Tác phẩm “Những Kỳ vọng Lớn Lao” của Charles Dickens

Tác phẩm “Những Kỳ vọng Lớn Lao” của Charles Dickens

Charles Dickens (07/02/1812 – 09/06/1870) là tiểu thuyết gia và nhà phê bình xã hội người Anh. Ông đã tạo ra nhiều nhân vật hư cấu được nhiều người biết đến và được coi là nhà văn nổi tiếng nhất thời đại nữ hoàng Victoria. Dickens thường được ca ngợi vì khả năng kể chuyện, trí nhớ của mình, và được nhiều người yêu mến. Nhiều tác phẩm Dickens xuất bản chủ yếu dành cho thiếu nhi và mang tính chất hiện thực. Sang thế kỷ 20, thiên tài thể hiện qua các tác phẩm bất hủ của ông đã được các nhà phê bình và các học giả thừa nhận. Những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn của Dickens tiếp tục được phổ biến rộng rãi.

Charles Dickens là con thứ 2 trong gia đình có 8 người con của John và Elizabeth Dickens. Cha của ông là một nhân viên bán hàng trong Văn phòng Thanh toán của Hải quân và đã nhờ Christopher Huffam, một người đàn ông đáng kính và là người đứng đầu của một công ty danh tiếng, làm cha đỡ đầu của Charles. Khi Charles 5 tuổi, nhà ông chuyển đến một thành phố nhỏ cách London không xa. Lúc Charles lên 10 tuổi, vì cha ông gánh nặng nợ nần chồng chất, không có khả năng trả lại, đã bị tù giam.  Từ đó, Charles phải làm thợ phụ tại xưởng chế tạo xi đánh giày để nuôi sống gia đình. Ít lâu sau, nhờ ông được thừa kế gia tài của gia đình họ hàng, cha ông đã ra tù. Từ đó, Charles tiếp tục con đường học hành của mình

Vào năm 1842, ông đã dành nửa năm để đi du lịch nước Mỹ, và trở về với tác phẩm “Ghi chép về nước Mỹ”, vạch trần chính sách phân biệt chủng tộc, thủ đoạn đê hèn của chính quyền và báo chí Mỹ thời đó. Không chỉ như vậy, ông từng giữ chức Tổng biên tập tờ tin “Tin hàng ngày” vào năm 1846, với niềm hi vọng đem lại hạnh phúc cho mọi người qua bài viết. 

Cuốn tiểu thuyết thứ 13 của Charles Dickens có tên là “Những kỳ vọng Lớn lao”, được xuất bản vào năm 1861. Cuốn tiểu thuyết này vẽ lên bức tranh về một vùng đầm lầy ở nước Anh, nơi cậu bé mồ côi Pip đã sống bất chấp nghèo khó ở lò rèn. Số phận của Pip đã dẫn cậu tới những cuộc gặp gỡ kỳ lạ với một tên tù trốn trại, với một bà già giàu chôn mình trong dinh thự, và cô nàng Estella, sắc đẹp của nàng chỉ có thể so sánh với sự kiêu ngạo của nàng. Ở giữa những cuộc gặp gỡ đấy là một điều hứa hẹn phi thường: Pip sẽ được thừa kế một gia tài khổng lồ từ một người ẩn danh, và gia tài này sẽ cho phép cậu bước chân vào giới quý tộc như hằng mơ ước. Khi kể về hành trình của Pip từ vùng nông thôn lầy lội ảm đạm đến những con phố nhộn nhịp của London, Dickens cũng đồng thời thuật lại một câu chuyện về tội lỗi và trừng phạt, tài sản và đạo đức, mất mát và tình yêu. 

Tạp chí Nhà văn và cuộc sống xin trích đăng một chương trong tiểu thuyết của ông:

Chương 1

Họ của bố tôi là Pirrip, còn tên thánh của tôi là Philip, nhưng cái lưỡi còn bé của tôi chỉ có thể phát âm cả hai thành một chữ Pip. Vậy nên tôi tự gọi mình là Pip, rồi dần dà mọi người cũng gọi tôi là Pip.

