Yến Dung
Sau sự thành công của 3 tập thơ “Biển là trẻ con”, “Ngày xưa của con” và “Nhà mình vui nhất”, nhân dịp ngày kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô đang đến rất gần, tác giả Huỳnh Mai Liên chính thức phát hành tác phẩm mới nhất của mình – tập thơ “Bay qua Hồ Gươm”.
PV: Xuyên suốt 54 bài thơ, độc giả đã được chứng kiến một Hà Nội quá đỗi thân thương qua lăng kính của trẻ nhỏ. Vậy, tuổi thơ của con gái cô có từng gắn liền với Hà Nội như thế không? Những kí ức nào đã đem lại cho cô nguồn cảm hứng để viết nên những vần thơ này?
Khi sáng tác cho tập thơ “Bay qua Hồ Gươm”, tôi viết bằng trải nghiệm của bản thân với hơn 30 năm sống ở Hà Nội. Tôi không sinh ra ở đây, nhưng với từng ấy thời gian đủ để bất kỳ ai cũng “phải lòng” với thành phố này.
Tuổi thơ của Mai Khuê, con gái tôi, người bạn đồng hành trong tập thơ trong vai trò vẽ tranh minh hoạ cũng thấp thoáng trong đó. Tuy nhiên, tôi không nhìn bằng lăng kính của con, mà từ chính mình.
Lí do cô đặt tên “Bay qua Hồ Gươm” cho tập thơ là gì?
Với tập thơ mới về Hà Nội, đây là thử thách khó khăn nhất tôi từng trải qua trong hành trình 8 năm là tác giả viết cho thiếu nhi. Tôi gặp áp lực về đề tài, về cả thời gian mình mong muốn rằng cuốn sách sẽ ra mắt vào đầu tháng Mười. Thế nên, ngoài không gian quen thuộc viết ở nhà lúc 4-5 giờ sáng, tôi lách thêm một chút tại địa điểm mới – gốc cây xoài trong Đài Truyền hình Việt Nam. Ở đó có một chiếc ghế đá, một chiếc bàn nhỏ và một tán cây tỏa bóng mát. Đôi khi tôi cần có thời gian để viết, nếu buổi sáng đi làm không có bóng ai ngồi đó, tôi sẽ tranh thủ thả tâm hồn vào những con chữ. Tôi viết bài thơ “Bay qua Hồ Gươm” tại đây. Đó là một bài thơ về chủ đề tôi tự làm khó mình: Hà Nội, thành phố vì hòa bình. Khi tôi viết về giấc mơ của gươm thần, ở bên cạnh có những chú chim bồ câu bạo dạn tới gần, có lúc còn nhảy cả lên bàn, mắt tròn xoe nghiêng ngó. Thế là tứ thơ “Bay qua Hồ Gươm” đến một cách rất tình cờ như thế. Ngay từ khi viết nên bốn từ đó, tôi đã “mặc định” đây sẽ tên cho cuốn sách mới của mình, dù khi đó mọi thứ đều dở dang, và tôi cũng chưa chắc mình có hoàn thành dự định được hay không.
Trong tất cả, đâu là bài thơ cô cảm thấy tâm đắc nhất? Có câu chuyện đặc biệt nào đằng sau những câu thơ đó không?
Thú thật, cho đến giờ, tôi chưa có bài thơ nào thấy tâm đắc nhất. Cũng có bài thơ viết xong khiến tôi xao xuyến nhưng lập tức tôi sẽ quên cảm giác đó rất nhanh để tiếp tục sáng tác. Tôi thích những điều giản dị, mộc mạc ở bên cạnh mình. Đôi lúc, tôi cũng hơi lo lắng liệu điều đó có khiến mình bị mờ nhạt hay không so với những giọng thơ cá tính vốn chứa nhiều sức hút. Tôi cũng từng đắn đo trước câu hỏi: liệu một giọng thơ nhẹ nhàng như mình có truyền tải được tình yêu Hà Nội lớn lao không? Và điều đặc biệt mà tôi có được trong thời gian khoảng hơn một năm gắn bó với cuốn sách này, đó là cảm giác tôi với Hà Nội gần nhau hơn. Có đôi khi, tôi ngỡ mình cảm nhận được hơi thở của thành phố hơn nghìn tuổi này, để rồi viết nên những câu thơ trong “Thành phố nhiều tuổi”: “Trong giấc mơ thành phố/ Tặng mình một cái ôm/ Thì thầm bên tai nhỏ/ Chúc mình mau lớn khôn”
Cô có kỉ niệm đáng nhớ nào trong quá trình sáng tác “Bay qua Hồ Gươm” muốn chia sẻ với độc giả không?
