Bút ký Đặng Hùng
Qua nhiều lần điện thoại, hôm nay chúng tôi được anh Lập đưa về thăm nhà máy nước sạch Đông Huy của công ty 27/7 Tiền Phong mà anh đang là Giám đốc.
Chiếc xe ô tô chở chúng tôi dừng lại bên biển báo: Đê sông Trà Lý km 39 + 600 thuộc địa phận Đông Huy. Vừa bước xuống xe, anh Lập chỉ tay xuống con dốc bên trái đê, nơi có ngôi nhà hai tầng ẩn hiện sau những rạng cây: Đây là đường vào nhà máy của chúng tôi.
Đứng trên đê nhìn ánh chiều hoàng hôn vàng nhạt hắt xuống dòng sông Trà Lý, sóng nước lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ, những chiếc thuyền chở đầy hàng xuôi ngược trên sông; Cảnh chiều nơi đây quá đẹp và rất thơ mộng.
Anh Lập nói: “Lát nữa hãy vào nhà máy, giờ mời các anh xuống thăm quan trạm cấp nước cấp I của tôi ở sát bên sông Trà nhé”.
Chiều tà, chúng tôi đứng bên bờ sông nhìn sóng nước mênh mang, gió nhẹ nhè thổi làm đung đưa những ngọn cây sú vẹt, ngọn cây bần và những bông hoa lau cũng vật vờ trước gió. Tôi chợt nhớ đến câu thơ trong “Truyện KIều”của cụ Nguyễn Du:
“Một vùng cỏ Áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau “(1)
Trạm cấp nước cấp I của nhà máy nước sạch được xây sát bờ sông Trà Lý; anh Lập cho biết: Trạm này có 2 vòi bơm; Hệ thống vòi ống có đường kính 30cm, được đặt cách đáy sông khoảng 2m để hút nước. Gần trạm cấp nước là một trạm điện 180kw được kéo nối từ lưới điện quốc gia, dành riêng phục vụ hệ thống bơm nước từ đáy sông lên. Nhìn những cây bần, sú vẹt xanh tốt mọc sát ven sông; tôi hỏi anh Lập: “Loại cây này chỉ sinh trưởng ở những vùng có nước mặn; phải chăng nước mặn đã tràn vào các sông?” Anh Lập cười và nói: “Ông tinh nhỉ, đúng là trước đây tần suất nước mặn xâm nhập vào các sông rất ít; nhưng có thể hiện nay do xuất hiện nhiều nhà máy thủy điện nên có hiện tượng nước mặn tràn vào nhiều”. Anh Lập dẫn chúng tôi ra nơi có những chiếc hồ chứa nước được đào cách sông khoảng gần 100m, mỗi hồ rộng 1,5 ha, độ sâu từ 3,5 – 4m, được xây kè bờ rất cẩn thận. Để đảm bảo an ninh nguồn nước và có đầy đủ nước sạch phục vụ nhân dân sinh hoạt; nhà máy chủ động xây cống ngầm sát sông khi nước sông dâng lên, công nhân đã sử dụng hệ thống téc để đo nồng độ mặn của nước; nếu nồng độ nước bình thường thì mở cống lấy nước vào hồ.
Tôi đã đi nhiều nơi, đến thăm không ít nhà máy nước sạch trong tỉnh, nhưng để có những chiếc hồ chứa nước sông vừa to vừa rộng như ở nơi đây thì không phải nhà máy nước nào cũng có.
Chúng tôi lên đê cùng anh Lập vào nhà máy; ngay phía bên trái cổng là tấm biển to ghi dòng chữ: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH ) 27/7 Tiền Phong – Nhà máy nước sạch sinh hoạt Đông Huy; cung cấp cho 6 xã Đông Phong – Đông Huy – Đông Lĩnh – Đông Á – Đông Kinh – Đông Tân.
