(Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Đỗ Đức Hiểu)
Tôi dám tin chắc rằng, trên trái đất này, không một nơi nào có được mối lương duyên như tình thầy trò ở Việt Nam. Có những thầy chỉ dạy ta một vài buổi, một chuyên đề, hoặc dạy thay vài tiết, thậm chí có thầy không dạy giờ nào, nhưng vì thầy ở trong khoa, nên suốt đời chúng ta nhớ mãi.
Hồi mới vào học ở Trường, người thầy đầu tiên tôi sợ nhất là Thầy Đỗ Đức Hiểu, khi đó là phó Chú nhiệm khoa Văn. Nếu đường ngay, mực thẳng đàng hoàng thì chẳng có việc gì tôi phải sợ, nhưng vì mấy bạn trong lớp, trong đó có tôi, được coi là đầu têu gây ra chuyện luận tội lớp trưởng, nên bị triệu lên gặp Ban Chủ nhiệm Khoa.
Trước đó một thời gian, tôi có lên văn phòng khoa để xin phép nghỉ học, nhưng đúng lúc đó, Thầy Hoàng Xuân Nhị, Chủ nhiệm Khoa đến, nên thầy Đỗ Đức Hiểu chẳng kịp nhớ mặt tôi. Lần này, nghĩ đến việc lên gặp trực diện Thầy Đỗ Đức Hiểu, một thành viên trong nhóm Lê Quý Đôn tham gia dịch tiểu thuyết «Những người khốn khổ» lừng danh của Victor Hugo để xưng tội, là tôi tim đập, chân run.
Hôm nhóm Trần Quang Tửu lên gặp Thầy Hiểu để tự kiểm điểm, tôi không có mặt. Khi về phòng, Tửu cao giọng tường thuật bằng cách diễn lại giọng hiền từ, chậm rãi của Thầy: «Các anh các chị yêu nhau, kẻ dọa cho nhau ăn bùn, kẻ dọa cho nhau ăn gạch. Các anh các chị định phá trường hay sao». Cả lũ há hốc mồm nghe tội đồ Trần Quang Tửu vừa thụ án về cười nói hay ho, khoái trá vì thoát nạn, nhưng chẳng ăn nhập gì với tội trạng của bản thân mình. Còn tôi, nghe xong, tạm nhủ mình rằng, chắc là mình lên, Thầy cũng chỉ đe nẹt, bắt khai báo thành khẩn và làm bản tự cung khai là cùng.
Huy động toàn bộ dũng khí, tôi lên tầng hai văn phòng Khoa gặp Thầy Hiểu. Thầy đang ghé cặp kính trắng dày, gần như sát trang sách, ngẩng đầu lên, khi tôi gõ cửa, nhìn tôi rồi hỏi: «Anh tìm tôi có việc gì? ». Tôi lí nhí nói cho Thầy biết là, văn phòng báo lên gặp Thầy để kiểm điểm chuyện xảy ra ở lớp Văn 2. Thầy gỡ kính ra lau và cười, hóa ra anh trong nhóm tham gia vụ này à?». Rồi Thầy chẳng đả động gì về cái gọi là sự vụ, biến cố nữa, mà hỏi han quê quán của tôi, cuộc sống sinh viên trong ký túc xá. Tôi thở phào trút hết mọi lo âu và ngồi lại với Thầy chừng mười lăm phút. Nhìn khuôn mặt hiền từ, nhưng nghiêm khắc, mái tóc thưa không có sợi bạc nào, làn da mai mái vì chắc làm việc nhiều về đêm, tôi nghĩ công việc quản lý không phải là của Thầy, vị trí của Thầy nên chỉ là trên bục giảng, trong thư viện.
Những người như Thầy Đỗ Đức Hiểu sinh ra là để nghiên cứu, để viết sách, để sáng tạo nên cho đời những sản phẩm trí thức, không phải để mất thời gian vào những sự vụ, họp hành, biểu quyết, đập ghế, đập bàn và những việc trời ơi, đất hỡi.
