BÙI CÔNG THUẤN
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006) đã đi xa nhưng tôi vẫn thấy ông ở giữa các nhà văn Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Vẫn dáng gầy gầy và vẻ mặt trầm tư, vẫn là sự thân tình gần gũi và quan tâm; vẫn đau đáu một nỗi niềm tâm huyết với người trẻ viết văn. Sự nghiệp văn chương của ông khởi đi từ khi ông là người lính chống Pháp, chống Mỹ đến sau thời kỳ đổi mới (1986). Trở về đời thường, ông là một người rất mực hiền hòa, chân thực, giản dị. Nhưng ông là một nhà văn lớn của Đồng Nai. Khối lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học năm 2007.
HOÀNG VĂN BỔN VỚI CÁCH MẠNG
Với nhà văn Hoàng Văn Bổn, Cách mạng đã hun đúc nên con người nhà văn nơi ông. Ông thổ lộ: “Tôi trở thành nhà văn là hoàn toàn do cách mạng, kháng chiến và quân đội. Tôi sáng tác như một sự phân công của cách mạng. Suốt 30 năm cầm bút tôi phải phục vụ sự nghiệp cứu nước… Tôi rất hài lòng về điều này.”(1).
Nói Cách mạng là nói khái quát, là lý tưởng độc lập tự do. Nói cụ thể, Hoàng Văn Bổn sinh ra trong một gia đình cách mạng ở làng Bình Long. Ông kể lại: Năm 1946 đi kháng chiến, ông làm Trưởng Ban Giáo dục huyện Tân Uyên. Hôm ấy, ông ôm cây chuối hột lội qua sông về làng. Bọn Tây đã tràn vô đầy đồng. “Từ đầu làng đến cuối làng lửa đỏ trời. Nhà cửa, mía đám, ruộng nương, mía, đậu xanh, đậu phọng trong bồ…cháy hết. Khói đen bầu trời. Khắp đường làng, Xóm Gò, Xóm Miễu, ấp Bình Ninh, cầu Ba Bướm đầy nghẹt người Bình Long… Tụi Tây phục kích sẵn từ bên kia bờ sông, xả súng, nã đại bác vào giữa đám người đang vượt sông. Nước con sông Đồng Nai đỏ ngầu máu.”
Nơi đây, giặc Pháp, Mỹ đã gây nên bao nhiêu tội ác với nhân dân. Nhân vật Hai Cơi nói với Chín Bổn sau 30 năm gặp lại: “…Xứ Đồng Nai mình, từ tạo thiên lập địa, khai sơn phá thạch, có biết bao nhiêu chuyện buồn, chuyện thảm, oan trái, hận thù. Đau khổ thấu trời xanh…”(2); “…mỗi nhà có đến năm bảy bàn thờ người bị giết. Hầu như nhà nào cũng có treo một chùm khăn tang trên vách. Còn có bao người con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em…Trong số người còn sống, có biết bao nhiêu sẹo và viên đạn, mảnh bom còn nằm nguyên trong thân thể họ” (3).
Gia đình nhà văn Hoàng Văn Bổn chồng chất đau thương. Ông hồi tưởng: “Những năm 1945 – 1958, gia đình tôi bị Pháp giết hại nhiều quá. Anh Năm tôi bị chúng cắt cổ tại đầu làng. Ba tôi uất ức và chết sau hai ngày cái chết của anh Năm tôi. Anh Tám tôi đi bộ đội, bị thương, bị chúng bắt giam, tra tấn, chết sau khi thả ra hai tháng. Má tôi lên chiến khu thăm con bị chúng bắn bị thương. Anh Bảy, anh Tư, anh Ba tôi cũng bị bắt giam, bị tra tấn…làng tôi bị biến thành vành đai trắng từ đó đến 1975.”(4); “Ba chục năm trời, chồng và bảy người con và các cháu lần lượt bị giết trước mặt mẹ…Cái bảng “gia đình Việt cộng” màu đen lúc nào cũng treo trước cửa nhà. Nghĩa là lúc nào chúng muốn bắn, muốn giết, tùy chúng” (5) “Tôi căm thù chúng, tôi thương cha mẹ anh em và tôi quyết viết một cái gì đó để trả thù, ít ra cũng để thiên hạ biết tội ác tày trời của chúng. Tôi đi kháng chiến mà quyết ăn chay, tu tại tâm, và quyết viết sách để tố cáo tội ác của chúng”(4)
Như vậy, mục đích viết văn ở nhà văn Hoàng Văn Bổn đã hình thành rất sớm, ngay trên cái hiện thực máu lửa nơi quê ông. Hiện thực cách mạng cụ thể và dữ dội của làng Bình Long, cùng với đời sống, chiến đấu của cả dân tộc trên khắp mọi miền đất nước nơi ông đã đi qua trở thành vốn sống, trở thành nội dung các tác phẩm của ông.