Ngay phía sau cánh cổng vào nhà máy là một hồ nước rộng mênh mông, Tôi bất ngờ bởi phong cảnh nơi đây rất đẹp; Anh Lập cho biết đấy là hồ sơ lắng nước sau khi nước từ hồ chứa ngoài đê được bơm qua hệ thống cống ngầm vào đây. Trụ sở công ty cao 2 tầng, được thiết kế sát hồ sơ lắng. Xung quanh nhà máy là những vườn cây: cam, chuối, ổi,… cây nào cũng sai trĩu quả.
Trong bóng chiều hoàng hôn, không gian thanh bình, chúng tôi ngồi nghe anh Lập tâm sự về cuộc đời của người lính trong chiến tranh và cả những ngày gian nan vất vả khi xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ nhân dân ở địa phương.
Nguyễn Quốc Lập, sinh năm Giáp Ngọ (1954), tuổi thơ của anh gắn liền với bao ký ức về làng cá – (Hội Thôn), xã Đông Huy; Nơi mà cách đây gần 700 năm bà Thiệu Ninh công chúa – con gái của vua Trần Minh Tông đã cùng một số quan thượng vị hầu về đây mộ dân nghèo khai hoang, lập ấp, lập làng. Hiện ở làng còn có đền thờ Bà, nhân dân quanh năm hương khói để tưởng nhớ người công chúa tài ba này. Làng Hội Thôn nằm sát bên sông Trà Lý, từ nhỏ tới khi trưởng thành anh Lập đã từng chứng kiến dòng sông trà lúc thì hiền hòa vỗ sóng đôi bờ, đẹp nhất là vào những đêm trăng, đứng trên đê nhìn xuống cứ tưởng như ánh trăng đang đung đưa nhảy múa giữa dòng sông. Nhưng khi nước tràn về vào mùa mưa bão thì dòng sông lại cuồn cuộn chảy sẵn sàng cuốn trôi những vật cản ở ven bờ khi dòng nước đi qua.
Năm 1972, chiến trường Miền Nam bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, khi đó Lập đang học lớp 10 tại trường cấp 3 Nam Đông Quan; Anh cùng bạn bè viết đơn tình nguyện xin được tòng quân bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nhập ngũ, anh được biên chế vào trung đoàn 8 của Quân Khu 3; sau thời gian huấn luyện tại Thủy Nguyên – tỉnh Hải Phòng. Đơn vị được lệnh hành quân vào Nam, đóng quân tại Vĩnh Chấp (Vĩnh Ninh) – bên bờ sông Bến Hải. Tại đây anh được biên chế về trung đoàn 36B, Sư đoàn 308B. Do tình hình chiến trường, anh cùng cùng đồng đội trong trung đoàn được bổ sung về Sư đoàn 341 (đoàn bộ binh Sông Lam) – mới được thành lập theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu và đổi phiên hiệu từ trung đoàn 36 B sang phiên hiệu mới là trung đoàn 273.
Ngày 26/4/1975 anh cùng Sư đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trải qua các trận đánh ác liệt ở Trảng Bom – Hố Lai, giải phóng Sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình; 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, Sư đoàn 341 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Khi tới Dinh Độc Lập thì Lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn 2 đã vào trước đó hơn 2 tiếng; Đơn vị anh lại được lệnh quay trở lại chốt giữ sân bay Biên Hòa
Một thời gian sau, anh Lập cùng đồng đội trong đơn vị được cử vào tham gia xây dựng chính quyền, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong địa bàn của quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1977, đơn vị anh được lệnh chuyển về bảo vệ tổng kho Long Bình và huấn luyện chiến đấu cho các tân binh. Chiến tranh biên giới phía Nam nổ ra, bọn phản động Pôn Pốt xua quân tràn qua cướp bóc đồng bào ta ở các tỉnh giáp với Campuchia. Ngày 27/9/1977 anh Lập cùng đồng đội trong Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 hành quân tới cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh. Ngày 28/9/1977, quân Campuchia tràn qua cửa khẩu Mộc Bài đã bị Tiểu đoàn 3 phục kích chặn đánh, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới. Chiến tranh lan rộng ra nhiều tỉnh biên giới phía Nam nước ta. Hoàng Quốc Lập cùng trung đoàn 273 nhiều lần di chuyển đánh địch ở Long An, rồi lại hành quân về An Giang – Châu Đốc, tấn công địch ở núi Phú Cường, tiếp đó là những ngày hành quân chặn đánh giặc Khơ Me Đỏ ở Khánh An – Khánh Bình (An Giang).