Tôi chào ra về, và tôi tin chắc rằng, Thầy chẳng còn chú ý gì đến mục đích tôi lên để Thầy luận tội nữa. Đến nhà, cả nhóm nhao nhao hỏi về cơ sự, tôi nói đùa là Thầy Hiểu chuẩn bị đày mình đi Côn Đảo, mọi người đoán già đoán non, khẳng định với nhau rằng, tôi bị cắt suất sinh viên tiên tiến cuối năm là cái chắc.
Ngay sau buổi đó, tôi đến nhà anh Lê Kỳ ở gác xép C2 , anh đi bộ đội về, học sau tôi một năm, có tập «Coesette» của Victor Hugo loại «Tủ sách dùng trong nhà trường» mượn về đọc. Tôi đọc một mạch và bày tỏ lòng kính trọng những dịch giả tiền bối ngay từ giữa thế kỷ trước đã đem đến cho độc giả Việt Nam bản dịch tuyệt vời quyển bộ tiểu thuyết bất tử «Những người khốn khổ», trong đó có Thầy Đỗ Đức Hiểu của tôi.
Cũng như Thầy Đinh Gia Khánh, Thầy Hoàng Như Mai, xuất phát điểm, Thầy Đỗ Đức Hiểu học xong tú tài và thi vào Đại học Luật. Sau cách mạng tháng Tám, Thầy chuyển sang dạy môn văn lần lượt cho các trường phổ thông cấp ba. Hòa bình lập lại, Thầy làm ở Ban tu thư của Bộ Đại học, chuyên biên soạn sách giáo khoa cho học sinh các lớp cuối cấp. Cuối những năm năm mươi, Thầy chuyển sang giảng dạy ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được đào tạo một cách bài bản và hệ thống, Thầy tinh thông tiếng Pháp và tiếng Anh, nắm vững tiếng Hán, các ngôn ngữ chủ đạo đó sẽ trở thành công cụ đắc lực để về sau Thầy có thể giảng dạy văn học phương Tây từ Shakespeare, hay Rabelais, hoặc các tác gia khác của văn học cổ điển Pháp. Thậm chí sau này, có một thời gian, Thầy chuyển sang nghiên cứu và viết về lý luận văn học, phê bình các sáng tác của Sóng Hồng và Thơ Hồ Chí Minh.
Tôi học Thầy hai lần, một lần học Văn học cổ điển Pháp và một lần học chuyên đề chủ nghĩa Hiện sinh phương Tây.
Thầy giảng nhỏ nhẹ, từ tốn từ cách viết lên bảng, đến mở trang sách đọc trích đoạn tác phẩm. Phong thái của Thầy giống như thầy giáo làng dạy tôi hồi còn bé, điềm đạm, nghiêm nghị và mực thước. Sự mô phạm và chuẩn mực của Thầy nó toát ra trong mọi động tác và cách nghĩ suy. Thầy coi chúng tôi, những sinh viên, như những đứa trẻ, không hề nặng lời, không cáu gắt, không đại ngôn hay cao giọng, lúc nào cũng ân cần, lắng nghe chăm chú.
Có những ứng xử của Thầy tưởng như bình thường, nhưng thực sự nó được đào luyện bài bản, được thấm sâu bởi một phương pháp giáo dục đầy tính nhân văn trước đó. Tôi còn giữ ba cuốn sách Thầy tặng khi nhóm văn học Nga cùng sinh hoạt chung với tổ bộ môn văn học Phương Tây. Trên trang đầu quyển nào Thầy cũng nắn nót viết hai chữ: Kính tặng, đề tên tuổi, ngày tháng và cuối cùng Thầy ký đủ họ tên. Nhìn những dòng chữ đó, những người dù nhỏ bé như tôi cũng cảm thấy mình được quý mến và trân trọng, và tôi đã học được ở Thầy một cách sâu sắc bài học về kỹ năng sư phạm Trong các cuộc họp, Thầy luôn ngồi hàng đầu, bình thản trước các cử tọa hùng hồn tràng giang đại hải, Thầy ít khi biểu lộ sự đồng tình hay phản đối, không phải là sự bàng quan, mà là sự thấu hiểu biểu đạt bằng cách im lặng.
