Sõng Vành

Sõng Vành

Truyện ngắn của NGUYỄN HIỆP

Sõng Vành tên thiệt là gì, ở cái làng Bô này, chẳng ai nhớ nổi, mà hai tiếng “sõng vành” là nghĩa lý gì, ít ai biết được. Cũng chẳng cần nhớ, chẳng cần biết để làm gì, thói quen của làng Bô là “khó quá cho qua”, chuyện gì gợn tí, cần phải động não tí chút là “khó quá cho qua”, rốt cuộc là sinh ra tính làm biếng, tính làm biếng ăn vào máu nên gọi là truyền thống làm biếng thâm căn cố đế. Vậy nên trước đây, thời phong kiến, tên cũ của làng là Thụy Miên, nghĩa là đang ngủ, nghĩa là bản tính mờ tối có sẵn ở trong tâm, là lười mệt, chểnh mảng, mơ hồ. Cũng do làm biếng mà tên làng còn lại một tiếng, cho dễ gọi, dễ nhớ, dễ ghi chép khi làm giấy khai sinh, khai tử. “Một dải đất lượn lượn chút tẹo mà bày đặt hai ba chữ làm chi, nói trẹo cả miệng”, người ta nghĩ vậy nên đổi tên làng thành “Bô”. Còn vì sao tên Bô thì cũng không biết luôn, “khó quá cho qua!”.
Vậy mà cả năm nay, làng Bô truyền thống làm biếng bỗng bất yên. Cả làng cứ dựng lên như bờm ngựa, cứ xoắn lên như chó phốc lạ chuồng, xôn xao, xì xào, lăng xăng từ đầu thôn đến cuối xóm. Người ta vò đầu gãi tai, suy nghĩ, nghĩ suy, đoán già đoán non đủ kiểu. Chuyện thoát khỏi giấc ngủ dài như này là chưa có tiền lệ. Người già uống trà chụm đầu sôi nổi bàn tán, đoán đông đoán tây thâu đêm suốt sáng, mất ngủ nên mắt người nào cũng sâu hom hóm, thâm quầng xung quanh như vết ma chó cắn. Người trẻ dán mắt vào màn hình, mặt đỏ bừng bừng, tái men mét, tay gõ liên tục, họ cãi nhau, tranh luận, lý giải, nâng lên vĩ mô, hạ xuống vi mô, “ăn phờ-ren” nhau, từ mặt nhau, gây sóng, gây bão, gây lũ quét, vòi rồng trên mạng xã hội… (Cái thời mạng mẽo này, ranh giới giữa anh chăn trâu và chàng trí thức thiệt mong manh, ai cũng có thể trở thành “anh hùng bàn phiếm”, cái gì cũng biết, biết tuốt, biết tỏng tọng tóng tòng tong cái sự đời, không ai chịu ai). Tất cả cứ như bị trục trặc, lộn hồn lúc “nhập đồng”, đầu ai cũng cứ lắc qua lắc lại bất lực khi Sõng Vành đem về trồng trên mẫu đất của mình một thứ cây lạ, thân cây bạc trắng, lá như những lưỡi kiếm đâm vút lên trời. Ngày ngày, Sõng Vành đi lượm phân trâu bò bón vào gốc cây rồi cầm con rựa quéo bén ngót hết băm vào cây này lại chặt vào cây kia, miệng lầm bầm gì đó, không ai nghe được. Hỏi thì Sõng Vành chỉ khe khẽ một câu trả lời đúng năm tiếng với tất cả: “Trồng để lấy… vết thương”.
“Mẹ kiếp! Đánh đố quá thôi! Nó định làm giàu một mình với thứ cây quỷ quái này hay nó trồng cây chỉ để trút hận vào cây?”.
“Cha mẹ ơi! Phản động thiệt đó! Thiệt là ngứa mắt! Từ cổ chí kim, từ thời ông sơ, ông vãi tới giờ mới nghe trồng cây để thu hoạch… vết thương”.
“Ui trời, hại não quá! Cứ tưởng trồng cây để hái trái, cắt hoa, thu lá, nhặt rễ, đào củ chớ. Lấy… vết thương là sao? Khó quá, nhưng cho qua thì tức lộn ruột đi được”.
“Trời đất! Cha sinh mẹ đẻ tới giờ mới nghe đó nghen!”…
Người ta tò mò tới xem vườn cây “lấy vết thương” của Sõng Vành nhiều đến mức đất nền của con đường phối sỏi đỏ trước vườn dẻ lún xuống hơn hai đốt ngón tay. Có
thằng trai còn tức tối, đứng chống nạnh chửi hỗn: “Mày ở Ai Cập về hay sao mà trồng cây cũng không giống ai hở thằng già kia?”
Năm tháng trôi qua, vẫn cái kiểu “dựng như bờm ngựa”, “xoắn như chó phốc”, “nhập đồng bị lộn hồn”, người làng Bô vẫn “tức đập ngực mà chết”, không giải thích thêm được gì. Tức quá người ta đâm ghét, nhất là đám cán bộ làng, ghét cay ghét đắng, ghét méo cả bồ hòn, ghét đến mức muốn xúc đất có dấu chân Sõng Vành mà quăng đi. Và oái oăm cái sự đời, người bị ghét quá cũng “sống lâu”, lưu mãi, lưu mãi thành “bia miệng”. Ở làng Bô, người ta vẫn truyền tai nhau hai câu thành ngữ liên quan đến cá nhân cụ thể. Một cũ xưa, đối tượng đã khuất núi, là “Tệ như vợ thằng Đậu”. Và câu thứ hai, mới toảnh toành toanh, gọi là thành ngữ gần đây vì đối tượng vẫn còn sống là “Bí hiểm như Sõng Vành”.