Nhà văn chia sẻ: “Những năm tuổi đã cao, tôi có may mắn là được viết những gì mà mình ham thích. Tôi viết về quê hương tôi, về cuộc đời tôi được cả thảy mấy ngàn trang…(Nhà văn Việt Nam hiện đại, Tr.81).
Với Hoàng Văn Bổn, chiến đấu và sáng tác văn nghệ gắn bó máu thịt với nhau: “Tôi vẫn tham gia bộ đội…, làm đủ thứ trong quân đội: cán bộ văn hóa văn nghệ ở đại đội, sư đoàn, phân liên khu…làm cán bộ viết kịch bản phim, làm trưởng ban biên tập xưởng phim quân đội, tham gia các chiến dịch lịch sử như: đường 9 nam Lào, Quảng Trị, Tổng tiến công và Nổi dậy 1968, đường Trường Sơn, đảo Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, làm phim về không quân đánh Mỹ, làm phim về chiến thắng 1975 lịch sử, làm phim Tổng tiến công giải phóng Phnompênh 1979, làm phim đánh bọn bành trướng 17.2.1979 tại 6 tỉnh phía Bắc… tham gia xây dựng nền điện ảnh quân đội từ hai bàn tay trắng, tham gia thiết kế và xây dựng nền điện ảnh Campuchia từ hai bàn tay trắng…các tác phẩm văn xuôi của tôi cũng lần lượt ra đời theo dấu chân của tác phẩm điện ảnh… trừ Trên Mảnh Đất Này, Miền Đất Ven Sông
Tôi viết bất cứ giờ trống nào, ở chỗ nào, nhất là lúc thiên hạ vui chơi, liên hoan chiến thắng, nghỉ ngơi…Trên ô tô ra chiến dịch, tôi tranh thủ chữa, viết. Bị bom đánh, anh em tôi nhảy xuống, xong lại viết tiếp. Ban đêm lúc mọi người ngủ, tôi viết. Viết lúc họp hội nghị Đảng Ủy, viết lúc học tập chính trị… viết lúc B52 cạo gọt các ngọn đồi chung quanh, xiết vòng vây vào chỗ hầm tôi…Nói chung, đến nay, tôi chưa có một dịp nào thảnh thơi, chưa có dịp nào gọi là chuyên để sáng tác cả. Về Văn nghệ Đồng Nai, tôi phải tranh thủ ban đêm, cứ đều đặn từ 9 giờ tối tới 3 giờ đêm, đêm nào cũng thế”(6)
Đoạn văn trên là trả lời phỏng vấn của nhà văn Hoàng Văn Bổn trên báo Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh do Lê Xuân thực hiện 1988. Nó giúp người đọc hiểu được những gì đã làm nên tố chất nhà văn lớn ở Hoàng Văn Bổn. Ông đã trải nghiệm cái hiện thực cách mạng vĩ đại của dân tộc. Ông viết với một ý thức sáng tạo tiến bộ: viết văn để phục vụ cách mạng. Phẩm chất cần cù, chịu đựng gian khổ cùng với một nỗ lực không ngừng rèn giũa ngòi bút, (cả những vinh quang và cay đắng, thí dụ những đánh giá khen chê về tác phẩm Trên Mảnh Đất Này), đã giúp ông viết được những tác phẩm lớn. Hành trình văn chương ấy, ông coi như là một sự an bài: “Gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi đã đi bộ đội, chiến đấu khắp chiến trường ba nước Đông Dương, trở thành nhà văn, viết và in cũng nhiều, làm phim cũng lắm. Trớ trêu, cay nghiệt thì khôn xiết” (tr.25), “mỗi người một số phận…mà cái số phận ấy hình như đã được an bài từ trước..” (tr.106 )[7] ..”.
Nói như người xưa, đó là định mệnh, là nghiệp. Nói bằng ngôn ngữ hôm nay, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã tự nguyện và có ý thức trách nhiệm xã hội rất cao với ngòi bút của mình, ông viết văn, bằng tất cả tấm lòng với cách mạng.
