NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG MỘT THỜI CẦM SÚNG, CẦM BÚT

NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG MỘT THỜI CẦM SÚNG, CẦM BÚT

NGUYỄN BẢO

Nhà văn Nguyễn Chí Trung là người sống hết lòng vì mọi người, lấy niềm vui hạnh phúc của người khác làm niềm vui hạnh phúc cho mình. Hơn thế, anh còn là người phấn đấu, hy sinh suốt đời cho nhân dân, cho cách mạng. Có một cuốn sách dày 3.000 trang, trình bày đẹp, in đẹp, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, do anh Nguyễn Chí Trung lo liệu từ đầu đến cuối. Cuốn sách có tên: “Văn nghệ sĩ Liên khu V: Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo”. Vâng, lý tưởng, nhân cách, sáng tạo là điều được anh coi trọng trong cuộc đời mình. Anh giáo dục, rèn luyện chúng tôi. Anh là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung
1. Có một Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng ở chiến trường Khu V

Vào chiến trường, chúng tôi được điều về Ban Tuyên huấn khu ủy Khu V. Được biết Cục Chính trị Quân khu chỉ cách đây nửa buổi đường. Người đầu tiên của Ban Văn học Cục Chính trị Quân khu sang thăm, nói chuyện với chúng tôi là nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Khu V, Trưởng ban Văn học Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Đọc anh từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, được gặp anh ai cũng mừng rơn, háo hức. Nhà văn Nguyên Ngọc thấp nhỏ nhưng nhanh, hoạt. Anh là nhà văn lớn, tác phẩm từng thôi thúc bao thế hệ thanh xuân lên đường đánh Mỹ, cứu nước. Hôm đó, anh nói chuyện thật hay, thật lý thú. Chúng tôi nhận lấy ở anh những gì cần có của một người vừa chân ướt chân ráo đến chiến trường. Đó là niềm tin, sự bền bỉ vượt khó để tồn tại, để viết, để sống, chiến đấu như một người lính ngoài mặt trận. Anh ngỏ ý xin ban lãnh đạo tuyên huấn một vài người sang quân đội. Nhiều anh chị thích mặc áo lính nhưng ngại là phải làm quân anh Nguyễn Chí Trung. Ở khu ủy, có người miêu tả Nguyễn Chí Trung là người lúc nào cũng mặc quân phục, đeo kè kè súng ngắn bên hông. Là người riết ráo thực thi mệnh lệnh, riết ráo kiểm điểm phê bình đồng đội. Dẫu vậy, tôi, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng chẳng ngại. Đã tình nguyện vào chiến trường sao lại sợ những thử thách đến với mình? Chúng tôi xin nhập ngũ, chẳng chút đắn đo.

Nguyễn Chí Trung còn được nhiều người kể về những chuyện hay quên. Chuyện quên của Nguyễn Chí Trung nghe cứ như chuyện bịa. Còn nhớ, hôm anh đi công tác ỏ khu dồn Quảng Ngãi về. Chúng tôi đang quây quần quanh đống lửa giữa nhà, bỗng nghe tiếng động ngoài sân, vội chạy ra:

– Mình là Nguyễn Chí Trung! Ôi chà, chào cả nhà!

Anh bắt tay từng người. Vào nhà. Cũng chỉ có ba người vừa mới chào vừa mới bắt tay anh xong nhưng anh lại chào, lại bắt tay nữa, lại vẫn giới thiệu: “Mình là Nguyễn Chí Trung…” y như chúng tôi vừa mới xuất hiện. Thôi rồi. Anh là người hay quên thật rồi. Những ngày về đây, chúng tôi được nghe không biết bao nhiêu cái sự quên đến kỳ lạ của Nguyễn Chí Trung. Hồi anh đi tập kết ra Bắc, có hôm mượn xe đạp của bạn đi họp, đến mười cây số. Vậy mà khi về, đi bộ, quên xe ở cuộc họp. Tưởng là chuyện viển vông, sau này hỏi, anh thú nhận có chuyện đó. Một lần khác đi cõng gạo. Về gần đến nhà thì trời sập tối. Anh bèn nghỉ lưng ngay ở một trạm gác, đánh một giấc. Rạng sáng, mở mắt, nhận ra nhà mình trước mặt. Anh là người thích họp hành và ít khi bỏ các cuộc họp. Anh họp với văn nghệ quân khu rồi lại qua bên kia họp với văn nghệ khu ủy. Anh họp bên Cục Chính trị rồi lại họp bên Cục Tham mưu. Rất nhiều lần về khuya, lục đục mắc võng, trong khi mọi người đã yên giấc. Sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ mọi người, anh nghĩ ra kế mắc võng từ chiều. Ấy thế rồi lại quên, tối về, vẫn lích kích mở ba lô tìm võng. Tìm mãi không thấy, bèn leo lên giá gỗ ngủ khèo trên đó. Bảnh mắt, anh hề hà nói với mọi người là không biết để quên chiếc võng ở đâu. Ai nấy vừa ngơ ngác, vừa thương. Sau khi dọn dẹp nhà, trơ ra một chiếc võng. Té ra là võng Nguyễn Chí Trung. Chúng tôi cũng đã từng chứng kiến một vài lần anh xuống suối tắm. Trên đường đi, gặp ai đó, thế là rỉ rả hỏi chuyện, nói chuyện. Thau quần áo đặt cạnh đường đi.

Vãn chuyện. Chạy lên nhà tìm. Không thấy. Xuống suối. Không thấy. Có khi mấy ngày sau mới tìm được mà do người khác chỉ cho. Là thế, có lần tận Campuchia, anh tắm, để nguyên quần dài bộ đội đang mặc. Tội nghiệp, trong ba lô của anh có chiếc quần lót nào đâu. Không có, không phải vì không có. Sĩ quan ai cũng được cấp phát. Không có vì anh đã lặng lẽ “tặng lại” cho trời đất ở một chỗ nào đó.

Quên đến thế chỉ là Nguyễn Chí Trung, nhưng nhớ có lẽ cũng khó có ai nhớ được như anh. Những nghị quyết, những cuộc họp cách đó mười năm, hai mươi năm – chủ trương gì, ai phát biểu ra sao, anh nói lại vanh vách. Nếu cãi, anh lục sổ ghi chép và đọc lại nguyên văn. Một khuyết điểm nhỏ thôi của ai đó, chẳng hạn: Đi xuống đơn vị không ở đại đội tiểu đoàn mà ở trung đoàn, sư đoàn, mươi năm sau anh vẫn nhắc lại. Có lần anh bảo tôi học ngoại ngữ, khi đó tôi mới về ban được ít ngày. Ở rừng, có bao nhiêu điều cần làm hơn là học ngoại ngữ. Có bao nhiêu điều cần nhớ hơn là nhớ tiếng nước ngoài. Tôi nghĩ, lời khuyên đó hơi xa xỉ. Tôi đã nói gì đó với anh và lơ đi. Một chặng đường ngút ngát ba mươi năm sau, ở nhà số 4 Lý Nam Đế, anh nói với tôi: “Tranh thủ học ngoại ngữ em ạ. Cần lắm. Nói như em, không có năng khiếu là không đúng đâu…”. Tôi ngớ ra. Vâng, hình như hồi xa lắc xa lơ đó, tôi có nói với anh như vậy. Về chuyện hay quên của Nguyễn Chí Trung đã nhiều người viết, nhiều người kể. Những chuyện ấy dù sao cũng góp vui, khuây khỏa nỗi nhọc nhằn khi đi cõng gạo, đi sản xuất, hoặc vơi đi sự hồi hộp căng thẳng trên đường vào trận.

Nhớ những ngày đầu, tôi Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng qua Ban Văn học Cục Chính trị. Trời ơi! Sao mà hoang vắng thế! Nhà của ban chỉ còn là cái nền đất. Người của ban tuyệt không thấy một ai. Cái Ban Văn học của anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung hồi đó là vậy. Quyết liệt vì sự tồn vong của dân tộc, vì chiến thắng của mỗi trận đánh. Những anh Lương Tử Miên, Nguyễn Phong Tạo, Ngân Vịnh, Nguyễn Bá Đắc, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi… đi phát rẫy, trồng sắn ở Kon Tum. Anh Nguyên Ngọc đi với chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Quân khu, còn Nguyễn Chí Trung luồn vào khu dồn Quảng Ngãi, ăn ở trong đó với dân, theo dõi địch và nắm tình hình. Khoảng một tuần gì đó, lần lượt mọi người lục tục từ các nơi kéo về. Họp và họp. Triển khai công việc. Đang cuối mùa mưa. Các đơn vị chuẩn bị cho các trận đánh. Phải gấp rút hoàn thành các công việc nội bộ để chia nhau về các đơn vị. Nguyễn Chí Trung chú ý nhiều đến ba học trò mới rời ghế nhà trường. Cùng học khóa 4 Hội Nhà văn và cùng vào Khu V với chúng tôi có Nguyễn Trí Huân. Lúc đó, anh đã có những sáng tác in sách, in báo. Anh vào trước chúng tôi ít ngày và với tư cách là người viết văn. Trong buổi họp đầu tiên, Bí thư chi bộ Nguyễn Chí Trung hỏi Nguyễn Trí Huân: “Anh vào đây để làm gì?”. Huân trả lời: “Để lấy tài liệu viết văn ạ…”. Ngay sau đó anh hỏi tôi: “Để học, học dân, học bộ đội ạ.” – Tôi trả lời khác sao được. Vừa mon men vào đây, đã viết được cái gì đâu. Còn lâu dám nói như Huân. Ấy thế nhưng Nguyễn Chí Trung lại đánh giá tôi là được còn Huân phải xem lại. Khốn nỗi, sau này Huân cứ bảo tôi khôn. Thật ra khôn dại cái nỗi gì? Nguyễn Chí Trung muốn rèn chúng tôi ngay từ những ngày đầu mới vào chiến trường. Vậy thôi. Trong ban, có hai người gắn với nhau như bóng với hình là Nguyễn Chí Trung và Nguyên Ngọc. Thân nhau và phục nhau. Không ngày nào ở cơ quan hai người không đàm đạo, bàn bạc. Nguyễn Chí Trung đánh giá cao tầm tư tưởng của Nguyên Ngọc, phục về văn tài. Bí thư chi bộ Trung làm hết mọi sự vụ để Trưởng ban Ngọc có nhiều thời gian ngồi viết. Những sáng tác đầu tay của chúng tôi anh Trung đọc trước, nhận xét, đánh giá, góp ý sửa chữa: Tỷ mẩn, tâm huyết, thận trọng. Vậy nhưng sau đó lại bảo chúng tôi đưa cho anh Ngọc đọc. Đôi khi có sự vênh nhau trong hướng dẫn sửa bài của hai anh. Anh Trung bảo chúng tôi: “Cứ theo ý anh Ngọc”. Anh Trung tôn trọng anh Ngọc, chiều anh Ngọc. Anh Ngọc quý trọng anh Trung ở công việc quản lý cơ quan và đóng góp với quân khu trong lĩnh vực quân sự, chính trị. Thân thiết với Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân, trước chiến dịch, Nguyễn Chí Trung biết các trận đánh sắp nổ ra, đơn vị nào sẽ làm chủ công, hướng tấn công nào là chính, hướng tấn công nào là phụ. Từ đó, họp cơ quan, phân mỗi người bám một đơn vị thích hợp. Chẳng hạn Nguyễn Trí Huân đi với Sư 3, Nguyễn Hồng đi với lữ đặc công, hướng Bình Định. Thái Bá Lợi, Nguyễn Phong Tạo đi với Sư 2, hướng Quảng Nam. Tôi với Vũ Thị Hồng đi tiểu đoàn địa phương Quảng Đà…

