Nguyễn Xuân Hòa
Chặng đường hơn nửa thế kỷ sáng tác kịch của Rabindranath Tagore với số lượng lớn kịch bản nhiều thể loại (42 vở kịch, 52 tập thơ, 12 tiểu thuyết, 80 truyện ngắn) chứng tỏ R. Tagore “không chỉ là nhà thơ rất lớn trong các thi sĩ lớn nhất” (Nadim Hichmet) mà còn là một kịch tác gia lớn của Ấn Độ và thế giới.
Xem kịch Tagore, ta thấy trong nhiều vở, đằng sau những câu chữ, là triết lý sâu xa thâm thúy của nhà tư tưởng về đạo làm người.
Trong Lời tựa cho vở kịch trữ tình triết lý “Sự trừng phạt của thiên nhiên” (1883), Tagore đã tuyên bố thế giới quan sáng tác của ông: “Có thể xem vở kịch này là sự mở đầu cho toàn bộ hoạt động văn học của tôi sau này, hay nói đúng hơn, đó là chủ đề thu hút toàn bộ công việc viết văn của tôi – niềm hân hoan nắm được cái vô hạn trong cái hữu hạn”. Ở vở kịch này, cơ sở thế giới quan của Tagore nhằm đạt tới khai hóa con người thoát khỏi vòng u mê tăm tối bị trói buộc bởi những giáo lý giả dối viển vông về hư vô và về cái gọi là cao đạo của tăng lữ Bà la môn. Điều mong muốn này Tagore đã đưa vào lời đề từ Xin dẫn dắt chúng tôi từ Hư vô về với thực tại ghi dưới tên vở kịch “Sự trừng phạt của thiên nhiên” (đến năm 1916 đổi tên là Xiniaxi (Thầy tu khổ hạnh).
Với vở kịch tuyên ngôn thế giới quan sáng tác của mình, Tagore đã có sự chuyển biến mới về tư tưởng. Ông lên tiếng chống lại giáo điều, chống lại lễ giáo Bà la môn, qua đó ông đã đụng chạm trực tiếp đến một khía cạnh xã hội quan trọng và bức xúc của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ – đó là vấn đề khai hóa cho người Ấn Độ mê muội bị tôn giáo trói buộc. Vở kịch có sức thu hút người dân vì trước hết nó được viết bằng thơ và giàu chất thơ – yếu tố tinh thần quen thuộc đối với người dân Ấn Độ. Cốt truyện vở kịch hết sức hấp dẫn, không hề xa lạ với người xem. Chủ đề tư tưởng “trở về với thực tại” cũng chính là cốt truyện của truyện ngắn “Đắc đạo” kể lại câu chuyện nàng Mênaka, một vũ nữ trong thần thoại Ấn Độ dan díu với với hiền sĩ đắc đạo Visua Mita rồi sinh ra nàng Sơcuntơra – một nhân vật bất hủ trong vở kịch cổ điển Kaliđaxa ở thế kỷ 5. Ý định bỏ Trời, bỏ tu khổ hạnh để trở về với cuộc đời thật cũng là chủ đề được nhắc lại trong bài thơ “Từ biệt Trời”, trong đó nhân vật tu sĩ quyết rũ áo ra đi từ biệt trời cao xa, từ biệt các vũ nữ Mênaka, Urơvaxi để quay về trần thế đất Mẹ với người con gái bằng xương bằng thịt – người vợ chưa cưới với bao niềm mơ ước ở một tập thơ khác (“Người thoáng hiện”). Tagore cũng để cho thực tại cuộc đời thắng cái hư vô viển vông, dù đó là thiên đường rực rỡ ánh hào quang; bởi vì chỉ có thực tại mới là cái thiết thân đối với mỗi người dân đang sống và lao động. Chủ đề tư tưởng vở kịch “Sự trừng phạt của thiên nhiên” và tập thơ “Người thoáng hiện” xét ra cũng chỉ là một. Ở vở kịch, người thầy tu khổ hạnh cuối cùng đã quay về với thực tại đã mất của mình để đi tìm cô gái Vanxati hèn mọn bị xã hội ruồng bỏ, còn ở tập thơ “Người thầy tu khổ hạnh” tự hành hạ thể xác tu luyện để được lên thiên đường, cuối cùng đã hiểu ra bản thân mình cũng không cần đến cái thiên đường xa vời ấy nữa mà lại muốn được hưởng một phần thưởng bình dị trong thực tại: Cô gái hái củi ở trần thế. Về hình thức thể hiện chủ đề “trở về với thực tại”, R. Tagore đã sử dụng những yếu tố gần gũi với tiềm thức người dân Ấn Độ trong triết lý cổ đại Ấn Độ – đó là con đường trần gian mà mọi người qua lại. Đưa vào vở kịch con đường như nơi hội tụ của nhiều hạng người, R. Tagore muốn nói đến con đường phủ đầy bụi trần gian. Đi trên con đường ấy khó mà tránh khỏi bụi trần. Ở đây, với lối viết tượng trưng triết lý, Tagore muốn truyền đạt tới người xem một cảm nhận tự nhiên: hễ là con người thì phải tiếp xúc với bụi trần của cuộc đời thế tục. Với con đường làm nên không gian bụi trần, Tagore đã sáng tác những vở kịch tiếp theo như “Ngày hội mùa thu” (1908), “Vương công” (1910), “Phòng bưu điện” (1912), “Dòng tự do” (1912), “Những cây trúc đào” (1926), v.v…
