Trần Quỳnh Hoa
Ngày 12/12/2024, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra hội nghị Tổng kết công tác văn học 2024, nhằm nhìn lại hoạt động trong một năm qua, xem xét và đánh giá những mặt tốt và chưa tốt, cũng như đề ra phương hướng phát triển cho năm tới.
Theo nhà thơ Trần Hùng, đại diện Ban tổ chức hội viên, trong năm qua công tác phát triển hội viên đã đạt những thành quả nhất định. Chấp hành quyết định giải thể liên chi hội nhà văn, thay vào đó thành lập chi hội nhà văn cấp tỉnh và thành phố, vào tháng 10 năm 2024, Ban tổ chức hội viên đã nỗ lực phát triển chi hội nhà văn của 46 tỉnh thành. Hiện tại chỉ có 17 tỉnh chưa thành lập chi hội, trong đó có 10 tỉnh chưa có đủ 3 hội viên trở lên. Trong năm 2024 đã có rất nhiều chi hội đã hoạt động hiệu quả trên khắp cả nước như chi hội TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Quảng Trị, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Hải Phòng, Cao Bằng, Quảng Ninh…
Về công tác phát triển hội viên, Ban tổ chức tiếp tục thực hiện theo hướng nâng cao về chất lượng, đặc biệt chú trọng hội viên ở vùng sâu vùng xa và hội viên trẻ. Hiện nay, trong số hơn 1100 hội viên của Hội Nhà văn, số lượng hội viên người cao tuổi – từ 70 tuổi trở lên, chiếm tới gần 85%; từ 40 – 60 tuổi chỉ chiếm 15%; còn lại là số rất ít ỏi tác giả trẻ. Vì vậy, nhiệm vụ trẻ hóa đội ngũ là cực kỳ nặng nề cho Ban chấp hành khóa 11 năm tới của Hội Nhà văn Việt Nam.
Giải thích về câu hỏi tư cách pháp nhân của chi hội nhà văn, ông giải thích rằng chi hội nhà văn Việt Nam là tổ chức cơ sở thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, không có con dấu, không có tài khoản riêng, do Hội Nhà văn Việt Nam thành lập và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hội và cấp ủy địa phương; và mỗi tỉnh, thành phố có 3 hội viên trở lên được phép thành lập chi hội.
Nói về mảng đối ngoại, nhà thơ Hữu Việt phụ trách công tác này cho biết, năm nay hoạt động đối ngoại của hội diễn ra khá sôi nổi. Có rất nhiều đoàn quốc tế đã đến thăm Việt Nam và giao lưu với Hội Nhà văn. Vào tháng 2 năm nay, hội đã đón đoàn 20 nhà thơ Hàn Quốc qua trao đổi giao lưu trong Ngày thơ Việt Nam và đọc thơ trong chương trình tại Hoàng Thành Thăng Long. Vào tháng 11, một đoàn Hàn Quốc khác gồm 15 nhà văn nhà thơ do ông Bang Huyn Suk làm trưởng đoàn cũng đến thăm hội nhân dịp xuất bản tập thơ song ngữ Việt – Hàn “Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau” – kết quả hợp tác giữa hai bên. Đây là minh chứng cho thấy quan hệ văn học Việt Nam – Hàn Quốc đang phát triển rất tốt.
Vào tháng 3 năm nay, đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm trưởng đoàn đã sang Đài Loan tham dự Liên hoan Văn chương 2024. Vào tháng 10, ba tổ chức văn hóa nghệ thuật của Đài Loan đã đến thăm trụ sở và ký kết biên bản hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam; bước tiến lớn trên con đường hợp tác văn học Việt Nam – Đài Loan.
Vào tháng 8, Hội Nhà văn Việt Nam cũng cử đoàn sang Campuchia tham dự Ngày Nhà văn Quốc gia Campuchia, được Phó Thủ tướng Hun Many đón tiếp trang trọng và nồng ấm. Cũng trong tháng 8, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã sang Mỹ làm việc với Đại học Harvard để tìm tư liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia giao lưu với hội cựu chiến binh Mỹ. Đặc biệt là Hội Nhà văn đã đề nghị và được Nhà nước phê chuẩn việc trao tặng Huân chương Hữu nghị cho hai nhà thơ Mỹ có đóng góp lâu dài trong công cuộc quảng bá văn chương Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ là Kevin Bowen và Bruce Weigl. Sau đó, Tổng bí thư Tô Lâm đã trực tiếp trao tặng Huân chương Hữu Nghị cho các nhà thơ này trong chuyến công du Mỹ vào tháng 9. Trong tháng 11, Hội Nhà văn cũng đón đoàn văn học nghệ thuật Bắc Kinh sang giao lưu, họ mong muốn sẽ kết hợp với hội để tổ chức trại sáng tác cho các nhà văn trẻ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nghiên cứu và sáng tác trong môi trường thực tế.
