Nguyễn Thế Kiên
Lần đầu tôi gặp thi sỹ Hải Thanh là cái đận về Thái Nguyên, chúng tôi cùng dự một hội thảo văn chương do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hồ Núi Cốc năm 2018. Bữa ấy, đang hoan hỷ buôn chuyện cùng nhà văn Tống Ngọc Hân và nhà văn Vũ Thảo Ngọc thì ngài Hải Thanh mang theo cái bung biêng thơm nức mùi “cao gạo” vào góp chuyện. Rồi tại cái can “nước mắt quê hương” cỡ 45 – 50 độ của nữ sỹ Lê Hà Ngân mang lên từ Hải Hậu – Nam Định cứ thong thả vơi đi, mà ngài Hải Thanh cứ rổn rảng quất thơ lên, tuyền hương đồng đất, xóm làng ngậm ngùi mà trong trẻo thả vào hoàng hôn Hồ Núi Cốc. Nhìn ngài Hải Thanh trong cơn say thơ, tôi cứ lẩm bẩm đoán tuổi: Có nhẽ nhà ngài đây cũng thuộc lứa với các bậc tiền bối cùng phòng mình, ở lứa tuổi mà mọi thứ cứ bé dần, teo dần đi, ấy thế nhưng riêng món tiền liệt tuyến thì cứ nhấp nhỉnh đòi phì đại!
Năm sáu năm rồi, kể từ bữa ấy chưa có duyên để gặp lại thi sỹ Hải Thanh, nhưng nhờ có mạng xã hội kết nối, mà chúng tôi vẫn được đọc nhau đều đặn. Rồi vừa mới đây, lại nhận được từ ngài Hải Thanh mấy tập thơ Tự Thanh thơ lừng lững.
Lạy giời, vừa mở quả bìa tập thơ Tự Thanh IV xuất bản 2023 thì đập vào mắt tôi là quả lý lịch ngài Hải Thanh, với năm sinh 1970 Canh Tuất! Ối giời ôi, thế ra ông giời này hơn mình có đúng một tuổi ạ, thế mà chín chắn quá, nhìn hình tướng như đã cập mạn miền cổ lai hy! Hình tướng ấy, tất nhiên là dị rồi, mà thật ra, anh nào đã dính vào văn chương, nghệ thuật đích thực chả có cái dị thường, có điều nó lồ lộ ra hay khuất giấu ở trong mỗi văn nghệ sỹ mà thôi! Cái dị thường nhẽ là cái tạng chung của loài văn chương vậy!
Thi sỹ Hải Thanh tên thật là Bùi Xuân Thanh, quê phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, xuất bản thơ riêng từ năm 1994, lúc ấy anh mới hai mươi tư tuổi. Kinh thế! Là người làm trong nghề in, nên tôi hiểu việc xuất bản và công nghệ in ấn của 30 năm trước. Nó chặt chẽ, khắt khe, nó khác lắm so với bây giờ, có nghĩa rằng để có một tập thơ cá nhân được in ở một nhà xuất bản lúc ấy, tức là tác phẩm phải nổi trội thật sự trong mặt bằng văn học lúc bấy giờ!
Phàm, người mắc nghiệp văn chương là biết ngay, như Hải Thanh đây, mới tuổi hai mươi mà câu chữ thơ đã nặng và khéo thế, thì sự nghiệp văn chương của anh cứ thuận mùa, thuận chữ mà thơm lừng một cõi, như hương “nước mắt quê hương” cũng là điều thuận đạo vậy. Hiện nay thi sỹ Hải Thanh vẫn đang là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc! Trong nghiệp thơ văn, Hải Thanh tạo được điểm nhấn ở cả thơ và văn qua các tác phẩm, như: Bến trăng (tập thơ – 1994), Lênh đênh những con đò số phận (tập ký – 2000), Tự thanh I (tập thơ – 2005), Thượng huyền (tập thơ – 2009), Tự thanh II, (tập thơ, Nxb VH, 2012); Tự thanh III, (tập thơ); Tự Thanh IV, (tập thơ, Nxb HNV, 2023); Tự dưng buồn cười (tập tản văn, Nxb HNV, 2023)…
Trở lại với mạch chữ, mạch đời trong nguồn Tự Thanh thơ của Hải Thanh. Anh xuất bản tập thơ Tự Thanh I từ 2005, và đến giờ, sau gần hai mươi năm là Tự Thanh IV. Để người đọc có thêm một cơ sở quán chiếu về thơ Hải Thanh hôm nay, người viết xin được dẫn một số bài thơ trong ấn phẩm Tự Thanh II mà anh đã xuất bản từ năm 2012.