Tôi ở cái làng này, tôi biết! Sõng Vành là người đàn ông sống một mình. “Đàn ông sống một mình không tốt”, hình như Kinh Thánh nói thế, nhưng Sõng Vành đã sống một mình, cho đến giờ này có thể nói là suốt đời rồi. Người làng Bô quy ước chết trước sáu mươi tuổi chỉ được ghi trên cáo phó là “hưởng dương”, từ sáu mươi trở đi mới được ghi trang trọng hai chữ “hưởng thọ”. Sõng Vành hơn sáu lăm rồi, chẳng phải đã liệt vào hàng “hưởng thọ” chắc cú đó sao, nhưng ngoài cái chuyện “bí hiểm” ra ông ấy không hại gì ai cả, thậm chí hiền như đất cục, miệng câm như miệng hến, có nói cũng chỉ vài tiếng khe khẽ thôi.


Nhìn cách đi của Sõng Vành, người làng Bô chế giễu là “chấm, phẩy” vì ông ấy có một chân giả và một chân thật, mỗi khi đi, người cứ nghiêng giật một bên. Ừ thì Sõng Vành khuyết tật! Ở ngôi làng vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh tàn khốc, làm gì có người nào nguyên vẹn, không khuyết tật chân tay mắt mũi miệng cũng khuyết tật tâm hồn, linh hồn. Nhìn qua một lượt làng Bô, quá nhiều thằng đầu bóng bụng phệ, tay chân nguyên lành mà chắc chắn là loại khuyết tật, khuyết tật não, khuyết tật tim chẳng hạn.
Tôi không chỉ ở làng này mà còn là hàng xóm của Sõng Vành nên tôi biết! Thỉnh thoảng tôi có sang ông uống trà. Sõng Vành uống trà đậm lắm, ông có thể ngồi với bình trà suốt buổi, không nói tiếng nào, thoạt đầu tôi nghĩ lão này khinh đời bởi cái lý “tận cùng của khinh bỉ là im lặng”cứ ám vào tôi nên nghĩ vậy.