Với sự hiểu biết, từng trải và cả sự thông minh, quyết đoán, anh dự kiến một số tình huống có thể xảy ra ở mỗi trận đánh. Cứ đụng đến chuyện trận mạc, anh say mê, háo hức, giọng thanh thoát, vô cùng. Rồi chiến dịch nổ ra, đang ở đâu đó, tất yếu phải là chỗ gay go nhất, ác liệt nhất, anh viết thư cho chúng tôi, thăm hỏi động viên. Thư anh tình cảm mà bốc lửa. Đến giờ, tôi vẫn còn bồi hồi xúc động khi nhớ lại nội dung những bức thư ấy. Anh có quan hệ mật thiết với Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công. Những nghị quyết của khu ủy anh là người chép bút. Anh không nói ra nhưng mọi người đều biết. Mỗi lần học nghị quyết, thường vụ khu ủy cử anh đi truyền đạt ở các đơn vị lớn. Cơ quan tôi nhỏ thôi nhưng sẽ được nghe anh phổ biến đầu tiên. Mỗi đận như thế, chúng tôi nói đùa: “Chúng ta sắp nghe nghị quyết của anh Nguyễn Chí Trung”. Trước chiến dịch, chúng tôi tranh thủ trồng rau, nuôi gà. Còn chút thời gian rảnh rỗi, anh Nguyên Ngọc dạy chúng tôi học tiếng Pháp. Có khi nhà Ban Văn học vang lên những tiếng hát tập thể. Đấy là lúc chúng tôi tập văn nghệ, chuẩn bị biểu diễn với các ban trong Cục Chính trị. Nguyễn Chí Trung nghĩ ra rất nhiều việc, cho từng người. Mỗi người được phân công phụ trách một việc cụ thể. Trưởng ban sản xuất, trưởng ban văn nghệ, trưởng ban nuôi gà, trưởng ban nấu ăn… Chúng tôi nói vui: “Ban mình, anh chị nào cũng là cán bộ phụ trách”. Ôi! Một thời chiến tranh, cái Ban Văn học của chúng tôi sao mà vui, sao mà ấm áp, thấm đẩm tình người đến vậy.

Nhớ mãi cái Tết năm 1972. Bắt đầu chiến dịch, tất tật mọi người trong cơ quan đi theo các đơn vị tham gia chiến đấu. Gần Tết, chúng tôi về cơ quan theo hẹn. Nhưng anh Ngọc còn mải mê với đất Điện Bàn. Xin được nói thêm, trước đây thời kỳ gay go nhất của chiến tranh, anh Ngọc từng là Bí thư Chi bộ bí mật ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn. Khi chúng tôi xuống vùng đất này vẫn được cán bộ, nhân dân kể rất nhiều chuyện về những đóng góp của anh Ngọc trong xây dựng lực lượng vũ trang, trong chiến đấu, trong vận động quần chúng làm cách mạng. Trở lại việc làm báo, chúng tôi chờ mãi vẫn chưa thấy anh Trung về, nghĩ bụng, tết năm nay chắc không ra tạp chí nổi rồi. Sát rạt ngày cuối năm, anh Trung tức tốc từ Quảng Ngãi về. Anh gắt toáng lên, trách chúng tôi không chuẩn bị làm báo tết. Anh nói: “Không ra được báo tết là một thất bại cay đắng. Là thiếu ý chí, thiếu nghị lực của người chiến sĩ cầm bút. Ngoài mặt trận, bộ đội quyết thắng trong mọi tình huống, còn chúng ta lại chịu bó tay trong nhiệm vụ của mình”. Thế là toàn bộ cơ quan vào cuộc, quyết liệt. Ai nấy ngồi vào bàn, bất kể ngày đêm, viết và viết. Khẩn trương, sôi sục. Anh Trung vừa viết vừa biên tập bài của chúng tôi. Cuối cùng, bản thảo số tết cũng được đưa xuống nhà in. Tết năm đó, bộ đội vẫn có tạp chí trên tay. Đó là những ngày làm báo khó quên trong cuộc đời cầm bút của mỗi chúng tôi.

2. Cầm súng

Nói về đánh giặc, hiếm có người dũng mãnh, bất chấp hiểm nguy như Nguyễn Chí Trung. Đi làm phái viên nhưng xuống đơn vị, anh thành người của đơn vị. Với tiểu đoàn, anh như chính trị viên. Với đại đội, anh vừa làm công tác tổ chức vừa động viên bộ đội. Vào trận, anh là lính cầm súng đánh nhau thực thụ. Anh say mê đánh giặc đến kỳ lạ. Năm 1974, tôi được cùng xuất phát với anh đi đến một chiến dịch lớn. Cũng chỉ là đi một hướng, mỗi người sẽ bám một đơn vị khác nhau. Tôi theo Sư 304 của Bộ đánh Thượng Đức. Anh đi với Sư 2, chủ lực Quân khu V đánh Nông Sơn. Đêm trước ngày ra trận, tôi trằn trọc khó ngủ. Chính trị viên tiểu đoàn mở Đài Tiếng nói Việt Nam. Công tắc vừa “đánh tách” đã vang lên tiếng đọc rất tha thiết, rất trầm hùng của cô phát thanh viên, buổi phát thanh văn nghệ đêm khu-ya. Mới nghe, tôi nhận ra ngay đó là bài ký: Khi dòng sông ra đến cửa của Nguyễn Chí Trung. Bài ký tiên đoán một cách vững chắc, hào sảng những gì cơn bão lớn của dân tộc sắp xảy ra. Khát khao và mơ ước. Niềm tin và hy vọng. Thử thách và chiến công. Điều kỳ lạ là bài ký được đọc trong khi trận đánh lớn vô cùng khốc liệt ở Thượng Đức sắp xảy ra ngày mai. Không biết lúc này anh Nguyễn Chí Trung có nghe đài không? Mãi sau này tôi cũng quên chưa hỏi anh.

Trận đánh Thượng Đức đã không diễn ra như mọi người mong đợi. Trước đó mấy hôm, tôi cắt tóc cho anh Quý-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, chủ công. Mắt ông nheo nheo chỉ về phía Thượng Đức: “Nói gì thì nói, thằng này không chịu nổi đâu. Thời gian dứt điểm sẽ sớm hơn dự định”. Rồi ông lại chỉ về phía Nông Sơn: “Thằng ấy mới gay go…”. Ông giải thích: “Không phải vì nó mạnh hơn thằng Thượng Đức mà là vì quân của quân khu có cái khó của nó”. Tôi lặng lẽ mỉm cười, bụng nghĩ: “Thì ra các anh đánh giá quân của Bộ và quân của quân khu khác nhau đến thế cơ đấy…”.

Trung đoàn trưởng Quý của tôi bị thương nặng ngay trong buổi sáng đầu tiên nổ súng. Ngồi ở hầm chỉ huy, ông tức điên khi các mũi, các hướng báo về, không vào được Thượng Đức. Ông bỏ máy, bỏ hầm, chạy ào về phía cửa mở, bị pháo trong Thượng Đức quét, bẹp dí, mảnh đạn găm khắp người, không nhúc nhích nổi. Quân đoàn quyết định tổ chức lại lực lượng, tấn công lần hai, vẫn không xong. Thương vong quá nhiều. Tử sĩ nằm vắt trên rào kẽm gai chưa lấy ra được. Sư trưởng Lê Công Phê đánh rơi tổ hợp máy điện thoại trên tay khi nghe những tin ấy. Trong khi đó, Nông Sơn dứt điểm “ngon lành”. Sau chiến thắng ở Nông Sơn, Nguyễn Chí Trung vừa đi vừa chạy về quân khu báo cáo tình hình rồi ơi ới gọi Liêu, công vụ cơ quan đang mắt nhắm mắt mở:

– Đi đâu thủ trưởng?

– Thượng Đức, nhanh lên!

– Nhưng em không biết đường?

– Anh biết, yên trí!

Công vụ Liêu đã kể lại chuyến đi khủng khiếp đó. Một chuyến đi bão táp. Liêu đã khóc tu tu khi trên đường, công binh cắm bảng: “Có nhiều mìn – cấm đi”. Nhưng Nguyễn Chí Trung cứ đi, vừa đi vừa dò mìn, gỡ mìn. Liêu hoảng quá. Anh lo cho thủ trưởng mình là chính, liền giả đò bị sốt rét, lăn đùng ra run cầm cập. Đấy cũng là cách để ngăn sự mạo hiểm của thủ trưởng mình. Nguyễn Chí Trung bảo: “Anh thương em lắm, nhưng ở lại đợi thì muộn mất. Tình hình ở Thượng Đức đang diễn ra rất phức tạp. Thôi anh đi trước, em cứ nghỉ cho qua cơn rồi đi sau vậy”. Nằm một chặp, công vụ Liêu cũng phải bò dậy đi theo. Nguyễn Chí Trung đến Thượng Đức lúc chỉ huy quyết định đánh Thượng Đức lần ba. Anh không vào chỗ quân đoàn, sư đoàn mà ra ngay nơi quân ta quân địch đang quần nhau, một còn một mất:

– Này anh kia! Điếc à! Pháo bắn thế mà nghênh ngang! – Một chỉ huy tiểu đoàn pháo của 304 nói.

– Tôi là phái viên cấp trên đây. Các anh đặt pháo thế này hèn gì không đánh được. Chuyển sát vào nữa đi. Càng sát càng đỡ thương vong. Cho pháo bắn thẳng vào mấy cái lô cốt kia kìa. Còn tần ngần gì nữa, làm đi…

Không thể không chấp hành cái lệnh ấy. Chỉ huy pháo binh nghĩ đấy là lệnh cấp trên.

