Truyện ngắn của Triệu Hoàng Giang
Dưới lớp sương mù ảm đạm và ẩm ướt, rừng Tà Han như một đụm mối khổng lồ, xanh ngắt. Ở đó có những gốc nghiến to một cách lạ thường. Bao nhiêu năm nay khu rừng này được dân bản So Luông coi là rừng cấm, nơi để thờ cúng thần rừng, thần núi phù hộ người Dao bình yên. Mối ở trong đó to bằng ngón tay trẻ em, đầu chúng đen bóng, thân béo trắng như da con gái miền So Luồng. Ấy thế mà người So Luồng không coi đó là chuyện lạ chẳng bao giờ kể chuyện về chúng, còn cho đó là điều bình thường, đến cả khi đi chợ phiên ngồi uống rượu cũng chẳng có lời nào nói đến mối…
Mẹ bảo, Pú là mối.
Pú mười sáu tuổi, to khỏe nhất bản. Pú béo trắng như một con mối. Mẹ kể, bà trở dạ gần rừng Tà Han. Hôm ấy, đang đi lấy củi thì đau bụng, bà tựa lưng vào một mô đất để nghỉ ngơi, ai ngờ cơn đau càng dữ dội. Đúng lúc Pú ra đời thì mô đất sụp xuống. Pú rơi vào một tổ mối to đùng, đến khi người nhà tìm đến thì những con mối đã bám đầy người, mẹ vẫn theo bản năng một tay gạt những con mối ra, một tay hướng về rừng Tà Han vẫy, sức chẳng đủ để gọi người nữa.
Hồi mới mười lăm tuổi, khi những thằng trai So Luồng bắt đầu lác đác bỏ học để dắt trâu vào rừng kéo gỗ thì Pú đã được ngồi cùng những người thợ xẻ uống rượu rồi. Pú lớn nhanh, lớn trước tuổi, uống rượu trước khi biết đi tìm bạn gái nói chuyện về ở cùng nhà. Pú khỏe, cái sức của thằng trai đang lớn chẳng ngại việc nặng gì, những khúc gỗ lớn, những chuyến mở đường kéo gỗ vượt đồi chẳng lấy được mấy phần sức. Con trâu của Pú cũng to nhất So Luồng này, những khối gỗ to nhất, ở xa nhất đều có phần nó kéo về cửa rừng. Bao giờ công của Pú cũng được chấm cao nhất. Mười sáu tuổi, ở So Luồng này Pú đã được coi là thằng đàn ông trong bản. Uống rượu không bị người lớn cản, nói chuyện to cũng có người nghe đến. Có điều lạ, dù làm việc nặng nhọc thế nào, suốt ngày cởi trần vác gỗ mà Pú vẫn trắng hồng. Con gái So Luồng nhìn thấy còn phải thả tay áo che da mình lại.
Nhưng rồi cũng đến lúc rừng ở So Luồng chẳng còn cây lớn, càng ngày những chuyến đi rừng của đàn ông trong bản càng kéo dài, cả bản chỉ có đàn bà ở nhà quanh những thửa ruộng cằn. Tiền người xuôi mang lên mỗi lần nhiều lắm, nhiều và xanh như lá nghiến. Cứ vậy, rừng ở So Luồng tưởng chừng không hết cũng có lúc nhìn mỏi mắt mà chẳng có nổi một cây vừa người ôm. Rồi đến lúc phải đi rừng xa, vào chặt cây ở những khu rừng cấm, rừng hủi thì cũng là lúc những người đi rừng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện bỏ. Cũng phải thôi, một khúc gỗ vẫn giá đấy nhưng mất đến hai ngày mới ra đến cửa rừng. Người mỏi tay, trâu mỏi chân, gỗ cũng dần đi về xuôi theo những chuyến xe không người bản nào biết nơi đến. Nhưng làm sao đây, ở So Luồng không làm gỗ, không vào rừng thì lấy tiền đâu mà đến chợ phiên nói chuyện to chuyện bé với người khác. Bao nhiêu năm nay, đàn ông ở So Luồng đều ở rừng nhiều hơn ở nhà, cùng trong rừng, cùng xẻ gỗ, cùng uống rượu rồi. Cái tay quen với cái rìu, cái cưa liệu có thể cầm nổi cái cày không?
Nhưng đến khi những con mắt thèm thuồng nhìn vào khu rừng Tà Han thì cũng là lúc những người kiểm lâm đến từng nhà nói với người So Luồng:
– Từ bây giờ cấm cửa rừng, các hộ dân trong So Luồng được khoanh rừng để bảo vệ. Mọi hoạt động khai thác gỗ trái phép sẽ bị xử lý.