Thần thoại – món ăn tinh thần quen thuộc không thể thiếu trong đời sống người dân Ấn Độ cũng được Tagore sử dụng hợp lý để nói lên chủ đề tư tưởng của mỗi vở kịch. Ngoài vở kịch trữ tình triết lý “Sự trừng phạt của thiên nhiên” được xây dựng theo cốt truyện vũ nữ Mênaka trong thần thoại Ấn Độ, Tagore đã khai thác trước đó một cách sáng tạo đề tài thần thoại trong kịch. Sau vở ca kịch ngắn đầu tay “Trái tim tan vỡ ” (1881), Tagore bắt đầu thử nghiệm đưa đề tài thần thoại với nền nhạc ngợi ca thần linh để sáng tác nên vở ca kịch “Valmiki tỉnh ngộ” (1881). Cốt truyện của vở ca kịch này lấy từ truyện thần thoại về tên cướp Rotnakor được nữ thần Xarasvati cảm hóa phú cho tài làm thơ nên đã sáng tác được kiệt tác “Ramayana”. Trong kịch, cốt truyện thần thoại được Tagore điểm xuyết khéo léo khớp với nền nhạc phụ họa, trong đó Tagore cho diễn biến của cốt truyện lặp lại nguyên xi diễn biến lễ ca môngôlcápbô vốn có từ lâu đời trong sáng tác dân gian xứ sở Belgali thời trung cổ. Theo truyền thống lễ ca môngôlcápbô thì tài hoa của nhân vật tên tướng cướp chỉ “bột phát” sau cuộc gặp gỡ với nữ thần có sức mạnh siêu nhiên trong hình tượng cô gái. Khai thác theo hướng tích cực cốt truyện thần thoại phục vụ cho ý niệm chân thiện, Tagore đã xử lý diễn biến trong vở ca kịch này một cách tài tình, thấm đượm tính nhân văn. Tagore đã cho bước ngoặt diễn biến tính cách của nhân vật diễn ra ngay trong cuộc gặp gỡ với cô gái bất lực, yếu đuối. Và ở đây, hành động kịch diễn biến rất logic theo sự tự vận động trong bản tính con người trước sự lựa chọn giữa cái thiện và cái ác. Người xem hoàn toàn tán thưởng khi thấy trong cách xử lý, tác giả đã để cho nguyên nhân tỉnh ngộ của nhân vật tên cướp chính là sự đồng cảm trước tình cảnh của cô gái yếu đuối, chứ tuyệt nhiên không phải là sự sợ hãi trước uy linh của nữ thần. Để đạt được hiệu quả chuyển tải diễn biến tâm lý của nhân vật đến người xem, Tagore đã đưa âm nhạc lễ ca đan xen vào vở kịch, làm tôn lên những tính cách của nhân vật chính diện hoặc phản diện. Tagore chủ trương sử dụng tiết tấu của giai điệu để truyền đạt tâm tư tình cảm của nhân vật trong tình huống cụ thể. Trong khi các nhà viết kịch cùng thời thường để cho lễ ca đi sau lặp lại nguyên xi ý của đoạn đối thoại trước đó thì Tagore chủ trương đưa lễ ca vào kịch và bắt nó phải đóng vai trò một thành tố hữu cơ hòa quyện vào cốt truyện; nghĩa là nhạc lễ ca phải tiếp tục và phát triển được ý của phát ngôn của nhân vật, phải đi trước hành động kịch và chuẩn bị cho đoạn mở nút của kịch. Vở ca kịch thể nghiệm này Tagore đã cho trình diễn tại gia đình (vào ngày 26/2/1881), song điều ghi nhận rút ra được là Tagore đã đến với kịch từ rất sớm, ngay từ khi bắt đầu con đường sáng tác của mình. Điều này có thể cắt nghĩa là vào những năm 70, 80 của thế kỷ 19 ở Ấn Độ, kịch, trong đó có ca kịch, là một loại hình nghệ thuật khá thịnh hành, hơn nữa trong gia đình Tagore mọi thành viên đều say mê kịch và âm nhạc. Và cũng hoàn toàn tự nhiên khi thấy những vở kịch đầu tiên của Tagore là ca kịch: Trái tim tan vỡ, Valmiki tỉnh ngộ, Trò chơi số phận.