Có thể đúng, có thể không! Mỗi lần châm nước nóng cho cái bình trà bằng nắm tay ấy, ông lại quấn, châm thêm điếu thuốc rê. Thời này rồi mà Sõng Vành vẫn thuốc rê. Hút tàn, ông dùng hai ngón tay búng một phát dính vào tường, các tàn thuốc “xếp hàng” đều đặn như lính duyệt binh, vui miệng tôi hỏi, “Búng dính vào đó để làm gì?”. Sõng Vành khe khẽ: Nửa đêm, “bắt dế”. Câu trả lời bất ngờ quá, bất ngờ không chịu nổi, thời này là thời nào rồi mà còn “bắt dế”?! Sõng Vành là vậy, không bỏ đi thứ gì, chuyện “bắt dế” chỉ là chuyện cỏn nhất!
Khi đã trở nên thân thiết hơn, ông kể tôi nghe nhiều chuyện về đời mình. Bí hiểm là do người ta thấy bí hiểm, chớ ông cũng là một con người rất đỗi bình thường. Sõng Vành im lặng không phải là khinh đời hay không biết gì để nói mà vì đời ông mất nhiều quá, chán, không thích nói gì nữa. Vậy thôi!
Tôi không chỉ ở cái làng này mà còn là người bạn đánh cờ duy nhất với Sõng Vành. Thường thì không quá mười lăm phút, vết nhăn trên trán Sõng Vành chợt nhíu lại, hằn sâu xuống, điếu thuốc rê đang treo mãi ở mép miệng bên trái bỗng nhiên biến mất và nhanh chóng hiện ra bên mép phải, một tiếng “chiếu tướng!” cùng lúc kèm theo. Và tôi không cách gì chống đỡ nổi. Dù tôi có mưu mẹo, dùng thế cờ giang hồ hiểm độc thế nào rồi cái điếu thuốc rê ấy cũng hô biến treo mình ở mép phải. Đánh cờ chưa một lần thắng nổi Sõng Vành nhưng tôi đã thắng dân làng Bô, ở chỗ “cạy miệng” được Sõng Vành tâm sự, điều mà dân làng Bô cho là không tưởng. Có lần trái gió trở trời sao đó, ông nằm liệt mấy ngày, người xanh rũ, tôi sang thăm, hai mắt ông ngân ngấn đỏ, ông nói khe khẽ nhưng giọng buồn như giọng người trăn trối: Tôi sống một mình suốt đời vì… mọi thứ đã chết, yêu chết, tin cũng chết. Tới giờ này, tôi không tin gì, không yêu ai được… Sõng Vành rút dưới gối ra đưa tôi một quyển sổ và dặn khi ông “có bề gì” thì bỏ vào quan tài chôn cùng. Tôi nhìn mắt ông rồi nhìn cái chân giả gác cuối giường mà xót xa trong lòng. Một con người không còn niềm tin vào bất cứ ai thì quả thật là khó sống. Tôi nấu dùm ông nồi cháo, ra sau nhà hái nắm lá tía tô, xắt nghiến rồi cho vào. Ông cố chồm dậy ăn được mấy muỗng rồi nằm vật xuống. Tôi pha bình trà đậm, món ưa thích của ông, nhưng ông vẫn không động đến. Tôi nói để đưa ông đi bệnh viện ông lắc đầu, nói để đi mua thuốc, ông cũng lắc đầu. Gì ông cũng lắc, chỉ khi tôi hỏi “Em đọc quyển sổ được không?” là nhận được ở ông cái gật duy nhất.


