Nguyễn Đước
Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước nhà tôi nghèo lắm. Tôi nhớ, hồi đó ngôi nhà của ba má tôi vách nhà được làm bằng bùn đất trộn với rơm rạ đã phơi khô, mái nhà được lợp bằng rạ khô được để dành qua mấy mùa gặt lúa. Vài năm sau đó vách đất được ba má tôi thay thế và làm lại bằng những lớp gỗ ván, mái nhà được lợp lại bằng tôn cho vững chắc hơn.
Nói là lợp lại mái nhà bằng tôn, vách gỗ cho vững chắc hơn chứ miền trung tỉnh Quảng Ngãi quê tôi bão lũ triền miên, quanh năm, vì vậy mỗi khi tới mùa mưa bão, nhất là mỗi khi bão lũ quét và xảy ra vào đêm khuya thì mấy chị em tôi nằm ngủ trong nhà mà cứ nơm nớp lo sợ, không dám ngủ vì những mái tôn cứ rung lên bần bật rồi kêu răng rắc như muốn đổ sập theo những trận “cuồng phong bão táp” đang dồn dập đổ về với sức gió bão mỗi lúc một mạnh hơn, nhanh hơn và thổi giật liên hồi.
Nhà nghèo, ba má tôi lại đông con nên có khi chỗ nằm ngủ chật quá, nhất là vào những ngày bão lũ hay những ngày miền trung nắng nóng như “đổ lửa”, lúc đó tôi thường được ba má bảo xuống dưới nhà ông bà nội tôi (cách đó chưa đến chục mét) để ngủ vì nhà ông bà nội tôi rộng rãi hơn, chỉ có ông bà nội.
Tôi nhớ, cứ mỗi khi học bài xong tôi lại đi xuống nhà ông bà nội để ngủ “ké”. Nhà ông bà nội tôi hồi đó cũng nghèo khó, trong nhà cũng trống trơn, chẳng có thứ gì đáng giá, chỉ có bộ lư đồng có tuổi đời gần trăm năm mà tôi nghe nội kể lại là của ông bà cố để lại, bảo phải giữ gìn và lưu truyền lại cho con cháu mai sau.
Ngôi nhà “ba gian” của ông bà nội vững chắc hơn ngôi nhà của ba má tôi vì hồi đó tôi có nghe ông nội kể là nhà được làm bằng “túplô” (cát pha trộn với đất sét và một ít vữa, xi măng để làm nhà thời kỳ đó), mái được lợp bằng gạch ngói nên vì thế mà mát mẻ hơn vào mùa nắng nóng và ấm hơn vào mùa đông lạnh giá.
Tôi thích nhất là mảnh vườn nhà của nội. Vườn của nội trồng rất nhiều loại cây ăn trái như xoài, ổi, mận, bưởi, bòng, cam, vú sữa, na… Dù đã ngoài 75 tuổi, ông nội tôi vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, ông nội thường xuyên trèo lên những cây xoài hay cây mận có thân cao to để hái quả bán cho người ta, mang ra chợ bán hoặc hái quả để dành cho con cháu như mấy chị em tôi ăn mỗi ngày.
Thú thật, những ngày đầu xuống nhà nội để ngủ ké tôi sợ vì chưa quen. Hồi đó nhà nội cũng chỉ thắp đèn dầu như nhà tôi mà chưa có điều kiện để thắp điện. Biết tôi chưa quen, ngủ một mình và sợ đêm tối nên nội đã “trấn an” tinh thần tôi và ông thường hay kể cho tôi nghe những câu chuyện “đời xửa đời xưa”, những tấm gương, là những nhân vật hiếu đạo với cha mẹ, những câu chuyện làm người. Đặc biệt là nội thường hay đọc những vần thơ về truyện Kiều, truyện thơ Lục Vân Tiền – Kiều Nguyệt Nga… cho tôi nghe vào mỗi đêm tối…
Có khi ông nội vừa kể chuyện, vừa đọc thơ rồi vừa có thói quen nhịp bàn tay già nua của mình xuống giường nằm nhằm phát ra tiếng động, để cho tôi không có cảm giác sợ màn đêm tĩnh mịch. Vừa kể chuyện, vừa đọc thơ nội vừa giảng giải, giải thích những câu thơ khó hiểu cho tôi nghe. Tôi mê tít những câu chuyện hiếu đạo, những vần thơ hay của nội vào mỗi đêm khuya vắng, nhất là những vần thơ về truyện Kiều, truyện thơ Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga. Nghe nội đọc thơ, có khi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Nội kể, hồi đó ông bà cố rất thương yêu nội, dù nghèo khó ông bà cố vẫn cố gắng cho nội học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn nên nội học và thuộc rất nhiều những câu chuyện, những bài thơ hay. Có lẽ vì thế mà nội rất ham thích đọc sách báo, và đặc biệt là nội thích đọc, nghiên cứu về chữ Nho.