MỘT TẤM LÒNG YÊU THƯƠNG SÂU NẶNG
Tấm lòng yêu thương sâu nặng ấy là tình cảm cách mạng với Đảng, tình yêu quê hương thắm thiết, tình người và tình đời bao dung. Tấm lòng ấy cũng là cốt cách văn chương Hoàng Văn Bổn, là giá trị văn chương của ông. Ngọn lửa yêu thương ấy đã tỏa sáng trong 50 cuốn sách gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký, ký sự, chân dung; 25 kịch bản phim được dựng và chiếu, và hàng ngàn bài báo văn học khác.
Cuộc sống chiến đấu, gian khổ hy sinh nhưng kiên cường bất khuất của dân làng Bình Long dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuyển hóa thành nội dung của nhiều tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, trong đó, bộ tiểu thuyết sử thi Nước mắt giã biệt, và Miền đất ven sông là bộ tiểu thuyết ông tâm đắc.
Ông nói về Nước mắt giã biệt: “Đầu tiên viết Nước Mắt Giã Biệt, bộ tiểu thuyết sử thi, khai thác 30 năm hai cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1975, vùng đất Đồng Nai, Bình dương. Những nhân vật tâm đắc nhất của tôi là Từ Liêm, chú Bảy Hưng Điên, Sáu lé (hôm mình về thăm mộ ông ấy, bả ấy già rồi), Bảy lỳ và con người gọi là điển hình tượng trưng cho anh Tám Nghệ, tức là anh Huỳnh Văn Nghệ, là ông Hai Đinh, tức là Hai Đính, chính ủy Hai Đinh. Tôi viết về một giai đoạn dài như thế cả bên ta cả bên địch, cho nên nó mang cái sử thi như thế, cả mấy triều của tổng thống, của tướng tá Pháp này kia và của Mỹ. Nổi bật một số nhân vật chủ yếu là cơ sở Đồng Nai, sông Đồng Nai, cuộc sống của người Đồng Nai dưới đáy sông Đồng Nai và cuộc sống của người Đồng Nai ở trên mặt đất ở hai bên bờ tả hữu ngạn Đồng Nai. Dọc theo tả hữu ngạn sông Đồng Nai, từ Định Quán với những cơn khắc nghiệt của thiên nhiên, có những con người anh hùng huyền thoại như Huỳnh Văn Nghệ, như Bảy Lỳ. Có những kẻ địch thật bại thảm bại như là gia đình đại chù Ngô Kỳ Hồng có những hoàn cảnh éo le như cô Hồng Loan, như là Đờ men, như là Ngô Thị An ở Bộ Điền Địa của Thiệu… Tôi viết cái bộ đó tốn từ 1962 khởi thảo, đổi qua nhiều cái tên nhiều thử thách, nhiều in thử. Tôi in thử hai ba cuốn rồi tôi lại bỏ tôi viết lại. In thử đến cuốn thứ bốn, sau tôi bỏ tôi viết lại hoàn toàn. Cuối cùng tôi lấy tên Nước mắt giã biệt, 1600 trang, một giai đoạn 30 năm của đất Đồng Nai (video)
Miền đất ven sông gồm 3 tập, 847 trang, được Hoàng Văn Bổn viết trong hơn ba năm, từ 1983 đến 1986. Tác phẩm miêu tả cuộc sống chiến đấu của những con người làng quê Bình Long bên sông Đồng Nai từ những ngày khởi nghĩa năm1940 đến những ngày đình chiến 1954. Bộ tiểu thuyết này có thể được coi là một tiểu thuyết sử thi, vì nó phản ánh những sự kiện của một giai đoạn có những biến động lớn lao của lịch sử: kháng chiến chống thực dân Phát xít, Cách mạng tháng tám 1945 và chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
Miền đất ven sông (8) chính là lịch sử Cách mạng Đồng Nai, được tiểu thuyết hoá. Con người, sự việc là thật. Trong tác phẩm này, Hoàng Văn Bổn đã ghi lại được đậm nét hình ảnh đất nước và con người Đồng Nai. Dòng sông Đồng Nai được miêu tả nhiều lần như một biểu tượng linh thiêng của nhân dân Đồng Nai, gắn bó với từng con người từng số phận, với những ngày đau thương và quật khởi của nhân dân. Hoàng Văn Bổn cũng đặc tả những cảnh sinh hoạt có màu sắc và không khí đặc thù của người Đồng Nai: sinh hoạt của một gia đình, đỡ trâu đẻ, đám cưới, hội cấy đầu mùa (chương 17), con nhà địa chủ Ngô Kỳ Hồng quậy phá (Đờ Mên-chương 14 ).