Tôi giở mấy trang đầu chẳng thấy gì ngoài hình vẽ bằng bút bi một trái tim bị mũi tên xuyên qua, có ba giọt máu nhỏ xuống, vào gần một phần ba quyển sổ giấy ố vàng ấy, tôi mới thấy chữ viết chi chít, chữ viết nhỏ nhưng rất đẹp, là chữ viết của người có học. Tôi nói nhận xét chân thành của mình: Nét chữ của ông là chữ của người học cao. Ông lại khe khẽ: Rớt tú tài mà cao gì. Trong lúc Sõng Vành uống trà, tôi xin phép đọc và xúc động vì biết đây là những trang nhật ký:
… Từ một khe hẹp, rất hẹp trên ngôi nhà của nàng, một ngôi nhà mặt đường khá bề thế (vì dù gì cha nàng cũng là thiếu úy cảnh sát), tôi cố chỉnh vị trí của cái đầu sao cho có thể nhìn thấy ánh đèn đường, thứ ánh sáng vàng vọt ấy đang hút tôi. Trốn lính. Nghe nhục nhã biết chừng nào. Nghe hèn nhát biết chừng nào. Một cách tỏ thái độ với cuộc chiến ư? Một cách phản chiến ư? Một cách ủng hộ Cách mạng ư? Đơn giản, tôi không muốn và cũng không có hứng thú cầm súng để bắn giết ai đó. Tôi nằm đây, trên cái ngăn tam giác áp mái của ngôi nhà mà người dân quê tôi gọi là “khu đĩ” này. Nàng đã giúp tôi tránh được những cuộc bắt lính ráo riết vừa rồi. Khu đĩ tối om om. Co người nằm đây, tôi không chỉ hít thở không khí khó nhọc, cúm tay cúm chân trong cái nóng bức, ngột ngạt mà đầu óc cũng trống rỗng đi một cách lạ lùng. Từ tối qua đến giờ, ánh đèn đường đã hút tôi, tôi cố tìm thứ gì đó để nhìn, để giao tiếp với cuộc đời ngoài kia và để thoát khỏi cảm giác sống như một cái máy. Khi nàng đưa thức ăn, nước uống lên thì ăn lấy ăn để, khuya nào thật yên, yên tức là cảnh sát, quân cảnh, bọn chỉ điểm không lùng sục và yên còn có nghĩa là người nhà của nàng đã đi ngủ hết. Nàng ra hiệu cho tôi thòng người xuống chiếc ghế nàng vừa đặt mà đi vệ sinh, tắm rửa và quơ tay quơ chân cho khỏi tê cúm và tất nhiên rồi, chúng tôi hôn nhau, ôm nhau vội vàng trong một góc tối nào đó, thường là tư thế đứng.
Tù mù. Vàng vọt. Một góc đường trong giờ giới nghiêm im ắng và trống vắng. Một nỗi buồn chợt dâng lên bóp nghẹt tim tôi. Tôi hình dung đến cảnh chôn người chết ngoài nghĩa địa vào ban đêm và những ngọn đèn đường đó như những bó đuốc dầu rái mà người dân quê tôi thường dùng. (Dầu rái là nhựa của cây dầu, người ta vạt một vạt lớn hình tam giác vào thân cây, dùng vỏ tràm đốt nóng cho nhựa chảy ra, dầu tốt để tinh khảm ghe thuyền, loại tạp nham bó đuốc). Tia sáng chết chóc ấy vẫn hút ánh mắt tôi. Tôi cố nhớ một kỷ niệm đẹp nào đó nhưng ký ức không trỗi dậy được. Tôi khép mắt, chập chờn, chập chờn, những vòng tròn, chấm tròn ám trong đầu. Cái ánh vàng bướng bỉnh ấy nhìn tôi chứ không phải tôi đang nhìn nó, ý nghĩ ấy làm tôi bực mình, cố chỉnh cái đầu ra xa vách ván. Tại sao nó lại nhìn tôi lãnh đạm như vậy?… Tôi lại cố nhớ một kỷ niệm đẹp của tôi với nàng để thoát khỏi ý tưởng điên khùng, phi lý này. Trở người, xoay tư thế nằm ngược lại, tức là quay lưng với thứ ánh sáng vàng vọt ấy, tôi vẫn khinh bỉ mình. Và chắc nàng cũng bắt đầu khinh bỉ tôi?! Đầu hôm, nàng lén nhắc ghế đưa cơm lên, tôi đã thấy ánh mắt ấy, nàng chỉ đưa cơm, không nói gì cả, ánh mắt nàng trơ ra như không còn nhìn thấy tôi. Đó không phải là sự khinh bỉ sao? Nàng đưa cơm và nhanh chóng kéo tấm ván trở lại vị trí cũ. Tôi bị ngột ngạt với sự khinh bỉ của chính mình. Bức bối, bực dọc và bất lực khiến cho tiếng thở của tôi như kéo dài ra, khò khè, khò khè, khò khè…
Lẽ nào cái “ổ chuột trốn lính” này là nơi tình yêu của tôi đã chết, chết dần, chết mòn, chết từng ngày với những bữa cơm, chai nước miễn cưỡng, chết trong sự khinh bỉ và tự khinh bỉ chính mình?!

Minh họa của Ngô Xuân Khôi

Có trời mà biết tại sao tôi không  điên được, tại sao tôi không bỏ đi,  nghênh ngang đưa tay vào chiếc còng  số tám của bọn quân cảnh, đĩnh đạc  bước lên chiếc xe GMC và đưa chân  vào địa ngục?! 

Cứ cho rằng cha tôi đang ở bên kia  chiến tuyến và cùng một mặt trận đi,  tôi không thể cầm súng bắn vào cha  mình được, mà thoát ly lên rừng tôi  cũng không muốn. Tôi không thích  chiến tranh! 

Cái khu đĩ áp mái nhà ông sĩ  quan cảnh sát an toàn trăm phần  trăm này có khác gì chiếc quan tài  đâu?! Tôi không có chọn lựa nào  ngoài sự chết mòn này sao?! 

Tôi lại rũ ra, co quắp người trong  một cơn mủi lòng hèn hạ…” 

Tôi đã tự khóa lấy linh hồn bé  mọn của mình. Tôi đã tự bán linh  hồn mình cho thứ xiềng xích này mãi  mãi sao? Biết bao giờ họ mới thôi bắt  lính? Biết bao giờ tôi mới được giải  thoát, mới được trở lại làm người? 