Đọc thơ trong Tự Thanh II, đượm vào lòng giấy là một miền Lục bát Hải Thanh mười hai năm về trước, thì đây:
Vẫn đây câu chuyện làm quà/ Để anh hàng trứng trở ra hai lòng/ Vẫn đây cam quýt đèo bòng/ Để cô bán rượu chán chồng vì men…
Đấy, đọc những câu lục bát này, tôi sẵn sàng bỏ thơ để làm anh hàng trứng, để dẫu có “hư” mà sinh mấy phút hai lòng cũng cam! Này em bán rượu ơi, em ở đâu, đừng ở mãi trong thơ ông Hải Thanh, để bọn đa tình lãng tử như anh lủm củm ngáp dài!
Đọc tiếp nhé.
Ngoài kia bao nỗi nhọc nhằn/ Lại thêm bao sự cỗi cằn về quê/ Quanh năm một gánh bộn bề/ Người quên cả nỗi người tê tái buồn…/ Quê già, phố xá thì non/ Làm cho lũ trẻ lon ton bỏ nhà. (Tâm sự ở quê).
Chạm đốt thơ này, thấy cái nỗi niềm quê, cái ngậm ngùi đồng đất rạ rơm lại dậy lên đây đó, lại nhớ câu thơ mình viết ở về cái nỗi đoạn trường này của quê: “Rau hưu trí mọc xanh non nỉ làng”. Ừ nhỉ. Quê ơi. Lũ trẻ bay về phố, chen chúc với ngột ngạt, để bô nhựa, kính lão và rau hưu trí lộc cộc với quê… vì đâu nên nỗi. Chả biết nữa, nông thôn mới đã xây gần xong trên cả nước rồi, mà cho đến hôm nay những nỗi niềm quê vẫn cứ còn nhoi nhói.
Đang ngậm ngùi với quê, thì lại nghe ông thi sỹ Hải Thanh đang oang oang hỏi một cụ nghễnh ngãng. Cách hỏi, y hệt cách cụ Bùi Giáng năm nào tự trào, tự kể:
Hỏi quê thì bảo rằng gần/ Hỏi đường lại bảo có phần không xa/ Hỏi nhà thì bảo rằng nhà/ Đã xây ở bãi tha ma cuối làng!
Ấy, vừa hỏi đấy thôi, Cụ trong thơ hóm hỉnh, thong dong thế, vậy mà qua mấy trang thơ gấp, đã thấy:
Ngày xuân nắng cũng rộn ràng/ Giàn trầu trước cửa đã vàng lá xanh/ Giật mình ngơ ngác nhìn quanh/ Người xưa mừng tuổi… đã thành khói hương!
Lục bát của ngài Hải Thanh từ 10 năm trước đấy ạ, xem thấy câu chữ tinh tế, cài cắm ý tứ kín đáo, nhuần nhị lắm, chả cần bẻ chữ, ngắt dòng, chả vắt diệt gì cả, mà giữa trời cao đất dày, cỏ rơm đều mang nặng phận người đấy! Kính phục ngài, chả câu nào ngài phạm thượng, ngài sái với cao xanh cả, thế này có mà lộc lục bát của ngài còn vượng khí chán:
Mưa đêm phụ bạc nắng ngày/ Tháng năm thấp thỏm bát đầy bát vơi/ Có đâu sẵn cỗ mà ngồi/ Sẵn xôi mà nắm, sẵn trời mà kêu….