Trong tác phẩm này, tính cách con người Đồng Nai hiện lên khá rõ qua các nhân vật gia đình bác Sáu: Bằng, Sáu Nở, Bảy Quỳ, và các nhân vật khác như Hương, Hai Đính, tướng cướp Bảy Lì, ông già chèo đò Hai Thố, mụ chủ quán Sáu Lé…Đó là những con người có cá tính mạnh, cần cù chịu thương chịu khó, giàu tình nghĩa, ngang tàng khí phách, gắn bó với quê hương đất nước, sống chết có nhau. Chẳng hạn, Bảy Lì đã cướp tù cứu Bằng và Hương. Bảy Lì cũng dõi theo Sáu Nở mãi, cả sau những ngày sáu Nở có chồng, ốm đau… Bằng và Hương sống chết bên nhau, gắn bó với Cách Mạng (Chương 20)
Người đọc có thể thấy mỗi câu chữ Hoàng Văn Bổn sử dụng đều nồng cháy tình yêu quê hương đất nước, con người Đồng Nai; tình cảm cách mạng với Đảng. Ông miêu tả sắc nét chân dung con người Bình Long. Ông ghi lại từng chi tiết của sự việc, của phong cảnh, đặc biệt là những kỷ niệm với Đồng Nai, với Đảng.
Trong Mùa Mưa, Hoàng nhớ lại lễ kết nạp Đảng và lời thề trước Đảng. Trong Gặp lại một dòng sông, Hoàng Văn Bổn cũng ghi lại một lễ kết nạp Đảng đơn sơ nhưng cảm động:
“Sau đó, tôi được kết nạp vào Đảng, cũng nở rìa sân bay biên Hòa này. Anh Tám đứng ra kết nạp tôi vào Đảng, đơn sơ lắm. Một lá Đảng kỳ nhỏ bằng hai bàn tay xòe, treo trên gốc cây cao su đơn độc, một cái bàn bằng cây tầm ron ghép lại, một nhánh hoa rừng và những lời tuyên thệ. Bên ngoài con Huệ ôm sung trường đứng canh gác cho tôi vào Đảng”(tr.15).
Xuyên suốt nhiều tác phẩm, Hoàng Văn Bổn đã miêu tả Đảng là người lãnh đạo, là sức mạnh làm nên mọi thắng lợi, là ước mơ, thúc giục quần chúng vươn lên, xốc tới. Ông bày tỏ niềm tin thiêng liêng vào Đảng. Gọi là thiêng liêng bởi vì Đảng không ở đâu xa, mà chính là rất nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh.
Khi trở lại quê hương, nhà văn Hoàng Văn Bổn tìm đến nghĩa địa xưa: Gặp mộ bác Hai Đính. “Tôi còn gặp nhiều bạn bè thuở chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, vớt củi trên sông Đồng Nai đang nằm ở đây”; “Tôi cũng tìm gặp mộ các đồng chí lãnh đạo chi bộ, Ủy ban, Mặt trận Việt Minh thôn, quận, đã cùng tôi vào chiến khu nay đang nằm ở đây….Đồng chí Chín Hùng, đồng chí Hồng, Tài, chị Tư Hóa bạn thân của chị Thanh hậu, Thanh Huyền…”(8)
Trí nhớ của ông thật tuyệt vời, những trang văn miêu tả của ông khắc sâu vào nhận thức của người đọc một vùng quê hương đất nước đẫm máu và nước mắt nhưng kiên cường và nghĩa tình biết bao. Ông đã viết những trang văn máu chảy, những trang văn gấm thêu…Chẳng hạn, hình ảnh con sông Đồng Nai có thể coi là một trường dụ trong rất nhiều tác phẩm của Hoàng Văn Bổn. Con sông lên tiếng nói cùng với nhân dân Đồng Nai trong trường kỳ kháng chiến, và con sông cũng là tình cảm của người dân Đồng Nai với quê hương mình.
