Truyện ngắn – Y Nguyên
Văn Sĩ Lành đang có dự định giết vợ. Một dự định tỉnh táo, nghiêm túc và sáng suốt. Ấy là thói quen của Lành. Anh làm việc gì cũng tỉnh táo, nghiêm túc và sáng suốt. Lai lịch nhân thân của Lành – ghi trong hồ sơ cảnh sát sau này – được tóm tắt như sau:
Họ tên: Văn Sĩ Lành
Tuổi: 30
Trình độ: Tiến sĩ
Chuyên ngành: Vật lí lí thuyết
Chức vụ: Chuyên viên Viện Khoa học
Lai lịch gia đình: Không tham gia cách mạng; không làm việc cho địch
Lai lịch bản thân: Thuộc thế hệ @ (nói gọn). Từng du học ở Nga; Từ Nghiệp ở Anh, Pháp, Mĩ, Đức…
Tư cách đạo đức:
-Trước khi giết vợ: Tốt
-Sau khi giết vợ: Còn đang xem xét
V.v…
Vậy là rõ. Văn Sĩ Lành – Tiến sĩ vật lí lí thuyết – nghĩa là anh có thói quen và tác phong của một nhà khoa học!
Tại sao anh Lành phải giết vợ?
Vì yêu! Quá yêu vợ!!
Đó là kết luận sau cùng của các nhà Tâm lí học, Tội phạm học. Một kết luận làm rúng động xã hội, làm chao đảo thế giới các cô gái trẻ có tình nhân và các bà vợ đang được đức lang quân yêu quí, cưng chiều. Hậu quả: lực lượng các bà các cô chia làm 2 phe. Phe cá tính vội vàng cắt đứt (nói theo ngôn ngữ thời thượng thì là: goodbye!) với những người đàn ông họ từng gắn bó, yêu thương. Phe yếu mềm tạm thời còn quan hệ, sống chung – nhưng luôn ngay ngáy trong tâm trạng cảnh giác, đề phòng!
Các quí ông cưng phụ nữ bị phụ nữ cảnh giác đã đành; nhưng mà chưa thôi. Sẵn trớn, các bà các cô còn cảnh giác luôn với các đấng mày râu làm việc tại Viện khoa học. Càng cảnh giác hơn đối với các cán bộ, chuyên viên ngành vật lí – đặc biệt là bộ môn vật lí lí thuyết!
Còn đám đàn ông thì sao?
Họ nguyền rủa Văn Sĩ Lành thậm tệ. Không chỉ đám đàn ông từng yêu thương, chiều chuộng phụ nữ. Còn có cả các đồng nghiệp khoa học – từng một thời suy tôn Tiến sĩ vật lí Văn Sĩ Lành như biểu tượng của đức độ, tài năng. Đức độ gì! Tài năng gì! Họ căng óc, cố nhớ từng biểu hiện,cử chỉ, hành vi quá khứ của Văn Sĩ Lành – và lập tức phát hiện ra hàng trăm, hàng ngàn chi tiết đồi trụy, tha hóa, yếu kém hoặc đáng nghi! Đơn từ khiếu nại, tố cáo bay như bươm bướm tới cơ quan điều tra. Một ông Viện phó còn cần mẫn đáp xe về tận quê Văn Sĩ Lành thẩm tra lí lịch 3 đời họ Văn xem có chỗ nào man khai…
Mà thôi; ấy là những hậu quả (hay hệ quả) về sau – lúc Văn Sĩ Lành đã trở thành chó, thành lợn, thành cục cứt. Ấy là lúc Văn Sĩ Lành đã giết xong vợ. Còn giờ đây, anh Lành chỉ mới dự định giết vợ. Dự định – mang tính phiếm chỉ một hành động thuộc thì tương lai – có nghĩa rằng nó chưa xảy ra. Có nghĩa rằng giờ đây anh Lành vẫn còn y nguyên là Tiến sĩ vật lí Văn Sĩ Lành tốt nghiệp ở Nga tu nghiệp ở Đức Mĩ Pháp Anh một chuyên viên trẻ của Viện ta giàu tài năng và đức độ!
Vậy, anh Lành đã giết vợ… quên; đã dự định giết vợ và chuẩn bị cho dự định ấy như thế nào?
Ấy lại là một câu chuyện dài. Một câu chuyện tuyến tính – nghĩa là phải kể có đầu đuôi.
