Đỗ Nguyên Thương
Dương Hướng nhà văn thành danh trong nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn là một trong ba tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Dương Hướng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. “Bến không chồng” là một tiểu thuyết đặc sắc của ông, nói về nỗi đau của dân tộc nói chung và thân phận đàn bà nói riêng do chiến tranh để lại. Hôm nay, mặc dù chiến tranh đã lùi xa 50 năm và tác phẩm cũng đã ra ra đời cách chúng ta hơn ba mươi năm nhưng không ai không xúc động khi đọc lại hoặc nghe lại trên Podcast.
Tiểu thuyết xây dựng trên bối cảnh làng Đông – một làng quê được đặc tả với những nét văn hóa điển hình của không gian Bắc Bộ, với nét đặc trưng từng đi vào ca dao quen thuộc như mái đình, cây đa, bến nước, lũy tre làng… Trong những ngày miền Bắc hối hả vừa lo xây dựng nông thôn vừa chi viện cho chiến trường, làng Đông không ngoại lệ.
Câu chuyện về người làng Đông in hằn dấu ấn trong tâm trí người đọc bởi sức ám ảnh thật lớn. Mở đầu cuốn tiểu thuyết là hình ảnh nhân vật Nguyễn Vạn – trai làng Đông, sau những ngày tháng ra trận, mang theo thương tích và huân chương về làng, với niềm tin trong sáng, cùng bà con vực dậy nỗi đau sau chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế trong hòa bình và sống cảnh đời an vui, thanh bình bên những người thân thương như anh em, họ hàng, làng xóm. Nhưng rồi, hiện thực trái ngược hoàn toàn so với suy nghĩ ban đầu của anh. Khát vọng không thành, hạnh phúc cá nhân không có, cuối đời, do vô thức, trong lúc say rượu lại bị cuốn theo cảm xúc của Hạnh mà Nguyễn Vạn không biết đó là Hạnh (là đứa bé anh coi như con đẻ và trái ngang thay, anh từng thầm yêu mẹ của Hạnh mà không dám tỏ bày và không dám kết duyên). Sự việc xảy ra trong cơn say, do Hạnh chủ động, để có đứa con gái với Hạnh đã là một trong những cơn chấn động tâm lý dẫn đến kết cục anh phải tự vẫn. Chắc hẳn, khi đó anh mang theo thông điệp, mình chết đi để nhường hạnh phúc cho Hạnh với Nghĩa, bởi đó là đôi trẻ anh yêu thương như con đẻ. Vạn biết, Hạnh cố tình gặp Vạn để có đứa con trong đêm say định mệnh ấy, như là một cách giải tỏa oan ức, Hạnh không vô sinh như nhà chồng nghi ngờ; Hạnh tìm ông Vạn vì thương cả đời ông hy sinh cho đất nước, cho dân làng mà chưa được biết một khoảnh khắc hạnh phúc lứa đôi vì luôn phải lấy lý trí đè nén cảm để “giữ gìn hình ảnh”.
Vạn là nhân vật phức hợp đa chiều, có khi mạnh mẽ như mãnh hổ, khi lại yếu đuối như sên. Có khi cứng nhắc khô khan giáo điều, có lúc lại mềm lòng như trẻ thơ. Anh đích thực là đàn ông nhưng khi không ngã vào lòng mụ Hơn thì từng bị mụ nghi ngờ có vấn đề về giới tính. Anh từng hy sinh một phần tuổi xuân và xương máu tại chiến trường, về làng cũng có công với làng, với xã, với dòng họ nhưng nhiều khi không được anh em ghi nhận. Vì vậy, nhân vật này thật đáng thương.
Tác phẩm còn nhiều nhân vật đáng thương khác nữa, mấy cụ họ Nguyễn đáng thương vì hủ tục lạc hậu ăn sâu vào máu thịt, sự mê tín dị đoan khiến họ nhiều lúc bất chấp cả tình người để hành xử thiếu nhân tính. Âu họ cũng là nạn nhân của hủ tục lạc hậu truyền đời.
Những đôi trái gái không yêu được nhau hoặc mạnh mẽ hơn thì phải bỏ làng ra đi khi họ yêu nhau mà vấp phải lời nguyền của đời cụ, kỵ… rằng hai họ Nguyễn và Vũ có thù, không thể kết đôi.
Nhưng, thương nhất là số phận những người phụ nữ trong tác phẩm này.