“Hai chúng tôi bò lăn ra cười bên mép nước con sông Đồng Nai đục ngầu, mênh mông vào mùa tháng bảy. Vào mùa này, nước con sông Đồng Nai chỉ chảy có một chiều, chảy suôi ra cửa biển… Trên một chiếc thuyền câu dập dềnh gần bờ, một bà mẹ trẻ ôm thằng con trai hở rốn chồm ra dòng nước. Chị khỏa nước rửa mặt mũi cho con, vạch vú cho con bú…Thằng nhỏ ngửa mặt nhìn bầu trời trên đầu, cười toe toét. Người mẹ vỗ vỗ vào lưng con hát ru: ”Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”. Tôi và anh Sáu nhìn nhau bùi ngùi: Có biết bao nhiêu người quân tử của đất Đồng Nai ra đi suốt ba chục năm qua, mãi mãi không bao giờ trở về đoàn tụ nữa. Một giọt nước suông để rửa mặt cho thằng nhỏ dưới ghe kia, thật ra cũng thấm đầy máu và nước mắt”(Gặp lại một dòng sông– chương 3-)
Một đoạn văn tả cảnh nhưng giàu sức biểu cảm :
“Ngoài bàu Mật Cật, không biết ai đó chống ghe bứt cỏ hay đánh cá, đàn vịt trời cất bay từng bầy trên cao, kêu quàng quạc. Chim te te hoành hoạch, chim tầm bồng, bù nông cũng “quần đảo” kêu “táo tác”. Trên mấy cây dầu cổ thụ ngay chỗ trước kia là miễu Bình Long, một cặp chim hồng hoàng, cao các to bằng con công trống, mỏ dài và đỏ, quạt cánh lào xào không trung đảo một vòng quanh chòm dầu, thằng nhỏ chăn bò ngoái cổ kêu tôi, chỉ chỉ về hai con chim hồng hoàng nói to: “Hồng hoàng về miếu đó chú. Mấy năm nay cháu không thấy nó về đây lần nào đâu.” (Gặp lại một dòng sông– chương 6-) Tình quê trong văn của Hoàng Văn Bổn không chỉ bó hẹp nơi làng Bình Long hay khắp miền Đồng Nai. Tình quê ấy còn bao hàm cả miền Nam thương yêu khi nhà văn tập kết ra Bắc.
Tiểu thuyết Mùa Mưa ghi lại sâu đậm tình cảm này của các nhân vật. Đó là câu chuyện của đại đội quân bưu, cuối năm 1955 phải hành quân 300km đến công trường sông Lô, rồi sông Mường Tha gần biên giới để hoàn thành đường dây nối với Hà Nội. Sau 8 tháng ở rừng, họ đã hoàn thành công việc đúng hạn định của Bộ Quốc Phòng. Đại đội được thưởng huân chương. Quân số 150 người nguyên vẹn. Đa số chiến sĩ của đại đội là người miền Nam tập kết. Hoàng người Biên Hòa, Liên người Cao Lãnh. Lúc nào lòng họ cũng hướng về miền Nam, họ đọc chung thư từ miền Nam gửi ra. Học tự nguyện đào thêm hố trồng trụ cột vì miền Nam. Chiến sĩ Đệ ngủ mơ về Nam. Đệ nói với Hoàng: “Tôi có khóc hả anh! Đang ngủ… thấy mình về Nam, má tôi đang giã cốm dẹp cho tôi thì tụi thằng Diệm vô bắt má tôi, trói lại. Tôi bắn hai phát, kêu: “Má, má” và khóc rống. Tôi vội chạy đi báo cho anh” (tr. 317). Bính không ngủ được vì nghe tin làng quê miền Nam bị Diệm khủng bố, 20 người hy sinh. Bính như người điên lên vì căm thù. Nỗi nhớ quê hương miền Nam của anh thật cụ thể: “Bính hít hít mùi hôi của lá ủ và sình non trộn mồ hôi, rồi kêu to qua hơi thở phì phò: “giống mùi sinh Đồng Tháp Mười quá bà con ơi”. Và những ngày chiến đấu lăn lốp ngủ bờ dìa Đồng Tháp xâm chiếm tâm hồn anh. Anh nói cùng Thân: “Đời tôi giờ chỉ ước mơ được khiêng gỗ như vầy ở Đồng Tháp Mười thì đã là tiên rồi. Tôi không mơ ước gì hơn”(tr. 259). Nhiều người khác chỉ mong được về Nam chiến đấu, vì nơi quê nhà bao người thân yêu đang bị kẻ thù giết hại. Hoàng kêu lên: “Ôi quê hương! Một giọng nói, một mảnh đất, một ngọn rau, một con rạch một dòng kinh tít tắp với hai người đã trở thành một khát vọng!”(tr. 357).
