Rực rỡ Chiến thắng Điện Biên Phủ trong Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”

Home NHÀ VĂN Thơ Rực rỡ Chiến thắng Điện Biên Phủ trong Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”
Rực rỡ Chiến thắng Điện Biên Phủ trong Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”

Trần Quỳnh Hoa

Sáng ngày 17.04.2024, tại hội trường Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Cuốn sách được sáng tác nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 – 2024, là bức tranh hùng hồn tái hiện lại cuộc chiến được vẽ nên bởi một “người chiến sĩ” cầm bút vừa bước sang tuổi 82.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc.

Khi đọc Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm thấy nhà thơ Hữu Thỉnh như một người lính đang tham gia vào trận mạc năm ấy. Thời điểm xảy ra trận chiến, tác giả Hữu Thỉnh mới 12 tuổi. Vậy mà 70 năm sau, có lẽ cái âm vang hùng tráng của chiến thắng ngày nào đã kéo nhà thơ hơn 80 tuổi ấy về lại với núi rừng Điện Biên, về lại với khói lửa năm xưa. Dựa trên nhiều tư liệu và nghiên cứu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã hồi sinh lại sự kiện này sau 70 năm và tái hiện thời kỳ ấy một cách sinh động, sâu sắc, kỳ vĩ. Đây là một tác phẩm vô cùng độc đáo, không chỉ mang lại giá trị lịch sử mà cả giá trị thi ca: Đó là một bài ca lịch sử bi tráng, hát cho chúng ta nghe về một thời oanh liệt của đất nước.

Bìa cuốn Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” (NXB Quân Đội Nhân Dân) của tác giả Hữu Thỉnh

Giáo sư Phong Lê, một người bạn văn và người anh nhiều năm của Hữu Thỉnh, cảm thấy ấn tượng trước năng lượng sáng tác của tác giả ở tuổi 82. Hữu Thỉnh đã sáng tác 5 trường ca và ông là một trong số không nhiều nhà thơ thành công trong thể loại này. Giáo sư Phong Lê thấy rằng “Giao hưởng Điện Biên” là một pho sử nghệ thuật vì tác giả đã vô cùng cẩn trọng khi nghiên cứu tài liệu để không sót một sự kiện, một địa danh hay tên của một chiến sĩ nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt, Hữu Thỉnh đã mang đến cái nhìn mới lạ về “binh chủng nghệ thuật”, gồm những nghệ sĩ sáng tác văn, nhạc, hoạ… để đóng góp vào chiến dịch lịch sử.

Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa có một nhận xét sắc bén khác về Hữu Thỉnh: ông luôn sở hữu một phong cách rất riêng, đó là sử dụng những câu thơ ảo. Hẳn rất nhiều người trong chúng ta nhớ tới Hữu Thỉnh với câu thơ “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Vậy mà với Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, ông lại viết rất thật. Cách xa cuộc chiến 70 năm đã cho Hữu Thỉnh cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ từ nhiều góc nhìn, có thể là từ các nhà nghiên cứu lịch sử người Việt và cả người Pháp. Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” đã chứng minh một thế mạnh trước nay chưa có của Hữu Thỉnh là lối viết chân thật và làm rất tốt phần tư liệu. Tác phẩm này đã thể hiện đúng tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ và của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cảm ơn các bạn hữu và khách mời đến chia vui.

Nhà thơ Hữu Thỉnh lắng nghe ý kiến các bạn văn của mình và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến những vị khách mời đã quan tâm và ủng hộ tác phẩm. Tác giả chia sẻ rằng, Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” là niềm say mê nhưng đồng thời cũng là việc làm quá sức đối với ông. Bởi lẽ chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao chói lọi, là kết tinh những giá trị cao quý của người Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếp cận được sự kiện lịch sử vĩ đại như vậy là một thách thức vô cùng lớn. Đặc biệt, khi viết trường ca này, Hữu Thỉnh đã để cho yếu tố tự sự vượt trội hơn yếu tố trữ tình, để các sự kiện lịch sử tự cất lên tiếng nói và khôi phục lại diện mạo lịch sử cách đây 70 năm.

Các nghệ sĩ đang thể hiện một trích đoạn trong Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” gồm 21 chương với 5 phần bình luận, được tác giả bắt đầu viết vào tháng 5 năm 2023 và kết thúc vào tháng 3 năm 2024, ở cái tuổi ngoài 80. Điều đó thể hiện nội lực sáng tác mạnh mẽ và tinh thần lao động nhiệt huyết của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Đọc bất cứ một trang nào trong trường ca, người đọc như được xem một thước phim vô cùng cụ thể, có khi hồi hộp, kịch tính:

“súng hết đạn. Anh trườn tới nữa

lựu đạn nhằm lô cốt quăng lên

lựu đạn hết. Khẩu đại liên vẫn bắn

hai tay không, sôi sục căm hờn”

…đôi khi lại rất đỗi dịu dàng:

“sông Lô thương lính thu bờ hẹp

ta đỡ cùng em đẩy mái chèo

ta nhờ nước về xuôi nhắn hộ

bóng mẹ cùng ta vượt núi đèo”

Cuộc chiến là như vậy, người lính Việt Nam là như vậy… nhưng phải có một trí tưởng tượng mãnh liệt và dồi dào lắm mới vượt muôn trùng thời gian để tái hiện được thời kỳ ấy. Mong rằng, đúng như tâm niệm của tác giả, tập trường ca này sẽ trở thành “một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ mang Điện Biên trong mỗi con người”.

Leave a Reply

Your email address will not be published.