Trần Nhuận Minh
Một hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh (VHNT QN), chỉ có 1 ngày, với “không đồng”, đã hoàn thành rất tốt đẹp nhiệm vụ 1 năm mà Chủ tịch Hội không thể làm nổi.
Từ đầu năm 1988, theo đề nghị của Hội VHNT QN, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép hằng năm lấy ngày 29 tháng 3 làm Ngày Thơ Quảng Ninh. Ngày đó được coi là ngày vua Lê Thánh Tông, sau cuộc duyệt binh trên sông Bạch Đằng, đã đi tuần biển. Nhà vua cho buộc thuyền bên núi Truyền Đăng, lúc ấy còn ở giữa biển, làm một bài thơ và cho khắc bài thơ đó lên vách núi đá. Từ đó, nhân dân đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ, nay ở trung tâm TP Hạ Long, tỉnh QN.
Sau hơn 520 năm, cùng với việc cho phép tổ chức Ngày Thơ Quảng Ninh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh phối hợp với Thị ủy và UBND thị xã Hồng Gai tổ chức một hội thảo khoa học. Hội thảo có sự tham dự của tứ sử: Lâm, Lê, Tấn, Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng) và các đại biểu đầu ngành của một số cơ quan chức năng của Việt Nam (VN) và QN để nhận chân giá trị Bài Thơ, và xác quyết đây là một bản Tuyên ngôn dựng nước bất hủ với khát vọng về sự toàn vẹn lãnh thổ và sự cường thịnh muôn đời của quốc gia Đại Việt:
“Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại” (Trời Nam muôn thuở non sông vững).
Vì thế, từ ngày 29/3/1988, Ngày Thơ Quảng Ninh được tổ chức từ 2 đến 3 ngày. Chủ tịch Hội Nhà văn VN và các nhà thơ, nghệ sĩ Hà Nội; các nhà thơ quen thuộc từ 4 tỉnh lân cận (Hải Phòng, Hải Dương – Hưng Yên (Hải Hưng cũ), Bắc Ninh); rồi sau đó dần dần, các nhà thơ tiêu biểu của cả nước đã về dự.
Có lần, Ngày Thơ Quảng Ninh tổ chức tại khu du lịch Quốc tế Tuần Châu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh về dự. Khai mạc và dóng trống khai hội Ngày Thơ Quảng Ninh năm nào cũng thường là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, sau đó là dàn trống hội vang lừng đến 5 phút, rồi Chủ tịch Hội Nhà văn VN (nhà thơ Hữu Thỉnh) mới lên đọc Lời chào mừng rất cảm động.
Đó là tiền đề để 15 năm sau (2003) có Ngày Thơ VN. Nhiều năm, Ngày Thơ VN tổ chức tại Hà Nội ngày thứ nhất, thì ngày thứ hai tại Quảng Ninh… Có năm, phối hợp Hội Nhà văn VN với UBND tỉnh QN, tổ chức Chương trình Thơ Quốc tế, hoạt cảnh vua Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng mở đầu, với khoảng 1.000 người dự, trong đó có 150 nhà thơ quốc tế tham dự. Tại đây, sau Lời khai mạc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh QN Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà thơ Hữu Thỉnh, đọc Lời chào mừng, có câu:
“Quảng Ninh là quê hương của Ngày thơ Việt Nam”,
trong tiếng vỗ tay vang dội rất lâu sau mới dứt, của một ngàn người.
Lần ấy, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) không chỉ dự khai mạc, mà còn tham gia cả chương trình. Tại chân núi Bài Thơ, trước bài thơ khắc vào vách đá của vua Lê Thánh Tông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính và nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN – cùng các nhà thơ tiêu biểu của VN và quốc tế tham dự, thả những câu thơ hay nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bay lên trời xanh, cẩn cáo với trời đất và núi sông, khát vọng của 100 triệu người Việt Nam:
“Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại” (Muôn thuở trời Nam sông núi vững)
và niềm tin vào Hòa bình – Độc lập – Tự do, đồng lòng chung tay xây dựng một Nhà nước Việt Nam: hùng cường, hạnh phúc và giàu sang.
