– Ấy chết! Mai nữ hoàng của tôi quen sống chỗ tao nhã, thanh lịch, sạch sẽ, thoáng mát. Đúng hơn là ông nên nhường gốc nguyệt quế cho tôi, tôi sẽ phong vương… Sân nhà ông ẩm thấp, không khí ô nhiễm lại chật hẹp như lòng bàn tay, trương cái gốc nguyệt quế ra trông… ngứa mắt!. Sáu Nho nhìn bạn cười hề hề, tiếp – Giá cả sòng phẳng, vàng bốn con chín?.
Ba Miên xua tay:
– Đâu được! Gốc nguyệt quế xuất thân từ gia đình một danh tướng triều Tây Sơn đấy. Trước ngày thành Quy Nhơn thất thủ bởi quân nhà Nguyễn Ánh, vị tướng đó gọi người thư lại già thân tín đến cho nhiều vàng bạc, bảo về quê sinh sống. Quan thư lại khóc và không nhận bất cứ thứ gì, chỉ xin mỗi cây nguyệt quế mang về làm kỷ niệm. Gốc nguyệt quế ấy không hiểu vì lý do nào lại đến tay ông Đốc, rồi sang tay cụ giáo Thứ, cuối cùng về tôi. Âu cũng là cái duyên, của quí biết chọn chủ quý. Ba Miên cười hì hì – Với lại cái thế trực và chi nhánh, gốc rễ, hương hoa của gốc nguyệt quế nhà tôi đều toát lên tính thẳng ngay, thâm trầm, sâu sắc mà phóng khoáng hào hoa. Sợ… không hợp với tính cách của anh.
Bị Ba Miên chơi một đòn nữa đau điếng, Sáu Nho tức khí đứng lên định ném tách trà tiễn khách thì ngay lúc ấy, có tiếng xe máy nổ giòn ngoài cổng ngõ, bà Sáu đi thăm xuân về. Ba Miên đứng lên nói giáo lá vài câu chúc tết rồi lặng lẽ rút lui.
Rời khỏi nhà Sáu Nho, Ba Miên chân bước liêu xiêu, lảo đảo. Thấy kiểu đi kỳ quặc của anh Ba, mấy bà hàng xóm bụm miệng cười, bảo nhau: Ông ấy chuẩn bị đi thi người mẫu thời trang! Nhưng kỳ thực, anh Ba bị choáng bởi gốc Mai nữ hoàng! Một kỳ hoa dị thảo hiếm thấy trên đời lại rơi vào Sáu Nho keo kiệt, bùn xỉn, khác nào một cô gái trẻ xinh đẹp lọt vào tay lão già trọc phú! Hoài của! Ba Miên cứ chắc lưỡi than dài…
Về đến nhà, Ba Miên mất ăn mất ngủ. Lúc nào cũng tơ tưởng đến những nàng vũ nữ xinh đẹp bé tí đang nhún nhảy trước tấm màn nhung vàng ươm với mùi hương con gái dậy thì!
Một hôm, Ba Miên cho người gọi thằng Cu Lắc đến để ông nhờ chuyện. Cu Lắc sớm mồ côi cha. Mẹ theo người khác. Nó phải tự kiếm sống bằng nghề bán báo. Hồi mới vào nghề, Cu Lắc không biết đọc. Khách bảo đưa tờ Nhân Dân, nó lại đưa tờ Lao Động. Hỏi Lao Động, đưa Tuần Tin Tức… Do vậy mà Cu Lắc thường bị khách hàng rầy la, báo bán ế. Tức mình, Cu Lắc sang nhà Ba Miên thọ giáo chữ quốc ngữ. Ban ngày bán báo. Tối, học chữ. Vốn thông minh, nhanh trí lại quyết tâm học tập nên chưa đầy bốn tháng, Cu Lắc không những đọc được báo mà còn viết được thơ tình cho con bồ bán cóc ổi tận trên thị trấn. Mang ơn Ba Miên nên ông nhờ gì nó cũng sẵn lòng.
– Chào sư phụ!
Ba Miên đang ngồi tơ tưởng đến Mai nữ hoàng thì Cu Lắc đến. Ông ngoắc ngoắc nó vào, bảo:
– Vô uống trà đã Lắc.
Cu Lắc chưa kịp ngồi, Ba Miên cứ hấp háy mắt nhìn chiếc áo ngoài nó đang mặc, hỏi:
– Áo phóng viên! Chú em mới “chôm” đấy hử?
