Lễ kỉ niệm và hiến tặng tập sách nhân 90 năm ngày sinh nhà thơ nổi tiếng Hàn Quốc, Ko Un đã diễn ra tại Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi vào ngày 26 tháng 7 năm 2023. Hơn 200 nhà thơ, nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà văn hóa lớn của Hàn Quốc và nước ngoài đã đến dự chúc mừng nhà thơ.
Nhân dịp này các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Hàn Quốc và nước ngoài đã gửi tác phẩm đến chúc mừng nhà thơ Ko Un, và Ủy ban xuất bản tác phẩm văn học đã tập hợp tuyển chọn thành “Tuyển tập hiến tặng Ko Un tiên sinh 90 tuổi”, với đầu đề là “Anh ấy ở bên kia nỗi nhớ “. Tuyển tập dày 440 trang gồm bài viết của hơn 200 tác giả Hàn Quốc và thế giới.
Rất vui là trong số đó có 3 tác giả Việt Nam đã được vinh dự đăng bài viết vào tuyển tập “Hiến tặng” này. Đó là thơ của nhà thơ, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, thơ của dịch giả Lê Đăng Hoan và chân dung gò đồng nhà thơ Ko Un của nhà thơ – họa sĩ Phạm Xuân Trường (Hải Phòng).
Nhân dịp nhà thơ Ko Un 90 tuổi, chúng tôi xin gửi đến Ông lời chúc mừng chân thành nhất, và mong rằng sẽ có dịp lại được đón Ông và phu nhân, bà Lee Sang-hwa sang thăm và giao lưu thơ với các nhà thơ và độc giả Việt Nam, những người luôn tôn quý Ông và yêu thơ Ông.
Dưới đây xin giới thiệu hai bài thơ viết tặng nhà thơ Ko Un của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và dịch giả Lê Đăng Hoan, và bức chân dung gò đồng của họa sĩ Phạm Xuân Trường.
Nhân dịp này cũng xin gửi đến bạn đọc Việt Nam một số bài thơ của nhà thơ Ko Un (Trích trong tập thơ “Bài hát ngày mai” do Lê Đăng Hoan dịch).
Nguyễn Quang Thiều (*)
KO UN – Không phải một cái tên.
Ko Un không phải là một cái tên
Đấy là một sự sống
Cuộn chảy mọi lúc mọi nơi
Bạn có thể tìm thấy Ko Un
Trong đất trên những cánh đồng rộng lớn
Trong sỏi đá trên những ngọn núi phía Đông
Trong đám mây bay qua bầu trời ban mai
Trong ngọn đèn ngôi nhà mỗi tối
Và trong những hạt mầm tách vỏ
Giữa giá lạnh mùa đông.
Ko Un vang lên trong u buồn của bạn
Và rạng rỡ trên môi cười
Ko Un là côn trùng mùa xuân xòe cánh
Là tiếng chuông chùa trong hoàng hôn
Là ngôi sao ướt sương đêm
Là lửa nấu cơm buổi tối
Là tiếng thì thầm không dứt
Trong nỗi cô đơn của bạn
Ko Un không phải là một cái tên
thông thường
Để ai đó viết lên tấm bảng đen
và dễ dàng xoá đi
Sau một ngày kết thúc
Ko Un là một sự sống
Chảy trong mọi vui buồn
Của bạn
Của tôi
(Tháng 05 năm 2023)
——-
(*) Nguyễn Quang Thiều: Nhà thơ – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Lê Đăng Hoan
Nói chuyện qua điện thoại với nhà thơ Ko Un!
Lâu rồi!
Nghe giọng nói
Vẫn như ngày nào lần đầu mới gặp!
Rung rung ấm áp tự tấm lòng!
Từ ngày đó,
Anh là người thầy
Là người anh cùng chung dòng máu
Là người Cha
Anh như ngôi sao!
Nổi chìm lận đận!
Nhưng trong anh!
Con người, nhân tâm và trí tuệ
Không gì có thể bẻ cong!
Sống bằng trung trực, bao dung
Chống mọi bất công, chèn ép!
Anh “Hát cho ngày mai”
Sống cho “Vạn đời người”, cho ngọn núi “Bạch Đầu” sống mãi,
Cho “khoảnh khắc” và “muôn đời”
Cho “Hoà bình” và “thống nhất”
Những lời anh
trong tôi!
là lẽ sống ở đời
là nhân tình thế thái!
Anh!
Luôn là ngôi sao,
Tỏa sáng trong tôi
Cho tôi hướng dõi!!!
Thơ Ko Un
THƠ TÔI
Năm 1950 là thời điểm bắt đầu của thời kỳ điêu tàn.
Với tôi, người đã đi lang thang như mất trí,
Những dấu chấm câu còn sót lại sau thời kỳ chiến tranh,
không ngờ đó lại là điều cứu cánh.
Bằng sự siêu phàm của chấm đen cuối một lời,
để những lời tiếp theo sau đó trở nên nhẹ nhàng thanh thản.
Vì thế tôi thường đánh dấu chấm câu vào thơ tôi.
