PHỎNG VẤN CHỚP NHOÁNG VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN

PHỎNG VẤN CHỚP NHOÁNG VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN

Mảng văn xuôi viết cho Thiếu nhi có rất nhiều tên tuổi lớn, những cây bút nổi tiếng, mà rất nhiều tác phẩm của họ đã được NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN in và phát miễn phí cho các em ở những vùng sâu, vùng xa. Riêng Thơ, khi nói đến các nhà thơ viết cho thiếu nhi, thông thường, người ta nghĩ đến Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Trần Đăng Khoa… Vậy mà anh lại bảo Nguyễn Hoàng Sơn là nhà thơ đích thực viết cho các em. Anh căn cứ vào đâu mà nói vậy?Lê Tiến Bầu ([email protected])    

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Căn cứ vào đâu ư? Vào chính thơ của Nguyễn Hoàng Sơn. Có người bảo: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Tôi không thấy thế. Chỉ có thơ mới bầu lên nhà thơ thôi. Có thể gọi Nguyễn Hoàng Sơn là nhà thơ của các em. Anh đã mấy lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn ở mảng thơ viết cho thiếu nhi. Hình như anh sinh ra là để viết cho con trẻ.

Tất nhiên, Nguyễn Hoàng Sơn còn nhiều mảng thơ khác nữa, trong đó có không ít những bài thơ hay viết về tình yêu đôi lứa hoặc những chuyện trong đời sống gia đình. Nhưng cứ như mắt tôi đọc thì “đặc sản” chính của anh vẫn là thơ viết cho thiếu nhi. Và trong mảng thơ khá đặc biệt này, Nguyễn Hoàng Sơn bộc lộ rõ nhất tài năng của mình trong truyện thơ, một thể loại văn học mà ở ta hầu như còn rất ít người viết, cũng một phần vì khó viết và nếu có viết được thì cũng rất khó hay. Nguyễn Hoàng Sơn lại tỏ ra là một cây bút có sở trường trong cái thể loại khá hóc hiểm này. Cũng có thể xem đó như là một biệt tài của anh.

Nói vậy, không có nghĩa là những bài thơ nhỏ lẻ của Nguyễn Hoàng Sơn không hay. Có những bài rất ngắn, chỉ vài câu, với phong phanh chừng hơn chục chữ, anh vẫn “găm” được vào trí nhớ người đọc. Ví như bài Con Vện chẳng hạn. Bài thơ chắt lọc, chỉ có ba đoạn, viết về con chó, ba đoạn thơ là ba trạng huống tâm lý tình cảm khác nhau của con vật rất quen thuộc này và trong cả ba đoạn thơ, anh chỉ đặc tả mỗi cái… đuôi chó.

Quả là độc đáo thật. Mà cũng thú vị nữa. Đối với con chó, sinh động nhất vẫn là cái đuôi. Chọn mỗi cái đuôi để dựng cả một con chó là tài nghệ của Nguyễn Hoàng Sơn. Đặc biệt là đoạn kết:

Nhưng mà ngộ nhất

Là lúc nó vui

Chẳng cần nhếch mép

Nó cười bằng… đuôi!

Tả chó vui, chó cười mà lại đặc tả mặt chó, mõm chó, để nó nhếch mép hay nhe răng thì hãi lắm. Không phải trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng phải co cẳng chạy.

Nhưng truyện thơ mới là sản phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Hoàng Sơn.

Trong mười truyện thơ của Nguyễn Hoàng Sơn in thì có đến tám truyện viết cùng một lối gieo vần, cùng một cách kể chuyện, lại cùng một thể thơ năm chữ. Điều này rất dễ tạo nên sự tẻ nhạt, đơn điệu. Nhưng đọc Nguyễn Hoàng Sơn, may mắn sao, ta vẫn không thấy có cái cảm giác ấy. Đó là một cố gắng rất đáng ghi nhận của anh. Mới hay, khi thơ đã đạt được đến độ chín, đã là thơ hay rồi thì người ta quên hết mọi thứ hình thức.

