Vương Sỹ Thanh Chương
Trong lịch sử có những cuốn sách được ví như bách khoa toàn thư của cuộc sống. Người Anh từng tự hào với kịch của Wiliam Shakespeare, người Ý với “Thần khúc” của Dante, người Trung quốc với “Hồng Lâu mộng”… Đặc biệt người Tây Ban Nha với kiệt tác vô tiền khoáng hậu Donquixote, tác phẩm được đọc và tái bản có lẽ chỉ xếp sau Kinh thánh. Nó đã phản ánh được hiện thực xã hội thời phục hưng với vô số kinh nghiệm, đầy tri thức lịch sử, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, triết học, y học… Song yếu tố làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm, còn ở giá trị văn chương của nó. Và điều thú vị là trong tác phẩm này, nhà văn đã trực tiếp hoặc thông qua các nhân vật bàn về văn chương. Đây là điểm nhấn đáng chú đối với nhà đại văn hào mà cuộc đời còn nhiều bí ẩn. Trong suốt gần 500 năm qua, người yêu văn chương trên khắp hành tinh không ngừng thắc mắc, tìm hiểu về cuộc đời nhà văn này, thông tin thu được cũng chưa nhiều. Có thể hi vọng qua những ý kiến của Cervantes về văn chương, chúng ta có thể hiểu thêm những góc khuất của cuộc đời chính ông.
Xây dựng hình tượng bất hủ Donquixote, mặc dù chàng là hiệp sĩ nhưng độc giả luôn thấy ở chàng thấp thoáng bóng dáng một nhà văn. Phẩm chất quý giá đầu tiên ở tình yêu sách và tính ham đọc. Thử hỏi làm nhà văn có ai lại không ham đọc? Donquixote đọc nhiều đến mức khiến đầu óc quay cuồng, tê liệt biến nó thành chứng bệnh thần kinh: luôn nhìn sự vật, hiện tượng dưới lăng kính của sách kiếm hiệp, dẫn đến những sai lầm do ảo tưởng. Qua đây nhà văn đưa ra thông điệp cần đọc theo tinh thần phê phán, phải biết chọn sách mà đọc, bạ sách gì cũng đọc chỉ gây tản mát tinh thần, hao phí năng lực, không thể sáng tác được. Theo đó những sách kiếm hiệp chàng hiệp sĩ đọc tối ngày đều không giải quyết được gì, vì nó không phản ánh được vấn đề sát sườn đang đặt ra cho cuộc sống và thời đại của chàng.
Để có được cái nhìn tinh tế, sắc bén với cuộc đời, Cervantes đã có những năm tháng tích lũy vốn sống hết sức phong phú. Ngoài 20 tuổi đã sang nước Ý làm tập sự, rồi tham gia quân đội, trực tiếp chiến đấu, bị thương trong trận Lepanto… Đặc biệt 5 năm bị bắt giam làm nô lệ, cuộc sống ở tù khiến ông trải nghiệm được sự khốn khổ, nhục nhã của kiếp người. Cuối đời kiếm được chức nhân viên thu thuế là cơ hội cho ông tiếp xúc được với nhiều hạng người, làm cho nhãn quan nhà văn được mở rộng hơn. Vậy mà nghèo khổ vẫn cứ theo hoài, hơn nữa lại càng nợ nần chồng chất, buộc ông vào tù lần hai. Cái phẩm chất cao cả trong ông là ở hoàn cảnh nào cũng vẫn luôn giữ được thiên hướng vĩ đại của một nhà văn: không ngừng đọc, không ngừng suy ngẫm, quan sát cuộc đời, để cuối cùng nhãn quan nghệ thuật bừng lóe. Ông nhận thức ra chân lý nghệ thuật là cần phải rời bỏ quan niệm văn học của giới hiệp sĩ, ý thức được sự cần thiết phải có các thể loại văn học mới để phản ánh thực tiễn cuộc sống, biết nhìn thẳng vào hiện thực nhằm cải tạo xã hội, đáp ứng thị hiếu, tình cảm đã khác xưa. Cervantes cho rằng một tác phẩm được coi là văn chương khi nó được viết với “bút pháp điêu luyện và một trí sáng tạo tài tình khiến người đọc tưởng như chuyện thật, vậy tác giả đã dệt ra một tấm vải bằng nhiều sợi chỉ bền đẹp, và tác phẩm hoàn chỉnh nó đã đạt tới đỉnh cao của văn học tức là vừa giáo dục vừa giải trí như tôi nói ở trên” . Thể loại kịch đáp ứng rất tốt chức năng của văn chương, ở chương vị thầy tu luận về sách kiếm hiệp với thầy trò Donquixote, đã bàn rất nhiều về kịch “những vở kịch tốt sẽ đạt mục đích cao hơn vở xấu rất nhiều, không gì so sánh nổi; sau khi xem một vở kịch soạn có nghệ thuật và bố cục chặt chẽ, khán giả ra về sẽ lấy làm thích thú về những đoạn hay, học hỏi được những điều tốt, suy nghĩ về những sự việc nêu ra, trở nên tế nhị vì những lời đối thoại, hiểu biết thêm về cảnh đời đen bạc, được rèn luyện nhờ những gương tốt, biết căm ghét những thói hư tật xấu và yêu quý những phẩm chất tốt đẹp’’.
