(Nhân đọc “Mùi Hà Nội” của tác giả Trương Ngọc Hùng, NXB Hội nhà văn, 2023)
Tôi là một 9x, sinh ra khi đất nước đã lập lại hòa bình. Có cơ hội đi nước ngoài để học hỏi nền văn minh nước bạn, tôi cứ băn khoăn không hiểu sao đất nước tôi ngày ấy nghèo khổ và người Việt Nam tôi nhỏ bé như vậy, lại chiến thắng được người phương Tây vóc dáng to lớn và sở hữu mọi công nghệ tối tân nhất thế giới. Dù được học lịch sử trên ghế nhà trường, những con số và năm tháng cùng vô vàn sự kiện đã bay đi đâu mất như những đóa hoa phượng nở đỏ rực cả mùa hạ.
Tôi kiếm thêm sách báo, tài liệu để đọc. Cuối cùng, tôi tìm thấy đáp án trong một câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nghệ thuật quân sự của chúng ta, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng ta đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng”. Tôi muốn hiểu một cách cụ thể về lòng yêu nước cháy bỏng và chủ nghĩa anh hùng, điều đó có sức mạnh như thế nào mà mang lại được cho ta nền độc lập? Đặc biệt hơn, ngoài những chiến lược quân sự, diễn biến trận đánh, diễn tiến đàm phán… tôi mong được hiểu về cuộc sống của người lính và cách mỗi người dân đã chiến đấu. Một 9x như tôi, xách được nửa yến gạo kêu nặng, dao cứa đứt tay là xuýt xoa. Chẳng hiểu sao những người lính thế hệ ông bà tôi, cha mẹ tôi và các cô chú lại làm được những điều phi thường như vậy.
Trong quá trình tìm tòi ấy, tôi gặp cuốn “Mùi Hà Nội”. Đây là tác phẩm mới nhất của Đại tá Trương Ngọc Hùng – ông cũng từng là một người lính, sau này trở thành Đại tá – Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, Nguyên Chánh văn phòng Quân khu 3. Sau khi nghỉ hưu, ông đã xuất bản các tác phẩm: Trở lại Campuchia (Tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2017), Chất lính (Tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2018), Điều còn lại (Tiểu thuyết, NXB Quân đội Nhân dân, 2019), Chuyện vẫn xảy ra trong chiến tranh (Tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2020), Sóng vỗ cồn khương (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2023), và gần đây nhất là Mùi Hà Nội. Mùi Hà Nội là tập truyện ngắn gồm 14 truyện viết về các nhân vật sống trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia, người lính thời bình và cuộc sống thời hiện đại.
Mở sách ra, tôi cảm giác như cuộc chiến tranh ngày ấy vẫn đang diễn ra ở một nơi nào đó và Trương Ngọc Hùng đã đưa tôi đến ngay giữa trận địa. Tôi ngồi trong xe ô tô lắng nghe hai chiến sĩ nói chuyện “như hai người đàn ông” về nỗi niềm của một cô gái trót thương nhớ ân nhân cứu mình: “Mày là thằng không có tim… Lần trước, lên xe nó khóc như mưa, như gió suốt chặng đường. Khôn hồn, lúc nào về được, thì tìm nó. Tao mà biết mày phụ bạc, là tao vặn cổ nghe chưa.” Đọc về chiến tranh, tôi vốn căng thẳng và hồi hộp lắm, thế mà có những đoạn lại thấy mình cười rúc rích: “Khổ cho cái thân hắn. Nhiều lúc bực mình hắn nghêu ngao: Đời thằng mục, ăn cơm cục, uống nước đục. Không ăn thì đói, ăn vào thì nhục.”
