Nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm ngày Tiếp quản thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách: “Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của tác giả Đào Thị Diến.
Cuốn sách là một nghiên cứu công phu và toàn diện về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến dành cả cuộc đời mình để viết về Hà Nội. Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bà có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở cuốn sách này: lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ. Các tài liệu này như những “nhân chứng sống”, cho ta những bằng cứ chân thực, khách quan nhất.
THÔNG TIN SỰ KIỆN
– Thời gian: 09h30 Chủ nhật, ngày 29 tháng 09 năm 2024.
– Địa điểm: Tầng 1 Tòa nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.
Với sự tham gia của các vị khách mời:
– Nhà giáo Vũ Thế Khôi
– Nhà sử học Dương Trung Quốc
– Tác giả Đào Thị Diến
Lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, mở đầu vào các năm 1873, 1882 với hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp và kết thúc vào năm 1945, có thể xem là một giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của thành phố này. Đó là giai đoạn mà Hà Nội đi qua những năm tháng cả hào hùng lẫn thương đau, bị tàn phá và được kiến thiết, ở đó những biến động lớn lao đã hằn in lên trang sử của Hà Nội một dấu ấn không thể phai mờ đến tận hôm nay.
Nhằm giúp độc giả có một hình dung vừa bao quát vừa cụ thể, thấy được sự chuyển mình của Hà Nội trong quá trình trở thành một “thành phố Pháp” – thủ phủ của Liên bang Đông Dương, cuốn sách của tác giả Đào Thị Diến đã xây dựng một hệ thống lớp lang gồm 40 bài viết về hầu khắp các phương diện của lịch sử Hà Nội thời kỳ này.
Với việc tận dụng và khai thác triệt để tài liệu lưu trữ về lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, tác giả Đào Thị Diến đã tái hiện trong sách rất sinh động cuộc tấn công, đánh chiếm thành Hà Nội từ góc nhìn của kẻ xâm lược qua thư từ, báo cáo của các sĩ quan người pháp như Coquerie, F. Garnier, H. Rivière,…; quá trình chi tiết của việc quy hoạch địa giới hành chính, việc thành lập và đặt tên cho các đường, phố thông qua các nghị định của chính quyền; cuộc đấu tranh quyết liệt của Hội Địa lý Hà Nội và Viện Viễn Đông Bác cổ trong việc bảo vệ cảnh quan hồ Tây qua các kiến nghị gửi lên Hội đồng thành phố;…
“Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của tác giả Đào Thị Diến, trong nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về lịch sử Hà Nội thời cận đại, thay vì đưa ra những kết luận đóng đinh và xét đoán thiên lệch, muốn giới thiệu, truyền tải những thông tin chân thực, khách quan, qua đó khơi gợi tình yêu mến, trân trọng của bạn đọc hôm nay dành cho thành phố Hà Nội. Vì tình yêu, đặc biệt là tình yêu dành cho một thành phố, bao giờ cũng cần xuất phát từ những sự thực và hiểu biết đầy đủ về thành phố đó.