Có lẽ vì “ảnh hưởng” từ nội, ngay từ nhỏ, những năm học cấp 1, cấp 2, nhờ nghe nội kể chuyện mỗi đêm tối, tôi đã thuộc lòng những câu chuyện, những vần thơ hay, đặc biệt là những vần thơ Nôm viết theo thể song thất lục bát như truyện thơ Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga của cụ Nguyễn Đình Chiểu hay những vần thơ tuyệt tác của truyện Kiều, cũng là thể truyện thơ Nôm, được viết theo thể thơ lục bát, mặc dù lúc đó tôi chưa hiểu đầy đủ nội dung cũng như ý nghĩa của những vần thơ, câu chuyện ông nội kể. Vì thường xuyên được nội kể chuyện, đọc thơ từ nhỏ trong mỗi đêm khuya xuống ngủ “ké” ở nhà nội nên cũng từ đó tôi có năng khiếu và học khá giỏi về môn văn trong những năm học cấp 2, đặc biệt là năm học cấp 3 và tôi có một tình yêu, niềm đam mê với thơ văn ngay từ hồi còn nhỏ.
Năm 1997, lúc đó tôi đang học lớp 12 và chuẩn bị thi “tú tài” và thi vào đại học, học kỳ 1, khi nghe tôi có dự định sẽ dự thi vào trường luật ở TP. HCM và trường đại học sư phạm khoa văn, nội đã khuyến khích, động viên tôi cố gắng học hành và thi cho đỗ đạt vì phù hợp với năng lực cũng như đam mê, ngành nghề mà tôi yêu thích. Nội bảo nội còn khỏe, còn sống để nội mong chờ tới ngày tôi đỗ đạt, rồi thoát nghèo bằng con chữ, nội có “nhắm mắt” cũng yên tâm.
Thế nhưng, nội đã không thể chờ được tới ngày tôi thi “tú tài” và thi đỗ vào trường đại học với ngành nghề mà tôi yêu thích, đam mê cũng như mong muốn, nguyện ước của nội. Qua Tết Nguyên đán năm 1997 có mấy ngày, tôi bước vào học kỳ 2. Trong một buổi trưa đạp chiếc xe đạp cọc cạch, cà tàng đi học trở về nhà, tôi đau đớn, bàng hoàng vì nội đã mãi ra đi sau một giấc ngủ. Năm đó, nội tôi thọ 82 tuổi…
Cho đến tận bây giờ, dù nội đã mất gần 30 năm trôi qua nhưng hình ảnh thân thương, già nua, hiền từ và cả một đời nghèo khó của nội, đặc biệt là chất giọng ồ ồ của nội mỗi khi kể chuyện, đọc thơ, là những câu chuyện hiếu đạo, những câu chuyện làm người, những vần thơ hay về truyện Kiều, truyện thơ Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga… tôi mãi không bao giờ quên được trong ký ức của một đời người.
Cảm ơn nội! Cảm ơn nội đã trao truyền, đã gieo dạy cho tôi những câu chuyện, những tấm gương hiếu đạo, đặc biệt là nội đã trao truyền cho tôi những vần thơ hay, trao truyền cho tôi tình yêu và niềm đam mê văn học bất tận qua những câu chuyện mà nội đã kể, đã đọc cho tôi nghe vào mỗi tối đêm khuya khi tôi xuống ngủ “ké” nhà nội trong những tháng năm thơ ấu còn nhiều nghèo khó, vất vả.