– Đâu có. Hôm kỷ niệm ngày nhà báo, một anh phóng viên tặng em đấy.
– Chú em bán báo mà mặc áo phóng viên làm gì?
Cu Lắc cãi lại:
– Bán báo mặc áo phóng viên còn được. Em thấy có mấy ông chuyên trộm chó, lái heo, bán kẹo kéo cũng mặc áo phóng viên!
– Họ học làm sang đấy!
– Nhưng… sư phụ gọi em đến chỉ có bấy nhiêu thôi sao?
Ba Miên chêm trà cho Cu Lắc, bảo:
– Uống trà đi đã.
Đợi Cu Lắc uống xong tách trà nóng. Ba Miên bảo:
– Chú em mang chậu nguyệt quế theo ta sang nhà Sáu Nho ngoài Đập Đá. Chú em biết Sáu cây cảnh chứ?
Lắc suy nghĩ giây lát, bảo:
– Có phải ông thầu khoán ở dưới chân thành Hoàng Đế, nhà lúc nào cũng kín cổng cao tường? Nghe nói có gốc mai gì đó quí lắm?
– Ờ, ờ. Đúng đấy. Chính Sáu Nho đấy.
Cu Lắc lẩm bẩm:
– Ông ấy giàu mà keo bỏ mẹ. Hôm trước có phái đoàn đến nhà ông quyên tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, ông đưa tờ mười ngàn bắt phải thối lại hai ngàn đồng.
– Ông ấy đa nghi như thế cũng đúng. Sợ đồng tiền cứu trợ của ông không đến được tận tay nạn nhân.
– Có lần, ổng bảo em đưa tờ báo. Ổng cầm đọc một lúc lâu rồi trả lại. Hỏi sao không mua? Ổng bảo, đọc rồi còn mua làm gì!
Ba Miên cười:
– Nhờ thế mà ông giàu to đấy!
Thầy trò Ba Miên đến nhà Sáu Nho vừa lúc ông ta đang dắt xe ra cổng ngõ. Thấy Ba Miên mang cây nguyệt quế đến, Sáu Nho mừng thầm trong bụng. Vồn vã đưa khách vào tiền sảnh pha trà thết đãi.
– Đã đến lúc cần tiền phải không? Biết mà! Dứt giá bao nhiêu? Sáu Nho hỏi.
Ba Miên nói cứng:
– Chỉ chịu đổi ngang cây Mai nữ hoàng.
Sáu Nho thất vọng:
– Gà sao sánh ngang với phụng?
Ba Miên quay sang nói với Cu Lắc:
– Chú em nhìn thật kỹ gốc mai kia kìa. Trong cái chậu sứ màu lam đó. Có hơn gì cây nguyệt quế này không?
Sáu Nho tự ái xửng cồ:
– Nó là thằng bán báo. Biết mẹ gì cây cảnh! Thôi, ông mang của quý về đi. Rách việc!
Về nhà, không biết Ba Miên nói gì đó với Cu Lắc. Lúc đầu, mặt nó lộ vẻ đăm chiêu lắm. Sau, nó gật gật, bảo:
– Thôi được. Ai thì em không nỡ, nhưng với lão Sáu Nho khinh người, em sẽ tái xuất giang hồ cho ổng một trận. Sư phụ yên chí. Cu Lắc đã hứa là chắc như bắp.
Đâu khoảng 2 tháng sau, dân chơi cây cảnh trong vùng bàn tán xôn xao về cây mai nhà Sáu Nho bị mất cắp. Kẻ bảo đáng đời, người thì tỏ ra luyến tiếc và thận trọng hơn trong việc bào vệ sân cảnh nhà mình. Riêng Sáu Nho như người mất hồn, suốt ngày lảm nhảm. Mấy tháng sau mới hồi phục.
Thấm thoát một mùa xuân nữa sắp về, vào cữ nửa tháng Chạp ta, dân chơi mai sành điệu lại bàn tán sôi nổi về việc Ba Miên vừa tậu về gốc mai Nữ hoàng. Lúc đầu, ai cũng bảo là của Sáu Nho. Nhưng đến nhìn tận mắt thì không phải. Mai của Sáu Nho ở thế trực, tượng trưng tính cánh khí khái, thẳng thắn. Còn mai của Ba Miên ở thế hoành, thể hiện sự mềm mại, uyển chuyển phóng khoáng của kẻ sĩ.