Đó cũng là tiền đề để Ngày Thơ Đài Loan ra đời. Tôi đã 3 lần được mời sang Đài dự Ngày Thơ Đài Loan, với tư cách là Đại diện của Ngày Thơ Quảng Ninh, một trong những đại diện của Ngày Thơ VN. Như vậy, Ngày Thơ Quảng Ninh đã có hiệu quả, tác động tích cực, khi vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
35 năm sau Ngày Thơ QN (1988 – 2023), 20 năm sau Ngày Thơ VN (2003 – 2023), Đài Loan (Trung Quốc) lấy ngày 14/3 (1947) làm Ngày Thơ – ngày mà nhà thơ Vương Dục Lâm, 28 tuổi, bị Tưởng Giới Thạch sát hại. Và từ nội dung Ngày Thơ Quảng Ninh có trao giải thưởng thơ hằng năm cho các tác giả, Ngày Thơ Đài Loan cũng trao giải thưởng thơ hằng năm cho các tác giả, nhưng từ 28 tuổi trở xuống – cái tuổi vinh quang mà một nhà thơ yêu nhân dân và yêu công lý, Vương Dục Lâm, đã hy sinh…
CHUYỆN LẠ CỦA NGÀY THƠ QUẢNG NINH LẦN THỨ 38
Sáng 28/3/2025, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh QN trao Giải Lê Thánh Tông lần thứ 37 (trong khuôn khổ của Ngày Thơ Quảng Ninh lần thứ 38). Bất ngờ, mọi người nhận được tin: năm nay, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh QN, ông Đào Huy Toàn, bỏ, không tổ chức Ngày Thơ Quảng Ninh!
Tất cả hội trường trao giải đều ngơ ngác, bàng hoàng. Hỏi thì được trả lời loáng thoáng rằng tỉnh chưa cấp tiền. Vậy là vấn đề nhỏ. Tại sao Chủ tịch Hội, ông Đào Huy Toàn, không trao đổi với ai để tìm cách xem xét và tháo gỡ, trong đó có cả những người có trách nhiệm với Hội, kể cả người viết bài này, trước ngày 29/3 còn ngồi vài chục phút với ông Toàn tại Hội? Và thế là, mọi người dự giải đều phản đối xôn xao. Nhiều người rất tức giận. Có người vừa nói vừa khóc. Và cuối cùng, một quyết định ra đời:
“Vậy thì ta thử tổ chức một Ngày Thơ Quảng Ninh KHÔNG ĐỒNG xem có được không?”
NGÀY THƠ KHÔNG ĐỒNG
Nhà thơ – nữ nghệ sĩ vùng mỏ Nguyễn Thị Hoàng Hòa, hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB thơ tỉnh Lê Thánh Tông, Chủ nhiệm CLB thơ Truyền Đăng – đơn vị vừa được Chủ tịch UBMTTQ tỉnh QN tặng Bằng khen vì có thành tích tổ chức hoạt động và nâng cao chất lượng thơ, với 1 tác giả duy nhất được tặng giải cao nhất của giải thơ năm nay – khởi xướng và tự nhận làm Trưởng ban tổ chức. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, Trưởng Ban Văn học Hội VHNT tỉnh QN, tự nguyện nhận làm Phó.
Chương trình được sự đồng ý và cho phép tổ chức với hình thức xã hội hóa của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh QN.
Chỉ trong 1 ngày, một chương trình Chào mừng Ngày Thơ Quảng Ninh lần thứ 38 được lên kịch bản và gấp rút chuẩn bị.
Đúng 14 giờ chiều 29/3, Ngày Thơ Quảng Ninh lần thứ 38 chính thức khai mạc tại Trụ sở Hội VHNT tỉnh QN (không có Hội VHNT QN trong Ban tổ chức) do Câu lạc bộ Thơ Lê Thánh Tông – mà phần nhiều là các tác giả thơ hội viên Hội VHNT QN, trực thuộc Ủy ban MTTQVN tỉnh QN – thực hiện.
Chương trình có mặt các tác giả thơ quen thuộc, các nghệ sĩ chuyên biểu diễn các bài thơ phổ nhạc và rất nhiều người yêu thơ.
NSND Nguyễn Thanh Chắc, trong trang phục lễ hội, đi taxi đến và nói:
“Tôi tham gia cả 37 năm Ngày Thơ Quảng Ninh, sao năm nay lại không? Tại sao?”
Nhà thơ – nghệ sĩ vùng mỏ Hoàng Hòa giới thiệu:
“NSND Nguyễn Thanh Chắc tham gia các chương trình như thế này thường được bồi dưỡng 2 triệu đồng, nhưng chị đã tự nguyện đến đây, tham gia chương trình KHÔNG ĐỒNG, không nhận thù lao…”
Một tràng vỗ tay vui vẻ vang lên…
Và một chương trình diễn ra suốt 2 tiếng 15 phút đã thành công không thể vang dội hơn!