Nguyễn Chí Trung lại chạy đến tiểu đoàn bộ binh, chỗ mở cửa không thành:

– Mở cửa chỗ này bộ đội phơi áo ở hàng rào là phải. Không được đâu, mở chỗ đằng kia kìa, nghe rõ chưa! Tôi là phái viên cấp trên đây.

Mọi người ngơ ngác nhưng không thể không làm. Ông ta chắc làm to, lại coi bom đạn như cái rơm cái rác thế kia.

Khi trận đánh chưa dứt, tôi đã có mặt ngay ở Thượng Đức và được nghe bộ đội kể lại những điều trên. Tất nhiên, không một ai biết người phái viên kiên cường ấy là ai. Ở cuộc họp cán bộ do sư đoàn triệu tập khi trận đánh đã toàn thắng, một cán bộ tuyên huấn cho biết người phái viên đó là một nhà văn, nhà báo. Sư trưởng Lê Công Phê biểu dương người không biết tên, biết mặt ấy và bảo đơn vị tìm bằng được để đề nghị cấp trên tặng huân chương… Phần tôi, bỗng ứa nước mắt vì xúc động, vì tự hào về thủ trưởng của mình. Tôi cũng vội vàng đi tìm, nhưng tìm sao được. Ngay sau trận đánh, “thầy trò” Nguyễn Chí Trung đã dốc thẳng một lèo về quân khu bộ. Theo thời gian hiệp đồng với Bộ Tư lệnh Quân khu V, anh đã trễ mất một ngày. Vậy đấy, nhưng bao lần xông pha trong mịt mù khói lửa, anh chỉ bị thương, không bị bom đạn chôn vùi. Đi gùi gạo, chúng tôi đi hai ngày, anh chỉ đi một ngày hoặc ngày rưỡi. Đường dài, leo dốc bở hơi tai, bom pháo, chông mìn rình rập, nhưng anh đi liền mạch. Đi nhanh về nhanh vì cả núi công việc đang chờ ở nhà. Nhiều việc, người bình thường không thể làm nhưng vào tay Nguyễn Chí Trung ngon ơ! Là Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, công việc bên quân khu bộn nhưng anh vẫn giành thời gian qua bên tuyên huấn khu ủy bàn bạc công việc. Găp anh em văn nghệ sĩ, anh thông báo tình hình chiến sự, gợi ý những hướng đi vào chiến dịch, những kinh nghiệm khi vào trận, cách thu thập tài liệu. Lụi bụi, sấp ngữa vì công việc bên quân đội rồi bên dân sự nhưng không thấy anh kêu ca, phàn nàn bao giờ. Hình như chỉ với công việc mới làm anh vui, hạnh phúc. Mười hai năm liền, anh là chiến sĩ thi đua. Huân chương, huy chương cấp trên trao cho anh, không biết mấy cho vừa.

3. Trưởng trại sáng tác của chúng tôi

Cách mạng toàn thắng, một chương mới mở ra cho dân tộc. Vinh quang, sum họp, nhưng khó khăn vây bủa. Một số đơn vị bộ đội giải thể, một số đi làm kinh tế. Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ của Ban Tuyên huấn khu ủy Khu V kết thúc. Người về địa phương, người ra Trung ương. Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ vẫn còn nhưng công việc đang thay đổi. Nguyễn Chí Trung đứng ngồi không yên: “Có một đội ngũ văn nghệ sĩ trải qua chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh, quý vô chừng. Không biết giữ, phát triển, thật phí. Bản thân mình cũng thấy có tội”. Nguyễn Chí Trung đã đề đạt với thường vụ khu ủy và quân khu ủy một phương án: Chuyển một số văn nghệ sĩ của khu ủy sang quân đội. Gồm các anh Dương Hương Ly, Thanh Quế, Nguyễn Khắc Phục, Cao Duy Thảo, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh… Nhân sự bên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng không những giữ nguyên mà còn tuyển thêm Thanh Thảo, Nguyễn Đăng Kỳ, Trung Trung Đỉnh… Về dân sự bên ngoài tuyển thêm Nguyễn Công Khế, Ngô Thị Kim Cúc. Hai người này chỉ ở trại một thời gian ngắn, sau chuyển qua cơ quan báo. Lực lượng vừa được sát nhập, tập trung ở hai nhà: 1B Ba Đình và 10 Lý Tự Trọng. Cùng với đó, một cơ quan mới ra đời “Trại sáng tác Văn học Quân khu V”. Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng, Nhà văn Phan Tứ làm trại phó. Sau chiến tranh, nhiều văn nghệ sĩ muốn có thời gian quây tụ lại với nhau bàn bạc, viết về đề tài còn nóng rãy này. Nguyễn Chí Trung đã đáp ứng được nguyện vọng đó. Trại kéo dài được năm năm. Các văn nghệ sĩ chủ yếu làm công việc sáng tác. Nguồn kinh phí quân đội cấp có hạn, Nguyễn Chí Trung đã thành lập một ban hành chính phục vụ đắc lực cho cơ quan. Tư lệnh Chu Huy Mân đến thăm, đã ngạc nhiên kêu lên: “Đội quân tăng gia, chăn nuôi của Trung thật cừ, phải phổ biến kinh nghiệm cho quân khu đấy nhé”. Thịt lợn, thịt gà, trứng gà thường xuyên bổ sung thêm cho suất ăn còn khiêm tốn của trại. Rau xanh chủ yếu là của nhà trồng. Đất trong vườn, ngoài rào mọc đủ thứ: Rau lang, rau muống, rau cải, bí bầu… mùa nào thức ấy, xanh mướt. Những năm tháng đó, trại đã đón không biết bao nhiêu khách văn của Trung ương, của địa phương, tươm tất, nhờ có sự tự túc này. Nhưng điều ấy sẽ thành vô nghĩa nếu thành quả sáng tác văn học của trại không xứng với công sức tiền của đã bỏ ra.

Có thể nói cả nước sau chiến tranh đến bây giờ chưa có một mô hình trại sáng tác nào như Trại sáng tác Quân khu V. Trại kết thúc đã cung cấp một nguồn cán bộ làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật cho Trung ương và các địa phương. Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhiều năm liền là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó là Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Anh còn là người nhiều khóa liền làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Thanh Quế là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Tổng biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật Đà Nẵng. Nhà thơ Thanh Thảo – Tổng biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi; Nhà văn Cao Duy Thảo – Tổng biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật Khánh Hòa; Nhà thơ Dương Hương Ly – Tổng biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật Tỉnh Lâm Đồng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà thơ Ngô Thế Oanh – Phó tổng biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn… Điều quan trọng hơn, những thành viên của trại trong 5 năm ấy đã cho xuất bản những tác phẩm văn học sáng giá, được Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng danh giá khác…Có dịp chúng tôi sẽ thống kê chi tiết những tác phẩm của những tác giả trong trại. Suốt những năm ấy, Nguyễn Chí Trung hầu như không viết được chữ nào. Anh miệt mài đọc bản thảo của trại, góp ý, sửa chữa từng câu từng chữ. Có những tập Trường ca như: “Ở làng Phước Hậu’’ của Trần Vũ Mai, anh thuộc còn hơn tác giả. Tiểu thuyết: “Vàng Crum” của Nguyễn Đăng Kỳ, trang bản thảo nào cũng có thêm bớt của ngòi bút Nguyễn Chí Trung, đặc kín bên lề. Đọc, tổ chức trao đổi với các trại viên, Nguyễn Chí Trung còn làm tốt một khối lượng công việc khác do Cục Chính trị và Quân khu giao, thời gian đâu để anh ngồi sáng tác. Cách đây nhiều năm, Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Quân khu V định tổ chức hội thảo, tổng kết rút những bài học quý về trại sáng tác này. Mọi việc đã hòm hòm nhưng soát xét nội dung, chưa đạt yêu cầu, Nguyễn Chí Trung đã đề nghị dừng lại. Anh là người kỹ tính, chu chỉn trong mọi việc.

4. Hé lộ một chút lý lịch

Thời gian ở trại, đôi lần tôi theo Nguyễn Chí Trung đi một vài nơi. Một số bí mật về gia đình anh được hé lộ. Đi Quảng Nam, anh dẫn chúng tôi về Hòa Vang. Đến làng, xã nào anh cũng sà vào, hớn hở, chân tình. Anh bảo đây là nơi sinh ra anh. Dân làng xúm đến vồn vã hỏi han, kể chuyện. Anh là người hay quên nhưng những dịp thế này nhiều người “ngả mũ” kính phục trí nhớ của anh. Anh kể tên từng người, nhắc đến đặc điểm tính cách của họ, thậm chí nhớ nhà ở trước đây của mỗi nhà, chẳng hạn cạnh cổng có cây gì, cách đồn địch bao nhiêu buổi đường. Những chuyện buồn vui của họ từ thuở nào, chính họ đã quên nhưng Nguyễn Chí Trung vẫn nhớ. Anh nhắc lại khiến họ sững sờ. Ai cũng muốn kéo Nguyễn Chí Trung về nhà mình. Được mọi người ở quê yêu quý đến vậy thật là hạnh phúc. Một lần khác, đến Quảng Ngãi, anh dẫn chúng tôi vào Tịnh Minh. Dấu chân anh ghi đậm đặc trên những làng quê một thời chiến tranh. Nơi nào cũng đầy ắp những kỷ niệm. Mới đến đầu làng, nhác thấy Nguyễn Chí Trung, mọi người đã nhận ra ngay và la lớn:

“Ông Trung lụt. Ông Trung lụt về bà con ơi!…”. Thì ra trận lụt khủng khiếp của miền Trung năm 1964, Nguyễn Chí Trung đã dùng xuồng mải miết cứu dân bị nước cuốn trôi. Cứu được họ khỏi chết đuối, nhưng họ cũng khó sống vì không có cái ăn. Nguyễn Chí Trung đã nhân danh cách mạng vận động các nhà giàu có trong xã, xuất kho cứu đói. Anh đã trực tiếp nấu cơm vắt nắm, đi phân phát cho từng gia đình bị nạn. Gặp lại anh, dù đã mấy chục năm trôi qua, ai mà không rưng rưng, ai mà không muốn ôm chầm lấy anh để tỏ lòng biết ơn trời bể. Chia tay với bà con Tịnh Minh, anh để rơi những giọt nước mắt. Anh than: “Không có thời gian ngủ lại một đêm với bà con Tịnh Minh. Tội chớ! Đây cũng là quê hương của mình đó…”. Ở Vạn Giả, Khánh Hòa, anh có một bà dì, quý anh quá con đẻ. Lần đó, bà dẫn Nguyễn Chí Trung vào nghĩa trang Đầm Bò. Anh chưa biết mộ cha ở chỗ nào. Khu nghĩa trang nhiều mộ xây công phu, bề thế. Riêng mộ bố anh, đắp đất sơ sài. Anh khóc. Bà dì phân bua: “Cực lắm, bom đạn liên miên, họ hàng anh em mỗi người mỗi ngả. Giữ được cái mộ để con cháu về thắp hương là phúc lắm rồi”. Ở Bình Thuận, anh có một cô em gái. Trông già sụm. Khi kể về chuyện này, anh sụt sịt: “Gia đình ly tán, nó sống trôi dạt, lận đận. Thương lắm. Còn có ngày gặp lại đã là may…”. Anh đã đưa cháu Hà, con của em gái ra Đà Nẵng nuôi dạy, ăn học, coi như đứa con yêu của mình. Nào ngờ, ra trường chưa được bao lâu, Hà bị tai nạn giao thông, qua đời. Ở Sài Gòn, mối quan hệ của anh chằng chịt hơn. Đất nước thông thương, anh dẫn chúng tôi đến nhà người em trai. Lúc đó, Nguyễn Chí Trung là đại tá, nhà văn, người cả cuộc đời chiến đấu không tiếc xương máu cho cách mạng nhưng em lại là viên sĩ quan phía bên kia. Nghe nói gặp em lần đầu, anh đã mắng cho một trận té tát. Lần này, tôi đã lo sẽ có chuyện không lành xảy ra. Mừng thay. Mọi sự đều ổn. Sau này, không nghe anh nhắc về đứa em trai ấy nữa. Anh còn có một người cháu là ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn tên là Thanh Lan. Cô cháu nghe tin Nguyễn Chí Trung đến gặp vừa vui vừa sợ hết hồn. Thế đấy. Anh nói rằng quê anh ở Khánh Hòa, Bình Thuận hay ở Sài Gòn… thì cũng khó nghi ngờ. Ấy là chưa kể thời đi tập kết ngoài Bắc anh có những vùng quê gắn bó như nơi cha sinh, mẹ đẻ. Anh căm thằng Mỹ vô chừng. “Chiến tranh. Bao nhiêu thảm họa cho dân, cho nước do thằng Mỹ cả. Gia đình mình gánh đủ”. Sự phân hóa này suốt một thời bom đạn, không ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng tình cảm có hoàn cảnh như anh. Có chăng lại “bùng nổ” trong những ngày cả dân tộc xum họp, đoàn tụ?

5. Giám định của thời gian

Nhân đây xin nói thêm về quan hệ giữa nhà văn Nguyễn Chí Trung và nhà văn Nguyên Ngọc. Sau giải phóng, hai anh rất chí thú với cuộc gặp mặt, các nhà văn đảng viên. Bản đề dẫn mà anh Nguyên Ngọc thảo ra, công phu, say mê, hứng khởi. Có thể coi đây là bước ngoặt đầu tiên của sự đổi mới trong văn học. Khi nhà văn Nguyên Ngọc trình bày bản đề dẫn, đã có những nhà văn khóc rưng rức vì xúc động, vì vui mừng. Sự đổi chiều bắt đầu từ lúc nhà thơ Tố Hữu tới dự phát biểu, phê phán bản đề dẫn.

Sau hội nghị, Đảng đoàn Hội nhà văn đề nghị anh Nguyên Ngọc kiểm điểm. Nguyễn Chí Trung nói tức tưởi: “Nguyên Ngọc dại. Có khuyết điểm gì đâu mà nhận. Đã thế mình công khai: Bản đề dẫn có phần của mình đấy”. Về quan điểm, Nguyễn Chí Trung kiên trì đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Chí Trung nói: “Có người bảo chậm nhất là 10 năm nữa, Chủ nghĩa xã hội sẽ không còn ở Việt Nam. Mình sợ không sống được đến 10 năm nữa để chứng kiến nhưng nếu mình chết mà lời nói kia là sự thật xin các người cứ đái vào mộ mình”. Con người ấy cho đến lúc bị trọng bệnh, vẫn không nguôi đấu tranh cho lý tưởng mà mình theo đuổi. Vì lý tưởng đó, anh đã bỏ công sức, thời gian viết cuốn “Kinh tế Chính trị” gần bốn trăm trang, khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Vì lý tưởng đó, anh đã bỏ ra hàng tháng ròng đi mấy chục hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam, lấy tư liệu minh chứng với lãnh đạo cấp trên rằng: “Kinh tế tập thể vẫn phải là thành phần chủ đạo. Thực tế chứng tỏ nó đang phát triển, đi lên. Tham nhũng, thất thoát không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã. Nó là biểu hiện của sự quản lý yếu kém và sự đổ đốn hư hỏng của một số quan chức”. Mỗi lần chúng tôi trao đổi về vấn đề chủ nghĩa xã hội, anh thường hỏi: “Vậy, hồi trước các cậu đi vào chiến trường, sẵn sàng hy sinh là vì cái gì?”.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc. Tôi cứ nghĩ đến anh Nguyễn Chí Trung. Anh đang điều trị bệnh trong viện nhưng chắc anh vẫn theo dõi sát sao diễn biến của đại hội. Nguyễn Chí Trung là người yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội hết lòng, say đắm, chung thủy. Anh Nguyên Ngọc cũng vậy, sẵn sàng cống hiến đời mình cho sự lựa chọn đó. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, quan điểm của hai người có những khoảng cách. Anh Nguyên Ngọc sớm nhận ra Đảng, Nhà nước cần thay đổi phương thức lãnh đạo, quản lý. Anh không ngần ngại bộc bạch những ý kiến riêng của mình dù đụng chạm đến cấp trên. Nhiều khi anh phản đối một chủ trương nào đó quyết liệt và dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Nhớ mãi lần, anh Trung bị bệnh phải điều trị ở Quân y viện 108. Tôi và anh Nguyên Ngọc đến thăm. Anh Ngọc, anh Trung vẫn chẳng khác xưa, chuyện trò rôm rả, không dứt ra được. Hai anh nhìn nhau cứ như hai người tình, yêu thương, đằm thắm. Lúc anh Ngọc ra về, dù còn mệt, anh Trung vẫn tiễn ra tận ngõ. Bỗng anh Ngọc nói với tôi: “Này, những gì các anh nói với các em trước đây hãy quên đi nhé!”. Tôi yên lặng không nói gì, anh Trung kéo tôi đi chậm lại, nói nhỏ: “Không hoàn toàn như vậy đâu. Cơ bản vẫn đúng cả đấy”. Không biết có phải bắt đầu từ như vậy không, hai anh càng ngày càng xa nhau. Lần đó, khi anh Trung đã nghỉ công tác, anh gọi tôi đến, cho tôi xem một số tài liệu. Nhân đó, anh nói về anh Nguyên Ngọc. Bỗng anh ôm mặt khóc và nói: “Nguyên Ngọc khác chúng ta lắm rồi”. Tôi không biết cái sự khác mà anh Trung nói về anh Ngọc là gì, mức nào. Nhưng tôi nghĩ: Nếu có sự khác đó thì đã sao? Cả hai anh đều yêu nước, yêu nhân dân, yêu Tổ quốc hết lòng. Có người nói những người tài thường cực đoan. Tôi nghĩ, cả hai anh đều tài. Anh Nguyên Ngọc không những tài viết văn còn có tài về lãnh đạo quản lý. Sau giải phóng, anh là Bí thư đảng đoàn, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Khi làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, anh đã mạnh bạo đổi mới nội dung tờ báo. Số báo nào cũng “nổi đình đám”, phản ánh thiết thực những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện tại, hấp dẫn, lôi cuốn. Tờ báo khởi sắc tới độ người đọc nôn nao chờ đợi cuối tuần để đến xếp hàng ngoài cổng tòa soạn, mua báo. Cực đoan có phải là một cái tội không nhỉ? Thời gian sẽ giám định, phán xét mọi điều. Kiên nhẫn, chờ đợi cũng là lời nhắc nhở của thời gian.

Dù sao bậc đàn em chúng tôi, những người được các anh dìu dắc, không khỏi nuối tiếc những gì đã rạn nứt giữa hai thủ trưởng của mình.

6. Từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra đi

Năm 1979 Nguyễn Chí Trung được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng làm phó tổng với anh là các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Xuân Thiều. Ba ông phó, không chọn được tổng mà tính cách lại hết sức khác nhau, những trục trặc xảy ra là điều khó tránh. Nguyễn Trọng Oánh hiền lành, thích yên bình. Xuân Thiều ưng được thử sức trên lĩnh vực quản lý sáng tác. Nguyễn Chí Trung muốn mở hết tầm kích cho Văn nghệ Quân đội với nhiều tham vọng táo bạo. Ai cũng có nguyện vọng phụ trách tờ tạp chí. Trại sáng tác Quân khu V lúc đó có 3 khu nhà được coi là to đẹp nhất nhì Thành phố Đà Nẵng, đó là khu nhà 10 Lý Tự Trọng, khu nhà 1B Ba Đình và khu nhà 12 Bạch Đằng. Nguyễn Chí Trung muốn giữ 3 khu nhà cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm thường trú, làm nơi mở trại sáng tác. Hai anh phụ trách: Nguyễn Trọng Óanh, Xuân Thiều không ủng hộ phương án này. Tôi là người cuối cùng của trại đành bàn giao toàn bộ cơ ngơi cho Quân khu V. Về 4 Lý Nam Đế, Nguyễn Chí Trung liên hệ tiếp với quân đội xin được khu nhà, rộng như cái sân bóng đá ở 5 Đặng Thái Thân. Anh vẫn tìm kiếm nơi thường trú, nơi mở trại sáng tác, thậm chí ban trị sự có đất có nhà làm kinh tế. Khu đất, nhà ở 5 Đặng Thái Thân đáp ứng được ba nhu cầu này. Ngoài ra, phía sau nhà còn khá nhiều đất. Anh Trung có ý định dành cho gia đình nào của tạp chí muốn vào Sài Gòn. Thời gian ở tạp chí, anh Trung chỉ thực hiện được một việc ở khu nhà, khu đất 5 Đặng Thái Thân, ấy là mở trại sáng tác cho một số cây bút trẻ trong toàn quân. Kinh tế cả nước còn gian nan. Anh chạy ngược chạy xuôi tìm nguồn kinh phí “nuôi trại” Trại tồn tại được hơn một tháng. Sau ngày anh Trung rời tạp chí, những dự định còn lại cũng theo anh ra đi. Toàn bộ nhà đất, trả lại cho Tổng cục Chính trị.