Dân chơi mai tứ xứ lại có dịp đổ về nhà Ba Miên xem hoa mai nở. Nhà anh Ba lúc nào cũng có người. Họ vừa uống trà, hút thuốc vặt, vừa tán chuyện rôm rả. Ba Miên rất tự hào được làm chủ gốc mai độc nhất vô nhị. Riêng chị Ba Miên tỏ ra rất bực tức, khó chịu.
Từ ngày bỏ dạy, anh Ba đâm ra buồn chán rồi lao vào cái thú chơi cây cảnh, phó thác việc nhà cửa vườn tược cho chị Ba. Chị Ba Miên vốn là người đàn bà đảm đang, chịu thương chịu khó. Suốt ngày, hết đánh vật với nửa sào vườn chị lại tất bật với việc chợ búa, cơm nước… Mọi chi phí trong gia đình đều do chị xoay sở, lo liệu. Thi thoảng, còn phải móc hầu bao chi cho anh mua cây cảnh. Chị rất chiều chồng và hết sức thông cảm anh đang trong tình trạng thất nghiệp. Tính chị Ba Miên là thế. Nhưng đến lúc chị nổi trận lôi đình thì khác nào sư tử châu Phi. Lúc ấy, chị coi trời bằng vung, những từ ngữ tục tỉu, thô thiển mà chị đã góp nhặt được từ chợ búa cứ vãi ra xối xả, khiến anh Ba phải tối tăm mặt mũi.
Ngày giáp tết, hàng xóm ai cũng lo tranh thủ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón xuân sang. Riêng nhà chị vẫn cứ bừa bộn, xộc xệch. Sàn nhà lúc nào cũng đầy tàn thuốc lá, loang lổ váng trà. Lại còn ồn ào náo nhiệt như cái chợ xổm. Ban ngày tất bật công việc. Tối, chị còn phải quét dọn, lau rửa… Có hôm đến tận khuya chị vẫn còn lục đục nơi góc bếp. Còn Ba Miên thản nhiên với cây cảnh, đàn đúm với bạn bè. Chị Ba bực lắm, nhưng chưa có dịp nổ ra.
Xế chiều ba mươi tết, bán xong gánh rau heo ngoài chợ xổm, chị Ba tất tả về nhà. Vừa đến cổng ngõ, chị đã nghe có mùi gì khen khét. Chị dừng lại khịt khịt mũi mấy cái rồi ném vội đôi quang vào góc sân, chạy tọt vào nhà, thảng thốt đứng nhìn chảo rim gừng cháy đen! Còn anh Ba đang đứng trên hành lang chăm chú tỉa tót gốc mai quí. Chị hét toáng lên:
– Tiêu mẹ nó chảo gừng rồi! Trước khi đi, tui đã dặn phải canh nhỏ lửa và đảo gừng thường xuyên. Vậy mà vục mặt vào cái xó nào? Ôi trời, chồng với con!
Ba Miên giương đôi mắt kính nhìn vợ phân bua:
– Anh mới vừa đảo xong mà!.
Câu nói của Ba Miên không khác nào rưới dầu vào lửa. Chị Ba vội sấn tới trước mặt chồng đứng xoãi chân, một tay chống nạnh, tay kia xỉa xỉa về phía trước, mồm sa sả:
– Đảo mà không hãm lửa? Sao không đốt mẹ nó cái nhà nầy luôn rồi ra chuồng heo ở, hốt rác vào mà ăn. Tết nhứt đến nơi rồi mà nhà cửa rối tinh như ổ chuột, bẩn còn hơn chuồng lợn. Cái thứ đàn ông bất lực, vô tích sự. Suốt ngày hết tụ năm tụm ba lại cắm mặt vào mấy cái chậu… cây, chẳng nghĩ gì đến chuyện nhà cửa, cơm nước! Này nhé, từ rày về sau đừng hòng bà thí cho một xu. Tuếch mẹ nó đi cho khuất mắt, cho khỏe cái… nầy nầy. Chị vỗ háng bồm bộp! Khi người đàn bà nổi cơn “gió bụi” đến thượng đế cũng phải thất kinh!