Nào, mở tay tiếp sang tập Tự Thanh IV của ngài! Đây là ấn phẩm mới toanh vừa xuất bản năm 2023. Đập ngay vào mắt nhân gian là cái “lò chữ” sừng sững ngự ở trang 09, đấy là bài tứ tuyệt, với 2 câu kết khối anh gật gù:
Bây giờ khác, xa xôi nào biết được/ Đường thênh thang lại là huyệt chôn người!
Đấy, đường hoạn lộ thời lò củi này chết như bỡn, làm quan thời này, trước bả kim tiền mà không giữ mình được, thì còn dễ đi tù hơn là thời các tiền bối hoạt động cách mạng trong lòng địch chứ lị! Mở tiếp một trang nữa của Tự Thanh IV:
Tuổi già không cài chốt/ Bước đi run rẩy lá cành/ Đời người như bể cạn/ Không sóng mà lênh đênh…
Đến đây thì tôi lại nhớ cái phom của ngài Hải Thanh hôm ngài đọc thơ, tôi và nữ sỹ Tống Ngọc Hân với mấy thi sỹ nữa cứ há mồm ra nghe ngài Thanh cất tiếng thơ lòng! Trước mắt tôi, lúc ấy ngài Thanh như một ông trưởng họ, đang hô con cháu là câu chữ của mình bưng chè xanh, khoai mật ra tiếp khách, cười nói râm ran cả!
Thì ra ngài viết thế này, ngài già dặn là phải, chả như mình, thơ cứ tưng tửng cưa cẩm, phóng túng, yêu xiêu vẹo cả chân giời. Thơ Hải Thanh nhè nhẹ, động từ trong lòng chữ động ra, động trong cái nội tâm thủ thỉ cùng phù sinh dâu bể:
Nghe tiếng đài, thấy tai sướng tai vui/ Đọc quyển sách gặp trang buồn muốn khóc…
Đấy, ngài cứ lắng thế, tỉ tê thế, chả phải bẻ vạch, chả phải xù xì lạ hóa câu chữ gì cả, thế mà thời thế cứ lừng lững hiện về:
Ngoài kia kính và bê tông cốt thép/ Đã che em mưa nắng tảo tần/ Ngoài kia pháo và hoa giở mặt/ Đang bông đùa nước mắt của ngàn năm/ Ờ thì mát, điều hòa như ai quạt/ Em hớ hênh xống áo để ve chồng/ Ở cái thời nhá nhem và tẻ nhạt/ THƠ NHƯ LÀ GÁI ĐĨ BỎ TRÔI SÔNG!
Đọc hai tập Tự Thanh thơ của thi sỹ Hải Thanh ở cách nhau hơn một thập kỷ, đủ thấy sự dụng công và bền bỉ nơi anh để làm nên một cõi Tự Thanh này. Trong thơ, sự dụng công về ý tưởng, đôi khi còn hơn cả dụng công về câu chữ. Sự dụng công về ý tưởng của thi sỹ Hải Thanh đã tạo nên một vóc dáng cho dòng thơ thế sự mang tên Tự Thanh của anh.
Trong cõi Tự thanh, thơ Hải Thanh dù đã viết trước bao năm, hay vừa mới rời tay gõ phím, nhưng vẫn tươi rớm những nỗi niềm thế sự hôm nay.
Thơ ấy, hay mà dễ đọc! Cái hay mà dễ ấy mới là sự khó trùng trùng đối với mỗi người làm thơ. Cái lối viết hay mà dễ ấy, nó cuốn và quấn người ta lắm, bởi vậy, mới xin mở tung cả lòng chiều, bỏ hết phép tắc thưa gửi ra mà quẫy động mấy dòng này!