Nhận ra tạp chí lâm vào cảnh “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh liền cử Nguyễn Chí Trung đi học lớp cao cấp chính trị trong quân đội. Đại tá, Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Đặc công Dũng Hà được điều về làm Tổng biên tập. Một niềm say mê mới lại bừng dậy trong con người Nguyễn Chí Trung. Anh là học viên xuất sắc của lớp. Thầy giáo chủ nhiệm khen anh đã đưa ra một cách học mới: Đề xuất, tranh biện là chủ yếu, kết hợp lấy thực tiễn soi sáng lý luận. Hết lớp học, Thủ trưởng Nguyễn Nam Khánh nói với anh: “Thôi, đừng về tạp chí làm gì. Bộ đội tình nguyện ở Campuchia đang cần một người như Trung”. Chúng tôi hỏi: “Thiếu gì người, tại sao thủ trưởng cứ phải điều anh Trung đi?”, “Tạp chí đủ người phụ trách rồi còn gì…” – Ông nói vậy nhưng chắc không nghĩ như vậy.

7. Lại cầm súng

Không vui cũng chẳng buồn, Nguyễn Chí Trung nhanh chóng khoác ba lô lên đường. Anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam. Nhập cuộc, anh lại say mê như ngày nào. Anh như người không ra khỏi chiến tranh. Lại đắm say với phương án tác chiến. Lại ngập chìm với chiến thuật đánh địch. Lại công tác tư tưởng cho bộ đôi, lại cầm súng vào trận, dũng mãnh và quyết chiến. Trên đất nước Campuchia, cuộc đời hoạt động của Nguyễn Chí Trung hẳn là một pho tiểu thuyết đồ sộ, ở đây chỉ xin kể một đôi điều.

Nguyễn Chí Trung có mặt ở Campuchia ngay từ những ngày đầu quân ta tấn công tiêu diệt bọn diệt chủng Pônpốt. Không chỉ anh mà cái Trại sáng tác Văn học Quân khu V, lần lượt lên đường vào trận. Trước khi giải phóng Phnômpênh tôi được đi với anh vài lần. Anh ở trung đoàn, sư đoàn. Thỉnh thoảng anh vẫn có mặt trong các trận đánh của tiểu đoàn, những lúc đó, tôi được gặp anh. Lãnh đạo, chỉ huy quân tình nguyện, thủ trưởng Đoàn Khuê, Lê Khả Phiêu rất quý, rất tin Nguyễn Chí Trung. Mặt trận có nhiều phái viên nhưng khi phải quyết định những vấn đề quan trọng các thủ trưởng lấy thông tin của Nguyễn Chí Trung. Và nữa, nơi nào nguy hiểm nhất, khó nhất cử Nguyễn Chí Trung tới đó. Hăng say với việc đánh giặc, với công tác chính trị nhưng Nguyễn Chí Trung chưa bao giờ bứt khỏi gánh nặng văn chương. Không có thời gian để viết, anh muốn các nhà văn nhất là các nhà văn quân đội tới đất bạn viết về bộ đội tình nguyện, về nhân dân Campuchia. Anh thương yêu đau đáu mảnh đất, con người nước bạn. Anh nói được tiếng họ, tranh luận ráo riết với những ai phát ngôn không dúng, không tôn trọng nhân dân Campuchia.

Tháng 8 năm 1998, một nhóm nhà văn, nhà thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức đi Campuchia, Đến Sài Gòn, chúng tôi tìm đến Đoàn 890. May quá, Nguyễn Chí Trung đang ở đây. Gặp được anh coi như chuyến đi đã thành công một nửa rồi. Nghe chúng tôi đề đạt nguyện vọng, anh mừng húm, mắt sáng bừng, nụ cười tươi rói. Anh biểu lộ lòng biết ơn và không giấu nổi niềm tự hào. Chạng vạng sáng hôm sau, khi chúng tôi còn ngái ngủ, bỗng nghe chuông điện thoại nổ giòn ở phòng khách. Thì ra cuộc gọi của Nguyễn Chí Trung. Anh dặn chúng tôi xuống quân y xin thuốc sốt rét, cảm cúm, đau bụng… anh còn hỏi có ai không mang võng, mang màn, báo để anh lo.

Khi đã ngồi trên xe, chúng tôi mới biết xe đi Bátđomboong, mặt trận giằng co róng riết giữa ta và địch. Cậu lái xe năn nỉ chúng tôi ngăn anh Trung lại. Cậu biết cái gan cóc tía của anh rồi. Là người lính, cậu không thể từ chối nhiệm vụ. Nhưng lái xe cho Nguyễn Chí Trung ra mặt trận, cậu run lắm. Cậu nói: “Không có xe cảnh vệ đi cùng, các anh đừng đi”. Tôi thầm nghĩ: Tay này không hiểu thủ trưởng mình rồi. Lấy cái nguy nan, ác liệt ra trộ, chỉ càng khích lệ anh đi tới mà thôi. Xe chỉ lướt qua Phnômpênh rồi đi thẳng tới mặt trận 979. Thời gian tạm dừng đủ để cậu lái xe “xổ” ra vô khối chuyện nguy kịch, hiểm trở dọc đường sắp tới. Nguyễn Chí Trung cười giễu, cái cười như muốn bảo: “Đừng có mà mang trái tim thỏ đế ra dọa mình”. Tôi khuyên lái xe: “Tốt nhất cậu nên bình tĩnh, mượn thêm khẩu AK, bọn anh là lính chiến cả, sống cùng sống, chết cùng chết, chiến tranh mà”.

Đường từ mặt trận 979 đi Bátđomboong quả như cậu lái xe nói: Không phải ổ gà mà là ổ trâu, ổ voi. Gặp một hố trống toác hoác, dấu vết của một quả mìn nổ chậm, xe bỗng phanh gấp rồi dừng hẳn. Cậu lái xe nhìn mọi người ý nhắc một điều gì. Nguyễn Chí Trung nói bình thản: “Lâu rồi”. Anh tiếp tục nhắm mắt ngủ gật. Cậu lái xe lầu bầu: “Đường quái gì không một bóng người, không một bóng xe”. Đúng thế. Cùng đồng hành với chúng tôi chỉ có những hàng cây vật vẹo bên đường, những cánh đồng bao la mờ ảo, những dãy phố đổ nát. Mới hay, Nguyễn Chí Trung không ngủ. Anh lim dim mắt là để trấn an sự hồi hộp lo sợ của ai đó trên xe. Anh nói: “Cách đây ba tháng, tình hình chẳng êm như bây giờ đâu. Ngồi trên xe, tay mình không dám rời khẩu AK, mắt luôn bám hai bên đường, Chân trái ở tư thế nhấn phanh. Thằng địch bao giờ cũng nhắm bắn lái xe trước. Tình huống đó, mình phanh xe được ngay”. Chúng tôi vào Thị xã Bátđomboong trong tiếng thở dài nhẹ nhõm. Bình yên và hạnh phúc. Nguyễn Chí Trung nói: “Trên thế giới, giải phóng cho một dân tộc có nhiều nhưng làm cho dân tộc đó hồi sinh ít lắm. Thắng lợi của Việt Nam và Campuchia năm 1979 là rất lớn, nhưng thắng lợi của mười năm nay ở Campuchia lớn hơn gấp bội”. Anh Trung dẫn chúng tôi đến một đơn vị bộ đội Việt Nam đứng chân bên bờ sông Tônglêsáp. Anh Sáu Chấn, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Tây Đô hăm hở từ trong nhà chạy ra đón chúng tôi. Thấy Nguyễn Chí Trung, Sáu Chấn mừng như gặp lại ân nhân. Trong khi Nguyễn Chí Trung tất tả bắt tay người này người kia, thăm hỏi trò chuyện như người đi xa lâu ngày về nhà thì Sáu Chấn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sau đây:

“Mùa mưa năm 1986 ở một vùng đất bồi huyện Trà Nóc, trinh sát phát hiện ra hang ổ của bọn Pônpốt. Chúng tôi dùng các loại xuồng nhỏ bao vây. Lực lượng địch đông, mình lại không quen quần với chúng trên sông nước nên gặp vô vàn khó khăn. Chúng tôi còn sống được sau trận đánh đó là nhờ lực lượng anh Trung đến ứng cứu. Anh Trung đâu rồi?” – Sáu Chấn gọi và chạy ra ngoài kéo Nguyễn Chí Trung vào, ấn ngồi xuống:

– Nào anh kể trận đánh trên sông Tông-lê-sáp cho mọi người cùng nghe nào!

Chúng tôi biết Nguyễn Chí Trung ít khi nói về mình, có lẽ nể Sáu Chấn lắm nên không nỡ từ chối:

– Hôm đó, tôi ngồi trên xuồng chỉ huy. Nghe tiếng súng quân ta thưa dần, biết ngay tiểu đoàn Tây Đô đang gặp khó. Chúng tôi băng lên ngay. Lúc này địch rải quân tràn lan trên mặt nước. Có những xuồng của chúng bị ta bắn chìm nhưng những thằng sống sót biết ta đang ở thế bất lợi cố ngoi dậy dùng súng bắn dữ dội. Mặt nước sôi lên những đạn là đạn, xuồng chúng tôi lọt vào thế bị địch bao vây. Tôi nghe tiếng cậu bảo vệ phía sau: “Thủ trưởng ơi! Dừng lại đi, địch đông lắm”. Nghe vậy, tôi linh tính, điều gì đó đã xảy ra. Nhưng tình huống không cho phép dừng hay rút. Tôi lệnh cho xuồng tăng tốc, lao thẳng vào sở chỉ huy Trung đoàn 530 của địch. Chiếm được vị trí đó, mọi sự sẽ yên. Tôi nắm lấy khẩu đại liên đặt ở mũi xuồng, bắn xối xả. Bỗng cánh tay lẫy cò nảy lên đau nhói. Bộ đội bạn dìu tôi nằm xuống. Cạnh tôi là cậu cảnh vệ, nằm im thít, tôi đưa tay lên mũi cậu, lòng đầy lo âu. Cậu đã ngừng thở từ lúc nào, cặp lông mày vẫn còn nhíu như một day dứt.

– Kết quả là thế nào ạ? – Một ai đó hỏi để phá đi không khí nặng nề.

Sáu Chấn lặng lẽ lấy sổ ghi chép đọc số liệu địch bị tiêu diệt, trang thiết bị, vũ khí ta thu được… gương mặt Sáu Chấn tưng tửng, thỏa nguyện.