Cervantes cũng không quên để cho chàng hiệp sĩ thông thái bàn về thơ. Ở chương 16, khi gặp chàng hiệp sĩ phong nhã xứ Mancha, đã nảy sinh cuộc tranh luận về thơ. Chàng trách thời đại của chàng người ta vẫn chỉ mải nghiên cứu di sản thơ cổ của Homer, Virgil, Tibullus… mà không chịu để ý đến thơ mới. Donquixote cho: muốn có thơ hay phải được các môn khác hỗ trợ, ngược lại nó cũng làm tôn các môn này lên. Thơ có những đặc tính tuyệt vời, người nào biết xử lý sẽ biến hóa nó thành vàng nguyên chất vô giá. Phải dìu dắt nó, không để nó chạy theo những thể loại trào phúng xấu xa hoặc sonnet rẻ tiền. Những thể loại giá trị là những bài anh hùng ca, những vở bi kịch làm người đọc phải rơi lụy, những hài kịch vui nhộn và sáng tạo… Điểm đáng chú ý, thông qua luận bàn của Donquixote về thơ trong tác phẩm này, nhà văn nhấn mạnh: thơ cần được viết bằng tiếng dân tộc. Ý tưởng này tuy không mới, cũng được đa số các nhà thơ thế hệ sau tán đồng. Nhà văn Maxim Gorky luôn nhắc nhở người viết trẻ biết yêu quý và chú trọng đến văn học dân gian. Trong tiểu thuyết vĩ đại này thầy trò Donquixote đã hàng trăm lần nhắc đến những câu tục ngữ, coi đó là kho tàng minh triết khôn ngoan trong ứng xử và nó có đóng góp lớn cho sự thành công của tác phẩm. Trên văn đàn thế giới, nhiều nhà thơ được xét trao giải Nô bel bởi vì đã đổi mới và làm giàu cho tiếng nói dân tộc. Ở nước ta, các thi hào lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu… Trong những tác phẩm quan trọng nhất đều được viết bằng chữ Nôm, chữ viết của dân tộc ta thời phong kiến.
Ý kiến thứ hai, về thơ là do thiên phú hay do khổ công? Chàng thi sĩ xứ Man cha quá đề cao yếu tố bẩm sinh, thiên tài của người làm thơ. Donquixote không phản đối điều đó, chàng nói: dung hòa được hai thứ bẩm sinh và cố gắng sẽ thành nhà thơ lí tưởng. Thực tiễn đời sống văn chương đã chứng minh ý kiến xác đáng này. Đời nhà Đường, tấm gương thiên tài của Đỗ Phủ, 7 tuổi đã biết làm thơ, vậy mà suốt đời vẫn khổ công muốn “Đọc nát vạn cuốn sách, hạ bút sẽ có thần”; một Lê Quý Đôn thông minh tuyệt đỉnh, vẫn luôn cố gắng “ tay không rời sách”; với Goethe, thi hào Đức, được coi là một trong những danh nhân có chí số thông minh cao nhất, tính ham học không hề suy giảm, ông luôn tự học về triết học, khoa học tự nhiên, địa chất, kinh tế… để mở mang vốn tri thức văn chương thêm phong phú. Cuộc đời Cervantes là biểu tượng cho tình yêu thơ cháy bỏng, 21 tuổi in bài thơ đăng báo đầu tiên, về sau ông sáng tác rất nhiều thơ, không được dư luận chú ý. Không hẳn thơ ông không hay, và ngay tác phẩm Donquixote đã dẫn nhiều bài thơn biểu hiện tài năng thi ca đặc sắc của ông. Rồi đến kịch, truyện ngắn cũng có thành công nhất định, có điều với kiệt tác Donquixote đã hội tụ đầy đủ thiên tài và quan niệm văn chương của ông. Người ta có thể thưởng thức ngay những bài thơ tài hoa, những tình huống đầy kịch tính trong đó, thay phải tìm đọc thơ và kịch của ông, quả thật thiên tiểu thuyết này là bộ bách khoa thư về minh triết cuộc sống và nghệ thuật của nhà văn vĩ đại.