Đầu tiên, anh Lành mua căn nhà nhỏ ở một vùng quê (nhà quê; lại là quê hẻo lánh – so với hầu bao dân thành phố – thì rẻ như bèo!). Một vùng quê nghèo; nhưng phong cảnh đẹp: có đồi, có sông; và sót đâu một vạt rừng (lại chuyện như thần thoại!) còn khá nguyên sơ. Anh biết vợ anh yêu thiên nhiên (người thành phố nào chẳng yêu thiên nhiên?). Thì anh mua cho nàng mà lại! Nàng không muốn sống cùng anh. Nàng muốn lìa bỏ anh. Nàng bảo: tôi chán lắm…
Ngót mấy tháng trời, anh Lành hì hục vẽ kiểu. Một kiểu nhà nghỉ nông thôn thật ấn tượng (thường thấy trong phim) – nghĩa là có mái chóp đỏ, có lan can gỗ, hàng rào gỗ. Mảnh vườn nhỏ trồng hoa, cây cảnh, xích đu và những vạt cỏ xanh. Cái đồ án thiết kế ấy anh mang đến cơ quan. Tranh thủ vào giờ nghỉ, giờ ăn (anh Lành dứt khoát không bao giờ bỏ bê việc; không bao giờ ăn bớt giờ giấc cơ quan) anh vẽ. Anh tính toán – tỉ mỉ, chi li…
Và – khi đã tính toán xong – anh chạy vạy bạc tiền, thuê thợ thi công, biến đồ án thành hiện thực!
Công trình thi công của Tiến sĩ vật lí Văn Sĩ Lành được đám thợ nhận thầu khá “trúng” – nghĩa là giá cao. Nhưng hợp đồng có một yêu cầu sinh tử; ấy là tính chính xác; tuyệt đối chính xác! Đám thợ tưởng bở đã “biết mùi lễ độ” ngay từ những mét tường xây đầu tiên. Một viên đá móng lệch vị trí ư; một viên gạch vênh ư; nửa phân hồ tô dư ư – allez; không nói lôi thôi; tháo dỡ, làm lại! Sai một li đi một dặm; ấy là kinh nghiệm làm khoa học của anh Lành. Anh tôn trọng khoa học. Anh vận dụng những thành quả khoa học, những kinh nghiệm khoa học, những xác tín khoa học bằng một tác phong cực kì khoa học. Nhà anh xây cho vợ anh – nghĩa là những chuẩn mực, kích thước của nhà phải tính trên cơ sở chuẩn mực kích thước của vợ anh. Ví dụ, nàng cao 1m585; vậy thì kích thước các cửa phòng, cửa trước, cửa sau đều phải cao 1m785 – đúng 1m785! Ấy là kích thước tối ưu cho vợ anh. Tâm lí học hiện đại đã nghiên cứu kĩ lưỡng – và xác định rằng: cảm giác thoải mái maximum của con người bước qua cửa chỉ có được khi chiều cao cửa vượt chiều cao người 0m20. Cũng tương tự vậy, những lối đi rải sỏi trong vườn, anh bắt thợ thi công chiều ngang đúng 1m55. 1m05 – ấy là chiều ngang đo được khi anh và nàng cặp tay dạo bước song đôi. 0m50 dùng dự phòng; có thể nàng nổi hứng bất chợt mời người thứ 3 – hay lúc cãi nhau, nàng có thể buông tay anh, có thể rời xa một khoảng cách đủ minh chứng cho nguy cơ chiến tranh mà vẫn chưa dẫn đến nguy cơ dẫm lên vệ cỏ…
Mua sắm đồ đạc nội thất, anh Lành còn tính toán chặt chẽ hơn nữa:
-Giường ngủ: dài 1m785. Rộng 1m55. Cao 0m48
-Bàn trang điểm: 3 hộc. Dài 1m. Rộng 0m65. Cao 0m723. Khoảng cách từ gương đến mép bàn là 0m39 (khoảng cách lí tưởng để nàng qua sát dung nhan; không nhòe, không khuất!)