Lời Kiểm lâm lan đi khắp các nhà ở So Luồng, chẳng ai nghe hiểu hết nhưng cũng đủ biết rằng những chuyến đi rừng của đàn ông sẽ không còn. Đàn ông So Luồng cuối cũng có có lý do ra khỏi rừng. Thêm mấy tháng sau, súng săn được vận động đi nộp cho xã thì cũng là lúc các cai gỗ không đến uống rượu bàn chuyện tìm cách chặt những cây to ở rừng Tà Han nữa. Cưa mang về cất kỹ, thi thoảng có củi to thì mang ra dùng, những cái rìu cũng im ỉm trong góc buồng với hi vọng sẽ có ngày dùng lại. Bây giờ, đàn ông So Luồng chỉ ngồi ở nhà uống rượu cùng nhau, nói những câu chuyện rừng chắng có, đầu cuối. Giờ đây họ mới nhận ra, bao nhiêu năm ở rừng chặt đủ loại cây to, cây cứng mà ngôi nhà của mình chẳng có nổi cái cột bằng gỗ tốt…
Pú ở nhà hình như bây giờ lại trở thành một thằng trai trẻ. Pú khỏe, nhưng cái khỏe ấy chỉ khi làm gỗ thôi. Đến con trâu kéo gỗ khỏe như thế mà đến lúc cày ruộng cũng chỉ biết cắm đầu đi, chẳng biết theo luống, chẳng biết dừng khi chạm bờ ruộng. Có trâu khỏe đấy, có người khỏe đấy nhưng vụ lúa nào Pú cũng phải thịt gà, nấu rượu nhờ người ta về giúp. Nhưng cái uống rượu khỏe Pú vẫn giữ được như ngày ở rừng, ở bản có việc gì cũng đến trước hai hôm, nhà nào có rượu ngon cũng biết đầu tiên.
– Thằng Pú, mày tìm việc gì làm đi, suột ngày uống rượu thế à.
Đó là lần đầu tiên bố đã nói lời nặng khi Pú đang gật gù bên chai rượu. Lời ấy chẳng vào tai đâu, nếu không Pú đã chẳng rút tờ tiền cuối cùng trong túi nhờ thằng bé đi mua thêm một chai.
Pú là mối, một con mối cứng đầu.
Chẳng biết từ lúc nào nó đã bị người trong bản gọi là Pú “say”. Rồi đến khi lũ trẻ con bị dọa,
– Không ăn cơm thì mang cho Pú say nuôi nhé.
Đó cũng là khi So Luồng chẳng còn ai muốn ngồi uống rượu, nói chuyện đi rừng với Pú nữa. Mấy năm nay người ta bàn chuyện làm cách nào để có thửa ruộng tốt, để vụ sau lúa sau được đầy nhà. Rồi đến cả chuyện đi làm ở công ty này, công ty kia để có tiền. Họ có hai vợ chồng, nói chuyện với nhau cả ngày cũng đủ rồi.
– Tôi là người thừa ở So Luồng này!
Lời ấy cả So Luồng đều nghe thấy. Cũng phải thôi, một thằng đàn ông đi đâu cũng chẳng ai hỏi đến, làm gì chạm vào nương người khác cũng chẳng ai thèm chửi một câu. Chi mong nó đừng hỏi chuyện với mình là thành người thừa rồi.
– Nó là Pú “say” đấy!
Đó là câu duy nhất mà người So Luồng nói khi có người lạ nhìn thấy một thằng trai còn trẻ chân đi vắt chéo, tay run run cầm chai rượu uống dở, ai gặp cũng tránh xa. Chỉ hai từ ấy đã đủ người lạ biết hết rồi về nó rồi.
– Con mối cứng đầu của rừng Tà Han.
Người So Luồng truyền tai nhau khi nhìn thấy Pú mỗi lần say rượu là lại tìm đến rừng Tà Han. Họ còn kể với nhau, Pú là con mối chúa, mỗi lần say đều vào đó chỉ đường cho đàn mối đi khắp các ngả rừng gặm những gốc cây to nhất chỉ để nhìn cây đổ khi có gió lớn…
Lời đồn ấy sẽ còn mãi nếu không có một ngày.
Hôm ấy, khi Pú đang nằm trong rừng Tà Han nghe những tiếng kẹt kẹt gặm cành cây của đàn mối. Ở phía cửa rừng có tiếng kêu cứu, ai lại vào rừng cấm thế này. Pú tìm quanh, một cô gái trẻ đẹp đang đứng dưới hố vẫy tay kêu cứu
– Sao cô lại vào rừng cấm.
– Dạ em đi lạc anh ơi.
– Cô ngồi nguyên đấy, tôi đi gọi trưởng bản.
– Nhưng kéo em lên đã, mối chui hết vào người em rồi.
Khi kéo cô gái Pú mới thấy sức mình mất đi đâu hết, chỉ có kéo một người lên mà nó thở như vần mấy khúc gỗ to.
– Thấy người So Luồng bảo anh là con mối của rừng Tà Han, chuyện gì anh cũng biết nên tôi tìm anh nói chuyện.
– Người trong bản nói về tôi như thế sao?
– Vâng.
– Họ còn nói gì nữa.
– Họ bảo chỉ có anh mới được thần cho vào rừng cấm hằng ngày.
– Sao họ lại nói thế nhỉ?