Tôi thấy người lính sao mà hài hước, lạc quan và lãng mạn như vậy: “Khi ruộng hoa cải trổ hoa, họ quẳng xe vội vã chìm trong sắc màu vàng rực”. Càng đọc, tôi càng hiểu ra tất cả những điều ấy diễn ra trên cái nền là một hiện thực: họ có thể chết bất cứ lúc nào. Không thể tránh được, nỗi đau đến với họ như bóp nghiến trái tim tôi: “Những người con gái vui vẻ, đẹp đẽ ấy, giờ đã nằm sâu dưới ba tấc đất, không kịp biết mùi đàn ông đã bị xé toạc, rách tướp, nứt toác dưới tay bọn đồ tể… Hôm ấy, lão có việc đi thị trấn Tịnh Biên, lúc quay về đã thấy la liệt các em nằm rải rác ở mọi tư thế.” Tôi như ở đó, chết lặng khi thấy một người lính che chắn cho người anh đại đội trưởng của mình đã bị trúng đạn, “tôi ôm anh ấy lao vội, bất chấp đạn réo… Anh ấy hy sinh rồi… Tôi tỉ mẩn gỡ từng con đỉa gớm ghiếc, dai nhách, bẩn thỉu đang bám khắp cơ thể anh… thì thầm: “Ngủ đi anh. Ngày mai anh em mình lại đi đánh trận.” Tôi ngồi trên chiếc xuồng cùng nữ y sĩ đi tìm người yêu mất tích trên sông hàng đêm như mộng du…
Người lính là ai mà gánh vác nhiều nhiệm vụ quá: mang cả vận mệnh của đất nước trên lưng; lời hứa trở về với cha mẹ đang mong ngóng đêm ngày; hẹn ước với người yêu dấu, với vợ, với chồng, với con, hẹn một ngày mai cùng xây tổ ấm… Khi họ ra đi, đâu phải chỉ hy sinh thân xác, mà còn hy sinh hạnh phúc lứa đôi mà đáng lẽ họ phải được hưởng, hy sinh gia đình mà họ xứng đáng được có, để lại cho người thương yêu họ nỗi đau đớn mất mát khôn cùng. Bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi xuống hàng đêm, có những giọt nước mắt thậm chí không thể khóc ra được vì giữa chiến trận luôn cần khẩn trương, gấp rút…
Thật may khi có một người đã lắng nghe những thổn thức ấy, lặng lẽ thấu hiểu bao giọt nước mắt phải nuốt ngược vào lòng để ngày mai người lính lại dũng cảm lên đường, vì quê hương đất nước… Có lẽ khi đọc Mùi Hà Nội của Trương Ngọc Hùng, nhiều cựu chiến binh sẽ tìm thấy hình bóng mình trong đó.
Bàn về chủ đề trí tuệ nhân tạo đang sôi nổi gần đây, nhà văn Hữu Ước đã từng nói rằng AI không thể thay thế nhà văn trong việc nắm bắt tâm lý con người và tạo ra hội thoại hay. Tôi thấy quả đúng như vậy. Nhiều đoạn hội thoại dí dỏm, tình cảm và đậm chất dân dã như Trương Ngọc Hùng đã viết chắc sẽ không có AI nào làm được. Cũng rất khó để AI hiểu được nỗi lòng không thể nói ra của con người. Thêm vào đó, AI cũng không thể tạo được ký ức của người lính. Ký ức ấy là điều quý giá vô cùng, không thể tìm thấy ở bất cứ công nghệ tiên tiến nào. Mỗi người lính sống sót trở về để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về thời chiến là một kho tàng vô cùng đáng trân quý.
Nghĩ đến những người lính với cơ thể thanh xuân trẻ trung, một trái tim khao khát yêu thương cũng như tôi, một cái đầu rực cháy hoài bão về đất nước… vậy mà họ đã nằm xuống khi “mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn” *, để ngày hôm nay tôi được sống hòa bình trên dải đất yêu thương hình chữ S. Mong rằng lớp chúng tôi và các thế hệ trẻ hơn sẽ biết bảo ban nhau tìm hiểu về chiến tranh; học hỏi và noi gương ông bà, cha mẹ, cô chú trong việc gìn giữ mảnh đất đã được giành lại bởi xương máu và bao giọt nước mắt thầm lặng của người lính.
Chú thích *: Lời bài hát Cô gái mở đường, “Cô gái miền quê ra đi cứu nước/ Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn”
Trần Quỳnh Hoa