CÂU HỎI LỚN
Ngày Thơ Quảng Ninh lần thứ 38 (29/3/2025) đã diễn ra như vậy. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những người yêu thơ và nhân dân QN, đã quen với truyền thống 37 năm, vẫn chờ đợi kết quả của Ngày Thơ này.
Vấn đề là nhiệt tình và chủ yếu là năng lực của người đứng đầu Hội. Chỉ trong một ngày, với không đồng, mà một hội viên vẫn có thể hoàn thành rất tốt đẹp một nhiệm vụ thường niên, trong khi Chủ tịch Hội – ở đây là trường hợp có lẽ là cá biệt của ông Đào Huy Toàn – đã không làm nổi, dù việc đó đã có kế hoạch cứng hằng năm của Ban chấp hành hội khóa này trong năm nay, cũng như các năm trước, cũng như công tác hằng năm của tất cả Ban chấp hành các khóa trước, từ 1988 đến nay. Năm nay, do các cơ quan còn bận lo toan việc sáp nhập, ông Chủ tịch Hội đã tự bỏ.
Ông Đào Huy Toàn cũng có mặt trong chương trình chiều 29/3 và lên phát biểu:
“Ngày Thơ Quảng Ninh đã trở thành một giá trị văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân dân. Hội đã có kế hoạch tổ chức Ngày Thơ Quảng Ninh năm nay sau ngày 29 tháng 3, cũng đã đề nghị và sắp tới, Tỉnh ủy và UBND tỉnh sẽ cho phép Hội nâng cấp Ngày Thơ Quảng Ninh hằng năm thành Ngày Thơ Quốc gia, Ngày Thơ Quốc tế.”
Một việc, dù chỉ làm ở mức như thế này thôi, ông còn không làm nổi, thì làm sao ông có thể tổ chức được Ngày Thơ Quảng Ninh hằng năm, thành Ngày Thơ Quốc gia, thành Ngày Thơ Quốc tế? Lời ông nói như trên, liệu có còn ai tin được không?
Riêng Ngày Thơ Quảng Ninh lần thứ 38 năm nay, sau khi không tổ chức được, ông Chủ tịch Hội Đào Huy Toàn nói sẽ tổ chức sau 29/3. Điều ấy, ông nói 2 lần với người viết bài này, 2 lần khác: một trong một hội nghị, và một trong cuộc gặp gỡ chung, vài lần với một số hội viên. Có người cho biết, ông nhắn tin cho cả lãnh đạo tỉnh để tránh sự phản ứng của hội viên và của cấp trên, vì Đại hội của Hội VHNT tỉnh, sau mấy lần kiện cáo lôi thôi, lên đến tận Thường trực Tỉnh ủy, khiến các cơ quan kiểm tra có liên quan phải vào cuộc – đã sắp đến rồi (Ban chấp hành Hội hiện nay đã kết thúc nhiệm kỳ từ năm ngoái, 2024). Rồi ông buông xuôi, trong lúc mọi người đang bận lo toan các việc khác cấp bách hơn. Sau 29/3 đã 10 ngày, việc ông nói, chính ông cũng không có động tĩnh gì.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH QN ĐÃ NÓI GÌ?
Nhà thơ Trương Thiếu Huyền, hội viên Hội Nhà văn VN, nguyên Phó Tổng Biên tập báo QN, có trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND tỉnh về việc này. Nhà thơ cho biết (dẫn nguyên văn):
“Em có nhắn tin trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về việc Hội, cụ thể là Chủ tịch Hội Toàn, dừng hoạt động tổ chức Ngày Thơ. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hạnh trả lời: ‘Em chưa thấy ai báo cáo thế anh à. Để em kiểm tra lại nhé. Làm gì có việc dừng vậy đâu ạ’.”
Tôi không rõ, về việc này, ông Chủ tịch Hội Đào Huy Toàn sẽ biện minh ra sao trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trước đông đảo nhân dân QN, và hơn 600 hội viên của ông, về sự tùy tiện, bất lực và tự vô hiệu hóa tổ chức Hội của chính ông, chỉ do ông là người đứng đầu. Điều này chưa từng có ở tỉnh QN từ xưa đến nay.