Nguyễn Thị Hải (Trường Đại Học Văn Hoá)
Bây giờ ở các làng quê, nhất là các làng quê tại ven thành phố, hay những thị trấn thị tứ người dân sinh hoạt đều dùng nước máy, hoặc chí ít là nước giếng khoan. Thế nhưng, cách đây chừng vài chục năm trở về trước, nguồn nước dùng hàng ngày của người dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa trên trời, cũng như nước được lấy từ các giếng khơi đào ở lòng đất. Chính vì thế mà gia đình nào ở quê khi đó đều có đào một cái giếng khơi. Thậm chí, có không ít gia đình không có ao nên họ còn đào cả hai cái giếng, khi một cái dùng để lấy nước ăn, uống, tắm, giặt hàng ngày, còn cái giếng khác đào để lấy nước dùng tưới cây cối trong vườn, hay để rửa chuồng trại chăn nuôi.
Hình ảnh cái giếng khơi đã trở nên rất đỗi thân thuộc với hết thảy các gia đình ở quê, bởi chẳng có ngày nào là con người ta lại không ra giếng để lấy nước sinh hoạt, vì thế giếng nước là vô cùng quan trọng với bất cứ ai, khi người ta có thể dùng nước ao, hồ để tắm, giặt, rửa đồ đạc…, nhưng không thể thiếu nước sạch múc dưới giếng khơi để nấu cơm, nấu canh, đun nước uống được! Dẫu biết rằng giếng khơi là cực kỳ quan trọng với đời sống sinh hoạt của người dân, và hầu như hết thảy mọi gia đình đều có, nhưng suốt những năm tháng tôi còn nhỏ gia đình tôi không hề có giếng bởi nhà tôi nghèo thuộc dạng “truyền kiếp” từ đời ông bà tôi cho tới đời bố mẹ tôi vẫn còn nghèo túng, đến cái ăn cái mặc còn luôn thiếu trước hụt sau, vì vậy nên không thể đủ tiền đào nổi cái giếng. Vì không có giếng nên các thành viên trong gia đình tôi phải sống nhờ vào cái giếng nước tập thể của làng ở phía trước sân đình, ngay kế bên nhà tôi, mà tôi nghe nói nó được người xưa đào từ cách đây cả hơn trăm năm.
Không giống như các giếng nước của hộ gia đình thường chỉ nhỏ, với bề ngang đường kính miệng giếng chừng một thước, hoặc rộng hơn chút ít, giếng tập thể của làng rộng lắm, bề ngang đường kính của miệng giếng rộng tới gần ba thước. Cái giếng không chỉ rộng, mà chiều sâu của nó hun hút, có khi phải tới vài chục thước, tính từ cổ giếng xuống tới đáy! Chính vì giếng rộng và sâu như vậy nên chẳng bao giờ tôi thấy giếng hết nước, kể cả vào dịp mùa khô khát, những cái giếng của nhiều hộ gia đình do đào nông thường bị cạn trơ đáy thì giếng tập thể của làng nước vẫn quá nhiều. Ngày còn nhỏ xíu, khi thấy cảnh người dân tấp nập ra giếng làng múc nước mang về dùng do giếng của nhà họ cạn hết nước, tôi thắc mắc hỏi nội vì sao giếng làng lại còn nước mà giếng của các gia đình khác lại hết nước(?!) Nội tôi với khuôn mặt nhăn nheo, hai hàm răng móm mém cười giải thích rằng, do giếng làng được đào trúng mạch nước ngầm dưới lòng đất nên nước mới vô biên vô tận như vậy, còn giếng của các hộ đào nông, chưa tới nguồn, tới mạch ngầm nên vào mùa khô thường cạn, không còn nước…
Dẫu giếng tập thể của làng không bao giờ hết nước, nước lại trong vắt mát lành như vậy nhưng trong tôi lúc nào cũng vẫn ao ước được sở hữu một cái giếng riêng biệt của nhà mình. Thương các con thường phải cơ cực, vất vả qua mỗi ngày mang xô chậu, thùng ra giếng làng gánh nước, bố mẹ tôi đã hứa sẽ đào một cái giếng riêng tại vườn sau, và lời hứa đó cũng đã thành hiện thực khi tôi vào cấp 2 trường làng nhà tôi đã có một cái giếng riêng. Kể từ đó, chỉ vào mùa khô khát khi giếng nhà cạn hết nước gia đình tôi mới phải ra giếng tập thể của làng lấy nước, còn thì nhu cầu nước cho sinh hoạt ăn uống, tưới cây… đều được sử dụng trong giếng nhà.