Tôi nói truyện thơ là thể loại khó viết. Bởi nó đòi hỏi tài năng và bản lĩnh thực sự của người cầm bút. Nếu không khéo, rất dễ thành văn vần nôm na hay một thứ vè kể chuyện, không còn thấy thơ đâu nữa. Trong mười truyện thơ này, có truyện Nguyễn Hoàng Sơn còn viết lại theo cốt truyện dân gian Việt Nam, hay truyện cổ tích nước ngoài, những truyện khá nổi tiếng, như Rượu Thạch Nam, hay Túi chín gang. Cái truyện đã quá quen thuộc, hầu như ai cũng đã biết. Bởi thế, yếu tố hấp dẫn của cốt truyện dường như không còn nữa. Vậy mà Nguyễn Hoàng Sơn vẫn cuốn hút được độc giả, vẫn bắt vít độc giả vào trang sách rất quen thuộc của mình. Đó thực sự là một tài nghệ rất đáng ghi nhận của anh. Đối với Nguyễn Hoàng Sơn, cốt truyện dường như không quan trọng lắm. Nó chỉ là một cái cớ để anh biểu diễn tài nghệ thơ ca của mình.

Trong hàng loạt truyện thơ này, anh viết rất ngắn, với dung lượng chữ ít, đúng đặc tính của thơ, lại có sức dư ba, mà cũng hóm nữa. Rất hóm. Nguyễn Hoàng Sơn kể chuyện bác rùa bay. Mà cũng thú vị thật. Bác rùa già nằm phơi mai trên một cái gò đất giữa hồ. Mùa thu đã về từ khắp mọi ngả. Mùa thu trong mắt bác rùa già mới hùng vĩ làm sao:

Nắng như có vàng bay

Nét núi thanh như vẽ.

Mùa thu kỳ vĩ đã biến bác rùa già thành một kẻ mơ mộng và hảo hán: “Trí để ở bốn trời”. Rùa muốn đi ngao du, bởi mùa thu đẹp thế, mênh mông bát ngát thế. Còn bao nhiêu miền đất rùa chưa biết. Mà rùa vốn lại chậm chạp. Hiểu được nỗi khốn khổ của rùa, hai chú ngỗng trời tỏ ra là những người bạn tốt bụng. Ngỗng muốn giúp rùa, kéo rùa đi chu du. Chỉ cần rùa ngậm chặt vào sợi dây, là ngỗng đưa rùa lên không trung bát ngát:

Cả ba ta cùng bay

Mà chỉ cần bốn cánh

Trên cao chín tầng mây

Bác tha hồ ngắm cảnh.

Và thế là “bác rùa già mọc cánh”. Nói đúng ra, bác bay lên vũ trụ nhờ bốn cánh của hai chú ngỗng trời tốt bụng. Núi sông gấm vóc lập tức trải ra dưới con mắt của vị thiên thần đang bay lên trên chín tầng mây:

Đồng bằng tiếp núi đồi

Xanh non rồi xanh đậm

Sông đổ ra biển khơi

Một chấm đò lơ lửng.

Chỉ tiếc cho bác rùa đã bay được lên trời, mà vẫn không thể im lặng chịu được lời khích bác của mấy đứa trẻ chăn trâu dưới đất. Chúng không tin bác rùa biết bay:

“Ô kìa trên trời cao

Ngỗng tha con rùa chết”.

Và bực hơn nữa là khi chúng cứ khăng khăng khẳng định:

“Rùa nào rùa biết bay

Đến bò còn chẳng nổi”

Không còn nín nhịn được nữa, bác “há mồm quát to”. Và thế là từ chín tầng mây, bác đã rơi xuống đất như một hòn đá. Cái mai già đã vỡ và bác vẫn đeo những vết vỡ ấy cho đến tận bây giờ.