Đó là kỷ niệm tôi viết bài thơ về tàu điện trên cao. Tôi biết mình cần phải khai thác những đề tài mới như thế, trong khi tôi chưa từng đi tàu điện trên cao bao giờ. Có nhiều lý do, và cái chính là tôi… nhát, khi mình không biết gì lại còn dắt díu con đi cùng, không biết xử lý thế nào. Song cũng chính vì tập thơ mà tôi gạt đi sự e ngại bấy lâu, thực hiện chuyến phiêu lưu từ ga Cát Linh tới Yên Nghĩa và ngược lại. Hôm đó, tôi nhờ con gái ghi lại những gì mình nhìn thấy ở cả tuyến đi về. Những chi tiết mà ba mẹ con bắt gặp trong chuyến đi đầu tiên đã xuất hiện trong bài thơ “Đi theo mặt trời”: “Mặt trời cười tươi rói/ Gửi ánh nắng xiên qua/ Nắng tô màu ngôi nhà/Mải mê làm họa sĩ”.
Đây là tập thơ thứ tư của cô, được phát hành chỉ 1 năm sau “Nhà mình vui nhất”. Đây cũng đồng thời là cuốn sách thứ tư con gái đồng hành cùng cô trong việc vẽ minh họa. Liệu trong khoảng thời gian ấy có điều gì đã thay đổi trong hành trình trưởng thành của hai mẹ con so với các tác phẩm trước đây không?
Khi viết, tôi luôn mong muốn làm sao có thể viết ra những suy nghĩ đang len lỏi nơi nào đó trong đầu mình. Tôi không thích sự tính toán, sắp xếp. Góc nhìn nhà báo cho tôi đề tài, và khi viết, hầu như trước mặt tôi chỉ có vỏn vẹn một vài chữ thách thức như thế. Tôi sẽ để cho cảm xúc tìm âm nhạc và những con chữ nối nhau chạy ra. Bởi thế, tôi không cho rằng mình có kinh nghiệm sáng tác. Trước mỗi đề tài là một tôi hoàn toàn bỡ ngỡ, không biết điều kỳ diệu nào chờ đợi mình ở phía trước hay không.
Với con gái, hai mẹ con khá độc lập nên làm việc với nhau thường… đau đầu. Tôi đưa con đề tài và thường tìm cách tránh đi khi con vẽ. Dù vậy, hai mẹ con khá hiểu nhau, dù có ầm ĩ song vẫn ăn ý với nhau. Nếu không có con gái, chắc chắn cuốn sách sẽ không kịp ra mắt đúng vào dịp 10/10 năm nay.
Bên cạnh con số 54 bài thơ đại diện cho năm 1954 – năm Thủ đô Hà Nội được giải phóng, phải chăng còn điều đặc biệt nào khác được cô cẩn thận cất giấu trong tập thơ “Bay qua Hồ Gươm”?
Như đã chia sẻ, tôi không có sự tính toán, cũng không chú tâm tới việc tạo dựng những lớp nghĩa sâu xa. Nhưng khi nhìn lại 54 bài thơ, thời gian trải qua, những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, cả vật chất, tôi nhận ra sự quyết liệt của mình để đi theo tiếng gọi của Hà Nội. Dường như có một lời nhắn gửi từ Hà Nội động viên tôi hoàn thành tập thơ này, vào đúng những ngày đầu tháng Mười lịch sử.
Lời cuối, cô có tâm sự nào muốn gửi gắm tới độc giả, đặc biệt là các bạn nhỏ, những người chuẩn bị cầm trên tay cuốn “Bay qua Hồ Gươm” không?
Tôi nghĩ rằng, mỗi một người ở Hà Nội hay không ở Hà Nội, đều có tình yêu dành cho thành phố này. Tôi mong sao, những bài thơ nhỏ sẽ cùng các em hiểu hơn và gọi tên những rung cảm ấy. Ai cũng có một Hà Nội trong tim mình, tôi tin vào điều ấy. Và khi có tình yêu, mỗi bạn nhỏ sẽ có ý thức và trách nhiệm với thành phố nhiều tuổi này.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của cô! Xin chúc tác phẩm của cô tới được với nhiều bạn đọc hơn nữa!