Hình ảnh thân thương của những cái giếng khơi không chỉ là một khoảng trống chạy dài hun hút vào phía lòng đất, mà còn là chiếc cổ giếng với bờ bao xây bằng gạch cao chừng hơn nửa thước, cái sân giếng được lát phẳng phiu. Ngày ấy, việc múc nước ở dưới giếng lên thường có 2 cách, trong đó thông dụng nhất là dùng dây thừng buộc vào chiếc gầu để mỗi khi cần lấy nước thả xuống múc đầy nước rồi kèo gầu lên. Cách thứ hai là người ta thiết kế một chiếc cần múc nước cũng với gầu buộc dây thừng, nhưng khi mức nước chỉ cần gạt cần tre là sức nặng của một cục gạch lớn buộc ở đuôi của cây cần tre sẽ nâng gầu múc nước lên khiến cho người múc nước cảm thấy đỡ mất sức hơn.
Ở các gia đình có trẻ nhỏ, người già thì việc múc kéo nước từ dưới giếng lên luôn là người trưởng thành đảm trách, bởi công việc múc nước dưới giếng, nhất là giếng sâu là khá vất vả, thậm chí là nguy hiểm, bởi trẻ có thể lộn cổ xuống giếng bởi sức nặng của gầ nước, vì thế nên nhà nào có trẻ nhỏ, ông bà già thường là có sẵn một bể chứa, hoặc thùng lớn để chứa nước mà trước khi đi đâu, bận việc gì người lớn thường kéo nước từ dưới giếng lên chứa đầy sẵn vào đó để dùng… Những năm tôi lớn thêm chút nữa, khi nhà có giếng rồi thì gặp đúng lúc công nghệ phát triển, máy bơm nước được bày bán nhiều, vì vậy việc kéo múc nước đầy vất vả bằng tay được “giải phóng” khi bố đầu tư mua luôn một chiếc máy bơm để hút nước từ dưới giếng lên. Sinh hoạt của gia đình vì vậy vô cùng thuận tiện, khi chỉ cần bật công tắc điện lên là máy chạy và cũng đồng nghĩa với việc nước được hút chảy tràn trề tha hồ sử dụng. Mỗi khi cần nước tưới vườn cũng chỉ cần bắc nối thêm một đoạn ống nhựa là có thể tưới cho được cả những luống rau, hàng cây từ xa…
Giếng khơi đã gắn bó, cực kỳ quan trọng và trở nên rất đỗi thân quen với hết thảy người dân quê của cách đây vài ba thập kỷ trở về trước là vậy giờ đã trở thành hoài niệm, đi vào quá khứ, bởi những năm gần đây nước máy đã gần được phổ cập, thậm chí không có nước máy thì nhiều hộ dân đã khoan giếng lấy nước bằng công nghệ hiện đại từ dưới tầng sâu, chứ ít ai dùng nước giếng khơi. Giếng khơi vì vậy dần bị lấp đi, xóa sổ hết, vì vậy giờ về quê tôi không còn thấy bóng dáng của một cái giếng khơi nào nữa, kể cả cái giếng tập thể của làng có tuổi đời hơn trăm năm người ta cũng đã lấp đi từ lâu rồi! Mỗi khi trở về quê, đi qua cổng làng, hình ảnh cây đa vẫn còn đó mà thấy mất đi chiếc giếng cổ tôi thấy thầm tiếc nuối, bởi vẫn biết là các làng quê đã, đang trong đà đô thị hóa, nhưng giá như mà ở đó vẫn giữ được những nét cổ kính thân thuộc gợi nhớ hình bóng quê hương là: cây đa, giếng nước, cổng làng, sân đình…, thì hay biết mấy(?!)