Vào lúc đất nước mở cửa chuyển sang nền kinh tế thị trường, các giá trị truyền thống bị đảo lộn, nhà văn Hoàng Văn Bổn nhắc nhở chúng ta: “Nói chuyện ông Tám Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy trưởng của chúng ta, tự thành lập trung đoàn đầu tiên xứ mình đánh Tây, lấy nhà mình làm tổng hành dinh, tự đốt nhà mình tiêu thổ kháng chiến, mới cách nay có hai ba chục năm thôi, các chú có biết không? Không chớ gì? Trong làng mình các chú có biết, có nhớ các bác, các cô, chú đã hy sinh anh dũng cho tụi mình như ông Chín Hùng bí thơ chi bộ đầu tiên, ông Chín Hồng, chú Ba Tấn, chị Thanh Hóa, chú Bên, Nhứt, Nhì, các Má Sáu, Má Mười, Má Bảy phải nhịn đói, chịu tra tấn để tiếp tế cho hai cuộc kháng chiến qua không? Không chớ gì? Một ngàn năm trăm bác, chú, cô, dì… của các chú đã hy sinh”(9). Lời nhắc nhở ấy nghĩa tình biết bao, sâu nặng biết bao. Nghĩa tình ấy để lại dấu ấn Hoàng Văn Bổn trong lòng mọi người.
DẤU ẤN VĂN CHƯƠNG
Nói đến “dấu ấn văn chương” Hoàng Văn Bổn, bạn đọc hôm nay rất dễ nhận ra Hoàng Văn Bổn là nhà văn, nhà văn hóa lớn của Đồng Nai qua những gì ông đã đóng góp cho vùng đất này.
Gọi Hoàng Văn Bổn là nhà văn Đồng Nai, bởi ông sinh ra, lớn lên và ở lại mãi với đất này. Ông đã chuyển hóa con người, vùng đất, lịch sử Đồng Nai thành văn chương của ông. Và chính vùng đất này trở thành quê hương sáng tạo của ông. Con sông Đồng Nai trở thành biểu tượng trong sáng tác của Hoàng Văn Bổn. Sinh thời nhà văn nói mình có nợ với con sông Đồng Nai, vì thế viết văn là để trả nợ con sông: Miền đất ven sông, Gặp lại một dòng sông, Nước mắt giã biệt…là những tác phẩm đặc biệt thi hóa hình ảnh con sông Đồng Nai.
Hoàng Văn Bổn còn có tiểu thuyết Thuở hồng hoang, khám phá miền đất Đồng Nai từ những ngày “khai sơn phá thạch”. Đây là tác phẩm hư cấu. Hoàng Văn Bổn đưa vào tác phẩm nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, có cả những yếu tố thần kỳ. Truyện kể về gia đình ông Kỳ Ngoại lưu lạc từ ngoài Bắc vào thượng nguồn sông Đồng Nai để tìm đất sống. Gia đình ông được ông Bách, chàng trai tên Suman và bộ tộc người Po giúp đỡ. Sau đó lại được Ông Già Đồng Nai và chàng trai Đồng Nai hỗ trợ. Rồi họ cùng nhau đi tìm đất định cư. Họ đến vùng lưu vực sông Đồng Nai, ngã ba sông Nhỏ-sông Đồng Nai, làm rẫy, lập ấp, lập chợ lập trường học. Xóm làng vùng Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ đã dần dần hình thành, sầm uất, trù phú. Nhiều thế hệ trẻ đã lớn lên, dựng vợ gả chồng, con cái đùm đề… Viết tác phẩm này, nhà văn Hoàng Văn Bổn muốn nói đến đặc điểm văn hóa Đồng Nai là sự hợp nhất nhiều nền văn hóa khác nhau từ khắp miền đất nước.
Viết về Đồng Nai, Hoàng Văn Bổn có ý thức viết những bộ sử thi lớn. Đó cũng là dấu ấn Hoàng Văn Bổn với văn chương cả nước. Nếu nói đến những bộ sử thi chống Pháp và chống Mỹ, thì không thể không nhắc đến Trên Mảnh đất này, Miền đất ven sông và Nước Mắt giã biệt của Hoàng Văn Bổn, trong đó hình tượng nhân dân Nam bộ, hình tượng người lính là những đóng có màu sắc riêng của Hoàng Văn Bổn. Nhà văn cũng đặc biệt miêu tả sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm. Đảng là niềm tin, là lý tưởng. Đảng cũng là tình nghĩa. Đọc tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn, bạn đọc mới thấy hết tầm vóc to lớn của một nhà văn.
Hành trình nghệ thuật của ông, cũng là hành trình chung của thế hệ nhà văn-chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến. Họ xuất thân từ công, nông, binh, không qua trường lớp viết văn. Họ viết cho công, nông, binh. Cuộc sống của họ là ở chiến trường. Nội dung tác phẩm là câu chuyện chiến đấu của nhân dân. Nhân vật là bộ đội, là cán bộ cơ sở, là người dân làng quê anh hùng trong chiến đấu. Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ nhân dân. Nhà văn là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Tính lý tưởng là phẩm chất hàng đầu của ngòi bút.