Nhưng phải đến vở kịch “Lễ hiến máu” (1890) thì chủ đề chống lễ giáo phong kiến trói buộc con người mới được thể hiện sâu sắc và triệt để. Vở kịch “Lễ hiến máu” là một trong những bi kịch xuất sắc của Tagore. Mặc dù Tagore lấy đề tài có tính lịch sử, nhưng vấn đề đặt ra lại mang tính thời đại sâu sắc. Sử dụng những tài liệu lịch sử cụ thể, Tagore không trình bày những sự kiện mà bóc trần tôn giáo chính thống như nguyên nhân sâu xa làm cho đạo đức sa sút, xã hội trì trệ.
Trong “Lễ hiến máu”, Tagore phê phán gay gắt sự cuồng tín tôn giáo mù quáng vào hủ tục lễ hiến máu tồn tại qua bao đời đến mức người dân nào cũng coi đó là cần thiết như “khí trời của tất cả mọi người” (lời của Vương hậu Gunapoti). Cái nút của vở kịch là xung đột của thầy tu Bà la môn Rogokhupoti và Vương công Gobinđo. Trong kịch, cái cớ của xung đột giữa Rogokhupoti và Gobinđo được Tagore vạch trần bọn đội lốt Bà la môn đang tâm bắt con dê của cô gái nghèo Apacna để dâng máu cho thần ác Kali. Đây cũng là một đặc trưng khác của kịch Tagore những năm 90 của thế kỷ 19. Đó là sự nhấn mạnh vai trò của cảnh huống trong mối tương quan tính cách của hành động. Cảnh huống ở đây là việc bắt một con dê (loại súc vật không được che chở) của dân đen yếu ớt thuộc hạng cùng đinh bị tước mọi quyền, tạo nên toàn cảnh một âm hưởng phổ quát chung đối với mọi tục lệ cổ hủ phản nhân đạo mà trong vở kịch, ngay cả Vương hậu Gunapoti, một kẻ cuồng tín mù quáng vào việc thờ thần linh, cũng mang mối hận thù đẳng cấp đối với lực lượng chính nghĩa, trung thực. Điều mà Tagore muốn thông qua vở kịch vạch ra cho người xem là sự cuồng tín mê muội thực chất đang hủy hoại đạo đức con người, kể cả trong quan hệ với những người thân thích ruột thịt (Vương hậu Gunapoti vì cuồng tín đã câu kết với thầy tu Rogokhupoti chống lại chồng mình là Vương công Gobinđo). Thật là cao thượng và nhân ái khi Vương công Gobinđo, đại diện cho lẽ phải, dám hiên ngang đứng ra chống lại số đông mù quáng để ra lệnh hủy bỏ lễ hiến máu 100 con trâu và 300 con dê. Lệnh chỉ của Vương công Gobinđo chính là thái độ của Tagore muốn làm ngừng chảy máu của biết bao sinh linh: “Hãy truyền bảo cho mọi người đến lễ từ nay trở đi người nào mà giết sinh vật lấy máu dâng Đức Mẹ của muôn vật thì người đó sẽ phải đi đày”.