Trong trận đánh vào căn cứ giặc ở Cù Lao (Khánh Hòa), do có tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm nên anh Lập đã được ban chỉ huy Tiểu đoàn đề nghị cấp trên khen thưởng. Sau những trận đánh ở đồn Mỹ Cân (Hồng Ngự – Đồng Tháp) và tiếp đó là đánh giặc ở núi Thị Vạn, núi Cô (Hà Tiên); Đến ngày 07/01/1979 anh Lập cùng đồng đội Sư đoàn 341 tiến vào giải phóng Pnôm Pênh, rồi truy quét địch tới tận biên giới Campuchia – Thái Lan.
Kể tới đây, anh Lập không dấu được niềm vui, hào hứng nói: “Cuộc đời tôi thật vinh dự và tự hào khi được là người chiến sĩ của Sư đoàn 341- đơn vị hai lần được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam. Càng vui hơn khi tôi và anh em trong Sư đoàn hai lần tham gia các chiến dịch giải phóng hai thủ đô: Sài Gòn (của chính quyền Ngụy) và PNôm Pênh (của bọn phản động Pôn Pốt)…”
Tháng 2/1979, bọn bành trướng Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc – Việt Nam; được lệnh của Bộ tổng tham mưu, Sư đoàn 341 chuyển quân từ phía Nam ra tỉnh Nghệ An. Do nhiều lần bị thương trong chiến đấu, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nên tháng 3/1983 Hoàng Quốc Lập được ra quân và hưởng chế độ bệnh binh. Năm 1984, Lập theo học lớp sơ cấp kế toán, rồi về làm việc ở phường Bồ Xuyên; Được một thời gian thì cuối năm 1984 anh lại tiếp tục theo học lớp trung cấp kế toán, ra trường về phụ trách HTX mua bán của phường. Năm 1988, anh Lập xây dựng gia đình, trong thời gian này nhà nước có nhiều chính sách mở cửa thúc đẩy kinh tế phát triển; nhận thấy đây là cơ hội để có thể làm giàu cho gia đình và xã hội nên anh xin nghỉ công tác ở phường và cùng người bạn lính năm xưa mua chung xe ô tô để vận chuyển hàng hóa theo tuyến Nam – Bắc. Anh xin mở bến bãi vật liệu xây dựng ở sát bên sông Trà Lý; rồi mua xe ben, xe tải để san lấp các công trình xây dựng. Công việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, nên năm 1998 anh và một số người bạn thành lập doanh nghiệp Linh Cường, chuyên vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng công trình.
Năm 2004, Hoàng Quốc Lập đăng ký thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) – 27/7 Tiền Phong, trụ sở đặt tại xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình; Với chức năng vận chuyển rác thải và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phục vụ đời sống dân sinh. Hàng trăm tấn rác thải xây dựng đã được công ty thu gom vận chuyển. Anh còn nhận đấu thầu các công trình hạ tầng giao thông, điện, đường tới các xã ven thành phố và các điểm san lấp trũng. Không chỉ có vậy khi thấy các gia đình ở nông thôn gặp nhiều khó khăn về nguồn giống chăn nuôi, anh Lập đã xây dựng trại chăn nuôi gia súc ở xã Tam Quang, Vũ Thư để cung cấp lợn giống cho các gia đình trong xã và các xã trong huyện.