– Kết quả quan trọng nhất là sau đó ta và bạn có được cách đánh trên sông, trên nước. Muốn tiêu diệt sinh lực chúng, không chỉ đánh vào mùa khô mà đánh cả vào mùa mưa. Có như thế ta mới đỡ tổn thất – Nguyễn Chí Trung kết luận.

Sáu Chấn kể tiếp:

– Anh Trung được đưa vào bệnh viện dã chiến, ngay phía sau ngôi nhà ta đang ngồi đây. Nghe tin anh bị thương, sở chỉ huy điều ngay một chiếc trực thăng đến đưa anh về mặt trận. Trên trực thăng, ngoài lái chính, lái phụ, còn có một y sĩ và một bác sĩ. Tuấn, lái phụ, âm mưu cướp máy bay. Y buộc bác sĩ, y sĩ nhảy xuống sông. Y ép lái chính hạ độ cao và ra khỏi buồng lái. Người lái chính đã không chịu sự ép buộc hèn hạ ấy. Anh khóa cần lái cùng máy bay lao vút xuống dòng sông. Chúng tôi đã cứu được người phi công kiên cường ấy. Còn Tuấn, kẻ định cướp máy bay đã bị bắt.

– Kẻ phản bội bao giờ cũng rất nham hiểm- Nguyễn Chí Trung nhắc đi nhắc lại điều này như một bài học. Anh nói thêm- Kẻ nào muốn phủ nhận thành quả quân tình nguyện Việt Nam mười năm nay ở Campuchia thực chất cũng là kẻ phản bội, phải coi chừng.

Không biết có bao người Việt yêu đất nước Campuchia, yêu người dân Campuchia như Nguyễn Chí Trung? Có ai nói về những hạn chế yếu kém của con người, Campuchia, anh nỗi khùng ngay. Anh bảo: “Những cái đó nước mình thiếu gì sao không nói”.

Ở Campuchia, một người mà Nguyễn Chí Trung mến phục, đó là thủ trưởng Lê Khả Phiêu. Khi quân tình nguyện rút hết về nước và được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Khả Phiêu đã không quên người giúp mình rất tận tụy ở chiến trường Campuchia, không quên một cán bộ mẫn cán, dồi dào năng lực quân sự, chính trị, nổi tiếng là người mưu trí, dũng cảm. Ông đã chọn Nguyễn Chí Trung làm trợ lý cho mình.

8. Trong vai trò Trợ lý Tổng bí thư

Có thể khẳng định, Nguyễn Chí Trung là người đam mê công việc giàu năng lực, cần mẫn, hết lòng phục vụ thủ trưởng mình. Nguyễn Chí Trung nhịn ăn, thức suốt đêm cho công việc là chuyện bình thường.

Trong trận lụt cuối năm 1999, nhóm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng đoàn Nguyễn Chí Trung đi tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Quá trưa, chúng tôi được mời cơm ở một doanh trại quân đội. Không thấy Nguyễn Chí Trung, chúng tôi liền hỏi, Thủ trưởng Lê Khả Phiêu nói bình thản: “Lại chui vào chỗ nào đó, chuẩn bị tư liệu cho cuộc gặp bộ đội chiều nay của mình đấy mà. Không sao đâu, quen thế rồi”.

Các thủ trưởng trước đây cũng không lạ gì con người Nguyễn Chí Trung. Thương anh, việc gì cần, gọi anh, nhưng lại coi đó như một sự hiển nhiên, không hề nghĩ đến việc đãi ngộ, cất nhắc. Thủ trưởng Lê Khả Phiêu khác. Ông đề nghị phong hàm tướng cho Nguyễn Chí Trung. Ông nói: “Lẽ ra việc đó phải làm từ lâu”. Sau này, khi Nguyễn Chí Trung lâm bệnh, ông luôn nhắc các bác sĩ chăm nom Nguyễn Chí Trung chu đáo. Ông thương Nguyễn Chí Trung không có vợ con, gia đình. Ông quý Nguyễn Chí Trung, vì công việc cách mạng mà quên hạnh phúc của riêng mình.

Vào một buổi sáng, nhà số 4 Lý Nam Đế nhận được một chiếc đồng hồ, một chiếc máy ảnh, một chùm chìa khóa từ Bệnh viện 108 gửi về. Người chuyển tất cả các thứ này là một bác sĩ quân y. Bác sĩ cho hay Nguyễn Chí Trung bị suy tim nặng đang điều trị ở phòng cấp cứu. Anh bảo chúng tôi cử người đến đó ngay. Tôi và Nguyễn Trí Huân đến bệnh viện. Các bác sĩ, hộ lý ngăn chúng tôi lại ở cửa phòng anh nằm. Tôi nói với họ, chúng tôi là người nhà anh Nguyễn Chí Trung. Có thể coi đây không phải là lời nói dối. Ở miền Bắc, anh Trung có nhiều bạn bè nhưng anh em ruột thịt hầu hết ở miền Nam. Tôi và Huân sởn tóc gáy khi thấy trên mặt anh, trên người anh dằng dịt dây nhợ, bông băng. Mũi anh chụp ống thở ô xy, ngực úp máy đo nhịp tim. Chúng tôi đã hứa với các bác sĩ không nói chuyện, không hỏi chuyện, không ở lâu. Tôi và Huân đứng lặng nhìn anh, thương cảm, xót xa, Chúng tôi vừa mới gặp anh hôm kia đây thôi. Nào ngờ. Dạo này, anh thức khuya, dậy sớm, làm việc quá sức. Vừa mở mắt, anh vẫn nhận ra tôi và Huân. Anh nói lào thào gì đó rất khó nghe. Ghé tai, chúng tôi cũng hiểu được đôi điều. Anh bảo do chủ quan mới ra nông nỗi này. Hình như anh thấy mình khó tai qua nạn khỏi. Anh dặn chúng tôi một số việc cần làm. Anh nhờ nói hộ cấp trên: “Ngôi nhà của anh ở thành phố Hồ Chí Minh để lại cho cháu, tội nghiệp chúng nó lắm”. Về căn phòng ở số 4 Lý Nam Đế, những giấy tờ không cần thiết anh nhờ đốt đi. Vài thứ anh bảo giữ lại là những tài liệu sổ sách có thể dùng cho mọi người. Ai mà ngờ được tài sản của một vị tướng chỉ là thế.

– Anh cẩn thận quá đấy, rồi anh sẽ khỏe lại mà – Huân nói, nước mắt chỉ chực ứa ra.

– Không cần động viên mình. Giờ anh nhờ hai em việc này. Mượn cái bút và tờ giấy đâu đó đi…

Chả lẽ anh bảo viết di chúc. Tôi và Huân thì thào với nhau. Huân đưa bút cho tôi. Anh Trung nói:

– Anh đã hứa chuẩn bị cho Tổng Bí thư bài phát biểu với Thượng nghị sĩ Pháp. Em chép hộ anh rồi tìm cách chuyển gấp cho anh Thế. (Anh Thế là thư ký của anh Phiêu).

Tôi chột dạ:

– Không được đâu anh ơi, các bác sĩ đã dặn…

– Cứ chép đi, anh sẽ nói với họ. “Thưa ngài thượng nghị viện…”.

Và cứ thế anh nhỏ nhẻ đọc. Nhiều khi tôi phải hỏi đi hỏi lại mới ghi được. Chép xong, anh bảo tôi chỉnh sửa lại vài câu chữ cho chuẩn.

Buổi sáng hôm đó, trước khi ra về, tôi và Huân cảm được vẻ thỏa nguyện trên mặt anh, đồng thời cả sự phiền muộn, trách cứ của các bác sĩ. Chúng tôi sẽ hối hận biết bao nếu có việc gì xảy ra với anh Trung. Sau hôm đó, anh lại trong tình trạng bất động. Hôm sau có khá hơn. Anh hỏi tôi về tình hình Đại hội Hội Nhà văn. Anh bảo tôi chép nội dung gì đó cho Tổng Bí thư. Lần này, các bác sĩ ngăn chặn dứt dạt. Tôi nói với anh Trung có việc khẩn phải về cơ quan ngay. Nguyễn Chí Trung hết nài nỉ nhưng vẫn dặn tôi:

– Bảo Quốc Trung vào thăm mình chút, nhớ mang theo giấy bút. Quốc Trung hồi trước cùng cơ quan với Nguyễn Chí Trung ở Campuchia, sau đó về Văn nghệ Quân đội. Trung từ Thành phố Hồ Chí Minh ra dự Đại hội Hội Nhà văn.

Hôm Quốc Trung đến, sức khỏe anh lại tồi tệ đi. Các bác sĩ can Nguyễn Chí Trung ngưng làm việc nhưng anh nỗi quạu. Họ lặng lẽ lắc đầu, hiểu rằng, để anh cáu kỉnh lúc này bệnh tình sẽ khốn khó hơn, đành “chào thua”. Những ngày sau đó, Quốc Trung bị ngăn lại từ xa. Như một sự kỳ diệu, lần nằm viện này chúng tôi ngỡ Nguyễn Chí Trung khó qua, không ngờ chỉ một tuần sau, anh đã lồm cồm ngồi dậy làm việc. Mới hay, thần chết muốn quật ngã Nguyễn Chí Trung cũng không dễ.

9. Những bóng hồng đi qua đời anh

Cho đến cuối đời, Nguyễn Chí Trung vẫn lủi thủi một thân một mình. Nhiều bóng hồng đã đi qua đời anh. Những mối tình lãng mạn và sâu thẳm. Yêu mê mẩn, đắm đuối, nhưng kết quả không đến đâu. Xin được nói qua vài mối tình ấy.

Gần Tết năm 1973, Ban Văn học đóng trong một khu rừng thâm u ở nước Oa. Cũng là lần đầu tiên, các đơn vị của quân khu bộ có được một đời sống vật chất, tinh thần tương đối sáng sủa. Từ các căn nhà tù mù, rợp bóng cây đã bừng lên ánh điện. Sân cầu lông, sân bóng chuyền được mở ra rộn rịch. Đặc biệt thư, quà, từ miền Bắc, của gia đình, của bạn bè tơi tới gửi vào. Trong các món quà ấy, ít chờ đợi nhất là Nguyễn Chí Trung. Vậy mà anh lại là người nhận được bưu phẩm đầu tiên. Cả ban xúm lại. Thuốc lá, bánh kẹo, quý quá rồi, nhưng điều đáng chú ý hơn là ai gửi? Thư và ảnh nữa. Hóa ra là của một phụ nữ tên T. Tóc chị cắt ngắn uốn lượn, trông dáng vẻ thành thị, một gương mặt sắc sảo, da trắng. Nhìn ảnh, chúng tôi đoán chị ở tuổi trên ba mươi. Dung nhan ấy còn quyến rũ lắm. Chị chụp ảnh với ai thế kia? Chao! Đấy là chồng và đứa con trai. “Thế này thì còn nước non gì nữa”- Nguyễn Chí Trung vừa cười vừa nói. Phía sau nụ cười ấy là một nỗi buồn man mát.