Trước khi anh Trần Hinh đảm nhận việc phát lương cho các thầy ở nhóm văn học Phương Tây, tôi đã đến nhà Thầy hai lần. Nhà Thầy ở cách trường Phổ thông cơ sở Trưng vương trên phố Hàng Bài một bức tường. Hai lần đến, tôi đều gặp Thầy ngồi làm việc trước chiếc bàn viết kê bên cửa sổ. Thầy không hồ hởi, vồ vập, nhưng có vẻ vui hẳn lên khi tôi đến. Thầy chỉ hỏi đơn giản là, em có uống trà không, thì tôi pha; sợ làm phiền Thầy, tôi trả lời, em không khát. Tôi ngồi trên chiếc ghế cũ dựa vào tường vừa nói chuyện, vừa quan sát căn phòng hơi thiếu ánh sáng và không sung túc như tôi thường nghĩ trước đó. Thậm chí trong nhà Thầy không có gì nói lên sự đủ đầy, mà thậm chí là quá thanh bần nữa. Tôi cảm thấy trong giọng Thầy dường như luôn phảng phất một điều gì khó tả, thậm chí khi Thầy vui cũng toát lên một nụ cười buồn sau cặp kính trắng, cứ như có một niềm ưu tư trĩu nặng trong tim. Lý do vì sao tôi không biết, mà cũng không bỏ công tìm hiểu, tôi chỉ biết đứng trước Thầy như đứng trước một kho tàng chữ nghĩa.
Ở các trường Đại học, mỗi thầy giáo suốt đời thường chỉ đảm nhận nghiên cứu, giảng dạy một mảng chuyên môn riêng, thường ít khi sang sân hay chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Nhưng điểm lại các công trình phong phú và đổ sộ của Thầy Đỗ Đức Hiểu, mới biết rằng tầm bao quát của Thầy rộng khắp từ Văn học Phương Tây cổ điển, văn học công xã Paris, viết về Bakhchin, nghiên cứu kịch nói, dịch thơ, viết từ điển văn học, chủ biên lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử văn học phương Tây, và hàng loạt bài viết về thơ Việt Nam cổ điển, cũng như những tác phẩm văn học trước cách mạng 1945. Trong quá trình viết luận án, tôi nhận về chủ đề thi pháp, tìm đọc những bài nghiên cứu của Thầy về lĩnh vực này, tôi càng khâm phục sự hạy bén của Thầy đối với tinh thần đổi mới của lý luận phương Tây.
Bề ngoài, trông Thầy mảnh mai, gầy yếu, nhưng trong trái tim Thầy luôn mang một năng lượng mãnh liệt, luôn say mê sáng tạo, âm thầm đi tới đích. Trong truyện ngắn «Ông đầu bếp già» của nhà văn Xô Viết nổi tiếng Konxtantin Gheorghievits Pauxtovxki có chi tiết khi người rửa tội, được miêu tả là nhạc sĩ Moza, hỏi ông đầu bếp già là, ông có tội gì? Ông đầu bếp già trả lời một cách giản dị: «Suốt đời tôi lao động, nên tôi không có thời gian phạm tội ác». Cũng một cách nghĩ khác đi, một người suốt cuộc đời lao động như Thầy Hiểu, Thầy không có thì giờ để dành cho chuyện sinh kế hay mọi thứ phù phiếm ở đời. Hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài khảo cứu của Thầy là kết quả của một đời làm việc, vắt đến kiệt sức mình, không hề vì danh lợi. Thầy đứng bên ngoài mọi sự đua chen, tranh giành, bầu bán, Thầy chỉ mang trên mình cây thánh giá thiêng liêng là sự nghiệp giáo dục của mình.
Hình như tôi chưa thấy Thầy mang một bộ comle hay một bộ phục trang mới bao giờ, mọi thứ đều có vẻ cũ kỹ, sơ sài, nhưng thực ra, Thầy luôn như một người đi tiên phong trong sự đổi mới, cách tân không chỉ trong nghiên cứu, sáng tác mà trong quan niệm sống. Tôi có thói quen ngồi đọc và dịch tài liệu tham khảo ở nhà, khi nào bí chữ gì, tôi lại lần sang Thầy Phan Ngọc bên phòng tư liệu nhờ giải thích hộ. Có lần tôi sang, gặp Thầy Khỏa đang ngồi ở đó, Thầy cười bảo: «Chú lười, chỉ chăm chăm lợi dụng ông Nhữ Thành. Tôi thì cứ tra từ điển, đến bao giờ đầu hàng, tôi mới vác sách đến Bà Sâm, Ông Hiểu để hỏi. Về mà tra từ điển đi!». Thầy Khỏa là người ít nể phục ai, nhưng luôn quý trọng và coi Thầy Hiểu như một bộ từ điển sống.