Mặc dù việc kinh doanh tiến triển mạnh mẽ, nhưng mỗi khi về thăm quê, trong lòng Hoàng Quốc Lập luôn tràn ngập những băn khoăn trăn trở. Các công trình đường, trường, trạm, trại được tiến hành tại địa phương đã giúp cho việc đi lại trong làng, xã thuận tiện hơn, nhưng thu nhập và phát triển kinh tế ở các hộ gia đình thì vẫn còn thấp; Nhất là khi nhìn cảnh gia đình và bà con làng xóm vẫn sử dụng nước ao tù, nước giếng vàng khè dẫn đến không ít người dân mắc bệnh đau mắt hoặc những căn bệnh hiểm nghèo khác, khiến anh nung nấu dự định ấp ủ từ lâu, đó là làm cách nào để đưa được nước sạch về cho nhân dân trong xã.
Năm 2012 nhà nước chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc vận động xây dựng các nhà máy nước sạch để nhân dân được dùng nước sạch trong cuộc sống thường ngày; Không chỉ ở các đô thị mà còn được phát động triển khai ở cả các vùng nông thôn trong cả nước.
Tiếp nhận được thông tin này anh Lập vô cùng vui mừng, nhận thấy thời cơ đã tới, anh trở về quê, tìm hiểu thực địa, xác định địa điểm có thể xây dựng nhà máy nước với hy vọng góp phần đưa nước sạch về quê hương mình.
Tháng 8 năm 2012 anh Lập gửi dự án xây dựng nhà máy nước sạch lên UBND tỉnh Thái Bình và các sở, ngành có liên quan. Đầu tháng 8 năm 2013 anh nhận được quyết định của tỉnh Thái Bình cho phép Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong được xây dựng nhà máy nước sạch nông thôn; Cùng thời điểm này còn có 2 dự án nhà máy nước sạch khác cũng được tỉnh phê duyệt.
Biết tin dự án nước sạch của Hoàng Quốc Lập được UBND tỉnh đồng ý, nhiều địa phương đã mời anh về hợp tác xây dựng nhà máy nước với các ưu đãi về mặt bằng, nguồn nhân lực xây dựng tham gia công trình; Nhưng anh xin được đầu tư nhà máy tại quê hương mình làng Hội Thôn, xã Đông Huy. Khi biết Lập sẽ triển khai công trình nước sạch tại 6 xã trong cụm thì Đảng ủy, chính quyền các địa phương nói trên rất vui và nhiệt tình giúp đỡ anh.
Trước ngày tiến hành xây dựng nhà máy, anh Lập không ngủ được, biết bao khó khăn trước mắt đang chờ đợi anh; Mặc dù chính sách của nhà nước đã rõ: Doanh nghiệp bỏ vốn nhà nước hỗ trợ, nhân dân tham gia đóng góp khi sử dụng nước sạch; Nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ khi công trình sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành; còn người dân thì chỉ khi nào lắp đường ống nước tới tận gia đình thì họ mới nộp tiền.
Hoàng Quốc Lập suy nghĩ, trăn trở, anh như sống lại thời chiến với những khó khăn trên chiến trường mà anh và đồng đội đã dũng cảm vượt qua.
Anh tự nhủ thương trường cũng là một mặt trận; Một chiến trường không có tiếng súng nhưng lại đầy khắc liệt và khó khăn. Anh nghĩ mình không thể chùn bước khi gặp những trở ngại trước mắt được; Dù khó khăn cũng phải quyết vượt qua, đó mới là trách nhiệm của một người con với sự đổi mới của quê hương đất nước; Có được nước sạch về các xã càng sớm thì càng tránh được nhiều thứ bệnh tiềm ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi dùng nước ao tù, nước giếng mà chưa qua xử lý. Bất ngờ nhất là khi dự án chuẩn bị bước vào khởi công thì nhiều ý kiến phản đối với những lý do nguồn nước được lấy từ sông Trà Lý liệu có được nhà máy xử lý chuẩn không? Hay là lại lấy nước sông lên để bán cho dân? Trước tình hình đó, Hoàng Quốc Lập và ban giám đốc công ty 27/7 đã mời các đồng chí lãnh đạo thường vụ Đảng ủy của 6 xã trong dự án và một số người dân đi thăm quan nhà máy nước ở xã Quang Trung, huyện Kiến Xương để tham khảo, học hỏi. Sau chuyến đi thực tế thăm quan nhà máy nước ở huyện Kiến Xương trở về; Lãnh đạo của 6 xã và nhân dân đã chấp thuận dự án đầu tư của công ty đồng thời tuyên truyền vận động mọi người đồng lòng ủng hộ việc xây dựng nhà máy nước sạch trên địa bàn của địa phương.