Mặc cho vợ vừa vỗ háng phành phạch, vừa sa sả mắng, anh Ba đứng lên bê chậu mai quí định đem ra sân đặt lại chỗ cũ thì chị Ba bỗng lao tới như con hổ cái, giằng lấy chậu mai từ trên tay chồng một cách gọn hơ rồi ném ra sân đánh “cạch”.
Ngôi vị nữ hoàng phút chốc bị chị bán rau cải hạ bệ. Ba Miên giận bầm gan tím ruột nhưng phải ngậm miệng ăn thua. Anh nghĩ, tết nhứt đã đến nơi, rầy rà to chuyện hàng xóm biết được họ chê cười. Hơn nữa, chị Ba là dân An Thái, một làng võ nổi tiếng đất Kinh xưa. “Roi thuận quyền, quyền An Thái” mà. Không khéo nhẹ nhất cũng bị lỗ mũi ăn trầu.
Nhớ lại chuyện cách đây gần 10 năm. Hồi ấy, anh và chị đã ăn hỏi, chỉ còn chờ ngày tổ chức đám cưới. Một hôm, anh Ba đến thăm ông già vợ, nhằm lúc ông đang ngủ trưa trong buồng, chỉ còn một mình chị Ba ngoài nhà ngang. Lúc chị Ba nhón gót với tay lên đầu tủ lấy vật gì đó, vạt áo bà ba của chị xách hỏng, để lộ cái eo trắng nõn nà, gợi cảm. Tưởng bở, anh Ba sấn tới ôm chị định hôn một cái. Nhanh như chớp, chị né người sang một bên rồi chộp lấy cổ tay anh xoay một vòng giật mạnh, anh Ba ngã đổ xuống sàn nhà đánh “huỵch”. Nghe có tiếng động, ông bố vợ bước ra, thấy chàng rể đang nằm chổng vó lên trời. Bố già cười tủm tỉm, nhắc: “Sàn nhà em nó mới lau, còn ướt. con đi lại phải cẩn thận kẻo trượt ngã”.
Chuyện nhớ đời. Mỗi lần chị Ba nổi trận tam bành là anh phải dè chừng, thủ thế.
Rồi mặc cho chị Ba vỗ đùi vỗ vế, lên tay xuống ngón, anh Ba hầm hầm xốc áo ra đi. Rời khỏi nhà, anh bỗng thấy buồn! Cái số của anh sao cứ chông chênh lận đận!. Hơn nửa đời người mà chẳng làm nên hồ cháo giúp đỡ vợ con lại thêm dài lưng tốn vải!. Bạn bè ai cũng ăn nên làm ra. Còn anh, làm gì cũng bị thua lỗ. Ba Miên lấy sự chơi cây cảnh cốt để giải tỏa nỗi niềm chứ đâu như lão Sáu Nho vừa làm thầu khoán, vừa buôn bán cây cảnh. Nào ngờ việc chơi cây cảnh cũng rất nhiêu khê, phiền nhiễu. Anh cứ đi, đi mãi. Những bước chân của anh cứ liêu xiêu lảo đảo như chính cuộc đời anh. Rồi anh bỗng thấy mình đang lạc vào khu chợ hoa rực rỡ sắc màu giữa buổi chiều cuối năm. Một mùa xuân nữa lại về, lòng anh sao trống vắng mênh mông quá. Anh thấy mắt cay sè.
– Chào sư phụ. Mời sư phụ vào chỗ em uống nước đã.
Ba Miên quay lại nơi có tiếng gọi. Tưởng ai, hóa ra là thằng Cu Lắc. Nó đang đứng trong một gian hàng cây cảnh nhìn ra cười rạng rỡ. Đang buồn bỗng có người để tâm sự. Ba Miên bước vào gian hàng của Cu Lắc. Bỗng anh đứng khựng lại, bàng hoàng, thảng thốt: Trước mặt anh là vô số những chậu mai, giống mai mà anh và dân chơi cây cảnh sành điệu tôn lên ngôi vị Nữ hoàng.
Cu Lắc lên tiếng:
– Xuân tết nay em chuyển sang bán cây cảnh để thử thời vận. Cái giống mai mà sư phụ tôn lên hạng “đệ nhất quốc gia chi bảo” là của ông anh họ từ trong Nam chở ra nhờ em bán hộ. Sư phụ thích chậu nào cứ bê về chơi. Em biếu.
Ba Miên thở dài, lắc đầu rồi lững thững quay về hướng cũ…