Đến 1970,
Thơ tôi,
như một dòng nước xoáy ven bờ sông.
Dừng lại do dự trước con đường xa tít,
trong hỗn loạn,
rồi chảy thẳng ra giữa dòng sông.
Trong thời gian đó,
trong thơ tôi mất dần dấu chấm.
Thời gian đó sự cứu cánh vô hiệu như chiếc giày quá khổ.
Chỉ có những câu thơ không còn dấu chấm,
thì không thể kết thúc một bài thơ.
Lại tiếp tục,
nối tiếp bài thơ khác.
Nhặt từng hạt ánh sáng giấu mình trong bóng tối.
Bằng cái đó tôi có thể nhìn sự vật và những gì đứng đằng sau sự vật.
Sự vận động của thế gian này,
trước khi có thơ tôi,
đã không cho phép dù chỉ một dấu chấm câu.
Vì vậy,
thơ không dấu chấm của tôi,
chính là sự vận động không tránh khỏi,
là sự luân hồi không thể cưỡng được mà thôi.
Ngoài điều đó ra,
tất cả mọi giác quan đều là ảo giác.
Vì vậy thơ tôi,
ngày ngày như đàn chim họp nhau bay đi.
như đàn chim họp nhau rồi đậu xuống,
Mơ giấc mơ với thơ của các nhà thơ khác cùng bay …
Ôi, ánh sáng màu xanh của bình minh,
phải chăng là âm hưởng của một khoảnh khắc thật là khó thở!
Nhưng hôm nay, suốt một ngày hôm nay,
đang chảy ra dòng sông, không biết đến sự mệt mỏi của bao ngày đã qua.
Và thơ tôi, ngày mai, ngày kia, cũng sẽ chẳng bao giờ có dấu chấm câu.
THƠ
Giữa những năm 2500 đến 2750 trước công nguyên,
Canosiu Katro người Sumeria ngày xưa, là người đầu tiên,
đã viết tên mình vào tác phẩm.
Từ đó, bất cứ bài thơ nào,
cũng bắt đầu bằng một nhà thơ, gắn chặt vào nhau không tách biệt.
Ai a chà, ai a chà!
Tuy không phải là không có tác giả ẩn danh,
nhưng bất cứ bài thơ nào cũng cùng với tên nhà thơ sống mãi.
Ai a cha, ai a cha!
Không biết phải có biết bao nhiêu nhà thơ,
và biết bao nhiêu bài thơ,
bồi đắp nên lịch sử thơ ca,
và rồi, cuối cùng những bài thơ ấy có hóa thạch hay không trong đất!
Tuy nhiên vẫn còn những bài thơ chưa cất lên tiếng hát,
Ôi thật vô cùng hoang dã,
Ở một góc đường đầy bệnh tật nào đó,
có những bài thơ chưa được viết, bằng tiếng của một đất nước nào đó,
đang đợi chờ trong giá lạnh.
A cha cha, Ai a chà, ai a chà!
HỒI KÝ
Khi 20 tuổi,
không hiểu sao chán ngấy tận cổ cả những ngày xuân hoa mơ nở,
Bụng đói,
Ở Irkut, Xiberia nhiệt độ xuống âm 40 độ C
Giữa đồng tuyết rét cóng ngày ấy,
Thang !
Muốn rơi ngã xuống,
Muốn ngã xuống do viên đạn bắn cuối cùng của người Tháng Chạp (*) trẻ tuổi.
Năm tháng dại dột,
Điều mong muốn là sóng to biển động nghẹn ngào.
Cổ tay cắt đứt bởi lưỡi liềm
Cuốc cắm sâu vào đất thịt,
Đất khóc nức nở không ngừng.
Khi 60 tuổi
Giản lược đi tất cả mọi điều linh tinh, vụn vặt,
Coi thường tất cả những sự biện minh muộn màng.
Vẫn chán chường những ngày trời quang đẹp đẽ,
như xưa.
Không thiết cả niềm vui,
Sấm chớp đánh ầm ầm,
cắm xuống cánh đồng,
lưỡi dao của mây đen và sấm chớp.
Phải chạy nhanh
về hướng đó
về hướng đó!
Từ bỏ tất cả hãy đi đi
thoát ra tất cả hãy đi đi.
Khi đã trên 60 tôi vẫn ngày qua ngày ngây thơ ấu trị.
cùng mấy người bạn,
chỉ còn một lá phổi (**)
Để bù lại phía phổi kia,
tôi đã phải đi về nơi khác.
Cho đến nay vẫn còn ký ức Chegevara (***) như ngôi sao chiều hiện lên muộn màng.
Nửa sau của cuộc đời là tiếng nổ của phần trước đã qua!
(*) Những người “Tháng Chạp”: Xuất phát từ tiếng Nga: Dekabrist.
(**) Từ khi trẻ Ko Un đã không hay là một bên phổi mình bị hỏng. Sau ông mới biết là bị vôi hoá.
(***) Chegevara: Anh hùng Cuba.
Lê Đăng Hoan