Ngày 5/3/2014, mặt bằng để xây dựng dự án chính thức được địa phương bàn giao cho công ty tại đê tả sông Trà Lý, km 39 + 600 thuộc xã Đông Huy cũ (nay là xã Đông Quan mới). Tổng diện tích mặt bằng 2,1ha (cách chân đê 25m). Dự án nhà máy nước sạch có tổng vốn đầu tư ban đầu là 61 tỷ đồng, hoàn toàn do Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong chịu trách nhiệm. Thời gian thực hiện từ khi thi công tháng 4/2014 đến khi hoàn thành là tháng 10/2016.
Trong quá trình xây dựng, lãnh đạo công ty xác định để đảm bảo có nước ngọt cho dân sử dụng thì cần phải tiến hành ngay việc xây dựng trạm bơm cấp 1 và các hồ chứa nước ở sát bên sông Trà để đảm bảo an ninh nguồn nước: Khi nước dâng lên, sau khi sử dụng téc để kiểm tra nồng độ mặn thấy ở mức độ an toàn thì mở cống được xây dựng ở sát sông để đưa nước vào các hồ chứa. Đồng thời tiến hành xây dựng trạm bơm thứ hai. Để có nước đưa vào trạm bơm này thì ngay sát trạm bơm, công ty cho đào một hồ chứa sơ lắng tạm, diện tích 1750m2 , độ sâu 4,5m, được láng lớp bê tông phủ dày, xung quanh bờ được trát xi măng để tránh nước ở ngoài rỉ vào. Khi nước được đưa lên bể lọc nhà máy đã sử dụng hệ thống làm la men tiên tiến của Nhật Bản với công nghệ lọc lắng nghiêng và lọc tinh hấp thụ. Nước được đưa từ hồ chứa ngoài chân đê vào hồ sơ lắng, rồi nước được đưa vào hệ thống lọc, sử dụng máy bơm dịnh lượng kết hợp với hóa chất polime và phèn để trộn tạo bông kết tủa loai bỏ các loại phù du cho chìm xuống đáy, nước tràn lên trên và đi sang bể lọc tinh hấp thụ (đáy bể có lớp sỏi dày 30 – 40cm, phần trên lớp sỏi được đổ lớp cát dày trên 1m ). Sau khi nước đã được xử lý đảm bảo đủ tiêu chuẩn, liều lượng Clo khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế thì nước sẽ được đẩy vào hệ thống ống, đưa tới các gia đình sử dụng. Các tạp chất và bùn đọng lại khi tạo bông thì hàng ngày từ 1 – 2 lần phải được xử lý xả thải để giảm lượng bùn ở các ngăn giúp cho nguồn nước được trong sạch. Bùn được xả thải qua bể chứa bùn rồi rút ra bể phơi, sau khi bùn khô sẽ dùng vào việc trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh nhà máy.
