• Kí của LÊ HỒNG LAM
Chùa Vàng ở Myanmar
I.
Bỏ lại những hỗn mang trong lòng và những gì mắt thấy tai nghe, tôi lên đường đến Myanmar trong kỳ nghỉ 4 ngày, lần đầu tiên “phượt” nước ngoài một mình đến một đất nước gần về địa lý nhưng xa lạ về trải nghiệm và sự hiểu biết. Không quen biết ai, không đi tour, không điện thoại, không một hình dung cụ thể cho những gì mình sẽ làm trong 4 ngày ít ỏi. Chỉ đi, đi và đi…
Ấn tượng đầu tiên là cái nắng và nóng giống như đang ở dưới điều hòa nhiệt độ mà chui vào phòng xông hơi. Tôi đùa với bạn khi tả về thời tiết: “Dường như tất cả những hàn thử biểu của Myanmar đều bị hỏng khi cái nào bật lên cũng chỉ đầu 4”. Ấn tượng nhất là lúc đứng chụp ảnh ở Saint Mary’s Cathedral giữa trưa, khi hướng ống kính sang chiếc đồng hồ trên nóc tòa báo “Myanmar Times” phía đối diện, hàn thử biểu chỉ 44 độ C. Chợt nhìn xuống và thấy chai nước của mình cầm trên tay dường như đang sôi…
Yangon cũ kỹ và nhìn hơi lam lũ, cam chịu. Dấu tích của một thời là thuộc địa của Đế quốc Anh vẫn hiển hiện rõ nét bên cạnh nền văn hóa và kiến trúc đậm màu Phật giáo với những công trình và mọi ngôi chùa đều nhang nhác Shwedagon Pagoda – ngôi chùa Vàng kỳ vĩ mà buổi sáng đầu tiên khi đi hết hàng cột khổng lồ, bước lên khuôn viên chính của chùa, tôi đã bị sốc! Một màu vàng chói lòa với những tượng tháp đẹp đẽ, tinh xảo khiến cho ta có cảm giác giơ tay lên có thể cầm nắm được không khí Phật giáo linh thiêng đậm đặc ở đây.
Yangon cấm xe máy từ 2009, và xe đạp chỉ được phép lưu hành ở vài nơi theo quy định. Ở Việt Nam, một số trí thức đang kiên trì lên tiếng về lộ trình bỏ xe gắn máy, tôi nghe và hơi khó hiểu, nhưng đến Yangon thì thấy họ có lý. Bao nhiêu hệ lụy từ xe máy và tai nạn giao thông chắc sẽ được kéo giảm. Yangon tràn ngập ô tô, đa phần là Toyota, là du khách nên lựa chọn của tôi chỉ là taxi khi đi lại. Dù đường hẹp, trời nắng như thiêu đốt, kẹt xe khắp nơi ngay cả những lúc giữa buổi như 10h sáng hay 3h chiều, nhưng nhìn những hàng dài xe hơi thẳng tắp nối đuôi nhau kiên nhẫn, không lấn làn, không vượt đèn đỏ, không bấm còi vô lý (và lái xe taxi chắc đến 70% nói được tiếng Anh) mà tôi ngưỡng mộ.
Có lẽ trong tất cả thủ đô của các nước thuộc ASEAN mà tôi đã qua, Hà Nội là nơi ít cây xanh nhất. Kuala Lumpur công nghiệp và quốc tế như thế, nhưng trong thành phố đều có những khoảng không rộng rãi cho cây xanh, vườn chim quốc gia của họ là một ví dụ. Con sông chảy ngang Bangkok hồi tôi đến vẫn đỏ ngầu một màu phù sa tươi mới. Phnom Penh, Singapore thì chắc nhiều người đã rõ nó “xanh” thế nào. Còn Yangon thì giống như nằm trong một khu rừng. Có lẽ họ mở cửa chưa sâu và chưa lâu nên chưa có nhiều xáo trộn lớn diễn ra trong đất nước mộ đạo và lành hiền này. Đi bộ trên đường, dù dưới tán cây mát mẻ tôi vẫn phải nhớ đội mũ nếu không muốn bồ câu hoặc quạ vô tình “tặng” cho một bãi vào đầu. Nhớ khi ngồi trên xe ngựa đi dọc Old Bagan, nghe tiếng chí chóe bên vệ cỏ thì thấy 4 chú sáo đang mổ nhau kịch liệt và kêu riết róng. Tôi đùa cậu nài ngựa, chắc chúng đang chiến đấu để tranh “hot girl”? Chim bạt ngàn, tiếng véo von khắp nơi, do Phật tử Myanmar không giết và ăn chim, do họ hay mua chim để phóng sinh khi đi lễ Phật, hay do họ không biết quy mọi sinh vật đều ra thành đĩa?