Muốn cho văn chương có giá trị tác phẩm phải hay. Cái hay có thể hay về nội dung, tư tưởng, hay về nghệ thuật, ngôn từ… Ở đây Cervantes quan tâm thứ văn chương phản ánh được hơi thở thời đại thay cho thứ văn chương kiếm hiệp đầy viển vông, ảo tưởng. Ngôn ngữ phải giản dị như lời ăn riếng nói của quần chúng thay cho ngôn ngữ bóng bẩy, rườm rà, sáo rỗng của loại kiếm hiệp, câu văn thiết thực, giản ước, tiến bộ, lời nói thế nào viết ra như thế. Trong lời tựa của tiểu thuyết này, tác giả viết: “Tuy nhiên anh phải viết đều tay, dùng những chữ dễ hiểu, sáng sủa, đặt đúng chỗ, sao cho câu văn đọc lên nghe êm tai, nhịp nhàng; phải nói lên được tất cả ý đồ và quan điểm của mình một cách rõ ràng minh bạch. Làm sao khi đọc sách của anh, người buồn phải bật cười, người vui thấy vui thêm, người kém cỏi không chán, người giỏi phải khâm phục, người khó tính không chê, người khôn ngoan phải khen ngợi…”. Yêu cầu cao này của tiểu thuyết mới, làm cho ông luôn trăn trở xây dựng một tác phẩm văn chương đa thanh, đa nghĩa và ông đã thành công khi xây dựng nhân vật Donquixote, ẩn chứa bên trong tính cách vừa tích cực, vừa tiêu cực, vừa bi, vừa hài, vừa thông thái, vừa ảo tưởng…
Tác phẩm văn chương còn phải hấp dẫn. Vô số lời ăn tiếng nói của nhân dân là kho báu vô tận. Tác phẩm còn vô khối chất liệu khác như tưởng tượng, hư cấu, ly kỳ, xong chất liệu hiện thực cuộc sống, là nền tảng quan trọng. Trong đoạn đối thoại với vị Cha xứ, đã hé lộ: “phải viết làm sao cho những chuyện hoang đường ăn khớp với sự suy xét của độc giả, biến những cái không thể có thành những cái có thể có, gọt giũa những chuyện quái gở để người đọc cảm thấy hồi hộp, thích thú, thán phục và thỏa mãn. Người viết không thể đạt tới những điểm nêu trên đây nếu không tìm tòi những câu chuyện có lý, giống như thật, những yếu tố mang lại sự hoàn thiện hoàn mỹ cho tác phẩm của mình”.
Muốn làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm, nhà văn phải có tài. Cái tài của nhà văn không chỉ tồn tại riêng rẽ, nó gắn kết với vô khối các yếu tố khác như ham đọc, ham viết, đi nhiều, từng trải việc đời. Vốn tri thức, vốn sống càng phong phú, nhà văn càng có cơ hội xây dựng được phong cách nghệ thuật độc đáo cho mình. Người xưa còn nói văn chương ghen với kẻ hanh thông, nhà văn có cùng khó thì văn mới hay. Cuộc đời của văn hào Cervantes, có nhiều nét tương đồng với cuộc đời chàng hiệp sĩ Donquixote, đầy vất vả, tủi nhục, trải bao công việc, với bao dự định mà không thành công; đã thử nghiệm viết nhiều thể loại cũng không được thành công như mong đợi. Học giả Nguyễn Hiến Lê nói đọc nhiều sẽ hình thành nên bút pháp. Với tư cách là một nhà văn, đối với Cervantes, không chỉ đọc nhiều, chính cuộc đời chìm nổi, đa chuân, giở khóc giở cười của ông cũng góp phần hình thành giọng điệu và bút pháp riêng. Đây cũng là mong mỏi của ông đối với thành công của tác phẩm văn chương thuộc thể loại tiểu thuyết- được ví như công trình nghệ thuật dài hơi, nếu chỉ diễn đạt một giọng đều đều sẽ rất mau chán. Tiểu thuyết cần được viết với bút pháp đa thanh, đa giọng. Trong tác phẩm người đọc có thể nhận thấy giọng điệu thay đổi: đương ảm đạm đổi ra êm ái, đương bông lơn đổi ra nghiêm khắc. Kho minh triết cho người thích suy ngẫm; một bức tranh vẽ cho người thích chiêm nghiệm nhân tình thế thái; thú mua vui cho người thích hài hước; niềm an ủi cho người thích ưu tư… Quan trọng hơn hết theo nhà văn nó phải thực hiện được sứ mệnh cao cả là cứu khó, phò nguy, đồng thời hoàn thiện được chức năng giải trí, mà ai đọc cũng thích.