Anh gặp T hồi anh đi tập kết ra Bắc. Đơn vị phân anh trú trong gia đình T. Sau năm 1975, gia đình T chuyển vào Nam. Chị làm ở Sở Điện lực Đà Nẵng. Thỉnh thoảng chị đến cơ quan chúng tôi, giúp đỡ việc này, việc kia. Hỏi về quan hệ của chị với Nguyễn Chí Trung, chị bảo: “Đấy mới là thương thôi, yêu thì… ông ấy mácxít lắm, mình sao theo được. Có lần ông hỏi mình về thành phần giai cấp. Mình thật thà: Là tiểu tư sản chứ còn gì nữa”. Mặt buồn rười rượi, ông nói một cách nghiêm trang: “Thế thì phải học tập, rèn luyện, tự cải tạo thành phần giai cấp của mình”. Chị chụm tay, bụm miệng cười.

Có lần Nguyễn Chí Trung nhờ tôi mời chị đến cơ quan chơi. Tối đó, không biết vì lý do gì, Nguyễn Chí Trung không có mặt, chị T phải chờ đến ba mươi phút. Nguyễn Chí Trung đi đâu về, bước vào phòng khách với vẻ mặt nhăn nhó. Thấy T, anh chỉ chào sơ rồi gọi tôi lên tầng trên làm việc. Tôi chột dạ và ân hận đã dẫn T đến. Nhưng hình như hiểu được tính nết của “người thương”, chị không nói gì, lẳng lặng ra về. Trên khóe mắt ngạc nhiên, đượm một hờn dỗi. Có thể sau cơn bực bỏ về chuyện gì đó, Nguyễn Chí Trung sẽ nhận ra sự thô thiển, mất lịch sự của mình. Anh sẽ gặp T xin lỗi, cởi mở chân thành. Nhưng từ đó tôi ngại gặp lại chị T.

Thật ra, tết năm ấy, gói bưu phẩm của T không có gì xáo trộn tình cảm của Nguyễn Chí Trung. Cũng có thể nói đó là mối tình nhẹ nhàng, thoáng qua. Lúc này, anh đang yêu, yêu say đắm. Chị V. đẹp vào loại bậc nhất ở đoàn văn công quân khu. Chị hiền dịu nhưng nhí nhảnh. Chị là diễn viên múa, chị có một vóc dáng khỏe, mềm mại, đầy quyến rũ. Chị hay đến chỗ chúng tôi chơi. Nấu ăn, rỗi rãi có khi ở lại chơi tú lơ khơ. Tôi, Hồng nam, Hồng nữ thuộc đàn em, rất được chị quý. Chúng tôi như những liên lạc giữa anh và chị, lúc đưa hộ hai người cái thư, chút quà, lời nhắn. Chị đến tạp chí như về gia đình, hồ hởi, tự nhiên. Chị chỉ bối rối khi ngồi với Nguyễn Chí Trung, bị anh kiểm tra về điều gì đó trong nghị quyết hoặc một việc tương tự. Không khí gượng gạo, trầm hẳn. Giá như những cuộc gặp với người tình, anh đừng hỏi những việc như thế. Không rõ tình cảm của anh có giúp được gì cho chị không? Riêng anh, tình yêu đang thắp lửa, đang chắp cánh, đang bay vút vào chân trời mơ ước. Anh tươi vui, hoạt bát, anh lao vào công việc không biết mệt. Anh không giấu giếm tình cảm với chị V. mặc dù không ai biết quan hệ của hai người ở mức độ nào. Có đận, nhân lúc vắng người, tôi hỏi, chị cười nắc nẻ: “Em chỉ được cái tò mò…”.

Cuối năm ấy, chị được chuyển ra Bắc chữa bệnh. Chị đi khá đột ngột. Đột ngột với chúng tôi và hơn cả là Nguyễn Chí Trung. Được tin, anh cuống lên, chạy đến Bí thư Khu ủy Võ Chí Công. Bí thư khu ủy ngạc nhiên: “Ơ hay, thế sao không nói trước để mình giữ nó lại?”. “Tưởng thủ trưởng biết rồi chứ?”. “Ai mà biết được chuyện riêng của cậu”. Nguyễn Chí Trung thầm thỉ kể cho chúng tôi nghe bằng một giọng xót xa, ngùi ngẩm, bàng hoàng. Từ lúc chị V. ra Bắc, anh sống trầm hẳn, mặc dù việc đó không mảy may ảnh hưởng đến công việc chung. Anh chờ thư chị V. Mòn mỏi. Khắc khoải. Thẫn thờ. Cũng phải thông cảm cho V thôi. Gần chục năm ở chiến trường, nay ra Bắc, có bao nhiêu việc phải làm, nào gia đình, nào bạn bè, rồi an dưỡng, rồi chữa bệnh. Đùng một cái, khoảng giữa năm 1974, có tin V. lấy chồng. Chồng V. gửi thư vào Cục Chính trị, vào Bộ Tư lệnh Quân khu “tố” tình cảm của Nguyễn Chí Trung với vợ mình. Nghe nói đức ông chồng đã đọc được thư Nguyễn Chí Trung. Anh nổi trận lôi đình, dần cho vợ một trận chí chết… “Ai khiến, cưới chồng thì phải báo cho người ta biết chứ”-Nguyễn Chí Trung nói, giọng đầy nuối tiếc và đau khổ. Sau ngày thống nhất đất nước, cả gia đình V. chuyển vào Đà Nẵng, Nguyễn Chí Trung mấy lần muốn gặp nhưng hình như V. tránh. Hàng chục năm nữa trôi qua, tôi biết anh còn có một mối tình khác với một kỹ sư hóa chất. Bữa đó, anh sửa soạn căn phòng ngăn nắp, sạch đẹp. Anh còn mua cả một bó hoa rực rỡ. Anh nói: “Hôm nay là ngày quyết định, không biết chúng mình có đến được với nhau không?”. Buổi trưa, anh trông anh nôn nao, bổi hổi. Xế chiều, mặt anh buồn rượi, mệt mỏi, gặp tôi chỉ nói một câu: “Không thành rồi”.

Một người nữa: Tổng biên tập báo Proochiachuôn, Campuchia. Cô là một phụ nữ xinh tươi, tuổi chừng 30 chi đó, da trắng ngần, tóc xõa ngang vai, người eo thon, cân đối. Gương mặt thanh thoát, ưa nhìn. Cô mặc sơ mi trắng, váy màu tím biếc, dài chạm gót. Chúng tôi gặp cô trong lần Nguyễn Chí Trung dẫn tới thăm tòa soạn. Anh giới thiệu chúng tôi với cô bằng tiếng Pháp. Anh có thể nói tiếng Campuchia nhưng hình như hai người vẫn thường xuyên tâm tình với nhau bằng tiếng Pháp. Tổng biên tập xúc động nói: “Rất vinh dự, phấn khởi được các anh đến thăm…”. Chúng tôi đáp lại bằng tiếng Việt. Ý chừng cô nghe tiếng được, tiếng không, thi thoảng vẫn quay nhìn Nguyễn Chí Trung “cầu cứu”. Chúng tôi hiểu Nguyễn Chí Trung và cô Tổng biên tập có tình cảm thân mật gì đó. Tiễn chúng tôi ra xe, cô bỗng giật mình nói: “Các anh về Việt Nam luôn à?”. “Chưa đâu”- Nguyễn Chí Trung đặt nhẹ tay lên vai cô, nói thêm đôi điều gì đó, đôi mắt trìu mến và an ủi. Một nỗi buồn trống vắng bỗng hiện lên trên gương mặt hiền diụ, phúc hậu của cô. Khi chúng tôi đã ngồi trên xe, Nguyễn Chí Trung còn dùng dằng bên dưới. Cô quay mặt đi, như là hờn, như là dỗi, như là để giấu đi một nỗi niềm. Nguyễn Chí Trung thừa nhận, anh và cô có một tình yêu nhưng cả hai đều biết không thể tiến tới hôn nhân.

Một người đàn bà khác vẫn thường xuyên qua lại căn phòng nhỏ chật hẹp của Nguyễn Chí Trung ở 4 Lý Nam Đế. Chị mới là mối tình đầu của Nguyễn Chí Trung. Chị đã luống tuổi, con gái một nhà thơ nổi tiếng ở Hà Nội. Chị đến với anh như một người bạn, một người em, một người giúp việc. Chị nấu ăn, quét dọn, chăm sóc sức khỏe cho anh, giúp anh việc này việc kia. Chị K. trước đây là một nghệ sĩ múa tài hoa của đoàn văn công quân khu V. Chị thương anh, thương lắm, cả niềm kính trọng nữa, nhưng tình yêu thì còn thiếu một cái gì đó. Nguyễn Chí Trung yêu chị, một tình yêu nồng nàn, sâu nặng. Sau này, biết cuộc tình của mình chỉ từ một phía, anh vẫn coi chị như người em gái thân thương. Anh vẫn viết thư thường xuyên cho chị, căn dặn, chỉ bảo mọi điều. Tôi đã được xem một số thư anh gửi cho chị những năm về trước. Chị nói, mỗi lần giở bọc thư ra xem, không sao kìm được nước mắt.

Các mối tình của Nguyễn Chí Trung chắc tôi chưa biết hết. Những mối tình ấy sâu sắc tới mức sau này, nhiều bạn bè, anh em họ hàng giới thiệu những phụ nữ khác, anh đều lắc đầu, phật ý, coi như một xúc phạm. Một số người đặt câu hỏi: “Tại sao Nguyễn Chí Trung không lấy vợ?”. Câu trả lời theo tôi: “Vì anh quá ham công việc chung và vì anh quá khắt khe trong lựa chọn. Người phụ nữ trong mắt anh, hợp tính hợp nết đã đành nhưng phải có nhan sắc”.

Tình yêu cũng cần thời gian. Một người lúc nào cũng lấn bấn, bận rộn công việc như anh, khó thay. Về hưu, những tưởng sẽ có thời gian cho riêng mình nhưng anh chợt nhận ra: “Tuổi lớn rồi, tính chi chuyện đó nữa”. Anh nói vậy.