Ngày… tháng… năm… 

Ánh mắt nàng đã từng nhìn tôi  đắm đuối. Đôi môi nàng đã từng hòa  quyện, ngọt ngào. Tôi đã từng không  chịu nổi khi một ngày không có nàng.  

Tôi đã từng ngồi đâu, nằm đâu cũng  thấy hình ảnh nàng hiện lên trước  mắt, tiếng cười của nàng văng vẳng  bên tai… Chúng tôi đã từng tan biến  trong nhau, từng chia sẻ những buồn  vui đời người… Nhưng giờ thì những  kỷ niệm kia chỉ hiện lên mà không  có thứ ánh sáng thần diệu của tình  yêu, nó hiện ra như nhắc nhớ những  gì đã sống qua chứ không phải hiện  ra như một lực hút mê đắm ý nghĩa  nhất của đời người. Tất cả hiện lên  như một lời chào vĩnh biệt. 

Vẫn biết rằng lửa trong tâm hồn  âm ỉ lâu hơn lửa trong đống tro tàn  nhưng… Buồn thay! Khi tình yêu tự  chết thì sẽ chết vĩnh viễn. Tình yêu tự  chết không tái sinh bao giờ. 

Cũng có lúc tôi thấy mình trong  chiếc áo trây-di bảnh bao ôm súng  nằm phục những chiếc mũ tai bèo lấp  ló bên kia cây lá. Khi tia mắt thẳng  hàng từ đầu ruồi đến chiếc mũ tai  bèo, ngón tay trỏ tôi đã chạm cò súng,  tôi chuẩn bị nín thở, bóp cò thì chiếc  mũ xanh ấy đột ngột ngã về phía sau.  Một nụ cười hiện ra rạng rỡ. Trời!  Đó là nụ cười của ba tôi… Tôi bàng  hoàng, kinh hãi, lạnh người, mồ hôi  túa ra ướt đẫm cả áo. Một cơn chấn  động quá mạnh khiến tôi tỉnh hẳn…” 

… Cô ấy tên Chi, con gái cưng  của ông sĩ quan cảnh sát áo xám,  (khác với cảnh sát dã chiến, áo rằn ri màu đất), vì điều kiện đó nên tôi  mới ẩn nấp an toàn ở đó mà không  bị bắt lính… Khi hết bệnh, ông Sõng  Vành kể rõ hơn về “cái chết của trái  tim” mình… Chi giấu tôi trên cái  gác nhỏ dưới mái nhà vì sợ ra trận sẽ  chết. Nhưng tôi bị “nhốt” ở đó lâu  ngày, sự bức bí khiến tôi ngày càng  bẳn tính, tự khinh bỉ chính mình,  tự cho mình là hèn hạ, là chui rúc  như con bọ, thậm chí có lúc hơi  điên loạn. Chắc con tim yêu đương  da diết của Chi trải qua nhiều lần  tổn thương vì những đòi hỏi vô lý  và lời nói xúc phạm quá đáng của tôi  và đã lần hồi nguội lạnh. Cho đến  khi… việc nuôi tôi trốn lính như  một thứ nợ đời đối với cô thì cũng  là lúc cha cô biết chuyện. Ông chủ  động mở tấm ván gọi tôi xuống nhà  và khuyên nên đi trình diện. Tôi từ  chối, biện minh bằng nhiều lý do,  nhưng ông đã lạnh lùng rút súng ra  và còng tay áp giải tôi về cuộc cảnh  sát. Tôi bị bắt nên sinh lòng oán hận  Chi, tôi nghĩ, chính Chi đã đoạn  tình, báo cho cha mình. 