Thấy chúng tôi bày tỏ sự thán phục trước quyết tâm của công ty trong việc xây dựng nhà máy nước sạch ở vùng nông thôn phục vụ đời sống của nhân dân; anh Lập bộc bạch tâm sự: Từ khi khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư theo dự án là 61 tỷ đồng; nhưng qua những lần tu sửa đường ống nước do đường liên xã, liên thôn được mở rộng, đến nay tổng số vốn đầu tư đã lên tới gần 80 tỷ (VN đồng. Nếu tính giá 7445đ/1 m3 nước (bao gồm cả thuế VAT) – thu tiền của 7500 hộ dân dùng nước ở 6 xã trong cụm thì mỗi tháng chỉ được trên dưới 600 triệu đồng. Thực tế tính từ năm 2015 đến năm 2022 thì vốn bỏ ra đến nay vẫn chưa hoàn đủ. Với người không kinh doanh mà đem số tiền này gửi ngân hàng thì lãi xuất hàng tháng còn lớn hơn số tiền của nhà máy hiện thu từ bán nước sạch cho các hộ gia đình. Nhưng để đảm bảo việc phục vụ nhân dân có nước sạch dùng trong sinh hoạt, tránh được nhiều nguồn bệnh lây nhiễm thì bất cứ giá nào công ty cũng phải làm.
Anh Lập cho biết: Nước luôn cần thiết cho sự sống con người, khoa học đã chứng minh: 78% cơ thể con người là nước, không thể để mọi người cứ dùng nước ao, nước giếng được. Với suy nghĩ đó đã là nguồn động viên anh luôn quyết tâm cùng công ty xây dựng nhà máy nước sạch trên quê hương mình. Khởi công từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2015 thì nhà máy đã được thi công xong, vượt thời gian quy định gần 10 tháng; công suất của nhà máy đạt 6500m3 nước/ngày.
Được chính quyền các cấp và nhân dân ủng hộ, sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà máy nước ở xã Đông Huy; Vào đầu năm 2016, anh Lập tiếp tục liên kết cùng hai doanh nghiệp khác xây dựng nhà máy nước với tên gọi: “Công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh Hoàng Hải” ở thôn Hoành Từ, xã Đông Cường với công xuất 6000m3/ngày đêm; Phục vụ cho trên 10 nghìn hộ dân ở các xã Đông Phương, Đông Cường, Đông Xá (huyện Đông Hưng) và 2 xã ở huyện Thái Thụy là xã Thụy Duyên và xã Thụy Chính.
Qua tìm hiểu được biết sau quá trình vận động xã hội hóa nguồn nước sạch của UBND tỉnh và chính quyền các huyện, xã đến nay ở Thái Bình đã có gần 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Theo đánh giá của ban chỉ đạo xây dựng và phát triển nước sạch trung ương và các tỉnh bạn thì Thái Bình là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước có nguồn nước sạch được phủ kín tới các hộ dân trong tỉnh. Đây là thành công lớn nhất của tỉnh Thái Bình về công tác đảm bảo giữ vệ sinh môi trường, tạo nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt của nhân dân; Chứng minh sự phát triển lớn mạnh, rộng khắp đảm bảo vệ sinh môi trường nước trong đời sống xã hội của người dân ở các địa phương trong tỉnh ngày một được nâng cao.
Hiện tại công suất nhà máy nước sạch Đông Huy đủ năng lực thực hiện 14000m3 nước/ngày đêm, nhưng cho đến nay nhà máy vẫn chưa tiêu thụ hết một nửa công suất thiết kế đã được nhà nước phê duyệt.
Là người sinh ra và lớn lên từ vùng quê, vì thế anh Lập luôn thấu hiểu hoàn cảnh của người dân ở nông thôn; Trong đại dịch Covid 19 vừa qua, với tinh thần lá lành đùm lá rách; Nhà máy nước Đông Huy đã kịp thời vận dụng các chính sách và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, miễn hoặc giảm tiền nước cho các gia đình nghèo, cận nghèo. Các gia đình thương bệnh binh nặng, các bà mẹ Việt Nam anh hung, được miễn đóng góp tiền nước hoặc chỉ thu tiền từ 5m3 nước đã sử dụng trở lên. Tính nhân văn, tinh thần tương trợ giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn không chỉ được công ty chú ý khi có nạn dịch xảy ra, mà ngay từ khi nhà máy đang ở giai đoạn thi công lắp đường ống tới các hộ sử dụng nước thì đối với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo đều được giảm giá khi lắp đường ống và đồng hồ đo lượng nước đã tiêu thụ. Nhưng đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người già cô đơn, thương bệnh binh nặng, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì công ty miễn phí toàn bộ tiền đường ống nước và lắp đồng hồ nước.