-Vòi sen tắm: dùng vòi sen Hi tech có đường kính lỗ phun 0,5mm (không làm hại da). Mắc cách tường 0m02. Cao 1m80 (so với nền phòng tắm sau khi lát gạch). Hướng phun vòi sen tạo với nền một góc 60o (hay 30o – nếu tính theo phương thẳng đứng của tường)
V.v và v.v…
Đám thợ thi công mướt mồ hôi với cái gói thầu bở ăn của Tiến sĩ vật lí Văn Sĩ Lành. Thi công những chi tiết chính xác dường ấy (đa phần) đòi thợ có tay nghề bậc cao. Bậc cao thì lương cao. Còn hàng trang trí nội thất (đương nhiên) phần lớn là hàng đặt; bởi không thể tìm đâu ra trên thị trường “hàng chợ” những kích thước oái oăm như Tiến sĩ Lành đòi hỏi.
Thời gian thi công tăng gấp đôi.
Giá cả hàng nội thất tăng gấp đôi.
OK. Tiến sĩ vật lí Văn Sĩ Lành OK tất. Thà chậm hoàn hảo còn hơn nhanh thiếu sót. Thà tốn kém cho một sản phẩm chất lượng còn hơn tiết kiệm cho một sản phẩm tồi. Quan điểm ấy, thói quen ấy đã thấm vào máu thịt Văn Sĩ Lành qua nhiều năm lăn lộn cùng các công trình khoa học (Cái đồ án nhà ở cho nàng kia; anh cũng xem nó như một công trình khoa học).
*
Một năm.
Và công trình thi công xong.
Và Tiến sĩ Văn Sĩ Lành sạch túi.
Không sao. Đó là định luật bảo toàn và chuyển hóa của Lomonosov. Từ cơ sở Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi… có thể hiểu rộng ra: tiền bạc không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Với Tiến sĩ vật lí lí thuyết Văn Sĩ Lành, cái quan trọng là thành tựu. Đồ án đã thành tựu; ấy mới cái đáng ghi nhận. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Tinh thần khoa học chấp nhận hi sinh tất cả vì thành tựu. Đương nhiên, anh Lành đã có thể gật gù hài lòng, xoa xoa đôi bàn tay trắng. Căn nhà của anh (quên; của vợ anh) hiện lên khang trang, đẹp đẽ; và quan trọng là chuẩn xác – cực kì chuẩn xác!
Giai đoạn 1 của dự định giết vợ xem như hoàn tất.
Văn Sĩ Lành tạm nghỉ xả hơi.
Anh tạm nghỉ xả hơi để tái tạo năng lượng, phục hồi nguyên khí. Kinh nghiệm khoa học dạy anh rằng: làm việc liên tục sẽ dẫn đến quá tải. Quá tải gây mệt mỏi. Mệt mỏi gây trì độn – nghĩa là trí óc không còn khả năng xử lí công việc một cách tỉnh táo và sáng suốt. Anh Lành dứt khoát không bao giờ chấp nhận những hành vi không tỉnh táo, không sáng suốt. Dứt khoát! Mà giai đoạn 2 của dự định – nghĩa là giai đoạn tiến gần đến thành tựu – luôn đòi hỏi các nhà khoa học như anh phải tuyệt đối tỉnh táo, tuyệt đối sáng suốt. Sai một li không còn đi một dặm mà đi đến mười dặm. Ấy là kinh nghiệm xương máu của anh! Nàng thờ ơ nhìn ngôi nhà chuẩn xác thoải mái tiện nghi, buồn bã lắc đầu Vẫn còn thiếu…. Thiếu gì, anh mua? Thiếu… một người đàn ông. …?! …Nhưng… không phải anh! (thở dài, im lặng). Thôi, anh đừng phí sức vào ba trò ngốc nghếch nữa. Chẳng cứu vãn được gì đâu. Chia tay thôi. Em mệt mỏi quá rồi. Em van anh…
Nàng không hiểu. Quả thực nàng không hiểu anh. Thật tội nghiệp. Thật dễ thương. Tiến sĩ vật lí lí thuyết Văn Sĩ Lành suýt bật cười (và anh càng thấy yêu nàng hơn!). Nàng đánh giá hơi thấp chỉ số IQ của anh. Nàng tưởng căn nhà anh xây để lấy lòng nàng, để níu kéo tình yêu của nàng (những trò dớ dẩn của lũ đàn ông hạ đẳng!) chăng? Không; anh không cần. Anh không cần tình yêu của nàng. Nàng yêu anh hay không – mặc kệ! Mình anh yêu nàng; thế là đủ. Anh yêu nàng; nghĩa là anh có bổn phận phải hi sinh, phải tạo dựng những gì – theo anh – tốt đẹp và cần thiết nhất cho nàng. Nàng không hiểu. Hoặc (có thể) chưa hiểu. Anh không trách nàng. Đó là số phận của anh; số phận của những tài năng, những chuyên gia đầu ngành với các công trình, dự án mang tầm vóc vĩ mô, vượt trước thời đại. Rồi nàng sẽ hiểu; anh tin chắc thế. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Và – để đạt tới cứu cánh – cần có thời gian…
Cái thời gian ấy, theo tính toán của Văn Sĩ Lành, đến ngày 30 tháng 5 năm 2005 là thích hợp.