… Tôi bị đưa đi quân trường ba  tháng rồi bị đẩy ra chiến trường  đang nóng lúc bấy giờ là Vĩnh Bình,  Vĩnh Long, thuộc vùng IV chiến  thuật. Tôi bị chấn thương tâm lý  khá nặng sau một lần hành quân bị  phục kích. Bộ đội vùi mình trong sình lầy đã đồng loạt vùng dậy nổ  súng tấn công, bị bắn bất ngờ giữa  đồng trống, không kịp phản ứng  nên lính trúng đạn ngã chết như  rạ. Khi lực lượng tiếp cứu đến nơi,  cả đại đội của tôi chỉ sống sót bảy  người… Chỉ trong ba tuần sau đó,  một lần đứng gác, tôi đã quấn chiếc  mền dù vào chân và bắn hủy hoại  thân thể để được giải ngũ. Sự việc  không đơn giản vậy, tôi bị quân  cảnh bắt và chờ ngày ra tòa án binh.  Đang điều trị vết tháo khớp đầu  gối, chiếc chân giả vừa được lắp vào  chưa đầy tuần thì quân y viện tán  loạn, mọi người bỏ chạy vì hay tin  chiến tranh đã chấm dứt. Tôi chống  nạng, lê từng bước chân ra đường,  bàng hoàng đứng nhìn đoàn bộ đội  và xe tăng lướt qua mà bần thần,  lặng người. “Đợi một chút nữa thôi  mình đã không thành phế nhân”, ý  nghĩ ấy làm cho nước mắt của người  đàn ông vào sinh ra tử như tôi chợt  lã chã rơi. Tôi chết lặng tự hỏi mình  đã làm gì cuộc đời mình thế này?! 

*** 

Sau cuộc chiến, đất nước thống  nhất, theo lời rủ rê của một người  lính quen trong trại cải tạo, tôi ra  đảo cùng với anh ấy và “đi bạn” cho  thuyền câu cá mập. Cái tên Sõng  Vành có từ những ngày lênh đênh  trên đại dương đó. Trong một bữa  ăn trên thuyền, khi biết quê nội gốc  của tôi ở làng Hoài Hương, Hoài  Nhơn, Bình Định, ông tài công nói  liền: “Đúng là trái đất tròn, mày vốn  có tổ tiên làm nghề này”. Ông ta nói  đó là nơi đầu tiên có những đoàn  sõng vành đi câu mập. Sõng vành là  loại thuyền buồm xưa có một thanh  tre dài đai toàn bộ con thuyền với  bánh lái thiệt to vì nó hay bị dạt  ngang. Sau câu chuyện đó, các bạn  thuyền đều gọi tôi là Sõng Vành,  không biết có phải do khi đi người  tôi hay bị nghiêng ngang một bên  không hay do cái tính ngang ngang  của tôi. Nghe vậy biết vậy chớ tôi  có thấy cái sõng vành bao giờ đâu.  Cái tên nó vận vào đời con người ta  nghiệt ngã lắm! 

Nghề câu cá mập thường lênh  đênh ngoài biển suốt, khoảng nửa  tháng có trăng sáng. Sở dĩ câu trong  lúc trăng sáng là do nước biển trong  ánh trăng lấp lóa làm hoa mắt cá  mập khiến nó không phát giác được  ngạnh sắc của các lưỡi câu bủa. Cá  mập dữ tợn và tinh khôn hơn người  ta tưởng, nó là con cá duy nhất biết  nhảy lên khỏi mặt nước để quan sát.  Nó là ác vương của biển cả, lúc đó  tôi nghĩ chắc không có gì tàn độc  hơn cá mập, nhưng sau này tôi mới  biết “cá mập người” mới là thứ tàn  độc nhất.

Làm nghề này quá nguy hiểm,  có những con mập khi mắc câu lồng  lộn, rít lên và kéo mạnh đến muốn  lật thuyền. Có lần con mập lớn mắc  câu, nó đã bị kéo ghếch đầu lên  thuyền, bị đâm và bị dùng vồ đập  đến bất động. Tưởng nó đã chết  hẳn, một bạn thuyền nhào tới loay  hoay móc thêm khấu để kéo thì bất  ngờ nó há hàm răng bén nhọn tua  tủa của mình tợp một phát. Cái đầu  của anh bạn thuyền biến mất. Thân  người cụt đầu còn lại loạng choạng  xoay xoay, máu bắn phun từng vòi  đẫm đỏ hết xung quanh. Con mập  trước khi chết vẫn là con mập. Cái  thứ tàn độc trước khi chết vẫn tàn  độc, thậm chí tàn độc hơn. Đang sợ  hãi với nghề kiếm cơm ghê sợ, “ngày  đàng gang nước” này thì có người  của ba tôi đến gặp. 

Ba tôi đã cho người đi tìm tôi  khắp nơi và đã đưa tôi về. Là cán bộ  tập kết, lại đang cương vị đầu ngành  xây dựng, việc ông đưa tôi vào cơ  quan ông không gặp khó khăn gì. 

