Tản văn Nguyễn Hoàng Thu

Home NHÀ VĂN Góc nhìn nhà văn Tản văn Nguyễn Hoàng Thu
Tản văn Nguyễn Hoàng Thu

Vài nét về tác giả:

Tác giả Nguyễn Hoàng Thu (1945 – 2024) sinh ra tại Phan Thiết. Ông từng viết văn, làm báo cho các tờ báo, tạp chí có uy tín như: Trình Bày, Đối Diện… tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1971 tờ Đối Diện in truyện ngắn Người bắt ruồi của ông, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cũng in lại truyện ngắn này năm 1972. Sau khi chuyển về Tây Nguyên, ông là phóng viên đại diện báo Thanh Niên.

Tác giả Nguyễn Hoàng Thu đã gửi tới tòa soạn tạp chí Nhà văn & cuộc sống một số tác phẩm. Chúng tôi chọn đăng tản văn này để giới thiệu cùng bạn đọc.

TÌNH NGƯỜI TÌNH RỪNG

Tản văn Nguyễn Hoàng Thu

Có niềm vui nào hơn rừng Tây Nguyên xanh lại, sông suối từ thượng nguồn cao về bến nước buôn làng, đầy đặn êm đềm giữa đôi bờ tươi tắn lành lặn ngàn cây. Từng tháng năm qua, rừng lụi tàn buồn xa vắng cánh chim bay và bước chân thú đó đây. Bao giờ rừng cây xanh lại, rừng lồng lộng xanh màu đưa đẩy môi trường sống trong lành nơi nơi, gợi mở lối về cho đàn chim thú cùng rừng cùng người cộng hưởng niềm vui sống bên rừng cây bến nước buôn làng…

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá gần cạn kiệt, từng tháng ngày qua lùi xa dần hàng ngàn bến nước buôn làng các dân tộc bản địa Xê Đăng, Bahnar, Jơ Rai, Êđê và M’Nông nhiều đời qua sống kề cạnh thân thương rừng cây xanh sông suối đầy đặn trên địa bàn vùng cao miền núi các tỉnh Tây Nguyên. Một Trường Sơn – Tây Nguyên rộng lớn, lá phổi xanh trong lành của đất nước bị tàn phá từng đêm ngày bằng lưỡi cưa tay cưa máy, không thương tiếc những cánh rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng bảo tồn sinh thái quốc gia… bởi những bàn tay ham hố lòng dạ tham lam, móc nối nhau buông lỏng cửa rừng cho hàng vạn cây già bóng cả bị chặt hạ lấy gỗ quý đó đây từng đêm ngày…

Ngày đầu xuân tôi trở lại thăm làng dân tộc M’Nông bên dòng suối Đắk Mơ vơi cạn nước giữa đôi bờ nhấp nhô đồi nối tiếp đồi xác xơ trần trụi lá dưới bầu trời xanh lồng lộng gió. Già làng Đắk Mơ vui trên khuôn mặt đen đúa nhăn nheo, đôi mắt và nụ cười gần gũi thân tình khi ông nhận ra tôi – người khách năm nào đến với bon làng M’Nông bên bến nước đầy đặn trong xanh, đã uống cùng ông từng ly rượu nồng thơm hương nếp mới bên bếp lửa củi nhà sàn trong đêm trăng sáng tôi ở lại với làng nhân ngày lễ hội mừng lúa mới. Gái trai làng vui mắt nhìn nhau trong phút giây nhớ lại những ngày cùng lên nương rẫy, chung tay chung lòng, gặt hái xong mùa màng thơm hương lúa vàng về với nhà nhà bên bến nước buôn làng Đắk Mơ… Người người M’Nông bừng thức niềm vui sống biết ơn đất trời sông suối nương rẫy vùng đồi, có thêm mùa lúa mới, có thêm tình người tình rừng cộng hưởng niềm vui sống tốt tươi yên lành bên nhau…

Tiếng cồng chiêng mừng lúa mới ngân vang nhịp nhàng với giai điệu thanh thoát gởi gắm lòng người gần gũi đồng cảm sâu đậm với thiên nhiên xanh qua hai mùa mưa nắng Tây Nguyên. Đến nay tôi còn nhớ tiếng cồng chiêng thiêng liêng mang niềm vui tình nghĩa ấy được đưa đẩy hài hòa ngân lên từ bàn tay đôi mắt chất chứa tâm hồn của những nghệ nhân làng Đắk Mơ vùng đồi cao nguyên M’Nông…

                                        **

Trở lại làng dân tộc M’Nông sau nhiều năm sống chung đụng nơi thị thành bề bộn bon chen, tôi nghe lòng thanh thản khi ngồi với gia làng Đắk Mơ bên bếp lửa củi trên căn nhà sàn năm nào. Khuôn mặt già làng hao gầy hơn qua năm tháng với nét buồn vương vất đâu đây mà đôi mắt ông vẫn trong trẻo lấp lánh tình người. Rồi đôi mắt già làng chợt buồn xa xôi khi tôi khơi gợi thở than sông cạn rừng tàn, không riêng ở vùng đồi Đắk Nông từ chân dãy núi cao Tà Đùng đến dòng thác lớn Buk So, mà cả Tây Nguyên mênh mông đầy sông dài rừng rộng núi cao cũng chịu chung tình cảnh sông cạn rừng tàn. Sau phút giây nín lặng, già làng buông giọng nói tiếc thương như nức nở mà lòng không nặng nề oán hờn thù ghét ai chặt hạ cây rừng, kể cả màu xanh tốt tươi lành lặn vùng đồi làng Đắk Mơ mấy năm qua cũng khô khốc lụi tàn..

Rời làng Đắk Mơ trong trời chiều chưa tắt nắng, trên đường về thành phố, trong lòng tôi còn lưu lại khuôn mặt buồn chân chất hồn hậu và lời thở than nuối tiếc của già làng: Trước đây, bước chân xuống cầu thang nhà sàn là đụng rừng, người người vui nhìn chim thú bay nhảy chuyền cành, làng một bên rừng một bên… Hôm nay, đi cả ngày đường không thấy bóng cây xanh, làng buồn không còn rừng, chim thú cũng buồn bỏ đi xa…                          

Leave a Reply

Your email address will not be published.