Tôi đoán Pirrip là họ của bố tôi dựa vào bia mộ của ông và vào chị tôi, bà Joe Gargery, chị đã kết hôn với người thợ rèn. Vì tôi chưa bao giờ biết mặt bố mẹ mình, cũng chưa bao giờ được thấy chân dung của họ (vì hai người đã qua đời từ lâu trước khi người ta phát minh ra nhiếp ảnh), nên những hình ảnh đầu tiên tôi tưởng tượng về vẻ bề ngoài của họ đều xuất phát một cách vô căn cứ từ bia mộ của hai người. Hình dáng những chữ cái trên bia mộ của bố tôi khiến tôi có một suy nghĩ kỳ lạ rằng ông là người vai rộng, rắn rỏi, ngăm ngăm với mái tóc xoăn đen. Từ đặc điểm và nét lượn của dòng chữ, “Và cả Georgiana vợ của người ở trên”, tôi đi tới kết luận thật trẻ con rằng mẹ tôi xanh xao ốm yếu lấm chấm tàn nhang, về phần năm tấm bia nhỏ, mỗi tấm dài chừng một foot rưỡi được xếp thành một hàng chỉn chu cạnh mộ phần của bố mẹ tôi, để tưởng nhớ năm anh trai nhỏ của tôi, tất cả đều đã từ bỏ quá sớm nỗ lực giành sự sống trong cuộc vật lộn trần thế, tôi hàm ơn họ cái niềm tin hằng ghi khắc một cách sùng kính là tất cả các anh đều sinh ra nằm ngửa với hai bàn tay đút vào túi quần, và đến tận trạng thái tồn tại này vẫn chưa bao giờ rút tay ra.

Quê chúng tôi là một vùng đầm lầy ven sông, chạy theo những khúc uốn quanh co của con sông, cách biển chừng hai mươi dặm. Ấn tượng sống động và rõ ràng đầu tiên tôi có được về đặc tính của sự vật dường như là vào một buổi chiều rét căm căm không thể nào quên, gần sẩm tối. Vào một thời điểm như thế tôi đã phát hiện ra chắc chắn rằng chốn cô tịch lạnh lẽo đầy những bụi tầm ma mọc tua tủa này là nghĩa địa nhà thờ; và Philip Pirrip, con chiên quá cố của giáo khu này, cũng như Georgiana vợ ông, đều đã chết và được chôn sâu trong mộ; và Alexander, Bartholomew, Abraham, Tobias cũng như Roger, năm đứa con sơ sinh của họ, cũng đã chết và nằm yên dưới đất; và khoảng không gian hoang vu bằng lặng tối sẫm nằm phía bên kia nghĩa địa, với những bờ kè, đê, cửa cống cắt ngang cắt dọc, lác đác gia súc đang tìm cái ăn, là đầm lầy; còn dải thấp màu xám chì nằm phía sau nó là con sông; và chốn hoang vu xa tít từ đó những cơn gió lồng lộng đang thổi vào chính là biển cả; còn cái đùm bé xíu đang run lẩy bẩy, càng lúc càng thấy sợ tất cả những thứ đó và bắt đầu khóc, là Pip.

“Nín cái tiếng ồn của mày lại ngay!” Một giọng nói khủng khiếp gắt lên khi một người đàn ông vụt đứng dậy từ giữa những ngôi mộ nằm một bên cổng nhà thờ. “Yên nào, thằng quỷ con, không thì tao cắt cổ!”

Một người đàn ông đáng sợ, mặc toàn một màu xám tồi tàn, chân đeo một cái xiềng sắt to. Một người đàn ông không đội mũ, đi giày rách, một cái khăn cũ như tấm giẻ quấn quanh đầu. Một người đàn ông vừa bị dầm trong nước, dìm trong bùn, khập khiễng vì đá, sây xước vì vật sắc, sưng vù vì cọ phải tầm ma, quần áo bị gai thạch nam làm rách mướp; một người đàn ông tập tễnh, run rẩy, mắt long lên, miệng gầm gừ; và răng ông ta va lập cập khi ông ta chộp lấy cằm tôi.

“Ối! Ông đừng cắt cổ cháu, ông ơi,” tôi kinh hãi van xin. “Xin ông đừng làm thế.”

“Nói cho tao biết tên mày!” người đàn ông ra lệnh. “Nhanh!”

Leave a Reply

Your email address will not be published.