10. Tình nghĩa với người đã khuất

Về nghỉ hưu, Nguyễn Chí Trung vẫn làm việc cật lực ở một căn phòng khiêm nhường ở nhà số 4 Lý Nam Đế. Ở đây, phía trên một chiếc bàn thờ nhỏ, anh treo ảnh thờ bố mẹ và ba người không dính gì dòng họ gia đình. Đó là Liệt sĩ Trần Mai Ninh, Nhà thơ Thu Bồn và Liệt sĩ Nguyễn Hồng.

Trần Mai Ninh là một nhà thơ, một cán bộ, một thủ trưởng của anh từ thời chống Pháp. Anh kính trọng, ngưỡng mộ Trần Mai Ninh như một người anh hùng. Anh coi Trần Mai Ninh như cha chú, đã dìu dắt anh vào con đường cách mạng, con đường viết văn, làm báo. Anh thường nói với chúng tôi, anh có được như ngày hôm nay một phần nhờ Trần Mai Ninh. Ngày 21/7/2000 ngày tưởng niệm liệt sĩ Trần Mai Ninh, Nguyễn Chí Trung viết một bài ký đầy cảm xúc, tái hiện những năm tháng hoạt động cách mạng, làm báo, hoạt động văn học nghệ thuật hào hùng của Trần Mai Ninh. Từng trang viết, Nguyễn Chí Trung bày tỏ sự kính cẩn, biết ơn người thầy của mình. Anh nhận là có lỗi khi chậm trễ viết về Trần Mai Ninh: “Thế mà hôm nay, sau hơn nữa thế kỷ chúng tôi mới viết những dòng đơn sơ và ứa lệ này”. Năm 2019, in ấn còn hạn chế, anh khẩn thiết nhờ nhà thơ, nhà giáo Mã Giang Lân sưu tầm, tập hợp những sáng tác thơ văn của Trần Mai Ninh, dặn tôi tìm kinh phí in bằng được tập sách này.

Nhà thơ Thu Bồn và Nguyễn Chí Trung là cặp bạn bè thân thiết hiếm thấy. Khi còn đương làm việc, anh tạo mọi thuận lợi cho Thu Bồn đi và viết. Anh thuộc bản thảo thơ Thu Bồn cả khi chưa được in ra. Viết xong một bài thơ hoặc một trường ca, Thu Bồn thường đưa anh xem trước. Nguyễn Chí Trung đọc, cắt sửa công phu. Anh không ngại nhà thơ lớn phật lòng. Thu Bồn lắng nghe anh, không mấy khi cãi lại. Nguyễn Chí Trung nâng niu, quý trọng từng trang viết của Thu Bồn. Những năm còn nghèo khó, anh dùng tiền lương dành dụm được của mình in sách cho Thu Bồn. Dẫu vậy, hai người thỉnh thoảng vẫn hục hặc với nhau. Tính thu Bồn thích “tự do”. Nguyễn Chí Trung nền nếp, không muốn bạn mình vượt ngưỡng quy định của quân đội. Thu Bồn đôi lúc cáu nhưng Nguyễn Chí Trung chỉ nhẹ nhàng: “Mình ao ước viết được như Thu Bồn để mọi người biết rằng, không hút thuốc, không nghiện rượu, không trai gái, không sống khác người vẫn viết được hay”. Tôi nhớ một lần đi Campuchia, có Thu Bồn cùng đi. Chuyến đi do Nguyễn Chí Trung lo liệu. Anh cử tôi làm trưởng đoàn. Ngay từ hôm đầu gặp chúng tôi, anh đã tỏ ra khó chịu. Thì ra, anh bất bình với mái tóc dài cợp xõa bờ vai của Thu Bồn. Không muốn mất lòng bạn, Nguyễn Chí Trung gọi tôi ra một chỗ khuất, bao nhiêu hậm hực, bức bối, anh trút hết lên đầu tôi. Thậm vô lý, nhưng tôi chỉ im lặng. Tôi quý, hiểu và tôn trọng tính nết cả hai người.

Nguyễn Hồng thuộc lứa đàn em, lứa học trò mới vào nghề. Lần đi thực tế đầu, Hồng viết chật vật. Lần hai cũng chẳng khá hơn. Nhưng Nguyễn Chí Trung vẫn thấy ở Hồng tiềm ẩn một năng lực gì đấy. Bận bịu là thế nhưng có lần anh dẹp mọi việc dẫn Hồng đi đơn vị, bày cho Hồng cách nhập cuộc, cách khai thác tài liệu. Chiến dịch năm 1972, Hồng đi với một đơn vị giữ chốt trên đường 19, Bình Định. Trở về, Hồng say mê ngồi viết suốt ngày suốt đêm và cho ra một bản thảo mà chất lượng khó ngờ. Bản thảo được in ngay ở Tạp chí nhà, được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tặng thưởng sáng tác suất sắc nhất trong năm. Chưa kịp thấy bài in của mình, Hồng lại lên đường vào cuộc chiến đấu mới. Năm đó là một năm thật đáng nhớ, năm 1973. Hiệp định Pari về ngừng bắn vừa mới được ký kết. Lần này, Hồng đi về một chiến trường khác, chiến trường Quảng Đà. Hồng đã cùng một đại đội địa phương đánh trả một tiểu đoàn địch tấn công vào đại đội đang cắm cờ giữ đất. Quá chênh lệch về lực lượng, đại đội trưởng lệnh cho đơn vị rút lui. Hồng đã ở lại chặn địch. Hồng nói: “Bọn địch muốn chiếm được chỗ này phải bước qua xác tôi”. Hồng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng trước hàng trăm tên địch đang ào tới. Tưởng niệm ngày Hồng hy sinh, Nguyễn Chí Trung đã tổ chức làm giỗ cho Hồng tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, mời cả Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Chu Huy Mân cùng dự. Sau đó Nguyễn Chí Trung bảo tôi tìm một ảnh chân dung của Hồng. Còn nhớ, sau ngày nhận tin Hồng hy sinh, Nguyễn Chí Trung khóc sưng cả mặt. Anh cứ ân hận, day dứt, đã để Hồng đi một mình, đến một chiến trường quá ác liệt. Sau ngày 30 tháng 4, dù bận trăm ngàn công việc, anh vẫn dẫn chúng tôi về quê Hồng ở Hà Tĩnh thăm mẹ, thăm chị em của Hồng. Anh cũng đến gặp lãnh đạo xã kể lại sự hy sinh anh dũng của Hồng, đề nghị địa phương giúp đỡ gia đình.

11. Viết văn

Nguyễn Chí Trung viết không nhiều nhưng sớm nổi tiếng với truyện ngắn “Bức thư Làng Mực”. Những năm ở chiến trường, do nhu cầu phải có bài cho tạp chí, anh viết một vài truyện ngắn và một số bài ký. Anh chỉ dành hai ba hôm để viết. Ngày cuối, khi phải đưa bài xuống nhà in, anh mới vội kết thúc bản thảo. Dẫu thế, từng câu, từng chữ của anh được cân nhắc cẩn trọng. Bao giờ anh cũng chú ý đến chất văn trong sáng tác. Bản thảo trước khi đưa in, anh đọc cho chúng tôi nghe, nhờ nhận xét, góp ý. Truyện và ký của anh có chất hào hùng nhưng uyển chuyển, lắng đọng. Đó là các tập ký và truyện ngắn: Đà Nẵng; Bức thư Làng Mực; Hương cau; Khi dòng sông ra đến cửa. Nếu phải tìm những nhà văn chắt lọc câu chữ, chọn những sáng tác rời thành tập, một cách kỹ lưỡng, nhất định Nguyễn Chí Trung có tên trong danh sách đó. Nhưng nghiệp văn của anh chỉ thực sự thăng hoa khi đã về hưu. Về hưu, anh còn vô khối công việc phải làm như làm sách, ảnh về đoàn Văn công Quân khu V. Một thời anh là trưởng đoàn của đoàn văn công này. Đọc, chọn bài, in tập “Văn nghệ sĩ liên khu V” Sách không chỉ tập hợp chân dung một số văn nghệ sĩ tiêu biểu trong văn thơ, hội họa, điện ảnh, ca kịch… mà còn tìm ra những bài viết tiêu biểu của họ, về họ. Anh lo đất, lo đá, chạy tiền, thuê khắc bia tưởng niệm những văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường khu V. Rồi nữa, đi lại nhiều lần sang Campuchia làm nốt những việc còn dang dở và lấy thêm tài liệu để viết. Nhưng dù sao anh cũng có nhiều thời gian hơn cho sáng tác. “Tiếng khóc của Nàng Út” dồn nén tư tưởng, tình cảm bức xúc của nhà văn về một thời máu lửa, đau thương của chiến tranh. Yêu nhân dân vô cùng, gắn bó máu thịt với những vùng đất từng trải, ngòi bút Nguyễn Chí Trung đã có sự bứt phá, vượt lên chính mình. Anh đã chọn đúng giọng điệu phù hợp với chất liệu cuộc sống thời đó. Chất văn hóa vùng miền được anh nghiên cứu rất kỳ công và đưa vào tác phẩm nhuần nhuyễn. Có vốn sống dồi dào nhưng không lạm dụng, anh cất công đi lại những nơi miêu tả trong tác phẩm, để lấy lại cảm xúc. Hồn vía hiện thực cuộc sống cùng với bút pháp lãng mạn hiện thực của anh đã tạo nên một “Tiếng khóc của Nàng Út” có sức lôi cuốn người đọc. Tập tiểu thuyết đầu tay cũng là tập sách đã giành cho anh ba giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng ASEAN, giải thưởng Bộ Quốc phòng. Anh viết về Campuchia, một dân tộc anh vô cùng yêu thương, một chiến trường đẫm máu và nước mắt anh đã gắn bó mấy chục năm liền. Máu, mồ hôi, nước mắt, anh để lại đất Campuchia kém gì đã đổ xuống đất Việt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và chống đế quốc Mỹ. Anh đang viết với tình yêu bao la, khắc khoải. Anh đã đọc một số cuốn sách viết về Campuchia. Anh nói: “Mình sẽ viết khác”. Độc giả cầu mong anh khỏe để viết tiếp những gì anh hằng ôm ấp. Nhưng mọi thứ đã dừng lại. Nguyễn Chí Trung đã ra đi ở tuổi 87. Mong rằng ở thế giới bên kia, anh sẽ thanh thản hơn, nhiều thời gian hơn để thực hiện trọn vẹn hoài bão của mình.

Hà Nội những ngày mưa bão.

N.B

Leave a Reply

Your email address will not be published.