Tại sao thích hợp? Có 2 lí do: một, 30/5/2005 là tròn kỉ niệm 5 năm ngày cưới của vợ chồng Tiến sĩ vật lí Văn Sĩ Lành – hai, 1/6 là ngày tòa án chính thức mở phiên tòa xử vụ án li hôn (cả 2 bên đều kí đơn) giữa Văn Sĩ Lành và vợ.
Theo báo cáo chính thức của cơ quan điều tra; lịch trình các sự kiện chính diễn ra đến ngày 30/5 như sau:
28/5: Văn Sĩ Lành tranh thủ giải quyết nốt các công việc tồn đọng ở cơ quan.
29/5: Văn Sĩ Lành thu xếp gọn ghẽ, chỉn chu giấy tờ, sổ sách vào ngăn kéo. Khóa. Gửi chìa khóa cho phòng thường trực. Sau đó, lên gặp Viện trưởng xin nghỉ phép đột xuất.
30/5: Văn Sĩ Lành đưa vợ về căn nhà chuẩn xác thoải mái tiện nghi cho nàng ở quê.
*
Họ đã thỏa thuận nhau: sẽ sống chung một ngày một đêm nơi tổ ấm anh xây cho nàng trước khi ra tòa. Phải, trước khi ra tòa – vĩnh viễn chia tay! Nàng khóc. Anh dỗ dành nàng. Một cách bình tĩnh. Anh biết mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Linh cảm khoa học báo anh biết mọi sự hoàn tất tốt đẹp. Không có gì đáng khóc.
Mọi sự quả rất tốt đẹp. Nàng ra vào thoải mái qua các cánh cửa. Nàng tắm rửa thoải mái dưới vòi sen Hi tech. Nàng ngồi thoải mái vào bàn trang điểm. Và đến chiều, trước khi ăn cơm, họ thoải mái cầm tay nhau dạo qua những lối đi rải sỏi trong vườn…
Bữa cơm chiều có rượu. Nàng khóc (lại khóc!) và uống. Uống đến say. Văn Sĩ Lành cũng uống; nhưng không say. Lượng rượu cần thiết để gây hưng phấn mà không làm hư khả năng tỉnh táo, sáng suốt đã được anh tính toán kĩ càng: đó là một cốc Johny Walker black label – cộng thêm một phần ba chiều cao tính từ đáy cốc!
Nàng gục mặt xuống bàn. Hình như nàng đã ngủ thiếp.
Mọi sự quả rất tốt đẹp. Còn tốt đẹp hơn trong kế hoạch, hơn anh tưởng tượng. Anh có thể bồng nàng vào giường mà không phải dùng đến cốc nước cam pha thuốc ngủ. Nước cam pha thuốc ngủ – đó là chi tiết tồi nhất trong dự định vĩ mô của Tiến sĩ vật lí lí thuyết Văn Sĩ Lành. Chi tiết ấy mang tính lừa dối. Khoa học cần trung thực; không chấp nhận yếu tố ngụy biện, lừa dối. Tạ ơn trời. Sự ngẫu nhiên (không phải chủ ý) đã giúp anh loại khỏi bản kế hoạch cái chi tiết kém đẹp kia một cách ngoạn mục. Nàng là vợ anh. Là người sống suốt đời với anh. Anh yêu nàng. Anh không muốn lừa nàng…
Văn Sĩ Lành bồng vợ vào phòng ngủ; đặt vợ nằm ngay ngắn trên chiếc giường mang những chuẩn mực lí tưởng về kích thước. Anh nhẹ nhàng đẩy nàng vào vị trí cách 0m40 tính từ mép giường trong. Xong, anh đi nhúng khăn ướt lau mặt mũi; dùng lược chải tém gọn ghẽ tóc tai nàng. Trong hộc bàn có đồ trang điểm. Văn Sĩ Lành bôi cho nàng một lớp kem dưỡng da; sau đó phủ thêm chút phấn hồng để che đôi gò má xanh xao. Và một tí son. Và vài nét chì lên mi mắt. Không đến nỗi tệ. Anh xoa xoa tay, mãn nguyện nhìn ngắm cái dung nhan gần như toàn hảo của nàng. Gần như toàn hảo. Được lắm. Mĩ học là một phạm trù tương đối. Mĩ học không phải khoa học; không thể đòi hỏi những tiêu chí tuyệt đối như khoa học. Nàng thích làm đẹp. Nàng luôn chú ý chuyện làm đẹp. Nàng tối kị chuyện xuất hiện trước người khác (kể cả anh) với một dung nhan nhếch nhác, trễ tràng…
Điều ấy gây cho anh không ít khó khăn trong việc lựa chọn phương thức giết nàng!
