Trần Quỳnh Hoa
Ngày 29/12/2024, tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra chương trình nghệ thuật Việt Nam – Huyền sử Diễn ca với chủ đề “Thăng Long – Tứ Trấn”. Đây là sự kiện quy mô lớn được tổ chức bởi Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn như Liên Đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải Lương Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam; với khoảng 450 nghệ sĩ và diễn viên tham gia.
Tứ trấn Thăng Long là bốn công trình tín ngưỡng linh thiêng được xây dựng để bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Chương trình Việt Nam – Huyền sử Diễn ca đã khéo léo sử dụng đan xen các hình thức nghệ thuật như âm nhạc mang âm hưởng dân gian, diễn kịch, xiếc, múa rối, múa võ… cùng hiệu ứng sân khấu và đặc biệt là công nghệ ánh sáng để tạo ra sân khấu vô cùng rực rỡ và linh hoạt. Vở diễn được chia làm bốn phần chính về bốn ngôi đền tứ trấn kiên cường đứng vững ở thủ đô Hà Nội cho đến ngày nay, dù trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Đền Bạch Mã tại số 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, là trấn đầu tiên trong tứ trấn của thành Thăng Long, có lịch sử hơn một nghìn năm. Đền được xây dựng từ thế kỷ IX, thờ thần Long Đỗ – vị thần gốc của Hà Nội cổ. Tương truyền, khi vua Lý Thái Tổ mới dời đô ra thành Đại La (tên gọi khi ấy của Thăng Long), xây thành ở đâu cũng bị sụt lở, không thể tiếp tục được. Các quan trong triều đến cầu xin thần Long Đỗ che chở. Thần Long Đỗ sau đó hóa thân thành ngựa trắng chỉ đường cho Lý Thái Tổ, vua xây nền móng theo vết chân ngựa thì thành trì mới vững chắc. Sau khi xây xong thành, nhà vua đã đặt tên cho đền là Bạch Mã và phong thần Long Đỗ là Thành Hoàng của kinh thành Thăng Long.
Trấn thứ hai là đền Quán Thánh, nằm ở ngã tư đường Thanh Niên – Quán Thánh, quận Ba Đình. Đền được xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – vị thần cai quản phương Bắc giúp trị tà ma thủy quái và trấn giữ mặt Bắc thành Thăng Long.
Trấn thứ ba là đền Voi Phục, tọa lạc trên phố Kim Mã, quận Ba Đình. Đền được vua Lý Thánh Tông xây vào năm 1065, nhằm thờ phụng và ghi nhớ công lao của Linh Lang Đại Vương – người đã giúp vua đánh dẹp giặc Tống xâm lược và hy sinh. Đền Voi Phục trấn giữ phía Tây của thành Thăng Long.
Đền Kim Liên là trấn cuối cùng, hiện ở phường Phương Liên, quận Đống Đa. Đền được xây dựng vào thế kỷ XV, thờ thần Cao Sơn Đại Vương – một trong 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh, mang lại bình yên cho trăm họ. Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam của thành Thăng Long.
Dù tối mùa đông lạnh và buốt gió, nhưng đông đảo khán giả đã đến ngay từ trước giờ diễn. Đối tượng khán giả khá đa dạng: từ những người trung niên đến các bạn trẻ đôi mươi, cũng có rất nhiều gia đình mang theo con nhỏ, đặc biệt là có những khán giả người nước ngoài đã ngồi xem đến phút cuối cùng. Khi đứng lên ra về, phần đông khán giả khen ngợi chương trình, thậm chí có nhóm bạn thanh niên còn kháo nhau: “Quá hay!”. Đây là tín hiệu vô cùng đáng mừng, cho thấy một chương trình mang đậm màu sắc tín ngưỡng và lịch sử như vậy đã vươn tới được cả những người xem trẻ tuổi, thông qua cách thể hiện sinh động, mới lạ và hấp dẫn. Gần đến Tết, chương trình cũng mang lại không khí sôi động và phấn chấn cho đời sống người dân, đồng thời quảng bá các giá trị văn hóa nghìn năm đến bạn bè nước ngoài. Mong rằng chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn nữa những sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chất lượng và giàu tính sáng tạo trong thời gian tới. Chúc mừng năm mới 2025!