Vì dính lính ngụy tôi không  vào Đảng được nên sau mười mấy  năm nỗ lực, tôi cũng chỉ là một phó  phòng giúp việc. Xui xẻo bám lấy  tôi, thằng trưởng phòng của tôi là  một thứ “mập người” hợm hĩnh, dơ  dáy và ghê gớm. Thằng này thượng  đội hạ đạp, hắn có thói quen lạ lùng  là hễ có ai vào phòng là thế nào hắn  

cũng nhấc điện thoại bàn lên và “nói  chuyện với một cán bộ bự” nào đó.  Khi thì anh Bảy Chủ tịch, lúc thì  chị Năm Bí thư, hắn khéo léo nhắc  đến tên của họ, gia đình của họ sao  cho mọi người vừa đủ nghe, hắn  anh em, chị em ngọt sớt, bộ trưởng,  thứ trưởng đều là “người nhà” thân  thiết của hắn… 

Cùng phòng với hắn tôi biết!  Chẳng có ai gọi điện cả, mà hắn  cũng chẳng gọi được những cán  bộ bự đó, chỉ là hắn tự “dạ dạ vâng  vâng, em phục anh, em nể chị…”,  diễn một mình trong tưởng tượng  để… dọa những người xung quanh.  Một thói quen chết người nữa của  hắn, mở miệng là đảng, hắn dùng  đảng như một thứ bảo kê quyền lực  trưởng phòng của mình và để trấn  áp, gài bẫy mọi người. Không biết  khi ngủ với vợ hắn có nói về đảng  không, chứ ở cơ quan, chuyện gì  hắn cũng đem đảng ra đầu tiên. Thói  quen này của hắn đã giúp hắn trèo  cao chui sâu, từ một thằng bình dân  học vụ cầm bay trét hồ, bằng cách  nào nó hắn chạy được bằng tại chức  và chễm chệ trên cái ghế trưởng  phòng, có nhà mặt tiền, có xe đời  mới, có đất du lịch… 

Biết nhưng vẫn dính đòn của  hắn chính là tôi. 

Một thân chủ tổ chức tiệc mời  cả phòng. Ăn nhậu ngà ngà say, hắn 

bắt đầu đứng lên ca ngợi đảng. Tôi  đưa ly mời mọi người và nhắc khéo  hắn: “Uống đi, uống đi, đừng nói!”.  Hắn uống xong ly đó lại bắt đầu phát  tiếp. Tôi bực, đứng lên nhổ vào mặt  hắn: Mày có thôi đi không! Lúc nào  cũng đảng… Đảng mày trong túi  tao chớ đâu… Không ngờ hắn đã  bật máy thu âm từ lúc nào. Tôi bị kỷ  luật cho thôi việc ngay lập tức vì câu  nói xúc phạm ấy. Chuyện tới tai ba  tôi, ông đập bàn rầm rầm, sỉ vả tôi:  “Ngay cả Đảng mà mày còn không  tin, không kính thì mày chỉ còn một  nước đi hốt phân mà sống con ạ…  Tao từ mày, thằng mất dạy!”. 

Quá thất vọng về đứa con trai  duy nhất của mình, quá nhục nhã,  không biện minh được, không dám  nhìn mặt đồng chí của mình, ba tôi  ngã bệnh và qua đời. Cả cuộc sống  hy sinh vì Đảng, vì sự nghiệp Cách  mạng của ông đã về không vì thằng  con mất dạy là tôi đã xúc phạm đến  Đảng. Tôi đi hốt phân thật, đúng  như lời nguyền rủa của ba tôi. Tôi đã  bán nhà ở thị xã lên làng Bô này mua  mẫu đất, ngày ngày đi lượm phân  trâu bò vương vãi về trồng cây… 

*** 

Tôi ở làng Bô tôi biết! Vườn cây  trồng lấy vết thương của Sõng Vành  không có gì là bí hiểm cả. Cái tật của  người làng Bô là thứ gì mình chưa  biết, không thể biết thì cho là sai  trái, bí hiểm, ai nói khác, làm khác  mình thì đều cho là phản động rồi  kích động nhau thù ghét, nói xấu,  cô lập. Sõng Vành đã giải thích cho  tôi: Tôi trồng cây huyết giác để lấy  vết thương bán cho tiệm thuốc Bắc.  Huyết giác là cây thuốc, vết thương  của nó khi lành, hóa gỗ sẽ có màu  đỏ như máu và đây là phần dùng  để làm thuốc. Vết thương là phần  có giá trị nhất của cây nên tên gọi  huyết giác cũng là chỉ phần này, cả  thân cây bạc trắng mà. Muốn cây có  vết thương phải vạt, băm vào thân  nó cho tứa máu, tứa nhựa chớ sao… 

Có vậy thôi mà cả làng Bô này  cứ lồng lên, cứ xoắn như chó phốc  lạ chuồng! 