II.
Khi bước từ đỉnh ngọn tháp ngồi đón bình minh từ lúc tờ mờ sáng xuống, Bagan hiện ra như ta lật một trang truyện cổ tích hồi còn đang tập viết. Bọn tôi thường đùa nhau: “Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, nhưng những bức ảnh chụp Bagan so với thực không khác nhau mấy, có khác thì sự thiệt thòi thuộc về… ảnh, vì nó bị bó hẹp không gian. Những đền tháp kỳ vĩ của Vương quốc Bagan (một thời thống trị suốt dải Đông Nam Á chạy xuống phương nam gần Ấn Độ, lên phía bắc tiếp giáp Trung Hoa) khiến một người cao gần mét 8 như tôi phải ngửa cổ để đầu vuông góc với thân mới nhìn thấy nóc. Gần 4.000 ngôi đền, trải qua gần 800 năm vẫn còn lại 2.200. Bagan từ thế kỷ 9 đến 13 đã là một nơi phồn thịnh và hùng cường, nay còn lại đây với cái danh “Thành phố khảo cổ” tại một nền đất phủ đầy cát khô cằn dưới ánh mặt trời giống như luồng máy sấy tóc những ngày đầu tháng 5.
Sau bữa cơm trưa của hành trình ngày đầu tiên tại Bagan, tôi theo cậu hướng dẫn viên liên lạc được từ trên mạng vào trong làng của cậu để đi ra bến thuyền, cùng hai cô bạn người Nhật thuê một chiếc thuyền máy chạy dọc ngắm sông Ayeyarwady (chẳng biết đọc thế nào cho đúng) với giá 25$ một giờ. Vào làng, ấn tượng sâu đậm là họ nghèo quá, nghèo đến nỗi – nói một cách ngoa ngoắt như dân Bắc mình – là nghèo tàn nghèo mạt. Chỗ ở được lợp tôn (cho “nhà giàu”) và rạ (nhà nghèo hơn), vách là những tấm nứa đập giập hoặc cót quây lại che nắng chắn mưa. Nền nhà là đất được đầm chắc lại, nhưng mùa nắng nên cát vẫn bồng lên sột soạt. Xung quanh nhà là vài manh áo quần lất phất phơi bên bờ liếp, những chiếc xoong cũ kỹ méo mó và không thấy vung đâu, góc vườn là chiếc cối (chắc khoét bằng sa thạch) để có gì chắc đem vào đó giã. Chỉ có thế. Và tôi thấy hốt hoảng nhất là họ đun nấu sát vách nhà, với những “công trình kiến trúc” tuềnh toàng hơn “nhà chị Dậu” thế kia thì lửa có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhà của người Việt thường có bậc cửa phân chia hè và căn chính, ai đi qua bậu cửa cũng phải cúi xuống nhìn bước chân mình để không vướng vấp và vô hình như một động tác chào thần linh và chủ nhà. Nhưng nhà người ở Bagan ở đầu thế kỷ 21 này thậm chí còn đơn sơ hơn thế.