Hoàng Văn Bổn mang tất cả những đặc điểm thế hệ của ông. Lúc đầu, ông viết về cuộc đấu tranh của nhân dân quê ông, để tố cáo tội ác thực dân, đế quốc. Văn của ông rất mộc mạc, giàu tính quần chúng. Rồi trong hành trình nghệ thuật, nhà văn đã bước hẳn vào văn chương bằng con đường sáng tạo (tác phẩm vượt qua sự ghi chép hiện thực còn thô). Những bộ sử thi của ông là những nỗ lực nghệ thuật vượt bậc.
Một đặc điểm khác của ngòi bút Hoàng Văn Bổn là ông có ý thức miêu tả chi tiết chân dung nhân vật. Ông quan sát rất kỹ để đọc cho được những ẩn dấu đàng sau hình hài một con người. Có lẽ ông muốn lưu giữ cho đời sau những khuôn mặt của một thời để họ có thể hình dung cụ thể về thời cha ông đã sống; cũng có thể là do ảnh hưởng nghề nghiệp. Ông là người viết kịch bản phim, cần có những khuôn mặt góc cạnh, cá tính.
Và đây là chân dung của Bảy Mẫn, một người mà sau 30 năm nhà văn đến nhà tìm gặp. Từ cửa vào, nhà văn ghi nhận: “Trên một chiếc sa lông nệm mút bọc giấy bóng cẩn thận, một ông già mặt gồ gẫy, da bánh ếch, râu và ria bó hàm để dài kiểu râu Trương Phi che kín miệng, cổ. Mái tóc ông già rắc muối tiêu, hai bàn tay to lớn, nổi gân đặt trên bàn sa lông, bộ quần áo bà ba đen có lẽ bằng xoa Pháp bó chặt người. Cho tới bây giờ, hàm râu rậm rì của ông già Trương Phi kia mới động đậy, cái âm thanh ồm ồm, rắn rỏi của một cổ họng bành bạnh, vạm vỡ :- Lu, Tôm sơn, Nít…lui!. Sau tiếng quát oai vệ ấy, bầy chó tản dần. Tôi nhận ra ngay cái cốt cách của gia đình Bảy Mẫn trước 1945. Oai vệ, kỷ cương, hay cố làm ra oai vệ, kỷ cương trưởng giả”(Gặp lại một dòng sông, tr.88)
Nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng anh em văn nghệ Đồng Nai. Trong điếu văn vĩnh biệt nhà văn Hoàng Văn Bổn, Ts Huỳnh Văn Tới đã ghi nhận tấm vóc một nhà văn hoá lớn ở Hoàng Văn Bổn với đất nước Đồng Nai:
“…Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Nai xin ghi nhận công lao to lớn của nhà văn Hoàng Văn Bổn trong xây dựng nền văn học nghệ thuật địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa mới trên đất Đồng Nai. Những người cầm bút Đồng Nai thế hệ trưởng thành sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng biết ơn và ghi nhớ mãi về một người thầy, người anh tận tình phát hiện, nâng đỡ và khuyến khích trên con đường sáng tạo nghệ thuật cao quí mà gian nan, đòi hỏi nhiều tâm sức, tài năng…”
Và Hoàng Văn Bổn cũng là nhà văn tri âm tri kỷ với nhiều nhà văn lớn giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Xin đơn cử:
Nhà văn Bùi Hiển gọi Hoàng Văn Bổn là nhà văn nhân chứng. Ông viết:
« Có thể coi Hoàng Văn Bổn là một nhà văn nhân chứng./ Mà không! Anh không hề chỉ là người chứng kiến đơn thuần. Anh lao vào cuộc, anh xông xáo dọc ngang, với những nhiệm vụ khác nhau, anh đi nhiều nơi ở Nam Bộ và miền Bắc, sang Lào, ra hải đảo, anh viết truyện, anh quay phim dưới bom đạn (một số đoạn phim tư liệu của anh đã được Joris Iven sử dụng lại), anh cũng là một nhân vật chính, anh có quyền sử dụng nhiều chữ « tôi », nhắc lại nhiều đến «tôi» mà không sợ mang tiếng huênh hoang, hợm hĩnh. Anh tỉ mỉ và tuần tự kể lại những việc mình làm kề vai sát cánh cùng bạn bè, đồng đội (đều cũng là chiến sĩ vệ quốc hồi «chín năm») để góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam bằng một lối văn kể chuyện hết sức tự nhiên, chân thực, phảng phất màu dân dã tươi vui hóm hỉnh »(10)