Rõ ràng, đây là những ví dụ điển hình cho hình thức “ngoại giao văn chương”, lấy văn học làm nhịp cầu để kết nối Việt Nam với bạn bè thế giới.
Hội nghị tiếp tục với ý kiến đóng góp từ các hội viên. Theo nhà văn Lê Toán ở Chi hội nhà văn Quảng Ninh, vấn đề nhức nhối nhất vẫn là chi hội không có tư cách pháp nhân, không có con dấu và tài khoản riêng nên rất khó vận hành, đặc biệt là trong việc tổ chức hội nghị. Còn nhà văn Lê Văn Thiềng đề nghị Hội Nhà văn gửi công văn đến nhiều doanh nghiệp hơn để huy động vốn xã hội hóa.
Nhà văn Biên Lan Anh, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Thanh Hóa với 25 hội viên, đã chia sẻ phương thức hoạt động dựa vào sản phẩm và nguồn lực xã hội hóa. Sản phẩm của Chi hội Thanh Hóa là sách, được nhà văn trong hội, qua các mối quan hệ cá nhân, đưa đến với bạn đọc bằng lòng chân thành và tình cảm của mình. Từ đó, bạn đọc sẽ đáp lại bằng cách tham dự hoặc tài trợ kinh phí cho hoạt động của hội. Với cách làm này, trong suốt nhiệm kỳ qua, chi hội đã duy trì được hoạt động của mình.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, đến từ Chi hội nhà văn Quảng Trị, lại chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn vốn từ tỉnh ủy và chính quyền. Ví dụ như trong năm nay, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình, nhân dịp ấy Chi hội nhà văn đã đề xuất với tỉnh ủy ý tưởng làm ấn phẩm sách để lưu lại sau sự kiện và làm quà tặng cho đại biểu. Sau khi được phê chuẩn, chi hội đã làm được hai ấn phẩm, trong đó một cuốn được in hơn nghìn bản. Vì vậy, điều cần thiết là làm sao cho chính quyền hiểu được tầm quan trọng của văn học trong đời sống dân chúng. Ông cũng mong rằng, trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước sắp tới, tại Thành cổ Quảng Trị sẽ tổ chức một cuộc diễu hành của các nhà văn, nhà thơ đã từng mang áo lính hay đã viết về cuộc chiến, để ngồi lại với nhau và đọc cho nhau nghe những bài thơ viết về chiến tranh và về sự hy sinh của người lính. Vì cái giá phải trả cho độc lập của ngày hôm nay là rất đắt.
Đồng tình với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng rất mong tổ chức được cuộc duyệt binh vì hòa bình tại Thành cổ Quảng Trị nhân dịp 50 năm kết thúc chiến tranh và hàn gắn đất nước, dành cho các nhà văn, nhà thơ từng mặc áo lính dù chỉ một ngày, và viết về chiến tranh cũng như nền hòa bình đúng nghĩa, lâu dài. Về vấn đề tư cách pháp nhân của chi hội với con dấu và tài khoản riêng, Hội Nhà văn không thể quyết định được nhưng sẽ bổ sung thêm nội dung này để được Bộ Nội vụ xem xét, nếu Bộ đồng ý phê chuẩn thì sẽ triển khai. Ngoài ra, có thể sẽ thêm vào mục kết nạp hội viên danh dự là nhà văn, nhà thơ, dịch giả nước ngoài có công lớn trong việc dịch thuật, nghiên cứu và truyền bá văn học Việt Nam.
Thời gian cho hội nghị rất ngắn mà còn nhiều ý kiến chưa được lắng nghe, mong rằng các hội viên sẽ tiếp tục đóng góp suy nghĩ của mình trên trang https://vanvn.vn. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cũng nhấn mạnh rằng ý kiến của các hội viên là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong việc tổ chức Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vào năm sau; và yêu cầu Ban chấp hành khóa 11 nghiêm túc lắng nghe ý kiến của hội viên để thiết kế được một chương trình mang tính chuyên nghiệp với nội dung thực tế và sâu sắc.