Bài & ảnh: Nguyễn Gia Long (TP. Hồ Chí Minh)
Những năm gần đây, sầu riêng không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, mà loại “vua trái cây” này còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, khi năm 2023 thu về khoảng 2,3 tỷ USD, và năm 2024 là khoảng 3,3 tỷ USD. Khi sầu riêng được giá và là mặt hàng có giá trị, nó cũng đồng thời khiến người nông dân “làm bạn” với loại cây trồng này không chỉ thoát nghèo mà trở nên giàu có. Nhiều gia đình ở vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, có nguồn thu từ sầu riêng lên tới tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng trong 1 năm. Vâng, việc trái sầu riêng có giá trị kinh tế cao khi giá bán lên tới trên, dưới 150.000 đồng/1kg, thậm chí gần 200.000 đồng/1kg, trong những năm gần đây ai cũng từng biết tới, bởi vậy mà không chỉ những người nông dân đang có vườn sầu riêng cho thu hoạch muốn mở rộng diện tích trồng nhiều lên; mà những người nông dân đang trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế thấp, thấy vậy họ cũng chạy đua chặt phá để trồng sầu riêng! Thực tế là gần chục năm trở lại đây, trào lưu chặt phá tiêu, điều, cà phê, cao su, bơ… ở một số địa phương để trồng sầu riêng diễn ra khá phổ biến, bởi ai cũng mong muốn kiếm tiền tỷ nhanh chóng từ những vườn sầu riêng, khi đến kỳ cho thu hoạch. Vì thế mà diện tích trồng sầu riêng ở nước ta đã gia tăng chóng mặt, khi ở thời điểm hiện tại đã là khoảng 150.000 héc ta; trong khi theo “quy hoạch” tới năm 2030 diện tích cây sầu riêng ở nước ta đạt khoảng từ 65-75.000 héc ta, nghĩa là diện tích đã tăng gấp đôi so với quy hoạch của tương lai 5 năm tới!
Có một tin không vui với những người trồng sầu riêng, cũng như xuất khẩu sầu riêng ở nước ta trong thời gian gần đây, khi mà trái ngược với đà tăng của giá hồ tiêu, cà phê, thì sầu riêng bước vào mùa vụ tại Miền Tây đã giảm tới 60 – 70% so với cùng kỳ năm ngoái, khi hiện giá chỉ còn 45-60.000 đồng/kg. Nguyên nhân là xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường chiếm trên 90% tổng kim ngạch sầu riêng Việt Nam – siết chặt nhập khẩu sầu riêng nước ta do các vướng mắc về chất lượng, thương hiệu sản phẩm, và các quy định kiểm định mới, nên số lượng không tiêu thụ được nhiều. Ngoài ra, như đã nói việc những năm gần đây diện tích sầu riêng tăng nhanh không kiểm soát do giá trị kinh tế cao, vì vậy mà sản lượng sầu riêng thu hoạch nhiều theo kiểu “cung” vượt “cầu”, cũng là nguyên nhân gây ứ đọng, rớt giá!
Nhưng, như chúng ta đều biết, không giống như các cây trồng ngắn ngày, sầu riêng cần phải trải qua một khoảng thời gian khá dài, tới dăm bảy năm, thậm chí cả chục năm vun trồng chăm bón mới cho thu trái. Và việc người nông dân ồ ạt trồng nhiều sầu riêng là sẽ khó lòng tránh được cảnh rớt giá. Có thể giờ đây sầu riêng mới chỉ là thời kỳ “bắt đầu” của rớt giá, nhưng ai mà dám chắc được một vài năm nữa, giá sầu riêng không còn có thể “đứng” được ở mức 45-60.000 đồng/kg như hiện tại, mà biết đâu nó có thể rớt thê thảm xuống 15-20.000 đồng/kg(?!), vì các lý do như: ngưng trệ xuất khẩu, sản lượng sầu riêng quá nhiều, diện tích tăng không kiểm soát… lúc đó người nông dân “làm bạn” với cây sầu riêng chắc chắn sẽ không thể vui được. Để cây sầu riêng không rơi vào thảm cảnh… “sầu chung”, thiết nghĩ ngoài việc các nhà xuất khẩu cần tìm đầu ra thông qua nhiều bạn hàng tại các nước trên thế giới, thì người nông dân ở nước ta cũng cần hết sức thận trọng với việc mở rộng diện tích loại cây trồng này. Các gia đình hãy đừng chạy đua làm kinh tế theo kiểu trào lưu, mà hãy kiên định với các cây trồng mình đã có trong vườn, rẫy. Bài học từ cây tiêu, điều, cà phê, khoai lang, thanh long… của quá khứ cũng từng rơi vào thảm cảnh rớt giá, chắc chắn vẫn còn chưa cũ, vì vậy người nông dân cần phải tính toán thật kỹ trước khi mở rộng diện tích sầu riêng ở thời điểm hiện tại, để tránh sa vào vòng luẩn quẩn: trồng – chặt; chặt – trồng!