Cũng kể về chuyến đi, Nguyễn Hoàng Sơn còn có truyện Một cuộc du lịch rất thú vị. Cô cá sông có người em họ là cá biển. Đã lâu lắm rồi hai chị em chưa có dịp gặp nhau. Cá biển viết thư mời bà chị ra thăm quê mình. Cô còn vạch ra cả một kế hoạch đi chơi, rồi thưởng thức của ngon vật lạ:

Biển có nhiều rong ngọt

Tha hồ bà chị xơi

Biển đẹp ơi là đẹp

Chị em mình đi chơi

Thế là cô cá sông “nổi máu giang hồ”. Cô quyết định lên đường đến thăm em họ.

Và dòng sông tốt bụng

Uốn mình đưa cá đi

Qua bao nhiêu đồng bãi

Cảnh thật là mê ly

Thế rồi càng đi càng thấy xa. Mà cá sông thì chưa từng đi xa bao giờ. Hết nước ngọt rồi đến nước mặn. Cá sông bắt đầu hoang mang. Cô vào bờ hỏi thăm, lại gặp ngay chú còng gió, mà chú còng thì cũng chỉ quanh quẩn “vầy cát trước cửa hang” thôi, chứ nào đã biết biển nó ra làm sao. Thế là chú huênh hoang:

Ra biển thăm em họ

Ôi, chị điên thật rồi

Biển chỉ là cái chảo

Suốt đêm ngày sục sôi.

Và đến khi chú hăm dọa:

Nước biển là nước mắm

Tất nhiên mặn ra trò

Chị mà về dưới ấy

Lập tức thành cá kho”.

Và thế là cô cá sông “dựng hết cả vây lên” vì khiếp vía, rồi “Vẫy đuôi đằng sau quay”. Cô vốn nhút nhát nên suốt đời chẳng bao giờ biết biển.

Truyện thơ của Nguyễn Hoàng Sơn viết cho các em thường là thế. Anh cứ kể hồn nhiên, kể chơi chơi như chẳng có gì to tát, quan trọng. Anh cũng không cố tình lên gân lên cốt nhằm giáo dục trẻ con một cách lộ liễu như rất nhiều cây bút viết cho thiếu nhi khác. Anh đến với con trẻ rất tự nhiên. Các em sẽ thấy thú vị vì lối dẫn chuyện thông minh, hóm hỉnh, có không ít những phát hiện độc đáo bất ngờ. Người lớn đọc anh cũng tìm thấy sau những câu chuyện bình dị là bao điều chiêm nghiệm sâu sắc và thấm thía của một người thông minh, từng trải và rất kính trọng trẻ con. Trong truyện Túi chín gang, viết dựa theo truyện cổ tích Cây khế, Nguyễn Hoàng Sơn lại nhấn vào lòng tham của người anh trai, qua đó ngầm hướng các em đến sự thật thà lương thiện. Mở đầu chuyện đã là một câu thơ mang tính cảnh báo: Chim trời cũng ghét đứa tham. Người anh ra đảo, nhét đầy vàng vào cái túi sau khi đã nới ra đến chín gang, còn giắt vàng bạc quanh mình. Nguyễn Hoàng Sơn viết:

Mong manh là cánh chim trời

Sức đâu cõng được thằng người tham lam

Giữa vời trời bể mênh mang

Chim bay mỗi lúc, sức càng yếu hơn

Dằn lòng cất tiếng van lơn

Túi vàng đầy, bớt vài hòn là bao

Cầm vàng mà vứt được sao?

Anh tham đút ngón tay vào lỗ tai. Thơ lục bát kể chuyện mà viết được đến thế cũng là nhuần nhuyễn lắm. Diễn tả anh chàng tham lam, không chịu nghe lời chim mà dùng chi tiết “Anh tham đút ngón tay vào lỗ tai” thì thật thú vị, bởi nó đúng là cách nhìn của trẻ con, cách kể chuyện cho trẻ con. Nguyễn Hoàng Sơn quả có biệt tài viết cho con trẻ là như vậy. Tất nhiên, còn nhiều nhà thơ khác nữa viết cho các em. Mà viết rất hay. Như Cao Xuân Sơn, Đặng Hấn, Trần Mạnh Hảo, hay như gần đây là cô Bảo Ngọc… Nhưng thôi, ta sẽ bàn tiếp vào một dịp khác…

PV ghi

Leave a Reply

Your email address will not be published.