Súng ư? Máu sẽ loang ra, vấy bẩn giường nệm, thân thể, quần áo. Kinh tởm lắm. Súng còn có nguy cơ chấn động, gây vỡ các tấm kính hay (do bất cẩn) làm hư các vật dụng chuẩn mực nơi những vị trí chuẩn mực trong phòng.
Bóp (hay thắt) cổ ư? Chiếc cổ 3 ngấn trắng muốt của nàng sẽ in những vết lằn do tay (hay dây) để lại. Xấu lắm. Chưa kể mặt nàng có thể phù lên (do tụ máu), hay lưỡi thè ra. Vả chăng, kiến văn khoa học cho anh biết: người bị nghẹt thở, trước khi chết thường có xu hướng bài tiết những thứ khó ngửi ra ngoài. Nếu thế thì vô cùng tệ hại!
Chỉ còn một phương thức khả thi là thuốc ngủ. Nhưng phương thức ấy (như đã nói trên) tồi ở chỗ mang tính lừa dối. Hơn thế, bây giờ – căn cứ theo theo tình hình thực tế – nó đã bất khả thi; bởi anh không thể cho nàng uống thuốc ngủ trong khi nàng đang ngủ…
Nhưng không sao. Tiến sĩ vật lí lí thuyết Văn Sĩ Lành là một con người cẩn trọng. Anh đã chuẩn bị đầy đủ phương án dự phòng cho mọi tình huống.
Anh moi từ túi ra chiếc lọ nhỏ. Dùng một ống syringe (khử trùng cẩn thận) anh hút đúng 5cc thứ nước không màu trong lọ. Lật cổ tay nàng, anh cẩn thận dò tìm tĩnh mạch. Tuyệt thật; tác dụng của Johny Walker làm các mạch máu phồng căng; không cần buộc ga rô!
Bằng một động tác chính xác, anh nhẹ nhàng đâm xiên mũi kim một góc 30o vào dây tĩnh mạch phập phồng, xanh xanh. Nàng rùng mình khẽ; nhưng không thức giấc. Giữ cánh tay nàng cố định, anh bơm thuốc chậm rãi, từ tốn đến giọt cuối cùng.
Cũng bằng tác phong giống hệt, anh tự rút, tự tiêm cho mình chỗ thuốc còn lại.
Vứt cả lọ (cái lọ sau này được thu thập làm vật chứng, ghi vào biên bản điều tra: Acid Cyanhidrid HCN; dung dịch 10ml), cả syringe vào giỏ rác, anh ngả người nằm xuống, ngay ngắn bên nàng. Chỗ nằm anh cách mép ngoài giường 0m40.
Trong cơn mụ mị, anh thấy cả nàng, cả anh, cả căn nhà chuẩn xác thoải mái tiện nghi anh dành cho nàng rời khỏi mặt đất; từ từ bay lên cao. Cao, cao hơn nữa là một quầng sáng. Chói lọi. Vĩnh cửu.
Nơi ấy, chắc chắn là ngưỡng cửa Thiên Đường. Văn Sĩ Lành biết thế – bởi Thiên Đường luôn cao và sáng.
Và luôn có đủ sáng suốt cho mọi người khi đã bước vào trong…
Y.N