Người ở đây thì nhỏ thó, đen và gầy se sắt, nam giới vẫn quấn “longchy” (giống như váy) và ăn trầu, nhưng bò thì trắng. Vài con được buộc bên bờ giậu lim dim nhai cỏ và chịu đựng cái nắng “hỏa diệm sơn” đổ xuống. Tôi tự hỏi, với những con người hiền lành nhỏ bé còi cọc kia, với thời tiết này, với những vật liệu chỉ là đất và cát và những đàn gia súc đó, điều gì đã khiến họ xây nên 4.000 ngôi đền tháp tráng lệ và lộng lẫy ngần này? Lý do duy nhất tôi tìm được: lòng mộ đạo. Hình như bao nhiêu công sức, của cải và thời gian của người Bagan – họ đã dành cho việc tôn thờ Phật và xây đền dựng tháp. Trải qua gần cả thiên niên kỷ, những bờ thành dày hàng mét gạch, những tòa tháp sừng sững nguy nga vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chỉ phôi pha đi do động đất, do mưa gió bão lũ chứ không phải do con người. Họ không cạy gạch lên để bán, không lấy tượng Phật đem đi hay không “trùng tu” công sức, mồ hôi và tâm huyết của cha ông họ.
Về lại Việt Nam và kể chuyện họ nghèo, một đàn anh khả kính có nhiều năm làm việc ở Myanmar kể thêm cho tôi một câu chuyện: Khi anh đến một ngôi làng gần Naypyidaw (thủ đô hiện tại của Burma), đi cùng một thổ dân và tình cờ đến thăm nhà một người bản địa. Nhờ phiên dịch, anh hỏi chuyện người phụ nữ chủ nhà năm nay bao nhiêu tuổi. Bà không nhớ nổi tuổi của chính mình. Hỏi tuổi đứa con gái lớn đang chơi bên bờ rào, bà cũng không nhớ. Hỏi tuổi đứa bé đang nằm, bà chỉ nói được áng chừng (vì nó mới sinh) chứ không nhớ rõ ngày tháng năm sinh của con. Một gia đình mà đến mẹ không nhớ tuổi của chính mình và những đứa con của mình thì thấy họ nghèo khổ đến đâu. Nhưng họ sinh ra, lớn lên và chết dưới bóng của những ngôi chùa cổ và vô vàn tượng Phật, nên trong họ dường như không có khái niệm ăn cắp, dối gạt hay phản phé nhau…
Đi và để thấy thế gian này là rộng lớn. Tiếng là “phượt” – một hình thái bình dân nhưng cũng là du lịch, nhưng khi trở về thấy lòng nặng thêm. Cha ông mình mấy ngàn năm mải mê giữ nước và trị thủy, nhưng họ cũng phải chinh chiến để giữ gìn và mở mang bờ cõi chứ? Thiên nhiên không ưu đãi họ nhưng do cần cù và họ có trong tay những công trình kỳ vĩ.
Có những vùng đất, xa hay gần thì chắc tôi cũng chỉ được đến duy nhất một lần trong đời. Vậy nên tôi đã cố gắng “sục sạo” Bagan lẫn Yangon nhiều nhất có thể trong những ngày ít ỏi của cuộc hành trình. Có những ngôi đền, tôi là người đến sớm nhất và ra về muộn nhất, tôi đi hết trong lại ra ngoài, đi hết vòng bé trên cao lại xuống vòng to bên dưới để cố gắng cảm nhận một điều gì đó thật lạ và tươi mới đang len lỏi từ từ. Tôi không có hoa, không có lễ và không (dám) nhét tiền vào tay tượng Phật, nhưng tôi tin Đức Phật nhìn thấy và chứng giám cho tôi…
Rời Myanmar, mấy ngày rồi mà xúc cảm vẫn còn ăm ắp (chắc do tôi ít được đi). Yangon và Bagan như những kẻ hiền lành bao năm ngái ngủ đang trở dậy và mỉm cười. Và khi những họng súng chịu buông dưới nụ cười của Phật, tôi tin là họ sẽ đi đến văn minh và thịnh vượng mà không phải trả giá quá nhiều, quá đắt.
Goodbye Myanmar, with love…
L.H.L