Nhân vật Hạnh, đẹp người, đẹp nết, chuẩn mẫu phụ nữ Việt Nam theo tiêu chuẩn khắt khe, phẩm chất tốt, hình thức tốt, đẹp nhưng lại bất hạnh, từng chịu oan trái, chịu nỗi đau chia ly và khi đoàn tụ lại không thể có con với người chồng mà mình trọn đời yêu thương. Nguyên nhân đến từ Nghĩa, chồng của Hạnh, người gắn bó với Hạnh từ tuổi thơ, lớn lên yêu nhau say đắm, tình yêu mãnh liệt khiến họ dũng cảm “Bước qua lời nguyền” nhưng chính Hạnh lại mang tiếng không sinh được con trong một thời gian khá dài. Nhà văn Dương Hướng dùng nhiều trang văn đặc tả nhân vật Hạnh với khát vọng hạnh phúc và tâm nguyện sinh con trai nối dõi cho gia đình nhà chồng. Nhiều câu chữ nói về khát khao, sự kìm nén, sự nhẫn nhịn, đức hy sinh của nhân vật Hạnh. Và nhân vật này không được thi vị hóa rằng cuộc đời toàn bích, vẹn tròn thủy chung… như mẫu phụ nữ trong chiến tranh (thời kỳ văn học trước đổi mới – thời kỳ văn học bị chi phối bởi khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn). Có lẽ bởi hậu chiến, nhân vật gần với đời thường hơn, Hạnh không còn vẹn toàn, lung linh nữa khi cô cố tình gặp Vạn (người Hạnh coi như bố nuôi, người đã có thời gian nuôi Hạnh, người yêu mẹ Hạnh mà “hèn” không dám vượt qua định kiến cố hữu) để có một đứa con với Vạn.
Nhân vật Dâu khát khao hạnh phúc, khát khao cháy bỏng và phồn thực, kìm nén cảm xúc, để rồi có lúc phải nói ra suy nghĩ rằng đã ân hận khi không trao thân cho người mình yêu trước khi người yêu ra trận. Dâu chờ đợi người yêu vò võ để rồi cuối đời cô độc, đi chùa, buông bỏ khát khao…
Nhân vật Thắm chan chứa một khát vọng yêu mãnh liệt, nhiều người theo đuổi, mặc dù đã có chồng nhưng không có tình yêu và cô đã có con với chàng lính pháo binh, kết quả của cuộc tình vụng trộm vội vã, rồi lại dằng dặc xa cách, chờ đợi mãi cuối cùng thành mẹ đơn thân, nuôi con một mình.
Nhân vật Cúc đã nhận lễ rồi lại trả trầu cau, không lấy anh Thành thương binh vì không vượt qua được nỗi sợ hãi mỗi khi nhìn khuôn mặt biến dạng của Thành do chiến tranh để lại thương tích nặng nề. Và rồi, sau cùng lại chọn cuộc đời làm lẽ một người cao tuổi đáng tuổi cha, tuổi chú.
Nhân vật người mẹ của Nghĩa khổ vì chồng tự vẫn, vò võ đợi con, mất vì bệnh tim do lo nghĩ nhiều quá nên suy sụp, sinh bệnh và ra đi ôm theo nỗi buồn thăm thẳm vì con trai bà không thể có con, ông bà không có người nối dõi.
Người mẹ của nhân vật Hạnh (bà Nhân) khổ vì hầu như cả cuộc đời đơn thương độc mã trong hành trình nuôi con, chờ chồng, chờ con ra trận và người chồng hy sinh khi còn rất trẻ, sau đó, lần lượt hai người con trai nối bước cha, ra chiến trường và hy sinh! Khổ vì kìm nén cảm xúc, biết tình yêu của “chú Vạn” mà không dám đón nhận. Khát khao hạnh phúc mà không dám đến với hạnh phúc vì sợ “ô danh vợ liệt sỹ”, sợ dị nghị và đặc biệt, sợ miệng tiếng thị phi…
Các bà cô, bà thím của Nghĩa cũng khổ vì hủ tục của làng quê, khổ vì chiến tranh, khổ vì mê tín dị đoan …
Trong tiểu thuyết “Bến không chồng”, nhà văn, không chỉ khắc họa những nhân vật cam chịu hoặc gắng để cam chịu theo sự đưa đẩy của số phận mà còn có những nhân vật tưởng chừng như dám sống cho cá nhân mình như em gái ông Đục Chủ tịch xã, như “mụ Hơn”… nhưng họ cũng đều có nỗi khổ riêng.
Trong cuốn tiểu thuyết này, không một cuộc đời đàn bà nào hoàn hảo. Chiến tranh khiến họ cơ nhỡ, lỡ dở, đánh vật với nỗi khát thèm hạnh phúc cá nhân chân chính. Và, hủ tục khiến họ phải kìm nén cảm xúc để rồi, thanh xuân qua đi, đến già vẫn không được nếm mùi hạnh phúc hoặc không được sống trọn vẹn với tình yêu chân chính.
Có nhà phê bình văn học đã gọi “Bến không chồng” là bức tranh thê lương thời hậu chiến. Vâng. “Bến không chồng” là một tiểu thuyết nói về nỗi đau nhưng lại không, hoàn toàn không mang sắc màu tiêu cực hay bi lụy! Nó gợi lên sự thương cảm xót xa. Nó thể hiện sâu sắc nỗi buồn do chiến tranh để lại và do hủ tục lạc hậu của làng quê xô đẩy, bóp nghẹt, thậm chí nhấn chìm con người vào màn đêm đen tối và khổ đau. Giá trị của tiểu thuyết nằm ở sự nhân ái, ở giá trị nhân đạo khi tác giả đau đến tận cùng với nỗi đau và thân phận của người phụ nữ, xót xa trước những bất hạnh mà họ gặp phải trong cuộc đời.
Việt Trì, 15/3/2025
Đỗ Nguyên Thương