Nhà thơ Thu Bồn chỉ ra đặc điểm văn phong của Hoàng Văn Bổn so sánh với các nhà văn Nam Bộ: “Đặc điểm của anh Bổn tôi thấy là anh là một tác giả Nam bộ, nhưng có khác với anh Đoàn Giỏi, anh Nguyễn Quang Sáng. Những người kia thì viết về đồng ruộng, về nông dân Nam bộ những người hơi có khí phách giang hồ. Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương Nam, anh Sáng viết về Chiếc lược ngà, thì cái tính cách Nam bộ nó khác. Anh Hoàng Văn Bổn cũng là một chất giọng Nam Bộ nhưng mà anh thể hiện trong tác phẩm của ảnh cái giọng rất là hiền hòa đôn hậu khi tả những người dân lao động chất phác ở miền quê. Và anh Bổn cũng là một người rất hiền lành, cho nên đọc tác phẩm anh Bổn thấy người dân Nam bộ hồn hậu dễ thương.”(11) Đạo diễn Dương Minh Đẩu, nguyên Giám đốc Xưởng phim Quân đội Nhân dân, người 30 năm sống gần gũi Hoàng Văn Bổn, có những quan sát rất tinh về đặc điểm quá trình sáng tác của Hoàng Văn Bổn:
“Đối với anh Bổn, tôi vừa là người đồng đội, vừa là bạn thân. Hai điều đó khiến cho tôi không lúc nào quên được hình dáng gầy gầy gò gò, suốt ngày chỉ lo chuyện tìm hiểu, viết lách. Ngoài ra ông cũng có chuyện riêng của ông ấy. Tại sao ông ấy làm được phim nhiều, mà ông viết cũng rất khỏe, tiểu thuyết, ký sự, nhất là ký sự rất khỏe. Những là Hòn Mê ông ấy viết trong khi đi làm phim đấy. Thì hóa ra, có lúc tôi mới trêu chọc ông ấy, tôi bảo, anh khôn lắm. Tất cả đề tài các chiến trường nóng bỏng, anh đi hết, anh thu lượm cho hết. Về, giờ này, anh nhả ra một ít để anh làm phim, còn bao nhiêu những cái không đưa được lên phim anh giữ trong bụng, đêm về anh giở ra viết sách. Anh vẫn viết tiểu thuyết đấy, hồi ký đấy, ký sự đấy, khôn lắm”
ĐỌC VĂN BẰNG CHỮ TÂM
Văn chương Hoàng Văn Bổn là kết tinh máu và nước mắt của gia đình và quê hương cách mạng nơi ông sinh ra và lớn lên, đồng thời hội tụ những vẻ đẹp sử thi mang tầm vóc thời đại của hai cuộc kháng trường kỳ của dân tộc mà ông là người đã dấn thân với những khát vọng lý tưởng. Sự cần cù sáng tạo và trui rèn ngòi bút của ông trong nhiều môi trường, nhiều hoàn cảnh đã tạo nên sự phong phú nghệ thuật mà không phải nhà văn nào cũng có được. Ông là hình ảnh thế hệ nhà văn-chiến sĩ một thời hào hùng của dân tộc.
Tôi đã đọc và viết về Hoàng Văn Bổn bằng nhiều phương pháp phê bình văn chương khác nhau. Nhưng tôi thấy, không phương pháp phê bình nào là thỏa đáng với tác phẩm của ông.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn nói: “Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thía rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này” (12)
Tôi ngẫm nghĩ mãi lời ông nói, và lo lắng không biết trang viết của mình có làm tổn thương đến nhà văn không!
B.C.T
(1) Nhà văn Việt Nam hiện đại, Tr.81.
(2) Gặp lại một dòng sông, sđd. Tr.69.
(3) Gặp lại một dòng sông, sđd. Tr.57.
(4) Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, số 513. Tr.8
(5) Gặp lại một dòng sông, sđd. Tr.92.
(6) Văn nghệ Tp HCM, số 513 (sđd)
(7) Người điên kể truyện người điên, Nxb Đồng Nai 1992.
(8) Gặp lại một dòng sông. Tr 50
(9) Người điên kể chuyện người điên.
(10) Bùi Hiển: http://www.nxbkimdong.com.vn/products/van-hoc-nhi-dong/tuong-lam-ky-dat.html
(11). Video: Tự sự với Đồng Nai https://www.youtube.com/watch?v=FbdQwaFMmKQ
(12) VNĐN số 8/ 1987.