Thực ra, tôi và cả những người đàn ông ở So Luồng đều là những con mối. Chúng tôi từng ngày gặm nhấm những gốc khu rừng của vùng này. Bao nhiêu năm nay, những cây to nhất đều bị chặt, những đồng tiền từ gỗ đã nuôi những người già, người trẻ nhưng cũng khiến chúng tôi phụ thuộc vào đó. Không biết nói chuyện khác, không biết làm việc khác, chỉ ngày ngày chặt đi những gốc cây to nhất, đẹp nhất. Chỉ khi uống rượu chúng tôi mới trở thành những con người biết nói chuyện làm ăn. Ngày ngày cặm cụi gặm nhấm những gì tốt nhất của rừng. Để rồi bây giờ không còn rừng nữa, chúng tôi chẳng còn biết làm gì.
– Nhưng các anh đã giữ được cánh rừng Tà Han này mà.
– May mắn thôi, nếu không cấm, có lẽ chúng tôi cũng chẳng còn biết sợ thần rừng ở Tà Han nữa.
– Nhưng mối cũng có nhiều lợi ích cho rừng lắm.
– Tôi biết, rừng Tà Han có nhiều cây to là nhờ những con mối ngày ngày cày đất cho khu rừng. Và cũng nhờ có rừng Tà Han, những con mối ở đây to hơn ở nơi khác. Nhưng bao đời nay, người ta vẫn nói rằng mối gặm đổ rất nhiều cây to ở vùng này rồi.
– Anh nói chuyện hay quá?
– Cô thấy như thế à? Thế mà chẳng ai ở So Luồng muốn nói chuyện với tôi đâu.
– Không đâu, anh biết rất nhiều chuyện. Ở bản người ta bảo anh là con mối chúa.
– Chắc tại tôi cứng đầu không chịu thay đổi.
– Cũng có thể anh là người giữ được nhiều tình cảm với rừng nhất đấy.
– Không biết nữa, nhưng tôi cũng phá rừng khỏe nhất, ăn của rừng nhiều nhất nữa.
Không biết họ đã nói chuyện bao lâu nhưng hôm nay trong rừng Tà Han có cô gái trẻ, một thằng trai trẻ thì thầm nhưng câu chuyện về rừng như những con mối gặm cành khô. Lời nói qua, nói lại dường như kể đủ chuyện về rừng Tà Han, về những vị thần rừng đã bị đàn ông So Luồng cướp đi nơi trú ngụ phải chạy vào khu rừng cấm này. Pú còn bảo, mỗi lần say rượu, anh đều bị kéo vào đây để nghe được tiếng thì thầm trách của thần rừng. Bao nhiêu năm rồi, Pú vẫn cố gắng nghe những lời thì thầm ấy, có nhiều lúc anh cũng muốn nói lại cho người So Luồng nhưng chẳng ai còn nghe anh nói chuyện nữa. Pú vẫn say, vẫn ngày ngày vào khu rừng Tà Han áp mặt vào đất nghe tiếng mối
– Hẹn gặp lại anh nhé. Anh Pú đã lần nào thử không uống rượu mà vào rừng cấm vẫn nghe được lời thì thầm của thần rừng chưa?
Lần đầu tiên Pú nhìn một người lâu đến thế. Pú muốn hỏi tên cô ấy chẳng kịp nữa. Cô gái chẳng ngoảnh mặt lại cho Pú một cơ hội hỏi thêm chuyện. Làn sương mỏng dường như ngày càng tập trung lại che đi tầm mắt của anh. Bỗng nhiên gió nhẹ khẽ len qua những chùm rễ tạo nên tiếng thì thầm như tiếng người đang nói chuyện. Pú nhận ra những âm thanh quen thuộc sau mỗi lần anh say rượu trong rừng Tà Han. Anh bừng tỉnh:
– Sao cô gái lại đi vào khu rừng cấm nhỉ? Hình như con gái không thể vào được đó mà.
Pú giơ tay mình lên, làn trắng như da con gái của anh vẫn vậy nhưng nhợt nhat và tay gầy, run run. Anh định vẫy tay nhưng cái miệng ú ớ chẳng nói được thành tiếng. Pú định chạy theo vào rừng Tà Han nhưng dường như có ngọn gió thổi ngược anh ra khỏi khu rừng.
Pú thấy đói, giờ đây chỉ thấy thèm một bát cơm trắng, không có rượu…
– Thằng mối chúa đi rừng Tà Han về kìa!
– Tao không phải, làm gì có con mối nào phá rừng, với lại Mối chúa phải là con gái chứ.
Đi qua những nếp nhà của So Luồng, Pú gật đầu chào từng người trong bản. Hình như lâu lắm anh mới nhìn rõ khuôn mặt của từng người. Hôm nay bố mới thấy Pú đi thẳng chân vào nhà. Hình như anh còn cười nhìn ông…
Ngày ngày, người So Luồng vẫn kể: ở rừng Tà Han có những con mối to bằng ngón tay trẻ em, đầu chúng cứng và đen bóng, hai chiếc răng ngày ngày cặm cụi cày xới đất, những chùm rễ gặp đất tơi cứ vươn dài, vươn dài mãi.