***
Tôi có đến thăm Thầy Đỗ Đức Hiểu một lần nữa trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cuối tháng 8 năm 1982, vào một buổi chiều muộn, khi tôi đang ngồi uống trà ở một quán cóc góc sân vận động Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, thì một chiếc xe ca Hải Âu đỗ xịch ngay bên cạnh. Mấy chục sinh viên nói tiếng miền Nam lục tục xuống xe xách theo va li, tôi biết đây là du học sinh chuẩn bị đi học nước ngoài. Lúc đó, có một nữ sinh trong nhóm tiến đến hỏi tôi: «Chú ơi, con xin hỏi là Trường Đại học Tổng hợp có gần đây không?». Nghe tôi trả lời, cô bé bảo là bác của con là giáo sư làm việc tại Văn khoa. Cô bé nói tên Thầy Đỗ Đức Hiểu, và có nguyện vọng gặp được bác, vì sáng mai cô ra sân bay sang Liên Xô. Ngần ngừ một lát, tôi nhận lời và hẹn chín giờ, sau khi các cháu nhận phòng nghỉ đêm, tôi sẽ đến xin phép đoàn trưởng và đưa cháu đến gặp Thầy Hiểu. Đúng 9 giờ, tôi đến gặp đoàn trưởng, xin phép cho cháu Vân, quê Đà Lạt ra trung tâm gặp bác ruột và sẽ trở về trước 11 giờ đêm. Trưởng đoàn kiên quyết không cho, tôi phải nhờ anh trưởng Ký túc xá xin giúp và giữ lời hứa về đúng giờ và đảm bảo an toàn.
Khi đó chưa có xe máy, tôi đèo cháu, đạp xe rất nhanh ra Hàng Bài. Trên đường, cháu cho biết ba cháu là em ruột Thầy Hiểu, nhưng bao nhiêu năm, hai anh em chưa gặp nhau, còn cháu cũng lần đầu tiên ra Hà Nội. Chừng hơn 9 giờ 30, tôi mới đến nhà Thầy.
Thầy ngạc nhiên lúc tôi gõ cửa, nhưng khi biết lý do, Thầy mở rộng cửa cho chúng tôi vào. Thầy lắng nghe cháu giới thiệu, và vẻ xúc động hiện lên trên đôi mắt đeo cặp kính trắng rất dày. Còn cô Tâm, vợ Thầy, sau khi cháu chào xong, cô lẳng lặng vào nhà trong.
Tôi lấy cớ ra ngoài trông xe để cho hai bác cháu nói chuyện. Chừng 15 phút sau, Thầy tiễn cháu ra cổng để cháu về cho đúng hẹn.
Vì đang còn thời gian, cháu muốn được đi qua lăng Bác, tôi tranh thủ cho cháu ghé qua dừng lại một lát trước Hội trường Ba Đình. Suốt chuyến trở về, hai chú cháu im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhạu, khi chia tay, Tâm cảm ơn tôi và bảo «Con thương bác Hiểu quá».
***
Đối với Thầy Hiểu, Cô Đặng Thị Hạnh, Cô Lê Hồng Sâm, tôi không được gần gũi và tiếp xúc nhiều như các anh Trần Hinh, Cao Vũ Trân, Phan Quý Bích trong nhóm văn học Phương Tây, nhưng trong suốt những năm tháng ở Matxcơva, mỗi lần thư đi, từ về với mọi người, tôi đều hỏi thăm các thầy và nắm được các tin tức của tổ, của Khoa.