Tagore đã khai thác triệt để mặt phản nhân đạo của lễ hiến máu và để gây ấn tượng mạnh, cuối vở kịch tác giả đã cho Giaixinh, môn đệ của thầy tu Bà la môn, phải tự nhận lấy cái chết. Theo chỉ thị của sư phụ thầy tu Bà la môn Rogokhupoti, chàng thanh niên Giaixinh đã phải đứng trước ảnh thánh thề sẽ giết Vương công Gobinđo để dâng máu cho nữ thần. Nhưng cuối cùng, lương tri con người đã đánh thức chàng trai, Giaixinh thấy mình sẽ là kẻ phạm tội khi thực hiện chỉ thị của thầy tu. Để thoát cảnh huống đầy mâu thuẫn, Giaixinh đã rút dao tự vẫn. Cái chết của Giaixinh đã gây nên sự giác ngộ đột biến của thầy tu và đưa vở kịch vào cái hậu tươi sáng theo lý tưởng “cái thiện thắng cái ác” của Tagore. Cái chết của Giaixinh cũng nói lên nỗi đau khổ của những người thanh niên trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, phải hy sinh tình cảm cho lễ giáo (Cao Huy Đỉnh). Để cho nhân vật phản diện trở về với cái thiện, coi thần linh thượng đế không phải là thần tượng mà chỉ là một ý niệm cao siêu – đó là chủ đề tư tưởng mà Tagore chủ trương đưa vào nhiều vở kịch. Trong vở kịch “Lễ hiến máu”, cái chết của chàng trai Giaixinh và sự mất mát không gì bù đắp nổi của cô gái nghèo bị mất người yêu làm người xem quặn đau trước một tập tục cổ hủ, phản nhân đạo truyền từ bao đời nay và càng thấy ý nghĩa to lớn của cái giá phải trả cho bất cứ sự tỉnh ngộ nào của những kẻ đã gây ra bao nhiêu cuộc tàn sát sinh linh. Trong số những tác phẩm kịch xuất sắc của Tagore phải kể trước hết đến các vở kịch “Vương công và Vương hậu” (1889), “Lễ hiến máu”(1890), “Dòng tự do” (1922).
Vở “Vương công và Vương hậu” về hình thức rất gần với bi kịch và được đánh giá là một trong những bi kịch xuất sắc viết bằng tiếng Bengali. Nội dung tư tưởng toát lên tinh thần nhân đạo, lòng căm thù đối với chiến tranh và bạo lực đang làm què quặt tâm hồn những kẻ nắm bạo lực ấy trong tay.
“Dòng tự do” là vở kịch viết theo lối tượng trưng phúng dụ. Về nội dung tư tưởng “Dòng tự do” là vở kịch đầu tiên đề cập trực tiếp đến những vấn đề của thời đại. Với lối viết bóng gió, Tagore lên án chính sách thực dân của chế độ Anh ở Ấn Độ và lên án bộ máy của nó. Miêu tả sự xung đột giữa hai công quốc hư cấu, Tagore đã tái tạo về thực chất mô hình của mối quan hệ quan lại giữa mẫu quốc với thuộc địa. Cuộc xung đột diễn ra nhân có sự kiện xây dựng đập nước trên sông Muktotkhara (dịch từng từ là Dòng tự do). Cốt truyện kể Vương công của công quốc Uttorokut cho xây đập nước để ngăn nước tràn về cánh đồng của công quốc láng giềng, bằng cách đó bắt thần dân công quốc láng giềng phải quy phục. Nhưng nhờ sự hy sinh quên mình của Hoàng tử nối ngôi Opkhitgit của công quốc Uttorokut, đập nước đã bị phá tan và chính nghĩa đã thắng.
Trong vở kịch “Dòng tự do”, vai trò của quần chúng nhân dân được đề cao. Họ là lực lượng hùng hậu để xây nên đập nước, nhưng cũng chính họ là những nạn nhân đã bị thiệt mạng vì việc xây dựng đập nước làm công cụ nô dịch người dân ở công quốc khác. Ngay chính tên chỉ huy xây dựng công trình đập nước Bipkhuti, vì lòng tin mù quáng cũng bị thiệt mạng, khiến ta nhớ tới nhân vật thầy tu Bà la môn Rogokhupoti tôn thờ nữ thần ác Kali. Điều đáng chú ý ở đây là dụng ý của Tagore: xây dựng một nhân vật chính diện biết trọng lẽ phải (Hoàng tử nối ngôi Opkhitgit quyết định cho phá đập nước là hợp với lòng dân) xuất phát từ nguồn gốc xuất thân thật của Hoàng tử. Nguyên do Hoàng tử không phải là dòng dõi hoàng tộc mà chỉ là đứa con rơi nhặt được ở bờ sông Muktotkhara, vì vậy Hoàng tử chính là đứa con của “Dòng tự do” nên được số phận giao cho phải phá đập nước giải phóng cho dân chúng ở công quốc láng giềng. Với lối viết tượng trưng, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, Tagore đã tạo nên hình tượng “ông hoàng bình dân” đại diện cho chính nghĩa được nhân dân yêu mến và ủng hộ. Vì thế cái chết của Hoàng tử Opkhitgit được coi như sự hy sinh cao cả, vì nó gắn liền với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng trong quang cảnh ngày hội mùa rộn rã, những bài ca tưng bừng của dân chúng hai công quốc láng giềng ngợi ca chàng thợ cày Siva – đây cũng là một cái hậu tươi sáng theo lý tưởng “cái thiện thắng cái ác”.