Qua tìm hiểu thực tế nhân dân ở 6 xã có dùng nguồn nước sạch, được biết người dân luôn ủng hộ và cảm ơn công ty TNHH 27/7 Tiền Phong đã đưa nước sạch về với từng hộ dân trong điều kiện các sông ngòi chảy qua làng xã và ao hồ bị ô nhiễm. Việc người dân dùng nước sạch đã hạn chế tối đa các tác nhân gây ra mầm bệnh do dùng nước không hợp vệ sinh mà có như: bệnh đau mắt, bệnh ngoài da, hoặc ảnh hưởng đường tiêu hóa và đặc biệt là bệnh ung thư….
Nhiều người dân cho biết, nguồn nước rất trong và sạch, các đường ống to, máy bơm khỏe nên nước leo lên tận tầng 3, tầng 4, cả năm không phải rửa téc hoặc bể chứa nước.
Anh Trần Lưu ở thôn Thượng Liệt, xã Đông Tân hồ hởi nói: “Tôi là dân địa chất, khi chưa có nước sạch của nhà máy thì tôi khoan giếng để lấy nước dùng trong sinh hoạt, nhưng một năm ít nhất cũng phải vài ba lần đánh rửa téc chứa nước trên tầng 3 vì độ chua và cáu bẩn bám vào thành téc. Từ khi dùng nước ở nhà máy nước của ông Lập “nước” thì một đến hai năm tôi mới phải đánh rửa téc; phải khẳng định là nguồn nước rất trong và sạch, đảm bảo vệ sinh tốt”.
Đưa chúng tôi vào thăm quan hệ thống lọc nước hiện đại, anh Lập tâm sự: Quá trình xây dựng đúng là khó khăn vất vả kéo dài gần 2 năm nhưng nay công việc đã thành công tôi rất vui vì mỗi khi gặp người quen hoặc khi đến các xã trong cụm đều được bà con bạn bè, gọi thân mật: Anh Lập “nước”; Mình nghe gọi vậy cũng thấy ấm lòng, bởi cách gọi đó đã chứng tỏ lòng tin của bà con đối với công ty nước sạch của mình.
Năm 2012 Hoàng Quốc Lập được cử đi dự hội nghị toàn quốc người có công tiêu biểu với cách mạng tại Thành phố Đà Nẵng, tại đây anh được Bộ trưởng Bộ thương binh và xã hội tặng Bằng khen. Năm 2017 anh tham dự hội nghị “Người có công tiêu biểu “tổ chức tại Thành phố Hà Nội, được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen.
Ngày 26/7/2022, tại hội nghị “người có công tiêu biểu” của tỉnh Thái Bình; Anh vinh dự được tặng bằng khen của Ủy ban Nhân dân Tỉnh về những thành tích mà anh đã làm được trong những năm qua.
Hoàng Quốc Lập đã nhiều lần được UBND tỉnh Thái Bình tặng Bằng khen vì thành tích trong bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân và các công tác từ thiện xã hội mà anh từng tham gia. Nhưng anh nói đối với anh điều quan trọng nhất là sự ủng hộ của cá cấp chính quyền, và lòng tin của người dân khi sử dụng nước của nhà máy nước sạch Đông Huy. Anh cảm nhận được điều đó khi tiếp xúc với các hộ dân đã và đang sử dụng nước sạch của nhà máy qua những nụ cười thân thiện, ánh mắt tươi vui, tin tưởng của họ khi gặp anh. Anh Lập cho rằng đó là phần thưởng vô giá mà trong cuộc đời anh không thể dễ dàng có được.
***
(1). Có người dịch là: “Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi bên bờ bông La”