Mặc dù ở xa, nhưng tôi vẫn nhờ mua được quyển «Điển tích văn học» xuất bản năm 2000 và tìm đọc những bài viết mới nhất của Thầy như : «Đổi mới phê bình văn học» (1994), «Đổi mới đọc và bình văn» (1999), «Thi pháp hiện đại – Một số vấn đề lý luận và ứng dụng» (2012) và một số bài viết về Thầy của Giáo sư Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân…
Tôi còn nhớ, trước Tết năm 2007, Thầy Lịch viết thư sang Matxcơva cho tôi là «Bà Hạnh sắp tới sẽ gửi thuốc cho con trai ông Hiểu, chú nhận và chuyển tận tay nhé». Mấy hôm sau, có một người từ trong nước sang chuyển cho tôi một gói thuốc bắc khoảng gần một kg, bên trong có thư của cô Đặng Thị Hạnh, bảo tôi chuyển gói thuốc cho anh Nhật, cô có ghi cả số điện thoại.
Tôi gọi điện và hẹn anh Nhật đến nhà tôi. Hồi ở Hà Nội, tôi đã nghe loáng thoáng tên anh ấy, nhưng chưa có dịp gặp gỡ. Kể cả anh không giới thiệu, khi gặp nhau, tôi lập tức nhận ra anh, vì rất giống Thầy Hiểu, cũng cặp kính cận rất nặng, cũng dáng xương xương gầy gò và có phần khắc khổ.
Anh cho hay là anh không được khỏe, bị bệnh tim mãn tính. Cuộc sống gia đình anh cũng gặp nhiều trắc trở. Nghề kiếm sống chủ yếu của anh là đi dạy thêm, gia sư môn Toán cho một số gia đình người Việt, thu nhập rất bấp bênh, nên cũng không có điều kiện giúp đỡ được Thầy nhiều. Mặc dù nước Nga là xứ sở của vodka nổi tiếng, dân Nga uống rượu như dân ta uống nước giải khát, nhưng ngoài phố hễ ai uống rượu say bí tỉ, nằm ngay vỉa hè, thì chỉ có mỗi cảnh sát là quan tâm, còn dân thì không ai ngó ngàng tới. Vì thế, có nhiều người bị trúng gió, đột quỵ, người Nga lại cứ nghĩ là dân sâu rượu, bỏ mặc kệ, nên nhiều khi xẩy ra những tình huống đáng tiếc.
Trường hợp anh Nhật cũng như vậy, anh kể có một lần, buổi tối đi dạy về, bị cơn đau đột ngột, anh khụy xuống, bọn bụi đời tưởng anh bị say rượu, nên tranh thủ móc hết giấy tờ và tiền bạc. Vì vậy, trong túi anh luôn có một mảnh giấy, in một dòng chữ to tướng ép plastic: «Tôi không phải là người say rượu. Tôi bị đau tim. Làm ơn đưa tôi đến bệnh viện».
Sau lần gặp nhau, mấy lần tôi và anh Nhật có trao đổi qua điện thoại dăm ba câu chuyện về sức khỏe, về thời tiết, về tình hình người Việt ở Nga. Anh Nguyễn Lam Giang con Thầy Nguyễn Trường Lịch, hiện sống ở Matxcơva, biết rất rõ hoàn cảnh của anh, có điều gì, Lam Giang đều kể cho tôi hết.
Cách đây hai năm, khi tôi đang bị ốm nằm viện, thì nghe tin anh mất tại Matxcova.
Ra Tết năm 2003, tôi nhận được thư của Thầy Lịch, ngoài mấy dòng thăm hỏi ngắn ngủi như thường lệ, Thầy viết thêm vào cuối thư: «Cụ Hiểu vừa đi hôm 27/2 vừa rồi. Mấy năm cuối, cụ được một sinh viên lớp của chú phụng dưỡng. Thế là tổ phương Tây chỉ còn được mấy người, cũng yếu hết rồi chú ạ!».
Đúng là ngoảnh đi, ngoảnh lại, khu rừng ngày xưa trùng điệp là thế, nay đã vắng đi bao nhiêu cây đại thụ, nhiều bậc thầy chúng ta hằng ngưỡng vọng đã rời dần cõi tạm. Nhưng trong trái tim của nhiều thế hệ sinh viên, hình bóng các thầy vẫn còn mãi trong những trang sách và lòng nhân ái lặng lẽ để lại cho đời.
Nguyễn Huy Hoàng
Rút từ tập ký “Trăm năm cũng từ đây”, NXB Văn học 2022