Tôi ở làng Bô tôi biết! Sõng  Vành không chỉ mất tình yêu, mất  niềm tin, mất một phần cơ thể mà  ông ấy còn… mất tất cả. Một con  người mất tất cả coi như đã chết khi  đang còn sống. 

Do ai đó ngứa mắt hay đơn  giản chỉ là cái dốc trượt băng hoại  của con người muôn đời không có  điểm dừng mà khu vườn huyết giác  của Sõng Vành bị đưa vào diện “quy  hoạch”, bán cho một công ty nước  ngoài chuyên sản xuất bột ngọt.  Người ta muốn bứng ông ra khỏi  chỗ bám víu cuối cùng. Tuyệt lộ!  Quả là ông không còn đường để đi  nữa rồi. Khi nhận giấy báo, Sõng Vành đã ngồi trắng đêm với bình  trà, hàng tàn thuốc rê dài ngoằn ra  trên tường, nhưng không còn thẳng  tắp như lính duyệt binh nữa, nó  giật chùng xuống như điện tim đồ  của người hấp hối. 

Tôi sang nhà cho ông mấy trái  bắp luộc đầu mùa và nói: 

  • Quy hoạch đất để làm công  trình phúc lợi thì không nói, đằng  này, quy hoạch bán cho công ty tư  nhân Vê-đa, thật phi lý! Anh làm  đơn kiện đi! 

Sõng Vành vẫn ngồi nhìn trân  trân về phía trước, từ cái “miệng  hến” của ông chậm rãi phát ra mấy  câu khe khẽ, thấp trầm: 

  • Kỳ vọng… sẽ thất vọng! Tôi  đã mất sạch niềm tin rồi!… Dân bị  cướp đất đi kiện đầy ra, có ai… được  gì đâu… 

Tiền bồi thường, ông không  nhận, không ký, cũng không nói gì. Người của công ty đến thương  lượng, ông cũng không nói gì. Quá hạn ngày quy định ông phải  dời đi, cán bộ làng đến đầy nhà, ông  cũng không nói gì. 

Tất cả đều lắc đầu ra về và bất  lực buột miệng: “Đúng là… bí hiểm  như Sõng Vành!” 

Sáng sớm ngày cưỡng chế, lực  lượng công an đổ bộ xuống phủ  xanh cả vườn cây huyết giác và bao  quanh nhà Sõng Vành. Một xe máy  ủi, một xe xúc lù lù tiến vào. Người  ta tiến hành cưỡng chế, phá dỡ nhà,  nhổ bỏ huyết giác… 

Ngay lúc ấy, Sõng Vành xuất  hiện trước cửa nhà cùng với một  chiếc hòm đỏ lòm lòm. Ông đặt cái  áo quan ấy xuống giữa cửa, với tay  cầm cây rựa quéo bén ngót lên, hai  mắt trừng trừng nhìn về phía trước.  Những cán bộ công an dạt ra, dạt  ra, dồn ùn chỗ đoạn đường dẻ lún,  dồn ùn ra vườn cây huyết giác thân  đầy vết thương đỏ sậm màu máu  và lá tua tủa như gươm chỉa thẳng  lên trời… Hai tài xế xe ủi, xe xúc lập  cập nhào xuống đất, chạy rớt dép  không dám quay lại nhặt. Chẳng  biết Sõng Vành chuẩn bị từ lúc nào  mà có cái hòm đỏ trong nhà vậy cà?!  Càng thắc mắc tôi càng thấy người  làng Bô có lý khi truyền tai nhau  câu thành ngữ: Bí hiểm như Sõng  Vành! 

Lúc ấy, tôi đứng ở nhà mình  nhìn sang và nghĩ thầm, nghĩ thầm  thôi, không dám nói ra: Sõng Vành  bị dồn tới đường cùng! Giờ thì  không phải “lấy vết thương” nữa  rồi, giờ-thì- không – phải – “lấy-vết thương” – nữa-rồi… 

Tôi ở làng Bô tôi biết! 

N.H

Leave a Reply

Your email address will not be published.